tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đôi lời với Hoàng Lan  [đối thoại]

 

Mấy ngày rồi mà chưa thấy có ai đối thoại với Hoàng Lan nên tôi mạo muội góp đôi lời đơn giản. Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước.

Thử đưa ra vài ví dụ:

+ Hoàng Lan: Cùng làm thơ có vị Thiền nhưng thơ Phạm Thiên Thư sang trọng còn thơ Bùi Giáng có khi lại tuềnh toàng...

- Thơ Thiền mà còn có loại “sang trọng” với loại “tuềnh toàng”? Mà thơ Bùi Giáng là “tuềnh toàng” hay sao?

+ Hoàng Lan: Thực ra thơ Thanh Tâm Tuyền được viết theo cách viết “Dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh thời bấy giờ.

- Thơ Thanh Tâm Tuyền sử dụng “dòng ý thức” ở chỗ nào? Cách viết “dòng ý thức” mà sao lại là “của văn chương Hiện Sinh thời bấy giờ”? Khái niệm và thuật ngữ “dòng ý thức” (stream of consciousness) do nhà tâm lý học William James sáng chế từ cuối thế kỷ 19, rồi “dòng ý thức” được ứng dụng vào tiểu thuyết rất sớm bởi những tác giả như Marcel Proust, James Joyce... thì lối viết này có ăn nhập gì tới “văn chương Hiện Sinh thời bấy giờ”?

+ Hoàng Lan: Xin điểm một vài khuôn mặt trẻ: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thuý Hằng, Nguyễn Quang Thiều, Trương Nam Hương, Lê Thiếu Nhơn, Phan Thị Vàng Anh, Trần Ngọc Tuấn...

- Những người này đều ngoài 30 tuổi cho tới ngoài 50 tuổi, sao lại gọi là “trẻ”? Hay vì Hoàng Lan từ hành tinh nào mới tới địa cầu?

+ Hoàng Lan: Thi pháp Hậu Hiện Đại được thể nghiệm thành công hơn ở Văn Cầm Hải. Xin đọc: “Sinh tồn”...

Bài thơ “Sinh tồn” của Văn Cầm Hải có “thi pháp Hậu Hiện Đại” ở chỗ nào? Hay là Hoàng Lan chỉ nói bạt mạng lấy được?

 

Nguyên phần Hoàng Lan trích thơ Việt hải ngoại và bình phẩm về các nhà thơ Việt hải ngoại thì tôi xin miễn bàn, vì quá bị “choáng” trước thái độ hết sức thiên lệch và vơ đũa cả nắm của Hoàng Lan.

 

Cuối cùng thì Hoàng Lan kết luận:

Thơ Việt sẽ đi về đâu? Thơ Việt vẫn sẽ đi về phiá trước bằng những gì đã có (Đường Luật, Thiền, Lãng Mạn, Siêu Thực, Hậu Hiện Đại...) và tiếp tục khám phá thơ thế giới để hội nhập. Có thể chúng ta không sáng tạo được một nền thơ riêng đạt tới tầm vóc toàn cầu, song chúng ta tin rằng sẽ có những nhà thơ đạt tới tầm vóc ấy trong tương lai. Hiện tại chúng ta cũng đã có những nhà thơ có ý chí của người khổng lồ và các thế hệ kế tiếp sẽ vượt lên. Đó là Phạm Thiên Thư. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận hai kỷ lục của Phạm Thiên Thư. Ông là người đầu tiên thơ hóa Kinh Hiền Ngu (gồm 9 quyển, 46 chương), chuyển thể thi hóa thành 12.062 câu thơ lục bát với tên là Kinh Hiền Hội Hoa Đàm, và người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ. Ông cho biết sẽ viết số lượng câu thơ bằng những bộ sử thi của thế giới.

Đọc cái kết luận này xong thì tôi cảm thấy cần phải đi uống một lít nước lạnh để khỏi văng... nước miếng. Thì ra, theo Hoàng Lan, số lượng câu thơ nhiều chừng nào thì tác phẩm bự chừng đó và nhà thơ to chừng đó! Và các nhà thơ Việt Nam nên xắn tay lên để “thơ hoá” những cuốn sách thật dày, dày chừng nào thì mau thành “khổng lồ” chừng ấy! Sau “Từ điển cười” bằng thơ khổng lồ của Phạm Thiên Thư, thì các nhà thơ Việt Nam nên tranh nhau mà viết “Từ điển khóc”, “Từ điển ăn”, “Từ điển ngủ”, “Từ điển ...”, bằng thơ cho thật khổng lồ. Trong vòng chục năm thì văn học Việt Nam qua mặt văn học cả thế giới một cái vèo! Sướng thay!

 

 

---------------

Bài liên hệ:

27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021