tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Historical”  [đối thoại]

 

Một:

Xin cảm ơn Xyz đã nhặt sạn cho bài viết Đoàn tầu “thống nhất” (hay là “quân tử dĩ hậu đức tải vật” [1] đăng trên Da Màu của tôi. Các lỗi mà Xyz đã chỉ ra đều xác đáng. Thực trạng chuyện “bếp núc” thì cụ thể thế này:

– Câu của Milan Kundera tôi lấy từ nguồn duy nhất (64.26.179.12/pdf/thf/1011/OiseauTigre_septembre2010.pdf) có trên mạng, một bản pdf (không khác gì in chụp nên tôi nghĩ là rất chính xác) của tập san L'Oiseau-Tigre. Toàn văn đoạn ấy như sau:

"Sans la critique, les découvertes effectuées par l’art restent innommées et ainsi absentes de l’histoire de l’art, car une oeuvre n’entre dans l’histoire, n’y devient visible, que si ses découvertes, ses innovations, sont dénommées et reconnues. Sans l’arrière-plan méditatif qu’est la critique, les oeuvres deviennent des gestes isolés, des accidents a-historiques, oubliés dès le lendemain» (M. Kundera, «Préface», dans F. Ricard, La Littérature contre elle-même, Montréal Boréal, coll. «Papiers collés», 1985, p. 8).

Khi gửi bài cho Da Màu, chắc rằng BBT Da Màu thấy “a-historiques” quá lạ lẫm nên đã sửa thành “ahistoriques” mà tôi không được biết.

Tôi thì nghĩ một người thâm hậu Pháp văn như Milan Kundera đâu dễ mà sai vớ sai vẩn. Chắc rằng ông muốn chơi đa nghĩa ở đây: “des accidents a-historiques” vừa có thể hiểu là “des accidents historiques” vừa có nghĩa là “des accidents ahistoriques”. Bản chất thế nào thì chắc rằng phải viết thư cho Milan Kundera mới rõ được, nhưng mà, chuyện từ năm 1985, nên tôi e ông đã quên béng mất rồi.

Tuy nhiên, các bản dịch ra Anh văn đều dùng từ “historical”. Nếu Xyz ưa dùng Google như thế thì sẽ thấy câu Anh văn ấy (“Without the meditative background that is criticism, works become isolated gestures, historical accidents, soon forgotten.”) hiện lên con số “2.950 kết quả (0,33 giây)”.

Vậy nên, khi “tạm dịch ra tiếng Việt”, mới có “sự cố lịch sử”. Nếu thêm “sự cố phi lịch sử” nữa thì ắt ngoài Xyz sẽ còn có muôn vàn người Việt khác la ó, vì ai mà hiểu nổi cái đó là cái chi chi.

Dẫu sao, trong trường hợp này thì tâm thức người Việt cũng đồng điệu với tâm thức người Anh.

– Về sai sót trong cụm từ tiếng Nga “Русские локомотива” thì có lẽ đó là hậu quả của “tâm trạng lưỡng phân” trong khi viết. Sai sót của những giây phút lừng khừng, nửa định “số ít”, nửa muốn “số nhiều”. Xin chân thành cảm ơn Xyz đã chỉ ra cái lỗi ấy.

– Trong một bài viết khá dài (1,1 vạn chữ), lại phải hoàn thành gấp cho một cuộc hội thảo, thì e khó mà tránh khỏi những sai sót. Chẳng hạn tôi còn thấy một lỗi khác như từ “suiside bomber” (phải là “suicide”) trong bài này. Thành thật xin lỗi quý bạn đọc.

 

Hai:

Trong ý kiến của mình, Xyz có hỏi:

Trong bài viết ông đưa vào nhiều gia vị quá: nào Tầu, nào Pháp, nào Anh, rồi Nga, rồi lại La Tinh, … Chẳng hay có cần thiết làm như vậy để người đọc lờ mờ tin là họ còn kém cỏi hơn ông rất nhiều hay không ạ; đàng nào thì chỉ một “trạng” Thiện (Phạm Công) e cũng đã là “quá đủ” cho chúng ta rồi mà?

Thật là bất nhã khi để Xyz và ai đó phải trải qua cái tâm trạng “lờ mờ tin là còn kém cỏi”, rất xin lỗi, nhưng đó không phải là dụng ý của người viết. Tôi cũng không hề có ý muốn tạo ra một văn phong “lai căng”.

Thực ra thì người viết có ảnh hưởng của “chủ nghĩa ấn tượng”. Chẳng hạn:

– Khi định diễn đạt “cái tầu hỏa [kiểu/mang tính] Nga” thì tôi thấy dùng “[Pусский] локомотив” sẽ tạo ấn tượng trực cảm mạnh mẽ chính xác hơn rất nhiều, và quan trọng là cái từ đó sẽ nói được hết ý muốn diễn đạt của người viết hơn. Và, “cái tầu hỏa” ấy sẽ “thuần Nga” hơn lắm lắm. Nhất là, trong trường hợp cụ thể với nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, thì những từ tiếng Nga xuất hiện trong bài này sẽ làm rõ cái chiều sâu trong chân dung một-nhà-phê-bình-văn-học-xuất-thân-từ-khoa-Nga.

– Những từ khác như “access”, “vision” thì tôi nghĩ chúng đã được Việt hóa từ lâu, đã đi vào đời sống ngôn ngữ Việt, và chắc chắn là nó biểu nghĩa tốt hơn các từ tiếng Việt tương đương.

Trong đời sống của tiếng Việt hiện nay có sử dụng những từ ngoại mà không thể có từ Việt tương đương mà ngắn gọn, ví dụ: marketing, outsourcing, logistic, fan, teen, hot boy/girl… Nếu không dùng thì chúng ta diễn đạt sao cho hết ý bây giờ.

Các tiếng nước ngoài đều sử dụng thoải mái các từ mượn (borrowings) từ khắp nơi. Đến tiếng Anh cũng dùng nhiều từ Việt: banh chung, ao dai, nem chua, pho, Doi Moi, Tet… Nếu không dùng thì sự diễn đạt sẽ bế tắc, nào có người Anh nào kêu ca họ lai căng.

Và, nếu tiếng Việt cứ “bảo thủ” mãi thì làm sao mà hội nhập với thế giới được.

Về Phạm Công Thiện thì thưa rằng sự có mặt của ông trong đời sống văn hóa Việt có là “quá đủ” với một số người, nhưng cũng không ít người thấy muốn có thêm. Chuyện đó cũng “tùy tâm” thôi mà.

Quả thật, tôi chỉ luôn mong muốn diễn đạt sao cho được trọn ý, chứ không hề định làm khó người đọc.

 

Lời kết:

Một lần nữa xin được cảm ơn Xyz với những góp ý sát sao và cần thiết để làm rõ một văn bản. Chỉ mong một điều là được đối thoại với một người công khai danh tính thì cuộc đối thoại chắc chắn sẽ hay ho hơn. Cái cảm giác “nói chuyện với Ninja” chắc không thể không có chút e ngại.

Trân trọng,

Đặng Thân

Hà Nội - 1/3/11

 

 

------------------

Bài liên quan:

26.02.2011
[DỊCH VĂN] ... Tôi dè chừng câu tiếng Anh là do tác giả tự dịch, nên có sai sót đáng kể, chứ nếu mà ông “làm biếng” hơn một chút, dùng ngay “dịch vụ chùa” Google dịch (http://translate.google.com.vn/#), thì “kết quả (tự động)” đã tốt hơn (cũng đáng kể) ... (...)
 
25.02.2011
[DỊCH THƠ] ... Dù sao, thật may, chúng ta vẫn còn (dù không nhiều) những người dịch đàng hoàng khác, bằng không, tôi e... (...)
 
24.02.2011
[DỊCH THƠ] ... Vừa qua người đọc “online” có dịp đọc hai bài thơ “Voyelles” và “Le Bateau Ivre” của Arthur Rimbaud (1854-1891) được ông Huỳnh Phan Anh dịch ra tiếng Việt... Rất tiếc là bản dịch tiếng Việt này không giúp độc giả thấy được tại sao hai bài thơ đó lại nổi tiếng là tuyệt tác cũng như tại sao tác giả của nó lại được ca ngợi là thiên tài thi ca (không chỉ của Pháp mà của cả thế giới)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021