tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Chuyện không của riêng ai...  [đối thoại]

 

Những ngày qua (từ ngày 31/5/2010 đến ngày 3 6/2010) Tiền Vệ đăng liên tiếp những bài tranh luận của Ngô Tự Lập và Nguyễn Tôn Hiệt [xin xem các bài liên hệ[*] ở cuối trang này], ngẫm nghĩ một hồi, tôi thấy có những ngộ nhận trong học thuật Việt Nam gần đây đã đến hồi phân giải rõ ràng, tránh lối quy chụp và ảo tưởng.

Ông Ngô Tự Lập chắc hẳn không còn xa lạ gì với thể loại truyện viễn tưởng, dù ít hay nhiều ông cũng từng tham gia biên soạn bộ truyện ngắn “kỳ ảo thế giới” nhiều tập. Xét cho cùng cũng đều có cái huyễn tưởng trong đó. Ở đây, cả Nguyễn Tôn Hiệt và Ngô Tự Lập đều nhầm lẫn giữa tính dự báo trong truyện (tức cái sự kiện làm nên khái niệm) với bản chất quy định loại thể văn học cùng những tiêu chí đặc trưng của nó. Trong bài viết của mình, ông Nguyễn Tôn Hiệt đã hình dung đến điều đó, song giá như ông xoáy sâu đến điều tôi vừa nhắc, có lẽ câu chuyện giữa hai ông đã ngã ngũ từ lâu.

Ông Ngô Tự Lập và một số vị học giả Việt Nam hiện nay đang mắc một căn bệnh kinh niên, có hướng đi vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Các ông đều nôn nóng muốn Việt Nam chạy nhanh cùng phương Tây, do đó đã vô hình quy chụp một cách trắng trợn những điều không thể có ở Việt Nam (nếu không kịp thời thay đổi) và biến học thuật Việt Nam trở thành một “con tắc kè hoa” chạy theo xu thời nhiều hơn là bản chất thực với tinh thần học thuật chính đáng.

Thứ nhất, muốn có nền văn học viễn tưởng thì Việt Nam phải có bối cảnh để hình thành tâm thức của người sáng tạo nên nó. Xét thấy điều này có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại các bài của ông Ngô Tự Lập như “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”... bởi vì điều mà Hồ Chí Minh đặt ra trong Giấc ngủ mười năm xét đến cùng cũng là một hình thức dự cảm (thiên về khả năng tiên tri hơn là hư cấu văn học với những cơ sở tin cậy cho một sự tưởng tượng) và điều này đâu phải đến Hồ Chí Minh mới có, vậy thì những dự báo trong Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi cũng có thể được xếp vào văn học viễn tưởng sao?

Thứ hai, muốn có văn học viễn tưởng thì phải có một thời đại hay trào lưu nghiên cứu và sáng tác về văn học viễn tưởng. Vậy văn học viễn tưởng là gì? Và những cấu thành của nó ra sao? Thử hỏi mấy người Việt Nam biết đến? Hay là nó vẫn lẻ tẻ đăng trên một số tạp chí, dịch của nước ngoài rồi vội xào đi xào lại, ứng dụng một cách khập khiễng dẫn đến lối quy chụp và nhận lầm.

Thứ ba, muốn có văn học viễn tưởng thì phải có một nền khoa học phù hợp để nó có đất mà dụng võ. Vậy nền tảng khoa học của chúng ta là gì? Máy tính ư? Thì nó cũng mới phổ biến được vài năm nay và người ta biết đến nó chỉ với một số chức năng thông dụng, phổ biến. Còn bí ẩn phía sau nó để hình thành nên một tinh thần khoa học mới, một ý thức khoa học đích thực, thử hỏi mấy ai (nhất là dân văn) biết đến. Vậy thì văn học viễn tưởng chỉ là cái mà chúng ta mượn để trang sức, tỏ ra vẻ mình bớt lạc hậu hơn, còn ý nghĩa đích thực với giá trị thẩm thấu và sống trong nó chắc hẳn còn rất nhiều năm nữa. Tương tự, hiện nay văn học hậu hiện đại đang được bàn luận “rầm rộ” ở trong nước, nhiều cuộc hội thảo mở ra nhưng xét đến cùng chúng ta đã giải quyết được gì? Hay là chúng ta cũng chỉ nói lại những gì mà một số dịch giả chuyển ngữ lại của người ta. Chúng ta không có nền tảng hiện thực hậu hiện đại, hay viễn tưởng văn học mà lại cứ nhăm nhăm bàn về nó, chẳng phải là vô ích giống như chuyện “thằng cuội ngồi gốc cây đa” lưu truyền trong dân gian sao? Theo tôi trước khi bàn về văn học viễn tưởng như ông Ngô Tự Lập đặt ra, thì có lẽ nên “đắp đất” cho nền học thuật nước nhà cao dần từng bước đã, rồi hãy bàn về bản chất cũng như ghi danh người khởi xướng lên nó.

Thứ tư, muốn có văn học viễn tưởng thì phải có văn hoá viễn tưởng? Phương Tây sở dĩ nền khoa học của họ phát triển, bởi họ có nền văn hoá viễn tưởng, nó hội tụ những tiêu chí đủ để tư duy phát triển như: lối sống, cách thế suy tư, tính độc lập... Ở phương đông, khi mà lối tư duy vẫn thiên về cảm tính, quy định lối suy tư rườm rà, vậy thì chỉ có những chuyện ma quỷ (kinh dị, chí dị...) là đỉnh cao của lối văn hoá đó, chứ làm gì có cái gọi là văn học viễn tưởng.

Từ những cơ sở trên, chúng tôi muốn đặt ra những vấn đề sau:

Có thể ý nghĩ thường trực trong ông Ngô Tự Lập về mục tiêu muốn xây dựng nền văn học viễn tưởng cho nước nhà là đúng. Nhưng việc ông quy chụp một cách sống sượng như trong các bài viết của ông thì đúng là đáng tiếc, nó không chỉ phá đổ một lối Tây học mà hơn cả, nó ngăn cản ngay bầu không khí văn học thế giới vào Việt Nam. Ông nói Hồ Chí Minh là “cha đẻ nền văn học viễn tưởng hiện đại ở Việt Nam”, hoá ra trước Hồ Chí Minh đã có nền văn học viễn tưởng sao? Vậy mà không có một văn liệu nào ghi lại niềm tự hào đó của văn hoá Việt Nam. Hơn nữa, cứ cho Hồ Chí Minh là “cha đẻ” ra nền văn học viễn tưởng hiện đại, vậy xin hỏi cái “trào lưu” văn học viễn tưởng hiện đại đi đâu rồi? Vì không thể có người thành lập mà lại không có người kế cận, học tập hay phát triển nền văn học đó. Nếu vậy tôi cũng hoàn toàn có thể nói mình là người sáng lập ra nền văn học A, nền văn học B ở Việt Nam. Đó là lối nói tuỳ tiện, thiếu chính xác của ông Ngô Tự Lập. Thực ra những điều ông Ngô Tự Lập nói hiện nay ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm, nhưng nực cười thay lại thường rơi vào những vị học giả Tây học. Phải chăng đó là căn bệnh chung muốn gán ghép hay muốn “pha mực” trên thân hình con tắc kè hoa để nó thêm rực rỡ sắc màu, mà thực chất bên trong là trống rỗng?

Tôi xin đơn cử câu chuyện của hai nhà nghiên cứu triết học, một ở trong nước, một là Việt kiều Đài Loan là ông Dương Ngọc Dũng và ông Trần Văn Đoàn.

Ông Dương Ngọc Dũng trong Đường vào Triết học cho mình là một nhà triết học bởi vì có tư duy triết học. Nếu như câu nói của ông mang sắc thái bóng gió như ông Bùi Văn Nam Sơn về mục đích triết học thì không nói làm gì, nhưng nếu chỉ dừng ở tư duy triết học, mà vội kết luận cho sự hình thành một nhà triết học thì cần đặt lại vấn đề. Nếu nói như ông Dương Ngọc Dũng thì sinh viên học các môn học chính trị Mác - Lê nin suốt bốn năm đại học, vậy thì họ cũng là triết gia sao? Vậy thì hơn 80 triệu dân Việt Nam thì có quá nửa là nhà triết học??? Bởi vì học và được lên lớp là minh chứng có “tư duy” triết học.

Ông Trần Văn Đoàn mất nhiều thời gian để biên soạn cuốn Lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, xét cho cùng để ghi nhận cái học thuật đích thực hay chỉ là sự tôn kính dân tộc một chiều? Bởi thực tế mà xét, chúng ta đâu có nền tảng triết học mà có tư tưởng triết học. Những điều chúng ta lầm tưởng là “tư tưởng triết học” do chúng ta học tập và giao lưu văn hoá với các nước phương Đông và một phần phương Tây mà có, còn bản chất triết học của chúng ta, với tinh thần suy nghiệm thế giới quan, nhân sinh quan thì đâu có. Khi một dân tộc chưa có nền tảng triết học, vậy thử hỏi có lịch sử triết học hay không? Xét cho cùng những gì chúng ta gọi là tư tưởng, đó là do chúng ta biết kế thừa và ứng dụng hiệu quả tư tưởng nhân loại mà thôi. Tôi nghĩ đến bây giờ Việt Nam chỉ có một triết gia duy nhất là Trần Đức Thảo, bởi ông là người phát kiến, có nhân sinh quan, có thế giới quan riêng. Điều này cả thế giới đã thừa nhận.

Nói chuyện ông Ngô Tự Lập mà lan man sang một số lĩnh vực khác thật không phải, nhưng muốn đặt vấn đề với ông Ngô Tự Lập thì phải đặt vấn đề với một số vị học giả Tây học mới công bằng cho ông.

 

Hà Nội, ngày 5 tháng 6 năm 2010

 

 

--------------

[*]

Bài liên hệ:

03.06.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... may quá! / tôi vô học / may quá! / tôi nhờ vô học mà không lươn lẹo / hoan hô bọn vô học! / hoan hô tôi! / nhưng tôi vẫn xin lỗi / những ai / có / học / thật / vẫn không lươn lẹo... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Trong bài “Thêm một lần với Nguyễn Tôn Hiệt”, ông nghè Ngô Tự Lập hùng hồn khẳng định: “Bài viết của tôi là về văn học viễn tưởng, nói đúng hơn là truyện viễn tưởng (mô tả thế giới trong tương lai), chứ không phải là về tính tiên tri (mặc dù tôi có nhận xét rằng 2 tác phẩm của Hồ Chí Minh có tính tiên tri)...” Ông nghè Lập nói vậy là không thiệt thà chút nào. Tại hạ có thể nêu ra bằng chứng rành rành ngay trong bài viết của ông để cho thấy cái không thiệt thà của ông... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Bác Hồ, vị cha già dân tộc, đẻ ra cả một dân tộc còn được, nhằm nhò gì cái “văn học viễn tưởng Việt Nam” ấy, ngài đẻ ra mấy hồi. Đâu cần tiến sĩ Ngô Tự Lập nhọc công chứng minh điều ấy... (...)
 
02.06.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Lẽ ra... / Phải làm cho ra lẽ / Những đứa nào bất nhân / Những đứa nào vô đạo / Những kẻ không có chút con người / Không thương xót ngay cả người mà chúng đang “thánh hoá” ... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Tôi dám cá với quí ông Nguyễn Tôn Hiệt rắng cả tác giả bài viết lẫn người trao đổi với quí ông mấy ngày nay chỉ là một kẻ mạo danh đó thôi. Trò này ở đất này lúc nào cũng thịnh hành (Ngày xưa ngay cả bác Hồ đáng kính của chúng ta cũng đã chẳng từng giả danh người khác để viết bài đăng báo đấy ư?) Sao độ rày quí ông Nguyễn Tôn Hiệt lại có thể mụ mị đến độ mất cảnh giác như vậy kìa?... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Bài viết của tôi là về văn học viễn tưởng, nói đúng hơn là truyện viễn tưởng (mô tả thế giới trong tương lai), chứ không phải là về tính tiên tri (mặc dù tôi có nhận xét rằng 2 tác phẩm của Hồ Chí Minh có tính tiên tri). Có nhiều hình thức tiên tri khác, như sấm hay bói toán, nhưng tôi không bàn ở đây... Tôi nhận định rằng truyện “Con người biết mùi hun khói” in năm 1922 của Hồ Chí Minh có lẽ (tôi nhấn mạnh) là truyện viễn tưởng hiện đại đầu tiên của Việt Nam... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Lẽ ra... / Phải biết ngượng / Vì nói dối quá lâu nên tin luôn mình nói thật / Lẽ ra... / Cứ để ông ấy (tức cụ Hồ) / Sống, làm việc và chết theo pháp luật / Như một người bình thường / Lẽ ra... (...)
 
01.06.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Thưa ông nghè Lập, cái ý chính của tại hạ là thế này: Ông nghè Lập đã vào ban hợp xướng của văn công để ca tụng cái loại văn “tự sướng” của Hồ Chí Minh là “văn học viễn tưởng Việt Nam”! Tại hạ đã nhấn mạnh ý này ở ngay nhan đề bài viết, nhưng ông nghè Lập khéo quá, né một cái vèo... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Có thể ông Hồ là người đầu tiên viết truyện có các chi tiết “mơ ngày toàn thắng”, viết theo kiểu phán đại, hay nổ sảng và... ăn may. Chứ ông ấy có “đẻ” ra cái “văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam” nào đâu. Nói như vậy là hàm hồ... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Chính vì có bác Hồ đã “tiên tri” ra nhiều điều hay ho (có phần quái gở) cỡ đó, nên đám hậu bối cũng được hưởng chút thần công lực. Sau khi đã oanh oanh liệt liệt “giải phóng” SÀI GÒN, đám hậu bối cũng lòi ra tài “tiên tri”, thể hiện qua vài cái tên đường cũng quái gở không kém cạnh... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Sự thật là tất cả các bài ông dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005, trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, đăng trên Tiền Phong. Bài báo cũng được rất nhiều báo mạng đăng lại. Điều này tôi đã viết ở đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”... Ông phê phán tôi đã không nhắc đến Trạng Trình. Nhưng trong bài viết, tôi khẳng định Hồ Chí Minh là cha đẻ của văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam (Ngô Tự Lập nhấn mạnh)... (...)
 
31.05.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Tháng 6-1949, Hồ Chí Minh đã dùng bút danh Trần Lực viết truyện “Giấc ngủ mười năm” để “tiên tri” cái khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!” Sau này, ông lại dùng bút danh Trần Dân Tiên để thần thánh hoá cá nhân “Bác”. Tại hạ tưởng nên gọi cái loại “văn học” này là loại “văn học tự sướng”. Nhưng ông nghè Ngô Tự Lập lại cùng với ban hợp xướng văn công ca ngợi đó là “văn học viễn tưởng Việt Nam” và tôn vinh ông Hồ là “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, thì tại hạ đành bái phục vậy!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021