tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Sự khoa đại vô nghĩa của Hoàng Lan  [đối thoại]

 

Là một giáo viên môn Văn THPT, tôi không khỏi thất vọng khi đọc những bài viết và phản biện của Hoàng Lan. Phải nói ngay là Hoàng Lan đã tự nâng mình quá cao so với sức mình. Qua con mắt của một giáo viên môn Văn, tôi thấy các bài của Hoàng Lan chứng tỏ người viết chỉ ở trình độ của một học sinh THPT bình thường, hoặc kém, nhưng Hoàng Lan lại cố đóng vai một nhà lí luận phê bình chuyên nghiệp và đã để lộ ra những lỗ hổng rất kì cục trong lí luận. Tôi in các bài của Hoàng Lan ra cho các bạn đồng nghiệp xem thì tất cả đều phì cười, ngao ngán.

Khỏi phải bàn tới những kiến thức sai lệch của Hoàng Lan về văn học đương đại mà những người khác đã chỉ ra, tôi xin nói ngay về những cái gọi là “luận điểm” mà Hoàng Lan tự hào là không ai phản bác nổi! Ở cuối bài “Những người biết đùa”, Hoàng Lan đã thách thức nhà thơ Nguyễn Đăng Thường:

“Xin ông hãy phản bác vài luận điểm sau đây xem, tức là ông chứng minh ngược lại, để chỉ ra rằng HL nói sai.
 
1. Nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy (Vạn Hạnh Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư...) đạt tới nghệ thuật Thiền độc đáo cả trong tư tưởng và hình tượng.
 
2. Tuy vậy các nhà thơ cũng có động cựa nhất định để thoát ra ảnh hưởng của thơ Đường. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng những câu Lục ngôn trong một bài Thất ngôn. Những nhà thơ khác Việt hoá thơ Đường bằng cách đem chất liệu thiên nhiên, đời sống tâm tư tình cảm con người Việt Nam vào thơ, đưa thơ gần gũi với đời sống nhân dân.
 
3. Cái tôi tâm trạng là hạt nhân trung tâm. Ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc, trong Thơ Mới khác hẳn thơ Đường trước đó. Thơ Mới đã đem đến cho bầu trời thi ca Việt Nam nhiều ánh sáng lạ (thí dụ Bích Khê, tập Tinh Huyết, 1939).
 
4. Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương đại.
 
5. Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phía trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới.”
 

Cả 5 đoạn trên đây đều không có gì đáng gọi là những “luận điểm” không-ai-phản-bác-nổi, mà thực ra chỉ là những kiến thức phổ thông ở trường trung học hay là những câu phán khoa đại và vô nghĩa.

 
HL: “1. Nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy (Vạn Hạnh Thiền Sư, Không Lộ Thiền Sư, Mãn Giác Thiền Sư...) đạt tới nghệ thuật Thiền độc đáo cả trong tư tưởng và hình tượng.”

Đây là một câu rất kì cục và vô nghĩa. “Nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy đạt tới nghệ thuật Thiền”? Phải nói là “nhiều bài thơ Thiền của các vị ấy đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thơ Thiền” thì mới đúng. Vì cụm từ “đạt tới nghệ thuật Thiền” là cụm từ vô nghĩa trong văn cảnh này.

“Nghệ thuật Thiền” thì khác với “nghệ thuật thơ Thiền”. Nếu muốn biết “nghệ thuật Thiền” là gì, thì xin đọc cuốn sách nổi danh The Art of Meditation của thiền sư Matthieu Ricard (bản dịch của Lê Việt Liên, Nxb Thời Đại, giá bán: 44.000 đồng).

“Nghệ thuật Thiền độc đáo cả trong tư tưởng và hình tượng” lại càng là một câu kì cục, vì “nghệ thuật Thiền” không nhắm tới sự “độc đáo” trong tư tưởng, và không dính dáng gì tới “hình tượng”.

 

HL: “2. Tuy vậy các nhà thơ cũng có động cựa nhất định để thoát ra ảnh hưởng của thơ Đường. Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sử dụng những câu Lục ngôn trong một bài Thất ngôn. Những nhà thơ khác Việt hoá thơ Đường bằng cách đem chất liệu thiên nhiên, đời sống tâm tư tình cảm con người Việt Nam vào thơ, đưa thơ gần gũi với đời sống nhân dân.”

Đây hoàn toàn không phải là một “luận điểm” của Hoàng Lan, mà chỉ là một kiến thức phổ thông ở cấp trung học. Tất cả các sách giáo khoa môn Văn lớp 10 từ trước tới nay đều đã nói rõ điều đó và nêu ra các ví dụ cụ thể từ Ức Trai Di Tập của Nguyễn Trãi và Bạch Vân Quốc Ngữ Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chẳng hạn trong phần “Hướng dẫn ôn tập” học kì 1 (xem bản trên internet), học sinh đã được học thuộc lòng: “Đặc sắc nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Trãi: bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn vào bài thơ thất ngôn.” Chẳng hạn trong đề kiểm tra học kì 1 (năm học 2009-2010) ở Trường THPT Nguyễn Huệ, Phú Yên, ở phần đáp án cũng ghi rõ câu này (xem bản trên internet).

Trong các sách giáo khoa môn Văn lớp 9, học sinh cũng đã được giảng dạy rành mạch về sự Việt hoá thơ Đường. Một cách ngắn gọn, học sinh học thuộc lòng “Về thể thơ: Sử dụng thơ Đường luật một cách dung dị, Việt hoá thơ Đường theo hướng dân gian hoá.” (có thể xem tài liệu trên internet)

 

HL: “3. Cái tôi tâm trạng là hạt nhân trung tâm. Ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc, trong Thơ Mới khác hẳn thơ Đường trước đó. Thơ Mới đã đem đến cho bầu trời thi ca Việt Nam nhiều ánh sáng lạ (thí dụ Bích Khê, tập Tinh Huyết, 1939).”

Đây cũng hoàn toàn không phải là một “luận điểm” của Hoàng Lan. Ở cấp trung học, học sinh đã được giảng dạy về điều này. Đây là một kiến thức đã được phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Thử vào “Bách khoa toàn thư mở”, ở mục “Phong trào Thơ mới (Việt Nam)”, thì ta có thể thấy kiến thức này đã được giảng giải rành mạch:

Khuynh hướng chung của thời kỳ Thơ mới những năm 1930-1945 là khuynh hướng lãng mạn, là lý tưởng thẩm mỹ cái “tôi” của tác giả, thẩm mỹ hóa cái cuộc sống rối ren, tơi bời của xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến và là tâm trạng buồn sầu, ưu uất, lạc lõng giữa vòng đời.
 
Tính khuynh hướng của nghệ thuật lãng mạn rất đa dạng, có khi lãng mạn, mộng mơ, ai ca, thần bí, anh hùng, triết học, cũng có khi lãng mạn anh hùng, lãng mạn công dân hay lãng mạn xã hội,... Nhưng nét bao trùm chủ nghĩa lãng mạn là mộng mơ. Các nhà thơ muốn thoát khỏi những điều kiện ngột ngạt của xã hội bảo hộ thời thơ mới bằng cách tưởng tượng, trốn vào trong cái thế giới vô cùng lý tưởng ấy. Đối với chủ nghĩa lãng mạn, chỉ có cái gì khác thường, khác người, khác đời, và sự đối lập giữa mộng và thực là đáng kể. Trong hoàn cảnh mất nước, sống giữa cái xã hội hủ lậu, ngột ngạt ấy thì sự đối lập là dễ hiểu.
 
Trong văn học thời kỳ này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân; thơ mới là thơ của cái “tôi”, một cái “tôi” chưa bao giờ được biết đến trong thơ cổ điển. Cái “tôi” bấy giờ không làm việc “tải đạo” nữa mà vượt lên những công thức ước lệ, khuôn khổ định
 
Buồn, cô đơn là tâm trạng của một cá thể thi nhân nhưng lại là nét chung của các nhà thơ trong trường phái này. Đây không phải là một hiện tượng lạ mà do những nguyên nhân khách quan chung. Họ không biết phải làm gì, phải đi theo hướng nào giữa cái xã hội tan tác ấy. Họ cũng không chấp nhận được cuộc sống tầm thường, tẻ nhạt như mọi người xung quanh. Do đó, họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa xã hội.
 
Trong thơ mới có nhiều rạo rực, âu lo, có nhiều khát vọng một cách vội vã, căng thẳng, chính cái mới này đã quyết định sự ra đời của thơ mới.

“Cái tôi tâm trạng là hạt nhân trung tâm” như kiểu Hoàng Lan phát biểu thì chỉ là một mệnh đề khoa đại đến độ vô nghĩa.

 

HL: “4. Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương đại.”

Đây cũng là một câu phán chủ quan chứ không phải một “luận điểm” gì cả. Câu phán này sẽ không trở thành quá lố nếu Hoàng Lan sửa lại thành: “Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là hai thi sĩ trong số những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương đại”. Nhưng ngay cả có sửa lại như thế thì vẫn còn hàm hồ, vì “những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương đại” là những ai thì vẫn chưa có mức thang nào để xác định.

 

HL: “5. Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phía trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới.”

“Một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phía trước” thì không phải là một “luận điểm” của Hoàng Lan, vì điều này có thể áp dụng cho bất kì lãnh vực nào và ở bất kì nước nào. Ví dụ, ta có thể nói: “Nền hội hoạ của Pháp là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phía trước”, v.v.

“Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ” thì quá hiển nhiên, vì bất kì tiến trình nào trong lãnh vực nào và ở đâu cũng “hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ”.

“Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng” thì cũng không phải là một “luận điểm” mà là một câu phán rất sai lầm. “Thơ Việt chưa có một nền thơ riêng”? Thế thì thơ Việt có chung “một nền thơ” với những nước nào? Có thể nói thơ Việt chưa là một nền thơ lớn trong nhân loại, nhưng thơ Việt là thơ Việt, và nó là một nền thơ riêng bằng tiếng Việt của người Việt Nam.

“Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới.” Nếu “thơ Việt chưa có một nền thơ riêng” thì “những thành tựu” của nó là gì? Hay “những thành tựu” của nó hoá ra là thành tựu chung của nó với thơ của những nước khác ư? Thật là buồn cười.

“Thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới” cũng không phải là một “luận điểm” mà chỉ là một nhận xét. Nhận xét này không phải của Hoàng Lan phát hiện mà thực ra đã được quá nhiều người nói. Nước Việt Nam đi sau thế giới trong rất nhiều lãnh vực chứ không chỉ riêng thơ!

 

Điều đáng sợ nhất là nền giáo dục của Việt Nam luôn đi sau thế giới. Ai cũng thấy nền giáo dục ở nước ta hôm nay đang rất lạc hậu. Không chỉ lạc hậu, nó có quá nhiều biểu hiện xấu xa - từ những trò buôn bán đề thi, bằng giả, đạo văn, cho đến cả việc hiệu trưởng mua dâm nữ sinh... Không bút mực nào kể xiết. Giáo viên phải đương đầu với vô số thử thách đau đớn, từ cái cơ chế nặng nề, ù lì và đầy sai lầm, cho đến những ảnh hưởng tệ hại của đời sống xã hội lên tâm hồn của học sinh. Chính cái nền giáo dục lạc hậu và đầy khủng hoảng này đã sản sinh ra một lớp người kì quái, những con người với vốn liếng hiểu biết rất nông cạn nhưng luôn sử dụng ngôn từ khoa đại, hù doạ quần chúng, tranh thủ cơ hội bằng mọi phương tiện giả trá với hi vọng sẽ lọt vào hệ thống quyền lực để được ngồi trên đầu trên cổ và lừa đảo nhân dân.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

04.04.2010
[VĂN HỌC] ... HL xin cám ơn ý kiến trao đổi của hai ông Võ Văn Nam và Nguyễn Đăng Thường. Vì các vị đã quan tâm đến bài viết của HL, và đã dành thì giờ quý báu của các vị để trao đổi với HL. Xin bỏ qua những ngôn từ không trực tiếp bàn đến vấn đề. HL xin hầu chuyện hai ông... (...)
 
01.04.2010
[VĂN HỌC] ... dù đã to tiếng rằng “tác giả đã chết”, rằng ta đã “thiền ngộ”, rằng ta chỉ “tiếp cận theo Thi Pháp Học”, rằng ta “không đánh giá, không lý giải về các thành tựu và giá trị văn chương”, rằng ta “không quan tâm đến con người của tác giả là ai, trong nước hay ngoài nước, Nam hay Bắc”, nọ kia kia nọ tùm lum tà la, vân vân và vân vân, nhưng tiếc thay/tiếu lâm thay văn bản đã chứng minh... ngược lại! ... (...)
 
31.03.2010
[VĂN HỌC] ... Chán chường nhất là những cụm từ “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đó là những cụm từ mà các nhà lý luận văn học đầy “tính Đảng”, “tính nhân dân”, đã đem ra để chê bai, kết án những tác phẩm lãng mạn thời 1930-1945. Thế rồi suốt hơn nửa thế kỷ qua, bao thế hệ học sinh từ mái trường XHCN chui ra lại tiếp tục lải nhải những cụm từ đó. Trong mắt họ, hầu như bất cứ cái gì thiếu “tính Đảng”, thiếu “tính nhân dân”, không hồ hởi ca tụng Đảng và Nhà nước thì đều có thể dán cho những cái nhãn “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan” ... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm hứng để HL viết bài này xuất phát từ sự trì trệ của thơ VN hiện nay, HL muốn tìm hiểu xem con đường thơ Việt đã trải qua là con đường thế nào, để có một cái nhìn vào tương lai. Tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL. Những nhà nghiên cứu, nhà thơ và bạn đọc khác sẽ có cái nhìn khác. Mỗi người chỉ có thể nhìn thấy một phía của chân lý... (...)
 
30.03.2010
[VĂN HỌC] ... Khóc Hoàng Lan là khóc cho cả nền giáo dục Việt Nam. Khóc tiễn đưa tang đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng của các cây viết lách được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vô cùng thân yêu. Khóc cho sự đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ... (...)
 
29.03.2010
[VĂN HỌC] ... Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước... (...)
 
27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021