tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Có còn hơn không!”  [đối thoại]

 

Đọc bài ông Chu Hà viết, tôi thấy có đúng, chỉ có điều là cách thưởng thức nhạc của nhà thơ Du Tử Lê cũng không phải chuyện mới mẻ và lạ lùng gì. Chuyện “yêu nhạc bằng lời” là khá phổ biến trong giới yêu nhạc người Việt mình, từ xưa nay vẫn có khuynh hướng nghe “nhạc” là nghe... “lời” của bài nhạc ấy. Nếu những lời ấy hay ho và thấm vào lòng ta thì bài nhạc ấy được “đánh giá” là bài nhạc hay.

Theo tôi thì ông Chu Hà cũng chẳng nên “bức xúc” làm chi chuyện thưởng thức và nhận định về âm nhạc của ông Du Tử Lê. Nếu ông ấy hoặc ai khác có “yêu nhạc bằng lời” (hay bằng cái gì đó khác với âm nhạc) thì không phải là lỗi của ông ấy mà là lỗi của quý vị nhạc sĩ không làm cho ông ấy “yêu nhạc bằng nhạc” được. Chuyện “lấy ca từ làm tiếng đàn” hoặc thay cho tiếng đàn của ông Du Tử Lê thì cũng chẳng phải là “nâng cái văn hóa nghe nhạc bằng lời lên một tầm cao mới” chi chi cả, mà theo tôi hiểu, đấy là nghệ thuật thưởng thức âm nhạc dưới góc nhìn và cảm quan tinh tế của một thi sĩ, người có những giác quan hết sức bén nhạy, chỉ bằng “lời ca, câu hát” thôi mà có thể “nghe” được thanh âm réo rắt của tiếng vĩ cầm rung lên từng nốt nhạc. Khả năng đặc biệt ấy được trời phú cho, không dễ gì có được.

Ông Chu Hà cũng chẳng nên ngờ vực hay thắc mắc khiếu nại làm gì vụ thi sĩ họ Lê chỉ qua ca từ mà “nghe được tiếng đàn, ngửi được mùi hương”. Cái chính là ông ấy enjoy được bài nhạc qua cách thưởng thức ấy và cũng đã viết ra trung thực như thế, còn người đọc có enjoy cùng với ông ấy hay không thì là chuyện khác.

Chuyện “nghe nhạc bằng lời” hoặc “yêu nhạc là yêu lời” từ lâu lắm đã đi vào “não trạng” nghe nhạc của đồng bào ta. Không tin, bác Chu Hà (xin gọi thân mật là “bác”) cứ hỏi một ông bạn nào yêu nhạc Việt của bác thì rõ ngay. Chẳng hạn, “Ông thích nhạc Phạm Duy không” Trả lời, “Thích chứ!” “Thích bài gì?” Trả lời, “Bài gì có câu ‘May mà có em, đời còn dễ thương’.”[1] Hoặc “Bài gì có câu ‘Có còn hơn không, có còn hơn không’.”[2] Tác giả bài nhạc nghe vậy chắc cũng không lấy gì làm vui, vì những “lời” ấy chẳng phải lời của ông mà là lời trong những bài thơ được ông phổ nhạc. Nói cho công bằng thì nhạc cũng hay chứ, vì không hay thì chẳng ai muốn hát, và sẽ chẳng ai biết đến những lời lẽ hay ho ở trong bài nhạc ấy.

Nhiều người “tâm đắc” câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...[3] của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng không phải ai cũng biết câu ấy ở trong bài hát nào và hát ra làm sao.

Về bài “Chiều tím” của nhạc sĩ Đan Thọ, cũng như nhà thơ Du Tử Lê, tôi rất thích bài nhạc ấy. Có điều tôi thích cái melody của “Chiều tím” hơn là lời của bài nhạc. Nhịp điệu 3/4 dìu dặt, lâng lâng, nghe mênh mang và “sang” hơn những bài Boston dễ dãi khác vào cùng thời ấy. Tôi vẫn hay nghe nhạc không lời bài “Chiều tím”, từ piano, guitar, hạ uy cầm, vĩ cầm cho đến saxo theo phong cách nhạc jazz..., chơi kiểu nào nghe cũng hay và là một trong những bài nhạc Việt nghe nhiều mà không chán. Lời của bài ấy nghe mông lung, rời rạc, không dễ nhớ và không được hay bằng những lời thơ khác của Đinh Hùng (chỉ là nhận xét của riêng tôi).

Trở lại chuyện bác Chu Hà mượn câu hát “đừng yêu lính bằng lời” của nhạc sĩ Trúc Phương để can gián nhà thơ Du Tử Lê “đừng yêu... nhạc bằng lời”, tôi nhớ nhạc sĩ Trúc Phương còn có một bài nhạc khác tên là “Những lời này cho em” (mà không phải là “Khúc nhạc/điệu nhạc này cho em”), đại khái “Những lời này cho em, ta đợi ta khắc khoải nửa đời...” mà ca sĩ Chế Linh vẫn hay nỉ non. Nhắc đến bài nhạc này để thấy là, cả đến người viết nhạc cũng muốn người nghe lắng nghe những “lời” mình viết ra trong bài nhạc ấy, hơn là nghe “nhạc”.

Một lần nữa mong là giải tỏa được phần nào “bức xúc” của bác Chu Hà, và cũng muốn can gián bác là ai enjoy nhạc kiểu nào thì cứ để “tùy người đối diện” được tự do thoải mái. Yêu nhạc cũng tốt mà yêu lời cũng xong. Chỉ e đến lúc nào đó, “nhạc” yêu không nổi mà “lời” cũng yêu không vô (như không ít các bài nhạc Việt trong và ngoài nước hiện nay) thì... chẳng còn gì để mà yêu.

Cũng vì thế, nếu nhà thơ Du Tử Lê có bay bổng một chút để “tìm trong tiếng đàn, mùi hương chưa phai” cho có tí hương hoa cuộc đời, hoặc có rộng rãi một chút trong những lời tán dương nhạc sĩ này, ca sĩ nọ thì cũng chả sao và cũng tốt thôi, cho có vẻ “tự hào dân tộc” vậy mà. Ta cũng nên thông thoáng và động viên các nhà thơ, nhà văn khác thêm hứng khởi mà tiếp tục viết ra như thế cho bà con đồng hương xa nhà giải trí đỡ buồn. Xin mượn lời (lại là “lời”) quen thuộc của một bài nhạc quen thuộc: “Có còn hơn không! Có còn hơn không!...

 

_________________________

[1]“Còn chút gì để nhớ”, Phạm Duy

[2]“Thà như giọt mưa”, Phạm Duy.

[3]“Để gió cuốn đi”, Trịnh Công Sơn.

 

------------------

Bài liên quan:

17.08.2013
[CHUYỆN NHẠC] ... Lấy ca từ thay cho tiếng đàn, hay nói chung là cái cách thế nghe nhạc bằng lời như thế thì cũng, trên một phương diện nào đó, đồng nghĩa hay tương tự như xức dầu cù là lên âm nhạc, không hơn. Như thế, nếu không chỉ là để làm kiểng, thì cũng chỉ là để làm dáng?... (...)
 
07.08.2013
[ĐỌC VĂN] ... Theo tôi thì ông Chu Hà chớ có phí sức mà càm nhàm phê bình làm chi cho mệt vì lẽ bài viết của ông Du Tử Lê viết về mục âm nhạc nghệ thuật thông tin mang tính cách quần chúng, đại chúng tràn trề, không chuyên sâu, không mang tính chất hàn lâm, không có giá trị âm nhạc kinh điển gì rốt ráo... (...)
 
30.07.2013
[ĐỌC VĂN] ... Đọc bài của ông Thomas Chu: Tại sao ông Chu Hà lại “mổ bụng con bò ‘Mộng’”? tôi thấy có nhiều điều lấn cấn. Ông Thomas Chu viết một bài rất ngắn, đâu chừng 100 chữ, nhưng lại mắc phải khá nhiều lỗi. Ông bênh vực cho ông Du Tử Lê mà hoá ra lại làm cho nhảm hơn... (...)
 
29.07.2013
[ĐỌC VĂN] ... Tại sao ông Chu Hà lại “mổ bụng con bò ‘Mộng’” về ba cái tin tức “pop/lá cải” của Người Việt Online làm chi cho rách việc? Chuyện “Tiếng Đàn Violon của nhạc sĩ Đan Thọ” do nhà thơ Du Tử Lê viết thì chỉ là viết tiếng Việt cho vui và có chi đâu xê-ri-ớt đâu mà bác Hà của tôi lại bứt rứt khó chịu... (...)
 
27.07.2013
[ĐỌC VĂN] ... Đọc thấy nhan đề “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ?” trên Người Việt Online do nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê biên soạn, tôi nghĩ bụng: Mùi hương của tiếng đàn là một đề tài nghe hơi bị khác thường. Tuy có thể chưa hẳn đã phải là hoàn toàn huyễn hoặc, nhưng quả là có phần nào đó kỳ dị và không chừng là luôn cả kỳ bí... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021