tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
tin & thư
chi tiết bản tin
 

Song Thu (Việt Nam, 05/02/2004): "Triết lí" trong bài TUỲ BÚT của Vi Thuỳ Linh.

Khi một nhà thơ chưa cảm thấy thoả mãn ở vị trí nhà thơ, mà khao khát làm một triết gia ba xu và không ngừng nỗ lực làm rõ những thứ triết lí ba xu lởn vởn trong ý nghĩ của mình, thì quả là một tai hoạ cho chính người ấy và thế giới chung quanh người ấy.

Có lẽ không ít người trong chúng ta vẫn thường phải chịu đựng cảnh một nhà thơ nào đó, giữa một buổi nhậu đông người, oang oang gân cổ diễn giải những ý nghĩa triết lí trong một câu thơ nào đó của y (mà chưa chắc những ý nghĩa đó đã được hàm chứa trong câu thơ ấy). Thoạt tiên, câu thơ có vẻ đẹp tự nhiên và giản dị, nhưng sau năm phút gân cổ diễn giải, tác giả của nó đã biến nó thành một thông điệp triết lí ba xu.

Giữa một buổi nhậu thì còn chịu được, vì mặc cho nhà thơ gân cổ đóng vai triết gia ba xu, ta cứ nhẩn nha thưởng thức các món nhắm và tai ta ơ hờ nghe lời diễn giải lông bông như một thứ âm thanh karaoke thoảng qua rồi mất. Chứ khi phải đọc những triết lí ba xu in trên giấy thì thật là khó chịu. Chữ nghĩa phơi sờ sờ ra đấy với những thứ lí sự sáo rỗng hay mòn vẹt, những thứ ý tưởng tự đá nhau lung tung, làm ta ngấy đến tận cổ và lắm khi muốn phát điên lên vì bực dọc. Những lời nói trong bàn nhậu thì nghe oang oang, nhưng khi nhà thơ hết hơi thì chúng biến mất, chứ chữ nghĩa in trên giấy thì cứ nằm ì như thế rất lâu dù ta gạt phăng chúng đi, không thèm đọc đến.

Tôi vẫn thường chịu đựng những thứ triết lí ba xu của nhiều nhà thơ trong những bài phỏng vấn, những tùy bút, và những "tiểu luận" của họ. Những thứ triết lí ba xu ấy nếu nằm chen rải rác trong những bài thơ thì tôi chịu đựng nổi, vì chúng bị làm nhoè đi bởi những hình tượng, âm thanh, tiết tấu thú vị của thơ. Còn khi chúng được phơi bày lồ lộ trong một bài viết bằng văn xuôi thì tôi không thể chịu đựng nổi.

Gần đây, đọc bài "Tuỳ bút" của Vi Thuỳ Linh tôi rất đỗi kinh ngạc. Tôi vẫn xem Vi Thuỳ Linh là một nhà thơ rất khá, với những bài thơ tuy chưa phải là thực sự mới lạ nhưng biểu lộ một mức độ giàu có nào đó trong hình tượng, trong lối liên tưởng, và một sự trôi chảy tự nhiên trong ngôn từ. Nhưng đến khi đọc bài tuỳ bút của cô, tôi không khỏi cảm thấy bực dọc và thấy cô từ vị trí một nhà thơ ngã sóng soài vào vị trí của một triết gia ba xu. Thật là đáng tiếc.

Thiết nghĩ tôi không cần phải phân tích quá dài dòng về những điều cô phát biểu, mà chủ yếu chỉ xin nêu lên một số ví dụ về lối triết lí vụn theo kiểu chân nam đá chân chiêu mà cô đã thốt lên trong cùng một bài viết.

Tôi cảm thấy cái ý tưởng rằng con người sáng tạo là kẻ cô đơn là một ý tưởng đến nay đã quá mòn vẹt đến độ trở thành triết lí ba xu. Bất cứ lúc nào nghe một nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ... hùng hồn thốt lên: "Tôi sáng tạo trong cô đơn", tôi có cảm giác mình đang xem một vở cải lương rất cũ và rất rẻ tiền. Tất nhiên từ ban đầu ý tưởng đó tự nó không rẻ tiền, nhưng sự lập lại lải nhải không ngừng từ người này đến người khác, từ ngày này đến ngày khác, làm nó rẻ tiền, đặc biệt khi người ta chỉ bắt chước thốt lên ý tưởng đó để làm dáng, chứ không thực sự dám sống với ý tưởng đó. Cụ thể là một nhà thơ có thể vừa gào lên "tôi chọn sáng tạo trong cô đơn" và cùng lúc lại khao khát được sự chú ý của đám đông, sung sướng khi thấy thơ mình bán chạy, và ra sức tiếp thị ồn ào bằng mọi phương tiện truyền thông để đám đông luôn nhớ đến mình.

Vi Thuỳ Linh có vẻ gì giống như thế. Trong bài tuỳ bút của cô, có những đoạn cô viết hùng hồn như một nhà sáng tạo cô đơn tách mình ra khỏi đám đông, đối đầu với xu hướng của tập thể, bất chấp sự bất mãn của dư luận, và sẵn sàng sống với sự bất an và tạo nên sự bất an trong cảm nhận thẩm mỹ của người đương thời:

... Với tôi, cuộc đi đẹp nhất trong sáng tạo, là độc mã. Tôi phục những con thú dám tách khỏi bầy, dù nó sẽ gặp nhiều hiểm nguy...

... Dám tách khỏi bầy tự tìm kiếm và khai phá con đường khác, sống khác với xu thế, với đám đông phong trào, để riêng biệt là mình với những lựa chọn của mình, đồng nghĩa với mất dần các mối quan hệ sau mỗi lần gặp họa, sự biến và nhân lên sự cô đơn.

... “Cần phải biết bơi ngược dòng”, phương châm của Albert Camus, tôi sống theo phương châm ấy và chấp nhận trả giá. Kẻ tìm ra điều đúng sớm trước có thể bị tiêu diệt nhưng chân lí thì không.

... Trong tiếng la ó của đám đông, tôi solo. Luôn solo.

Thế nhưng, ở những đoạn khác, ngay trong cùng một bài viết, cô lại để lộ ra một con người sợ hãi trước sự bất an, e ngại trước những điều "xa vời và không tưởng", và bị dày vò bởi những lời đàm tiếu của đám đông:

... Tôi muốn đến một ngày tròn đầy giấc ngủ không mộng mị hoảng hốt, không giật mình thở dốc, không thấy đắng cay trước trang giấy trắng, đến một ngày không bất an.

... Tôi luôn bị ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp người, nên không ước những điều xa vời và không tưởng.

... những lời đồn thổi tai quái, ác nghiệt, sự đày đọa phi lí dồn dập dai dẳng đổ vào tôi, làm tôi mệt mỏi.

Và câu nói sau đây là câu nói của một nhà thơ sợ cô đơn nhất, một nhà thơ khao khát đại chúng nhất:

... Tôi khao khát được hét vang tên Tổ quốc mình, gắn nó với mình và góp phần nhỏ làm Việt Nam được nhắc tới như một danh từ, động từ, tính từ đầy quyến rũ.

Tôi tưởng câu nói trên là của một nhà vận động chính trị, chứ chẳng phải của một "nhà thơ sáng tạo trong cô đơn". Đấy, triết lí ba xu là thế đấy. Để làm triết lí ba xu, người ta cứ nhặt nhạnh những ý tưởng rất kêu từ mồm của văn gia này, chính trị gia nọ, triết gia kia, rồi ghép bừa chúng vào nhau thành một dạng tư duy chân nam đá chân chiêu, và sẵn sàng phát ngôn ầm ĩ bất cứ lúc nào có cơ hội quảng cáo mình.

Dạng tư duy chân nam đá chân chiêu như thế này dàn trải khắp bài viết của Vi Thuỳ Linh. Người đọc có thể thấy ngay cô vừa hô hoán: "Trong tiếng la ó của đám đông, tôi solo. Luôn solo", nhưng cô lại khăng khăng chọn đứng ngay giữa đám đông và nói theo giọng của đám đông. Về chuyện sex, chẳng hạn, cô tuyên bố:

... Tôi ghê tởm những kẻ đồng tính và chuyện sex của họ. Đó là sự bệnh hoạn. Hà Lan và vài quốc gia chấp nhận chuyện đó – đó là sự nguy hại, làm nhiễu loạn thế giới.

Lời tuyên bố này rõ ràng đến từ một đám đông hết sức lạc hậu và thiếu thông tin. Nhà thơ hiển nhiên không biết gì đến những thay đổi quan trọng trong cái nhìn của con người đương thời trên thế giới đối với người đồng tính luyến ái. Không những nhiều nước trên thế giới đã thực sự tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của người đồng tính luyến ái, mà ngay cả nhiều tôn giáo cũng đã thay đổi cái nhìn. Sau khi phải đương đầu với vô số những cuộc tranh đấu dữ dội, nhiều giáo xứ thiên chúa giáo Anh quốc đã chấp nhận linh mục đồng tính luyến ái (cũng như đã chấp nhận linh mục nữ giới).

Ở Việt Nam tất nhiên đa số quần chúng vẫn chưa biết tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của người đồng tính luyến ái, nhưng "trong tiếng la ó của đám đông", đáng lẽ nhà thơ Vi Thuỳ Linh phải "solo, luôn solo", chứ tại sao lại hùa theo?

Con người solo đúng nghĩa là con người luôn luôn đứng một mình bên ngoài đám đông, dù là đám đông chính trị hay đám đông tôn giáo. Con người solo không sợ sự cô đơn, không sợ đám đông trút những khổ ải lên thân phận mình.Thế nhưng, nhà thơ solo Vi Thuỳ Linh lại tuyên bố:

... Tôi đã vào đạo Thiên Chúa, với tên thánh Teresa, một tất yếu, một khát vọng được cứu chuộc và giải thoát khỏi sự bủa vây của những nỗi khổ và cô đơn dằng dặc. Khi con người còn cần đến tôn giáo và muốn đẻ con để tiếp nối sự sống của mình, tức là con người vẫn đầy cô đơn và yếu đuối.

Vi Thuỳ Linh tự cho mình là "solo", "luôn solo", và khẳng định "tôi không bao giờ đánh mất mình". Nhưng cùng lúc ấy cô lại tuyên bố:

... Tôi không trông cậy vào con người, và như hàng triệu người khác, tôi trông cậy vào sự chở che của đấng siêu nhiên. Để được gột rửa và sống thánh thiện, hướng thượng, để giữ lại tôi bằng đức tin trọn vẹn vào Chúa.

Đã trao đức tin trọn vẹn vào Chúa, mà không bao giờ đánh mất mình ư?

Cũng trong mạch văn đầy rẫy những ý tưởng lộn xộn, chắp vá, tự mâu thuẫn ấy, Vi Thuỳ Linh tuyên bố:

... Tôi ước được làm một người đàn bà bình thường.

Rồi ngay lập tức, cô lại tuyên bố:

... Và làm đàn bà hay làm thơ, tôi đều muốn làm mới và lạ.

... Tôi không muốn những bài thơ bình thường vì nó không bao giờ tạo ra sự đột biến, cuộc cách mạng.

... Con người cần biết trở thành một kỳ quan trước khi tiếp tục xây dựng những kỳ quan. Tôi là một kỳ quan.

Đã "ước được làm một người đàn bà bình thường", đã vào đạo Thiên Chúa để tránh "những nỗi khổ và cô đơn dằng dặc", đã mang "đức tin trọn vẹn vào Chúa", đã hùa theo đám đông để "ghê tởm những kẻ đồng tính", đã "muốn đến một ngày tròn đầy giấc ngủ không mộng mị hoảng hốt, không giật mình thở dốc, không thấy đắng cay trước trang giấy trắng, đến một ngày không bất an", đã "không ước những điều xa vời và không tưởng"..., thì sao lại còn "muốn làm mới và lạ", còn muốn "tạo ra sự đột biến, cuộc cách mạng", còn muốn "trở thành một kỳ quan"?

Kỳ quan? Thật sao? Hay phải hiểu chữ "kỳ quan" là "cảnh tượng kỳ cục"? Vâng, khi chứng kiến một nhà thơ khoác áo triết gia ba xu, tuyên bố những điều chắp vá lộn xộn bất kể tự mâu thuẫn như thế, ai mà chẳng thấy đó là một cảnh tượng kỳ cục?


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021