tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về yêu xứ Quảng  [đối thoại]

 

Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... Từ Chu Lai đổ ra Quảng Trị là cả một vùng đất lên sởi. Không phải lên sởi da beo của chiến tranh, của hiệp định ngừng bắn còn lấn chiếm giành đất, mà lên sởi vì nóng, vì đổ lửa, vì cháy than trong mề mệt các trận nắng. Nắng khô đến cạn kiệt, nhưng trong chính sự khô quắt này bật ra tiếng nói, như tiếng kêu của đất, âm âm, không vang vang mà rậm rị.

Nghe người Quảng nói chuyện, nhìn nước da họ ngăm, ngắm thịt da họ chắc, xương cốt họ cứng cáp, thật đã. Họ như một khối đá vừa bẩy ra từ tháp Chàm, một viên gạch nung còn sót ở thành Đồ Bàn hay lớp gạch đỏ au của tháp Bà... Nhiều người mỉa mai không chất Việt gì đâu, đám Trung là bọn Chiêm Thành, Chăm, Hời, phải Thăng Long mới thuộc đất Giao châu, cũng như Nam kỳ là bọn Thủy Chân Lạp... Tôi không nghĩ vậy, chất Việt hừng hực trong người Trung, dưới lớp da khá dầy, chất Việt nén đến cứng ngắt. Chất Việt ép đến quánh đặc. Có trông thấy những nghĩa trang lộng lẫy trên đất Quảng mới hiểu thấu hết chất kiên nhẫn âm thầm đến chừng nào. Những ngôi mả trên tỷ bạc, nêm chặt giấc mơ “dinh cơ âm phần”. Sống để dạ nhưng chết không đem theo mà phải được thiên hạ nể vì. Thà cực khổ, một đời, nhưng chết phải huy hoàng... Kiên nhẫn đến miệt mài.

Ba miền Nam, Trung, Bắc, khác nhau tách bạch. Nếu giọng nói của người Nam là nước đường thắng, của người Bắc là bát bún riêu nhiều khế tươi, thì giọng nói của người Trung là món mắm còng mặn tím môi, mà ăn với trái vả xanh lại ngon vô cùng. Thức ăn của người Trung, cũng như giọng nói của họ, luôn làm người Bắc và người Nam bất ngờ.

U tôi là người Quảng Nam. U phát âm nặng trịch nhưng tôi lại thấy nhẹ. U chẳng bao giờ phát âm được dấu sắc, dấu ngã, u bỏ dấu nặng tất. Tôi không hiểu vì sao u không phát âm được dấu sắc, mà tôi thích vậy, thích giọng trầm la đà trên mặt đất của u. Tôi quen nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khi anh còn ở Pháp. Dễ đã hai chục năm mà tôi còn nhớ giọng nói của anh, hơi cứng, như bánh đa dễ bể vì giòn, tuy giọng nói của anh không nặng như giọng của u, vẫn mang chất đậm đà của bao người Quảng khác. Dạo đó nhà phê bình chưa “hậu hiện đại”, mà tôi thích vậy, thích anh thuần Việt, thuần chất bia sông Hàn. Ai đã uống bia sông Hàn, vẽ hình con cọp vằn, nhận ra tức khắc bia sông Hàn ngon hơn bia Sàigòn. Vì đậm. Vì mạnh. Còn bia Foster Úc lại nhẹ. Ít vị.

Và cũng tiếc là nhà phê bình không tập uống rượu, vì rượu Bầu Đá của miền Trung mạnh đến vỡ tim. Vì là rượu của đất lửa. Cái kém của rượu Bầu Đá là quá thơm. Rượu ngon không cần quá dậy hương vì sẽ lấn át hương vị của đời sống khi các tửu đồ nhúng môi. Nhưng cái ngon của Bầu Đá là sau khi uống, hương còn đọng trong khứu giác, trên lưỡi, trong mũi, vào bên trong ngấn cổ nồng nàn. Chúng lấn át hết tất cả thật. Lấn át cả buổi chiều còn rượm nắng. Chúng mang nỗi si mê của người Trung muốn vang danh từ sự cằn cỗi của đất. Chúng mang cả sự tham lam nén cho thật nhiều hương.

Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021