tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Người đẹp trong tranh  [đối thoại]

 

“Nếu bạn có thể thưởng lãm tác phẩm nghệ thuật như nó cống hiến cho đời
thì cũng đừng quên chia sẻ những khổ đau, hệ lụy của người hoạ sĩ.”
Paul Gauguin (1848-1903)

 

Nói về hội hoạ miền Nam có một cái kẹt. Cái kẹt đó là người ta quen đánh giá nó bằng con mắt mỹ thuật của Âu Châu. Nhìn lại hội hoạ miền Nam trong khoảng 1958-1968 là thời gian hưng thịnh nhất của nó, chúng ta vẫn thường được thấy (và nghe) nào là ấn tượng, biểu hiện, dã thú, lập thể... trong khi đó thì tại các quốc gia đã khai sinh ra nó, các trường phái này đã yên nghỉ trong nghệ thuật tạo hình của họ từ lâu. Ông Võ Đình hình như một lần nào đó có nói cái ảnh hưởng muộn màng này là do ở mấy ông thầy Tây đem sang trường mỹ thuật “của ta” vậy. Mặt khác, chúng ta cũng có thể ước đoán rằng nền hội hoạ của ta đã tiếp xúc quá trễ các luồng sinh hoạt nghệ thuật ấy qua sách báo Âu Châu, thường là từ Pháp, mới được thu nhập vào miền Nam sau này, sau 1955, mà dường như cũng chẳng riêng gì trong hội hoạ! Đầu thập niên 60, nghe bàn về triết lý của Sartre, của Camus, của Sagan... mà muốn bể cái đầu!

Tuy nhiên, trong hội hoạ chúng ta cũng có những ngoại lệ hiếm hoi mà ở đó Thái Tuấn là một. Bằng phương tiện của hội hoạ Tây Phương như sơn dầu, ông đã diễn tả Đông Phương một cách trầm lặng, u mặc, thâm sâu nhất của nó.

Một lần tôi đến thăm người bạn để được xem một bức tranh của Thái Tuấn, không rõ nhan đề là gì, có lẽ vẽ vào khoảng cuối thập niên 70 hay đầu 80 khi ông còn kẹt ở trong nước. (Đến 1984 Thái Tuấn mới được qua Pháp do con bảo lãnh.) Anh bạn tôi trong chuyến về thăm nhà khoảng đầu 80 đã mua được tác phẩm này. [Xin xem scan của ảnh chụp (mầu) ở phần cuối bài này]

Hình vẽ sơn dầu một thiếu nữ ngồi trên thảm cỏ (?), chân trời ở độ một phần ba phía dưới bức tranh, bố cục cổ điển, vững chắc. Mầu lạnh quen thuộc: đen, xanh da trời đậm và xanh rêu. Rất là Thái Tuấn. Không thể nói gì khác hơn![*] Không biết hoạ sĩ có người mẫu khi vẽ không hay chỉ vẽ theo trí tưởng tượng nhưng người đẹp trong tranh có những tương phản lạ lùng.

Thiếu nữ có tóc dài đến ngang vai, phục sức rất giản dị nếu không muốn nói là tầm thường hết cỡ: Một cái váy dài đen như ở thôn quê miền Bắc thuở xưa (miền Bắc vẫn thường là một đề tài hoài niệm trong tranh của Thái Tuấn cũng như của giới văn nghệ sĩ di cư thời đó) dưới một lớp áo cánh dài tay, tuyệt đối không có một món trang sức nào cả. Khuôn mặt người đẹp, trái lại, không giản dị chút nào: Có chút sửa soạn nhẹ nhàng, môi tô hồng nhạt kín đáo, cái kín đáo muốn nói lên rất nhiều những điều không tiện nói ra... , nét da hơi nhợt nhạt như quá lao động tốt (mà lại thiếu dinh dưỡng!) trong cái xã hội lao động là vinh quang đó. S. Maugham có thể đã không ngần ngại gì mà gọi đó là tái nhợt một cách quý phái!

Cũng như cái khoảng trống trong tranh thuỷ mạc Trung Hoa để dành phần tưởng tượng cho người xem, Thái Tuấn dùng mầu sắc của hậu cảnh để diễn tả và kích thích cảm quan của người thưởng ngoạn nhiều hơn là cho thấy một bố cục lộ liễu. Vấn đề then chốt là cảm nhận. Đường nét và mầu sắc ở đây chỉ là phương tiện để diễn tả tâm cảnh; kỹ thuật đã không dừng lại ở những giá trị nội tại của nó (end in itself) nên không thể phân tích và lý luận như kiểu tranh vẽ trang trí thông thường.

Phải chăng thiếu nữ đó là biểu tượng cho mỹ thuật, cho văn hoá của một miền Nam thất thế, phải chịu cảnh gò bó trong cái giản đơn đến độ khô cằn, nghèo nàn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa?

Nếu cuộc sống của nhân vật tiểu thuyết tùy thuộc vào sự sắp xếp của văn sĩ thì bố cục của một bức tranh cũng không thể nào vượt qua được sự xếp đặt của hoạ sĩ (tiêu biểu như sự xếp đặt chi li của các hoạ sĩ Hoà Lan vào thế kỷ XVII). Vậy mà bức tranh này của Thái Tuấn lại có cái gì gần như không ổn! Thiếu nữ ngồi, tay trái để trên đùi, tay phải chống trên nền đất (hay cỏ), nhưng bàn tay phải chỉ được vẽ có một nửa, không thấy những ngón tay. Muốn tránh cho thấy một cái nhẫn đã tháo ra rồi hoặc mới mang vào đó chăng? Hay muốn ám chỉ bàn tay phải, tay của hành động, ngày nay đành chịu thúc thủ, bất lực trước thời thế? Chỉ có hoạ sĩ mới biết được điều này.

Mà sau cùng hết, biết cũng chẳng làm gì. Đó là một ẩn dụ. Một ẩn dụ làm ta nhớ đến hoài không thôi, như những đôi mắt không có con ngươi trong tranh của Modigliani, như những câu hỏi bỏ lửng trong cuộc đời vì không có câu trả lời, nào cứ phải như trắng với đen, như Goya vẽ nữ hầu tước Alba với ngón tay chỉ thẳng vào hàng chữ Solo Goya (Riêng của Goya)? Đã bảo Đông là Đông, Tây là Tây, không cần phải hỏi Kipling, cứ thả hồn theo tranh của Thái Tuấn thì rõ!

 

Nguyễn T. Long
Viết lại, 28/06/2014.

 

_______________

Chú thích:

[*]Trong 20 năm sống ở ngoại quốc (1984-2005), Thái Tuấn đã chuyển từ mầu tối qua mầu sáng rất nhiều, nhưng sử dụng mầu đen trong sơn dầu, ít người được như ông. Matisse cũng thuộc về số ít hiếm hoi đó.

 

Hiệu đính:

Bài viết này tôi đã gửi đăng trên tập san Chuyển Luân, Úc, (bộ cũ), số 10, 1998 với bút hiệu Áo Lục. Vì một số dữ kiện mới, nay thêm phần hiệu đính trong bản gởi cho Tiền Vệ.

Bức tranh này trong bộ sưu tập của người bạn, ông TTK, ở Tây Đức vào đầu thập niên 80. Xin xem scan của ảnh chụp (mầu).

 

 

Trong cuốn Thái Tuấn - Tuyển tập tranh và tiểu luận do VAALA xuất bản tại Hoa Kỳ, 1996, trang 16 có đăng ảnh (gần) giống bức tranh mà người bạn tôi sở hữu, cho biết là vẽ khoảng 1992, có nhan đề là “Để em làm gió” (xem scan hình đen-trắng như được in trong sách).

 

 

Đây không phải là bức tranh duy nhất hoạ sĩ Thái Tuấn đã vẽ lại một bức tranh cũ của mình, có lẽ dựa theo ảnh chụp.

Trong lịch sử hội hoạ, không ít hoạ sĩ vẽ lại tranh của mình với các nguyên do khác nhau, nổi tiếng như Monet, Degas, O’Keefe... . Khác với đồ hoạ (graphics) như mộc bản, thạch bản, khắc kẽm... là để in lấy nhiều, phổ biến rộng rãi, tranh vẽ, trái lại, tự nó đã có tính duy nhất (unique), nghĩa là độc nhất vô nhị, không thể có hai. Nếu có hai, lại có phân biệt giữa nguyên bản (original) và mô phỏng (reproduction).

Vấn đề về tính đích thực (authenticity) chắc hẳn không cần đặt ra ở đây vì do chính một người vẽ (Thái Tuấn) nhưng lại có chuyện về tính nguyên thuỷ (originality) của bản chính, là bức tranh đầu tiên, kết quả tự nhiên của sự sáng tạo. Bức tranh sau là sự cố gắng để phỏng theo bức trước, mà cái gì đã phải “cố” thì nó không tự nhiên, nó không thật, nó rất gần với cái được gọi là giả!

Sau cùng hết, chính những tác phẩm của hoạ sĩ Thái Tuấn cống hiến cho mỹ thuật Việt Nam qua nhiều thập kỷ mới là cái còn lại và đáng nói về sau này, cũng như chuyện ông tự vẽ lại tranh của mình, cũng là sự thật, vậy thôi.

Tôi có cảm tưởng, cho đi một đứa con làm con nuôi của người khác, cha mẹ nào mà chẳng nhớ xót xa?, huống chi, tranh do tự mình sáng tạo với biết bao nhiêu hoài bão, năng lượng tinh thần ở đó thì có gì khác không? 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021