tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Dạy thêm, học thêm tại Việt Nam  [đối thoại]

 

Dạy thêm, học thêm (DTHT) là một hiện tượng phổ biến tại Việt Nam bấy lâu nay. Vốn là một hoạt động giáo dục tích cực, nó hóa thành một vấn đề nan giải cho ngành giáo dục và cho xã hội.

 

DTHT ở miền Nam trước 75

DTHT đã có ở miền Nam trước 75. Mục đích chính của học thêm là rèn luyện các kỳ thi quan trọng trong đời học sinh như thi Đệ Thất, thi Tú Tài, thi Đại học. Cũng có trường hợp học thêm để trau dồi một môn học mà học sinh yếu kém hoặc muốn nâng cao trình độ. Môn học thêm thường là môn chính: Toán, Lý, Hóa, Sinh ngữ (Anh văn, Pháp văn). Người dạy thêm là những giáo viên giỏi có tiếng của trường công. Bình thường họ quy tụ thành một nhóm vài người, mở lớp dạy thêm vào buổi chiều tối hay trong thời gian học sinh được nghỉ hè.

 

DTHT ở Việt Nam sau 75

Trong những năm đầu sau 75, DTHT không mấy phổ biến nhưng đã nở rộ trở lại khi thời kỳ "Đổi mới" bắt đầu vào giữa thập niên 80 cho phép phục hồi nền kinh tế tư nhân. Ban đầu DTHT nhằm luyện thi Đại học là chính, sau đó mở rộng sang mục đích luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông (Tú tài). Cuối cùng DTHT tràn lan khắp nước, khắp mọi cấp mọi lớp từ tiểu học cho đến trung học.

Sự phát triển quá trớn và vô kiểm soát của DTHT đã trở thành một tệ nạn giáo dục nghiêm trọng.

Bài viết này cố gắng đi tìm hiểu nguyên nhân, bên cạnh đó giới thiệu vài kinh nghiệm DTHT tại Đức để mọi người cùng suy nghĩ và tìm lời giải thích hợp cho trường hợp Việt Nam.

 

A. Tại sao học sinh phải học thêm?

 

Đối với Việt Nam có lẽ có ba lý do chính: Thứ nhất vì mất căn bản. Thứ hai vì muốn nâng cao trình độ. Thứ ba vì sợ bị trù dập.

 

1. Học sinh mất căn bản

Mất căn bản, học sinh cần học thêm để theo kịp chương trình. Có nhiều nguyên do mất căn bản:

a. Giáo trình/giáo liệu/giáo án bất cập:

Giáo trình nặng. Sách giáo khoa thiếu phẩm chất. Giáo án nặng, thiếu, sai lệch nội dung quy định. Những điểm bất cập này khiến học sinh bình thường cũng khó thỏa được yêu cầu hay gặp khó khăn huống gì học sinh kém.

b. Học sinh học kém:

— có thể vì đã mất căn bản từ lớp trước,

— hoặc chưa thấm nhuần kiến thức cũ thì đã phải học cái mới,

— hoặc thiếu thông minh, kém trí nhớ,

— hoặc do hoàn cảnh gia đình mà không thể học tốt,

— hoặc chán học hay lười biếng.

c. Giáo viên có vấn đề:

Học sinh có thể học kém vì các lý do thiếu thông minh, giáo trình bất cập, v.v., nhưng nếu không vì thế, thì cần xem lại nơi người dạy. Có nhiều lý do từ người dạy:

Dạy kém khiến học sinh học không hiểu:

- Thiếu kiến thức chuyên môn.
- Thiếu phương pháp sư phạm (cách nhận diện vấn đề, cách đặt vấn đề, cách truyền đạt kiến thức, …)
- Bỏ sót bài, dạy hời hợt.

Đạo đức kém: Thiếu tận tâm, thiếu lương tâm nghề nghiệp.

 

2. Học sinh muốn nâng cao trình độ

Có nhiều trường hợp:

— Học sinh kém muốn nâng cao trình độ để đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục quốc gia đã đề ra:

- Đạt yêu cầu học từng môn và làm được bài kiểm để lên lớp.
- Đạt yêu cầu để chuyển cấp.
- Hội đủ kiến thức để thi tốt nghiệp hoặc thi vào các trường, cấp khác (đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, v.v.).

— Học sinh vốn đã khá, muốn khá hơn nữa để tạo thành tích học giỏi nhằm thỏa mãn tự ái hoặc cho cha mẹ hãnh diện.

— Học sinh có nhu cầu đặc biệt như muốn thi vào trường chuyên khoa, vào đại học nổi tiếng, đi du học, đi tranh giải quốc tế.

 

3. Học sinh sợ bị trù dập

Học sinh phải học thêm để được thày cô ưu ái. Còn không, khó tiến thân, nhất là học sinh nghèo hay học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

 

Kinh nghiệm tại Đức:

a. Giáo trình/giáo liệu/giáo án:

Ở Đức, giáo trình được nghiên cứu kỹ lưỡng cho trình độ chung từng cấp, từng lớp, giữ tính liên tục từ dễ đến khó, không thay đổi liên miên. Đó là nền tảng vững chắc cho công việc xây dựng sách giáo khoa.

Sách giáo khoa không phải là một bộ thống nhất của nhà nước mà do tư nhân cạnh tranh biên soạn và phát hành. Tùy mỗi bang, sách có thể khác nhau và có nhiều bộ khác nhau miễn thỏa nội dung quy định.[1] Mỗi nhà trường có quyền lựa chọn một bộ để sử dụng.

Dựa trên sách giáo khoa nhà trường đã chọn, giáo viên soạn giáo án. Giáo án mỗi giáo viên có thể khác nhau tùy cách dạy và cách tiếp thụ của học sinh từng lớp một sao cho tối ưu.

Mỗi học sinh được nhà trường cho mượn sách giáo khoa suốt năm học. Sách bài tập được phát không.

Ở Đức, vấn đề giáo trình quá nặng không thể xảy ra vì đã được định nghĩa rõ ràng, nghiên cứu, biên soạn kỹ lưỡng.

Vấn đề soạn sách giáo khoa thiếu phẩm chất, sai giáo trình cũng không thể xảy ra. Sách muốn lưu hành phải được ngành giáo dục xét duyệt.

Giáo án cũng không có vấn đề này vì phải theo sát sách giáo khoa. Hội đồng giáo viên nhà trường có nhiệm vụ kiểm soát.

b. Học sinh học yếu:

— Có thể vì đã mất căn bản từ lớp trước. Nếu ở Đức học sinh không được lên lớp hoặc phải được kèm thêm (xem phần Học thêm).

— Có thể vì thiếu thông minh, kém trí nhớ. Ở Đức, học sinh phải được học kèm thêm.

— Có thể vì chưa thấm nhuần kiến thức cũ thì đã phải học cái mới. Ở Đức, học sinh phải làm bài kiểm thường xuyên (xem phần Bài kiểm)

— Hoặc cũng có thể do lười biếng, chán học. Ở Đức, học sinh sẽ được chuyển sang trường đặc biệt hoặc bị phạt.

 

Học thêm

Ở Đức, học sinh học yếu bắt buộc phải học thêm. Tiếng Đức gọi là Förderunterricht. Môn học thêm thường là môn chính: Toán, Lý, Hóa, sinh ngữ (Đức, Anh, …). Suốt năm học, giáo viên có nhiệm vụ theo sát học trò. Khi phát hiện một học sinh gần đây yếu một môn quan trọng, thì ngay lập tức, học sinh ấy phải học thêm.

Ví dụ học sinh A trong tháng rồi làm bài kiểm Toán bị điểm xấu vì không hiểu cách giải phương trình bậc nhất. Ngay lập tức, giáo viên sẽ thông báo cho phụ huynh yêu cầu để con em được kèm thêm. Giáo viên môn Toán sẽ dạy thêm cho học sinh đó sau giờ học trong tuần tại trường và kèm đúng chỗ yếu.

Cách thức này rất hiệu quả vì can thiệp kịp thờigiải quyết đúng chỗ yếu của học sinh, giúp học sinh nhanh chóng lấy lại căn bản để theo kịp bài mới. Nếu có nhiều học sinh cùng yếu mà một giáo viên không đủ thời gian kèm tất cả thì nhà trường sẽ huy động sự trợ giúp của các giáo viên khác. Học thêm hoàn toàn miễn phí.

Học sinh Đức phải làm bài tập hằng ngày. Nếu yếu hoặc không hiểu bài, các em có thể nhờ những học sinh lớp trên giúp đỡ.

Nhà trường ở Đức thường có những nhóm học sinh "đàn anh" tự nguyện kèm học sinh "đàn em". Nhà trường tổ chức thành từng nhóm cho mỗi trình độ. Em nào cần giúp đỡ có thể liên lạc với nhà trường hay nhóm và sẽ được kèm ngay để giải bài tập sau giờ học. Học sinh dạy kèm chỉ được giúp đỡ những chuyện nhỏ, không được phép thay thế vai trò giáo viên. Khi phát hiện, một em quá yếu, không dễ kèm, các anh chị phải thông báo với giáo viên.

Tùy nơi, các em dạy kèm được nhà trường thưởng tiền công tượng trưng. Tiền công nhiều ít tùy vào số lượng giờ. Ngoài ra các em còn được thêm điểm hạnh kiểm, cuối năm được phần thưởng của nhà trường hoặc của phụ huynh. Có nơi phụ huynh phải trả một lệ phí tượng trưng cho việc kèm con em của mình. Có nơi không.

 

Bài kiểm

Ngoài bài tập hằng ngày, học sinh Đức còn phải làm bài kiểm thường xuyên. Bài kiểm có hai loại: bài kiểm nhỏ (gọi là Test) và bài kiểm lớn (gọi là Klassenarbeit). Bài kiểm nhỏ: trung bình khoảng 2 tuần một lần (tùy nơi) để ôn lại ngay những gì vừa học. Bài kiểm lớn: trung bình khoảng 1-1.5 tháng một lần để ôn lại những gì đã học trong thời gian đó.

Bài kiểm phải theo sát sách giáo khoa. Độ khó bài kiểm phải giữ đúng độ khó của bài tập hằng ngày. Chu vi bài kiểm phải tương đương với chu vi bài tập hằng ngày, từ dễ đến khó. Cả hai đều không được sai lệch. Phụ huynh có quyền kiện nhà trường nếu con em mình phải làm bài kiểm khó hơn bài tập. Đó là phần căn bản. Nếu làm đúng hết, học sinh sẽ được điểm 1 (tương đương với điểm 10 của Việt Nam). Phần hai là phần mở rộng; câu hỏi khó hơn. V.d. toán đố. Nếu học sinh giải được thì được thêm điểm (Bonuspunkte) chứ không bắt buộc.

Cách chấm điểm bài kiểm của Đức khá nghiêm ngặt. Sai câu hỏi dễ sẽ bị trừ điểm nhiều hơn sai câu hỏi khó. Cách chấm điểm này tạo cho học sinh tính cẩn thận, không được xem thường những việc dễ. V.d. một câu hỏi bao gồm 3 câu hỏi nhỏ. Trả lời đúng hết, được 100% điểm, tức 3 điểm. Trả lời sai một câu nhỏ, không phải bị trừ 33,33% điểm, tức 1 điểm mà bị trừ 50% điểm, tức 1,5 điểm. Hoặc một ví dụ câu hỏi trắc nghiệm. Giả sử câu hỏi gồm có 3 câu hỏi nhỏ. Nếu gạch đúng cả 3 thì được 1 điểm. Nếu gạch sai chỉ một câu nhỏ mà thôi, cũng bị 0 điểm. Cách chấm điểm này tạo cho học sinh tính làm việc hoàn hảo. Làm việc gì phải xong và đúng 100% mới được công nhận là hoàn hảo, còn không, không hoàn hảo.

Vì phải làm bài tập hằng ngày cộng thêm rất nhiều bài kiểm lẫn việc được kèm thêm (nếu cần), học sinh Đức khó mất căn bản. Đây cũng là một chiến lược giáo dục của Đức: cần giữ trình độ một lớp học cho thật đều để giáo viên dễ dạy; trình độ chỉ cần đạt tiêu chuẩn "khá", không cần "giỏi". "Giỏi" là trường hợp thiểu số.

 

Giáo viên

Để tránh vấn đề giáo viên, ngành sư phạm phải ra sức đào tạo giáo viên giỏi. Nhà trường Đức ưa chuộng những giáo viên thực sự có tài năng và yêu nghề. Sự lựa chọn khá nghiêm ngặt.

Trong khi hành nghề, giáo viên trẻ thường xuyên được tu nghiệp ngoài giờ đứng lớp bằng cách làm việc chung với giáo viên thâm niên có nhiều kinh nghiệm. Thường xuyên tự rèn luyện nghề nghiệp, gương mẫu, ý thức kỷ luật, đạo đức, trách nhiệm trong công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ là những đòi hỏi hàng đầu đối với nghề giáo viên.

Người làm nghề "dạy học" được ưu đãi, trả lương cao.

 

B. Tại sao dạy thêm?

 

Ở Đức giáo viên dạy thêm là trách nhiệm giúp học sinh kém. Họ không được hưởng thêm lương phụ trội bởi đó là một phần công việc của nghề nghiệp. Ở Việt Nam, giáo viên không có trách nhiệm dạy thêm với đồng lương mình được hưởng ngoài công việc "phụ đạo" vốn ít hiệu quả (còn không đã không có tình trạng dạy thêm). Đồng lương thấp không đủ sống khiến giáo viên muốn dạy thêm để kiếm tiền.

Một hiệu phó trường trung học phổ thông tại Sài Gòn cho biết mức thu nhập của một giáo viên trung học mới ra trường hiện nay như sau:

"Lương giáo viên trung học (người mới ra trường): 1.650.870 VNĐ + phụ cấp ưu đãi 495.261 VNĐ, tổng cộng 2.146.131 VNĐ. Trừ bảo hiểm xã hội + bảo hiểm y tế + bảo hiểm thất nghiệp (28,5%) = 140.324 VNĐ còn lại 2.005.807 VNĐ."

Trong khi đó, cũng theo nguồn thông tin ấy:

"Lương kỹ sư mới ra trường (làm cho nhà nước) thì không có phụ cấp ưu đãi, nghĩa là khoảng hơn một triệu sáu trăm ngàn, nếu chưa trừ bảo hiểm. Tuy nhiên cần phân biệt lương và thu nhập. Hai kỹ sư có thể có mức lương như nhau nhưng thu nhập khác nhau tuỳ theo cơ quan công tác. Ví dụ cơ quan có thêm thu nhập bằng cách này hay cách kia ngoài quỹ lương của nhà nước thì có thể trích ra cho cán bộ của mình, có khi gấp đôi hay gấp ba lương chính thức."

Nếu thông tin trên phản ánh đúng thực tế thì mức thu nhập của kỹ sư rõ ràng cao hơn mức thu nhập của giáo viên. Tuy nhiên còn phải xét số giờ làm việc.

Để được mức thu nhập vừa kể, người kỹ sư có lẽ phải làm việc theo quy chế lao động thông thường, nghĩa là 8 tiếng mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu; tổng cộng: 40 tiếng/tuần, khoảng 160 tiếng/tháng.

Thế còn giáo viên?

Ở Đức giáo viên trung học làm việc theo tiêu chuẩn 40 tiếng/tháng giống một người kỹ sư Việt Nam hoặc một công chức Đức. Tuy có sự khác biệt giữa các bang, nhưng trung bình số giờ đứng lớp khoảng 26 tiếng/tuần (khoảng 34,6 tiết/tuần). Số giờ còn lại dành cho việc soạn bài, chấm bài, dạy thêm, họp hành, tiếp phụ huynh học sinh, sinh hoạt ngoài trời với học sinh, tu nghiệp, v.v.[2]

Đó là giờ làm việc trên lý thuyết nhưng theo công đoàn giáo viên Đức (Deutscher Lehlerverband (DL)), trên thực tế giáo viên có thể phải làm việc đến 45-55 tiếng/tuần.[3]

Trong khi đó ở Việt Nam, cũng theo nguồn thông tin đã dẫn, giáo viên trung học:

"Phải dạy 17 tiết một tuần (1 tiết = 45 phút), đảm nhận công tác chủ nhiệm 4 tiết 1 tuần, họp 3 buổi 1 tháng tương đương 12 tiết. Như thế mỗi tháng giáo viên phải đảm nhận tất cả là 96 tiết."

Nếu chỉ tính riêng số giờ đứng lớp (17 tiết/tuần = 12,75 tiếng/tuần) thì giáo viên trung học Việt Nam đã làm ít giờ hơn giáo viên trung học Đức gần gấp đôi. Giả sử số giờ còn lại của giáo viên Việt Nam bằng số giờ làm việc của giáo viên Đức, thì số giờ làm việc hàng tuần của giáo viên ít hơn 12,75 tiếng so với giáo viên Đức, nghĩa là giáo viên Việt Nam làm việc khoảng 27,25 tiếng/tuần. Và vì thế, không thể đạt mức lương 40 tiếng/tuần.

Xét về giờ nghỉ, giáo viên Đức chỉ được 30 ngày hè mỗi năm theo tiêu chuẩn thông thường. Họ không được nghỉ nhiều giống học sinh, hoặc nghỉ theo khi học sinh được nghỉ.

 

C. Dạy thêm gì?

 

Thông thường dạy thêm để giúp học sinh luyện thi hoặc trau dồi một môn học kém để theo kịp chương trình bằng cách ôn bài, làm nhiều bài tập. Nhưng ở Việt Nam, dạy thêm còn là hình thức là dạy trước để học sinh vào lớp nghe giảng bài dễ hiểu hơn.

 

D. Vấn đề dạy thêm

 

Dạy học là một nghề cao quý. Để giáo viên phải tập trung lo miếng ăn mà quên đi cái tinh thần nghề giáo thì có hại. Nhiều vấn đề sẽ phát sinh:

— Dạy thêm trở thành phong trào và bị lạm dụng. Có trường hợp không cần dạy thêm nhưng vẫn dạy. Chẳng hạn dạy thêm để học sinh lấy thành tích. Điều này chỉ làm căn bệnh thành tích ở Việt Nam vốn đã trầm trọng càng thêm trầm trọng. Hoặc dạy thêm để chuẩn bị cho trẻ em mẫu giáo lên tiểu học. Điều này không cần thiết.

— Dạy thêm như một hình thức dạy trước không phải là điều tích cực. Thứ nhất, giáo viên sẽ lợi dụng cơ hội để kiếm tiền. Thứ hai, học sinh phải học hai lần và giáo viên cũng sẽ dạy lại thêm một lần chính thức trong lớp. Thứ ba, học sinh sẽ nhiễm thói quen không tập trung nghe giảng bài trong lớp vì đã học qua (dạy thêm). Đã hiểu bài mà phải ngồi nghe giảng lại sẽ làm học sinh sẽ chán nản. Cả giáo viên cũng nhiễm thói quen dạy hời hợt trong buổi dạy chính thức, không làm việc đúng theo năng suất yêu cầu.

Ngoài ra dạy hời hợt trong buổi dạy chính thức sẽ là một bất lợi lớn cho những học sinh học không đi học thêm trước.

— Phản ứng nghịch của dạy thêm: Dạy thêm nhằm nâng cao kiến thức nhưng có chắc những kiến thức ấy quá cần thiết đối với đứa trẻ hoặc có giúp ích nó trong việc thực hành hay chỉ là một mớ kiến thức từ chương. Kinh nghiệm cho thấy Việt Nam là một xứ có truyền thống học nhiều nhưng không làm được nhiều sản phẩm có trí tuệ. Ở ngoại quốc, sinh viên du học Việt Nam được đánh giá là đạt trình độ trung bình về lý thuyết nhưng về thực hành thì rất kém. Nói ngắn gọn: học thì nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu.

— Tâm lý. Học sinh được dạy thêm để được thày cô ưu ái sẽ khiến cho đứa trẻ mắc chứng bệnh sợ thày cô trù dập đành phải đi học thêm để thày cô kiếm tiền. Làm như vậy không khác gì tập cho đứa trẻ tính lấy lòng người khác như một hình thức (tham nhũng) hối lộ. Đối với trường hợp cha mẹ nghèo không có tiền cho con học thêm, đứa trẻ càng thêm sợ hãi và buồn tủi. Mặt khác, về phía người dạy thêm, làm như thế có nghĩa là thiếu lương tâm.

— Giai cấp giàu nghèo: Cha mẹ người Việt xưa nay, ai cũng vậy, đều có một ước nguyện chung là muốn con cái được ăn học đàng hoàng, vào đại học, trở thành kỹ sư bác sĩ để mình được hãnh diện với mọi người. Dù mình nghèo khổ nhưng vẫn nuôi muốn con cái ăn học cho có tương lai. Từ nỗi lo con mình không được dạy thêm đâm thua kém người khác sẽ khiến cha mẹ ráng sức cho con được học thêm; và đứa trẻ cũng muốn vậy. Đối với người giàu, có lẽ không thành vấn đề nhưng đối người nghèo, thì là một gánh nặng. Lấy tiền đâu cho con đi học thêm? Đi vay mượn? Từ đó sẽ đẻ ra vấn đề người nghèo ghét người giàu; con người càng thêm ích kỷ, người giàu không màn đến hoàn cảnh khó khăn của người nghèo. Hệ quả là mâu thuẫn xã hội sẽ càng tăng.

— Được vật chất, mất tinh thần: Tiền là một vấn đề ở Việt Nam hiện tại. Mọi người đua nhau chạy theo đồng tiền để xây nhà cao cửa rộng, sắm xe cộ, máy móc, hưởng thụ, chứng tỏ mình không thua kém ai bất chấp đạo đức. Nếu giáo viên cũng trở thành những người như thế thì không còn đạo đức nữa, không còn xứng đáng giữ chức năng giáo dục nữa.

— Tiếng xấu: Người quan sát có thể đặt câu hỏi, ngành giáo dục Việt Nam thiếu phẩm chất đến độ cần phải được "dạy thêm"?

 

E. Giải pháp

 

Làm việc ít, thu nhập ít là lẽ tự nhiên. Mức thu nhập của giáo viên Việt Nam thấp hơn mức thu nhập của kỹ sư là một ví dụ điển hình.

Cái logic thực tiễn cho thấy sự bất cập về cách sử dụng sức lao động giáo viên tại Việt Nam. Nếu họ được làm việc đúng năng suất 40 tiếng/tuần như một giáo viên Đức hoặc một kỹ sư Việt Nam thì mới gọi là tận dụng sức lao động.

 

Giải pháp 1:

Xét về mặt thời gian, muốn tận dụng sức lao động thì phải tăng giờ làm việc. Tăng giờ làm việc thì phải tăng lương. Lương bổng thấp là nỗi lo chung của giáo viên. Nếu giải quyết được vấn đề này, giáo viên sẽ không còn phải bận tâm lo cải thiện mức thu nhập của mình bằng cách (đơn giản nhất là) dạy thêm. Từ đó sẽ xóa bỏ được tệ trạng dạy thêm.

Khi giáo viên được tăng lương để làm việc nhiều hơn thì dạy thêm sẽ trở thành một công việc bắt buộc giống như trường hợp giáo viên Đức vậy.

 

Giải pháp 2:

Nếu không thể tăng giờ và tăng lương thì cho phép giáo viên dạy thêm để có thêm thu nhập nhưng có kiểm soát. Cần phân biệt hai trường hợp:

Trường hợp 1: Dạy thêm để học sinh đạt trình độ tiêu chuẩn quốc gia: theo kịp chương trình học bình thường, được lên lớp, đủ khả năng thi tú tài, thi đại học, v.v. giống như ở Đức hay ở các nước khác.

Trường hợp 2: Dạy thêm nhằm đào tạo đặc biệt cho những trường hợp thiểu số: đi du học, đi tranh giải khoa học, …

Trường hợp 2 là trường hợp thiểu số không đáng kể. Trường hợp 1 là trường hợp tổng quát đáng quan tâm hơn vì tất cả học sinh đều cần đạt trình độ giáo dục chung của quốc gia. Nếu thiếu khả năng, học sinh phải được kèm thêm.

Nguyên tắc chung: dạy thêm theo hợp đồng của nhà trường.

— Giáo viên đăng ký dạy thêm với nhà trường, không phân biệt học sinh giàu nghèo. Giáo viên ghi số giờ dạy thêm và phải chứng minh được hiệu quả, v.d. học sinh được dạy thêm đã tiến bộ rõ rệt hoặc đạt được những yêu cầu (theo kịp bài vở, làm bài kiểm được, thi đậu, v.v.). Nhà trường, tức người giao việc, phải kiểm soát việc này. Phụ huynh học sinh cũng có quyền đánh giá. Nói chung, có hưởng thì phải chứng minh được việc làm hiệu quả. Dĩ nhiên cũng có nghĩa vụ đóng thuế khi tăng thu nhập (như mọi xứ khác).

— Nhà trường lập ra quỹ dạy thêm. Nguồn tài chính lấy từ ngân quỹ quốc gia, tiền ủng hộ của phụ huynh học sinh hoặc mạnh thường quân, một phần tiền học phí, tiền dạy thêm thu được từ người giàu, kể cả sự tài trợ của ngành thương mại và kỹ nghệ. Kinh nghiệm ở Đức: Ngành thương mại và kỹ nghệ cũng có trách nhiệm với ngành giáo dục qua nhiều hình thức như đóng thuế, tài trợ, … bởi vì ngành giáo dục là nơi đào tạo nhân lực cho họ.

— Quy chế dạy thêm: Hoc sinh nghèo miễn phí. Học sinh giàu đóng lệ phí.

Kinh nghiệm ở Đức: Mỗi người con dưới tuổi vị thành niên trong gia đình có thu nhập thấp được thành phố cấp cho một thẻ gọi là FamilienCard (thẻ gia đình). Thẻ này có giá trị một năm và có một số tiền nhất định. Trẻ em có thể dùng thẻ này để đi bơi miễn phí, đi sở thú miễn phí, đi học nhạc miễn phí, v.v. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này để học sinh nghèo có cơ hội học thêm miễn phí.

Tuy nhiên giải pháp trên không bảo đảm việc giáo viên có thể dạy thêm và thu nhập thêm đều đặn bởi không chắc bao giờ học sinh cũng có nhu cầu học thêm. Muốn tăng cơ hội dạy thêm, tất cả nhà trường cần liên kết với nhau; nơi nào cần người dạy thêm sẽ thông báo cho nơi khác biết để tìm người. Mặt khác cũng cần tìm hiểu thực tế, từ trước đến nay, giáo viên dạy thêm không phải bao giờ cũng có "học trò". Vậy thì họ làm sao? Nên dựa vào thực tế này để soạn cách giải quyết vấn đề sao cho uyển chuyển.

Để thực hiện thành công giải pháp trên, nhà nước phải nghiêm cấm tình trạng dạy thêm một cách tùy tiện. Nếu được phép dạy thêm với tư cách tư nhân, chỉ được dạy trường hợp 2 (trường hợp ngoại lệ) hay luyện thi những kỳ thi quan trọng (tú tài, đại học, …), không được phép dạy thêm để giúp học sinh đạt trình độ tiêu chuẩn hoặc dạy trước. Ưu tiên dạy thêm cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Xét cho cùng, chỉ có giải pháp 1 mới là giải pháp triệt để.

Tóm lại, vấn đề DTHT ở Việt Nam đã kéo dài hàng chục năm. Điều biết rõ là do thu nhập thấp, giáo viên phải dạy thêm để kiếm sống. Nhưng nhờ đâu giáo viên mới có cơ hội dạy thêm? Chắc chắn là nhờ lạm dụng dạy thêm để dạy trước cũng như nhờ sự yếu kém và thậm chí cả sự sợ hãi của học sinh. Nhưng có chắc rằng học sinh người Việt yếu kém, không đủ trí thông minh để theo nổi chương trình học? Hay chương trình được soạn ra không hợp lý? Vấn đề thực sự nằm ở chỗ nào? Vì dân trí học sinh thấp hay người lãnh đạo không biết soạn chương trình giáo khoa để học và dạy bình thường mà phải cần dạy thêm học thêm? Hay người giáo viên thiếu khả năng, đạo đức?

 

Stuttgart, 08.2011

 

_________________________

Chú thích:

[1]Ngành giáo dục của Đức theo quy chế tự trị. Mỗi bang tự quyết định chính sách giáo dục riêng của mình. Độ khó của nội dung giáo liệu là một ví dụ. Thường thường học sinh ở Baden-Württemberg và Bayern học khó hơn ở các bang khác. Tuy nhiên nội dung vẫn nằm trong khuôn khổ luật giáo dục cho phép. Do học khó hơn, học sinh Baden-Württemberg và Bayern thường dẫn đầu bảng PISA của Đức. Xem:

[2]Xem:

[3]Xem:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021