tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
García Márquez và tác phẩm cuối đời  [đối thoại]

 

Tên tuổi nhà văn Gabriel García Márquez gắn liền với trường phái được mệnh danh là hiện thực huyền ảo. Tác phẩm đồ sộ của ông, tuy thế không đến nỗi huyền bí lắm. Không như đa số các nhà văn khác, Márquez sẵn sàng diễn dịch, bình giải về văn phẩm của mình. Trước khi quyển tự truyện ‘Sống để kể lại’ [1] ra đời năm 2002, đã có ‘El olor de la guayaba’ (Mùi đu đủ), được xuất bản năm 1982, trong đó Márquez trò chuyện trao đổi với nhà văn Pinio Apuleyo Mendoza, giải thích chi tiết ngọn nguồn hành trình đi đến việc viết văn, ý nghĩa và xuất xứ những hình tượng, cốt truyện, vv...

Trong chương về ‘Tác phẩm’, khi được hỏi về những truyện viết với một giọng văn khác, ngắn gọn, súc tích, ông cho biết ngôn ngữ ông dùng tùy thuộc vào đề tài, và khi đó thể loại là văn có tính phóng sự. Trước khi thành công về nghề viết văn, ông làm việc với tư cách nhà báo suốt gần 40 năm, từ năm 1948 đến 1984. Trong tiểu thuyết cuối đời ‘Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi’,[2] xuất bản năm 2004, hẳn văn phóng sự là thể loại ông chọn, truyện bắt đầu một cách thẳng thừng không có gì là huyền ảo :

“Vào cái năm tròn chín mươi tuổi, tôi muốn tự thưởng một đêm tình cuồng điên với một thiếu nữ còn trinh nguyên. Tôi bỗng nhớ đến Rosa Cabarcas, bà chủ một nhà chứa vốn thường hay báo cho các khách hàng sộp mỗi khi có sẵn một của lạ. Tôi không bao giờ quỳ gối trước thứ của lạ này cũng như trước bất cứ lời mời mọc tục tĩu nào của bà ta; ấy thế nhưng bà ta cũng chẳng hề tin vào tính rõ ràng trong nguyên tắc sống của tôi. Mà đạo đức cũng thay đổi theo thời gian, bà ta mỉm cười ranh mãnh nói, rồi ông sẽ thấy. Bà ta ít hơn tôi dăm ba tuổi, và từ nhiều năm nay tôi không còn biết tin tức gì về bà ấy nữa, có khi đã chết rồi cũng nên. Nhưng ngay khi tiếng chuông điện thoại đầu tiên vừa ngắt, tôi đã nhận ra giọng nói của bà ta và liền phang ngay không chút úp mở:
 
Ngày hôm nay thì tôi muốn.”

Độc giả được biết sau đó Rosa Cabarcas tìm được ngay cho nhân vật Tôi một bé gái mười bốn tuổi, hẹn vào lúc mười giờ đêm, “Không thể sớm hơn một phút vì đứa bé gái còn phải cho các em ăn, ngủ và đưa bà mẹ bị thấp khớp liệt chân tay lên giường ngủ xong đã...”, và có cảm tưởng đang đọc một phóng sự về tệ nạn xã hội ở Châu Mỹ la tinh, được biết về giới tú bà kiếm lời nhiều năm trên thân xác các cô gái này, đến lúc họ tàn tạ thì đẩy sang một nhà chứa mạt hạng nào khác. Hình phạt ba năm tù cho việc môi giới được đem ra hù dọa chỉ để cò kè ngã giá, vì chủ chứa dẫn gái cho mọi quan chức địa phương, từ viên tỉnh trưởng đến nhân viên quèn của toà thị chính, đương nhiên không lọt lưới pháp luật. Phần nhân vật bé gái, sau này được nhân vật Tôi đặt cho cái tên huyền thoại là ‘Delgadina, người con gái út được vua cha yêu chiều’, thì vì sợ đến chết khiếp nên được tú bà nhủ lòng thương, cho uống một hỗn hợp thuốc valerian bằng rễ cây nữ lang, đêm nào cũng ngủ mê man không biết trời trăng gì nữa.

Truyện sau đó chuyển sang thể nửa hiện thực nửa huyền ảo theo kiểu Márquez, nhân vật Tôi chỉ nhìn ngắm, vuốt ve cô bé gái, vì bỗng khám phá ra: “... Hôm nay, tôi biết đó không phải là ảo giác mà chính là điều huyền diệu của mối tình đầu của tôi ở tuổi chín mươi.” Tú bà tưởng ông ta chê nên đề nghị đổi cho “một cô khác lớn tuổi hơn một chút, đẹp và cũng còn trinh nguyên. Bố của con bé muốn đổi nó lấy một căn nhà, nhưng cũng có thể mặc cả giảm bớt giá.”. Thấy khách không bằng lòng, bà ta tự nhủ, quả như thầy thuốc vẫn nói, đây đúng là chứng bệnh điên loạn già nua.

Nhân vật Tôi thì từ ngày bao thuê luôn cô bé gái, không cảm thấy mình cô thân đơn chiếc nữa, mỗi đêm đem hoa và tranh đến để bầy biện cho căn phòng bớt vẻ tồi tàn. Nhân vật Tôi thấy mình trở thành một người khác, đang yêu điên cuồng, lặn ngụp trong dòng văn học lãng mạn, khám phá lại thế giới âm nhạc, viết giao đăng báo hằng ngày những bài với tứ văn bay bổng làm độc giả mê mẩn tới tấp gửi thư tình đến tòa soạn.

Sau một sự cố làm gián đoạn thiên tình sử quái gở này, nhân vật Tôi gặp lại một bà ngày xưa đi khách lâu năm với ông, nay hoàn lương đã tìm được nơi nương tựa. Bà này khuyên ông ta không được để mất cô bé kia, vì “Không có gì bất hạnh bằng chết trong cô đơn.” . Câu chuyện kết thúc với triển vọng cho nhân vật Tôi là: “sẽ chết vì tình yêu đẹp đẽ trong cơn hấp hối hạnh phúc vào một ngày nào đó ở tuổi ngoài một trăm.”

Bản thân người viết bài này, khi đọc xong truyện Hồi ức, ngỡ là Márquez đã chuyển hướng sang thể trào lộng pha chút hiện thực phê bình xã hội, nhưng sau đó cũng không chủ ý tìm hiểu gì thêm. Cho đến lúc tình cờ đọc trên trang Talawas Chủ nhật ngày 20.01.2008 truyện ngắn “Onlai... balô”, trích từ tập truyện Ảo giác 2007 của nhà văn Nguyễn Đình Chính:

“Hôm nay đọc Mác Kẹt. Không thể nhớ nổi. Cái gì buồn buồn với cô gái điếm nhỉ. Chính xác. Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi. Tiểu thuyết in hàng triệu bản. Một con đĩ non 15 tuổi và một ông già hơn 80 tuổi. Đạo đức giả. ... Kinh tởm... Buồn nôn... Đích thực văn học giả. Nản quá. Mua phải hàng nhái, hàng dổm. Càng lộn tiết.”

Ngoài ra còn có một thông tin khác về tác phẩm này được đăng trên trang eVan ngày 12.10.2009, trích theo báo The Guadian, theo đó bộ phim chuyển thể từ truyện này bị hoãn, vì Liên minh khu vực chống buôn bán phụ nữ và trẻ em ở Mỹ Latin và vùng Caribbe đã đệ đơn lên một tòa án ở Mexico. Bà chủ tịch Teresa Ulloa cho biết lý do chống đối:

“Nếu chỉ là cuốn sách, nó ít có cơ hội đến với những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Nhưng nếu chuyển thể thành phim, nó sẽ ra rạp, sẽ lên truyền hình và bất cứ ai cũng có thể xem được.”

Nhà đạo diễn Ricardo del Rio cho dự án phim này cho rằng thật ‘không công bằng khi kiện bộ phim ngay từ khi nó còn chưa được làm xong’. Không rõ vụ kiện kết thúc ra sao. Nhưng nhân vật Delgadina của Márquez như vậy không có cơ may đi vào cả lịch sử điện ảnh như Lolita của Nabokov vào những năm 1960.

Tự truyện ‘Sống để kể lại’, xuất bản năm 2002, có thể được xem như tác phẩm kết thúc văn nghiệp khá đồ sộ của Márquez, câu hỏi đặt ra là vì sao ông lại muốn cho ra đời thêm một tác phẩm lạ lùng như thế: tính hiện thực của thể văn phóng sự thì mờ nhạt, còn tính cách gọi là huyền ảo lại tạp nhạp, lặp lại những hình ảnh, ẩn dụ đã dùng hoặc được dẫn ra ở nhiều ấn phẩm khác.

Khi trao đổi với nhà văn Apuleyo Mendoza vào năm 1982, ông bảo mỗi nhà văn tựu trung chỉ viết một quyển sách, ngụ ý về một đề tài, và đề tài của ông là nỗi cô đơn. Trong hồi ký hay ở cuộc trao đổi, Márquez hay thuật chi tiết về thời kỳ những năm 1950, 1960, sống ở khu có tên ‘Phố tội phạm’, trả tiền phòng từng ngày ở loại khách sạn dành cho gái điếm đi khách. Nhân vật Tôi của Hồi ký tìm giải pháp cho cô đơn của một ông lão cửu tuần bằng các cô gái tơ qua tú bà là chuyện thường tình trong thế giới nhân vật của Márquez. Nhưng ở đầu thế kỷ 21, dù tệ nạn các loại trên thế giới không hề giảm đi, dư luận ở Âu tây nay đã khác, người ta đứng từ góc nhìn của nạn nhân, và không muốn để họ bị lạm dụng thêm nhiều lần nữa.

Khi nói về quá trình sáng tác, Márquez cho nhà văn Mendoza biết, thời gian từ khi ý tưởng xuất hiện đến lúc hoàn thành tác phẩm thường là mười lăm năm hay lâu hơn nữa. Nếu được hỏi về quyển Hồi ức ...hẳn ông cũng trả lời tương tự, rằng đã ấp ủ đề tài cô đơn ở tuổi già suốt bao nhiêu năm dài. Chỉ phiền là tác phẩm ra đời nhầm thế kỷ, quá muộn, trở thành lạc lõng, trừ khi được các nhà phê bình nghĩ ra thêm một trường phái hay thể loại mới mẻ nào đó cho thế kỷ 21. Văn chương vốn là bộ môn của óc sáng tạo, chắc chắn chứa chấp được mọi thể loại dù kinh điển, tân thời hay kỳ dị nào khác!

 

20.04.2014

 

_________________________

[1]García Márquez, Gabriel: Vivir para contaria, 2002 – Bản dịch tiếng Việt “Sống để kể lại”

[2]García Márquez, Gabriel: Memoria de mis putas tristes – Bản dịch tiếng Việt do Lê Xuân Quỳnh, NXB Tổng Hợp TP HCM, 131 tr. Các tiểu đoạn trích từ bản dịch này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021