tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Herta Müller: nhà văn của ý thức chính trị phản kháng  [đối thoại]

 

Với bài viết này, tôi xin tiếp tục bàn bạc về những ý tưởng và sự kiện liên quan đến cách hiểu truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” của Herta Müller.

 

1. Về chuyện “tắm nước nóng” và Herta Müller:

Nhân độc giả Đoan Hùng kể chuyện tắm nước nóng kiểu hà tiện của một gia đình người Schwabe ở Tübingen, tôi có hỏi thăm một ông bạn người Áo, ông Bernhardt Podirsky, xem ông có quen biết ai là người gốc Schwabe hiện sống tại Úc hay không. Bernhardt liền giới thiệu tôi đến gặp ông già Karl Schäuble, năm nay 78 tuổi, di dân từ Stuttgart sang Úc cách đây 18 năm.

Trong lúc chuyện trò, ông Karl Schäuble cho biết rằng ở Đức có một con đường dài khoảng 200 km mà người ta gọi là đường “Schwäbische Bad” (“Tắm kiểu Schwabe”). Giống y như nhan đề truyện ngắn của Herta Müller!

Đường Schwäbische Bad đẹp tuyệt, trải dài từ Bad Wörishofen đến Überlingen, hai bên đường là những đồng cỏ, rừng và thung lũng. Dọc theo con đường 200 km này là những thị trấn nổi danh nhất ở Đức về món “tắm nước nóng”, chẳng hạn những thị trấn như Bad Wörishofen, Bad Grönenbach, Bad Wurzach, Bad Waldsee, Auldendorf, Bad Schussenried, Bad Buchau, Bad Saulgau, và Überlingen trên bờ hồ Bodensee. Đến những nơi đó, khách du lịch sẽ được thưởng thức những cuộc tắm nước nóng sang trọng và tuyệt vời nhất thế giới!

Tôi hỏi ông Karl Schäuble nghĩ gì về giải Nobel của Herta Müller, thì ông nói ông rất vui mừng. Ông nói người Schwabe thành công nhiều về kinh doanh, nhưng đây là lần đầu tiên có một người Schwabe thành công tột bậc về văn chương.

Tôi hỏi ông nghĩ gì về truyện “Das Schwäbische Bad” của Herta Müller. Ông nói Herta Müller đặt cái nhan đề đó với ý mỉa mai như thế này: “Sống ở Đức tự do, dân Schwabe tắm nước nóng sang trọng chừng nào, thì khi sống ở Romania cộng sản, dân Schwabe phải chịu tắm nước nóng khốn khổ chừng ấy!”

Tôi hỏi ông có biết vì sao nhiều người Schwabe ở Romania lúc ấy bực mình về truyện ngắn này. Ông nói họ bực mình vì họ vốn có truyền thống giữ phong vận đàng hoàng trước xã hội, lúc nào cũng phải xuất hiện một cách tươm tất. Dù gặp hoàn cảnh nghèo đến mấy cũng thế, họ không bao giờ muốn để lộ ra vẻ bù xù nhếch nhác. Vì thế, khi Herta Müller mô tả câu chuyện cả nhà tắm chung một chậu như vậy, thì họ cảm thấy như bị lột áo ra giữa chợ. Tuy nhiên, không phải ai cũng bất bình về truyện ngắn đó. Có nhiều người hiểu ý đồ của Herta Müller là muốn dùng câu chuyện ấy để nhắc cho dân Schwabe về tình trạng đời sống bị bóc lột đến bần cùng của họ dưới chế độ Ceausescu. Nhưng hiểu như vậy thì lại khó nói ra, vì họ sợ bị kết tội chống chế độ, và cũng sợ rằng Herta Müller sẽ bị nguy hiểm. Hơn thế nữa, trong cộng đồng người Schwabe ở Romania, cũng có một số người rất tệ. Họ phản đối Herta Müller ầm ĩ là để lấy lòng chế độ. Một số độc giả viết thư nặc danh tấn công Herta Müller thì có thể chính là người của Công An Mật Romania. Có một người mang bí danh là Voicu, không rõ là người Schwabe hay người Romania, mặc dù cái bí danh này là một cái tên của người Romania, đã viết bản báo cáo bằng tiếng Romania, gửi cho Công An Mật để tố cáo cái truyện ngắn của Herta Müller là bằng chứng của sự thù ghét chế độ, nói xấu chế độ. Tháng 12 năm 2008, bản báo cáo này đã được đem ra công bố trước ánh sáng bởi một tổ chức nghiên cứu về tài liệu mật của chế độ Ceausescu.

Ông Karl Schäuble nói, năm 1984, khi truyện ngắn ấy lọt sang Tây Đức, thì nhiều người Schwabe ở Tây Đức tìm đọc và hiểu ngay ý đồ của Herta Müller. Thế nên họ mới hỗ trợ để xuất bản cả tập truyện Niederungen. Lúc ấy ở Tây Đức, ngoài dân Schwabe thì chẳng mấy ai biết đến Herta Müller, vì bản thảo của bà đã được chính những người Schwabe di dân từ Romania lén giấu mang theo sang Tây Đức. Bây giờ, Herta Müller đoạt giải Nobel Văn Chương thì người Schwabe ở Đức rất hãnh diện, nên họ đã tổ chức triển lãm tác phẩm của Herta Müller, mà trong đó họ đặc biệt nhắc đến truyện ngắn “Das Schwäbische Bad”. Chính tác phẩm gây tranh luận này đã làm cho tên tuổi của Herta Müller nổi lên. Nếu trước kia có một số người Schwabe ở Romania bất bình với Herta Müller, thì bây giờ người Schwabe ở khắp nơi trên thế giới đều xem bà là niềm hãnh diện của họ!

 

2. Về chuyện “ngứa cổ hát chơi” trong cuộc sống cùng cực dưới chế độ độc tài:

Bài hồi đáp của độc giả Ðoan Hùng có một ý tưởng thú vị. Đoan Hùng viết:

Nhà văn có khi chỉ là “con chim ngứa cổ hót chơi”. Thế thôi! Nhưng khi một tác phẩm ra đời, nó vuột ra khỏi tầm tay, ngòi bút của họ. Và có khi “tiếng hót” được cảm nhận nhiều chiều mà chính “con chim” cũng phải ngạc nhiên. Kẻ thì cho là nó gợi nên mùa xuân, kẻ thì nghe thấy tiếng suối, mà có kẻ bảo là... nghe nhức đầu và phê rằng nhân gian còn nhiều đau khổ cớ chi mà chim lại hót véo von!

Ý tưởng này thú vị lắm, nhưng Đoan Hùng đem áp dụng vào trường hợp của nhà văn Herta Müller thì quá sức khiên cưỡng. Độc giả Đoan Hùng đã nhận xét về truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” của Herta Müller như sau:

Riêng về “ý nghĩa chính trị” thì tôi vẫn ngờ rằng đó là “cảm nhận” của người đọc mà chưa chắc là “ý đồ” của nhà văn.

Nói “chưa chắc” thì đúng là một cử chỉ cẩn thận, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong trường hợp của nhà văn Herta Müller, thì sao lại... “chưa chắc”?

Lẽ nào Herta Müller, chính bản thân bà, lúc ấy đang sống khốn khổ dưới chế độ cộng sản độc tài của Ceausescu, mà lại vô tâm đến độ “ngứa cổ hót chơi” về cuộc sống khốn khổ của chính đồng bào mình!

Lẽ nào những tác phẩm “ngứa cổ hót chơi” của bà đã “vuột ra khỏi tầm tay, ngòi bút” của bà, và được “cảm nhận nhiều chiều”, nhưng lại được bao nhiêu nhà phê bình và độc giả trên thế giới xem là những tác phẩm tiêu biểu cho sự phản kháng quyết liệt đối với chế độ cộng sản độc tài của Ceausescu; và năm nay ban giám tuyển của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển nhất trí trao giải cho bà, vì bà đã sử dụng “sự kết tụ của thi ca, và sự trung thực của văn xuôi”, để “mô tả cảnh trạng của những con người bị bóc lột”!

Lẽ nào ông Peter Englund, thư ký thường trực của Viện Hàn Lâm Thuỵ Điển, lại cảm nhận chủ quan đến độ có thể cho rằng Herta Müller “chính xác tột cùng trong việc sử dụng từ ngữ”, và nhận xét về những tác phẩm của Herta Müller như sau: “Một mặt, bà là một tác giả hảo hạng với một ngôn ngữ văn chương thật sự tuyệt vời, và mặt kia bà có khả năng làm cho bạn hiểu được sống dưới chế độ độc tài thì như thế nào, và đồng thời sống như thành viên của một cộng đồng thiểu số trong một nước khác thì như thế nào và sống như một người lưu vong thì như thế nào”!

Lẽ nào Herta Müller chỉ vì muốn viết những tác phẩm “ngứa cổ hót chơi” nên đã can đảm từ chối làm báo cáo viên cho Công An Mật, để rồi phải chịu bị mất việc làm, và phải chấp nhận thường xuyên bị đe dọa đến tính mạng, cho đến khi bỏ nước ra đi vào năm 1987!

Lẽ nào sau khi viết những tác phẩm “ngứa cổ hót chơi” ấy và thoát được ra nước ngoài, Herta Müller lại tiếp tục viết không ngừng những tác phẩm “ngứa cổ hót chơi” khác về sự đàn áp, về chế độ độc tài và về thân phận lưu vong!

Lẽ nào chỉ viết vì “ngứa cổ hót chơi” mà khi sang đến Berlin để sống tự do, Herta Müller lại nói: “Kinh nghiệm ngập ngụa nhất đối với tôi là sống dưới chế độ độc tài ở Romania. Và cái việc giản dị sống ở Đức, cách xa Romania hàng trăm cây số, chẳng làm sao xoá được kinh nghiệm quá khứ đó của tôi”![1]

Sự thật là Herta Müller đã có ý thức chính trị phản kháng trước khi trở thành một nhà văn, và bà vẫn trung thành với ý thức ấy cho đến hôm nay.

Lúc còn học đại học ở thành phố Timisoara, Müller đã gia nhập vào “Aktionsgruppe Banat” (“Nhóm Hành Động Banat”). Đây là một nhóm sinh viên người Schwabe đến từ vùng Banat, gồm những người trẻ yêu văn chương nhưng bất mãn với chế độ cộng sản của Ceausescu. Sinh hoạt ngầm với nhau một thời gian, nhóm này đã tung ra một bản tuyên ngôn cho rằng “văn chương không nên nhượng bộ trước chính trị, văn chương phải mang tính phê phán.” Herta Müller nói rằng lúc ấy họ cảm thấy họ phải có thái độ “chính trị thẳng thừng” (“directly political”). Sau đó, cả nhóm đã bị Công An Mật xem là “kẻ thù của đất nước”. Một số thành viên bị đuổi học và bị bỏ tù, trong đó có cả nhà văn trẻ Richard Wagner (người mà sau này sẽ kết hôn với Herta Müller). Công An Mật đến lục soát nhà cửa của họ. Herta Müller bị đuổi ra khỏi nơi bà đang làm việc sau khi vừa tốt nghiệp đại học...

Về cuốn sách đầu tay (trong đó có truyện ngắn “Das Schwäbische Bad”), Müller nói:

Cuốn sách đầu tay của tôi là Niederungen [Hạ địa], diễn tả cái nhìn của một đứa trẻ đối với miền Banat nơi dân Đức cư ngụ [ở phía tây Romania]. Trong cuốn sách đó và những cuốn khác, đề tài trung tâm là chế độ độc tài. Tôi đã chẳng biết bất cứ điều gì khác. Tôi đã chẳng thấy bất cứ điều gì khác. Và tôi đã tiếp tục theo đuổi đề tài đó.

Và bà nói thêm:

Những nhân vật trong văn chương của tôi phản ảnh những gì xảy ra cho con người trong một xã hội toàn trị hay một hệ thống toàn trị. Và tôi tin rằng đây không phải là một đề tài mà tôi đã chọn lựa, nhưng đúng ra nó là một đề tài mà cuộc sống của tôi đã chọn cho tôi. Tôi không có sự tự do chọn lựa ấy. Tôi không thể nói: “Tôi muốn viết về điều đó, hay về điều kia.” Tôi bị buộc phải viết về những gì đụng chạm đến tôi và về những gì không để cho tôi yên.[2]

Về chuyện “tắm nước nóng” dưới chế độ cộng sản của Ceausescu, tôi có tìm thấy một số thông tin rất thú vị. Ngày 09/10/2009, trên trang TRANSMISSION của Radio Free Europe / Radio Liberty (RFE/RL) có một bài viết mang nhan đề “Herta Mueller And The Securitate” của Eugen Tomiuc, một tác giả người Romania, đặc phái viên của RFE/RL. Bài viết thú vị ấy có những thông tin đủ để chúng ta xác định rằng truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” không phải là một truyện “tự trào” của Herta Müller về tính “hà tiện” của dân Schwabe.

Độc giả có thể đọc nguyên văn bài viết “Herta Mueller And The Securitate” của Eugen Tomiuc trên RFE/RL. Ở đây, tôi chỉ xin nêu lên một điều đáng ghi nhận, đó là: Eugen Tomiuc, người Romania, đã xác nhận rằng Herta Müller viết hoàn toàn đúng sự thật, vì đối với thường dân Romania nói chung, tất nhiên kể cả người Schwabe, thì “nước nóng là một tiện nghi hiếm có, thậm chí là một tiện nghi xa xỉ ở nước Romania của Ceausescu” (hot water was a rare commodity, even a luxury in Ceausescu's Romania). Eugen Tomiuc nhận xét rằng chỉ có các thành viên trong hàng ngũ đặc tuyển của Công An Mật thì mới có nước nóng để tắm hàng ngày.[3]

Từ những dữ kiện nêu trên, tôi nghĩ:

Khi người ta không có nước nóng để tắm, vì nó “là một tiện nghi hiếm có, thậm chí là một tiện nghi xa xỉ”, thì có khi người ta đành phải tắm chung một chậu. Hành động này không thể bị xem là “hà tiện”.

Trong hoàn cảnh khốn khổ chung đó, chính Herta Müller cũng không dễ dàng gì để có nước nóng mà tắm. Vì thế, bà không thể xem tất cả những người đồng cảnh ngộ là “hà tiện”. Ai mà lại vô tâm đến độ đi chế giễu người nghèo khổ là hà tiện? Khống có để dùng, thì còn gì để mà hà tiện?

Đối diện với sự thật rằng thường dân trong cả Romania không có nước nóng để tắm, Herta Müller không thể cao hứng “ngứa cổ hát chơi” rằng chỉ có dân Schwabe vì “hà tiện” nên mới dùng một chậu nước nóng để tắm chung cho cả gia đình.

Truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” chỉ có thể là một lối tự trào “ngứa cổ hát chơi” nếu nó được viết bởi một người Schwabe sống tại Baden-Württemberg, nơi phần lớn dân Schwabe đều giàu có.

Truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” được Herta Müller, một người thuộc sắc dân thiểu số Schwabe, một nhà văn phản kháng, viết tại Romania, dưới chế độ cộng sản độc tài của Ceausescu, nơi đại đa số thường dân không có nước nóng để tắm, thì không thể là một lối tự trào “ngứa cổ hát chơi”.

 

3. Kết luận:

Dưới một chế độ độc tài phi nhân, một nhà văn thực sự có ý thức chính trị phản kháng không thể “ngứa cổ hát chơi.”

Nếu có ngứa, thì có lẽ chỉ... ngứa gan.

Và khi ngứa gan, thì người ta không còn “hát chơi” nữa. Người ta chỉ muốn đập cho cái chế độ ấy nát ra và sụp đổ.

 

 

_________________________

[1]Alison Flood, “Herta Müller takes Nobel prize for literature”, Guardian, Thursday 8 October 2009

[2]“Interview: Herta Mueller On Growing Up In Ceausescu's Romania”, Radio Free Europe / Radio Liberty (RFE/RL), October 11, 2009.

[Tôi đang dịch bài phỏng vấn này sang tiếng Việt và sẽ đăng trên Tiền Vệ trong vài ngày tới.]

[3]Eugen Tomiuc, “Herta Mueller And The Securitate”, Radio Free Europe / Radio Liberty (RFE/RL), October 09, 2009.

 

--------------

Bài liên hệ:

19.10.2009
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Nhà văn có khi chỉ là “con chim ngứa cổ hót chơi”. Thế thôi! Nhưng khi một tác phẩm ra đời, nó vuột ra khỏi tầm tay, ngòi bút của họ. Và có khi “tiếng hót” được cảm nhận nhiều chiều mà chính “con chim” cũng phải ngạc nhiên. Kẻ thì cho là nó gợi nên mùa xuân, kẻ thì nghe thấy tiếng suối, mà có kẻ bảo là... nghe nhức đầu và phê rằng nhân gian còn nhiều đau khổ cớ chi mà chim lại hót véo von!... (...)
 
18.10.2009
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Văn chương thì quả là “đa nghĩa”, nhưng trong truyện ngắn “Das Schwäbische Bad” thì ý nghĩa “chính trị” là điều không thể chối cãi. Ý nghĩa đó chính là cái thông điệp của truyện. Vì thế, điều này đã khiến Công An Mật của Romania phải “lưu tâm”!... (...)
 
[NOBEL VĂN CHƯƠNG 2009] ... Văn chương quả là “đa nghĩa”. Mỗi người đọc có thể cảm nhận một ý nghĩa trong đó. Đối với Hoàng Ngọc-Tuấn, ông cảm nhận “Das Schwäbische Bad” mang một “ý nghĩa chính trị” là phê phán cộng sản... Theo cảm nhận của tôi thì đây chỉ là một tác phẩm tự trào của Herta Müller về chính dân tộc mình, chính cộng đồng người Schwabe mà chính bà là thành viên... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021