tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tạp chí Hồn Việt và “kỹ thuật lồng tin buồn”  [đối thoại]

 

 

Là tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam, Hồn Việt có nhiều bài nghiên cứu thú vị do các học giả trong và ngoài nước gửi về cộng tác, quan tâm tới nhiều lĩnh vực. Song tạp chí này thật tắc trách về cách “tận dụng” mang tính thị trường. Trong số 38 tháng 8/2010 (thậm chí ra trước thời điểm), bên cạnh những quảng cáo rầm rộ về các sách ấn hành của Trung tâm quốc học và NXB Văn học, tạp chí này tỏ ra tận dụng triệt để tới mức tối đa khi chen thêm những lời chia buồn do Hội nhà văn đưa ra. Điều cần nói, lời chia buồn lại chêm vào ngay bài “Mấy điều suy nghĩ về trí thức” của tác giả Nguyễn Văn Thịnh (hội nhà văn TPHCM) phản biện lại ông Chu Hảo. Không biết các vị trong nội bộ có ý gì?

Việc chêm những mẩu tin “vặt” thường thuộc về nhật báo, rất ít xuất hiện trong các tạp chí, đặc biệt là tạp chí nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật. Hơn nữa, lại là tạp chí có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu có tiếng ở hải ngoại như Nguyễn Tài Cẩn[1] (Moskva), Bùi Trọng Liễu[2] (Paris), Lê Tự Hỷ[3] (Atlanta),...

Vấn đề đặt ra, liệu một tạp chí danh tiếng do Hội nhà văn ấn hành có đề cao tính nghiêm túc hay không? Hơn nữa, thường thì, cáo phó đặt ở đầu hoặc cuối tạp chí; đằng này, hai cáo phó trên được “sung công” vào ngay bài nghiên cứu, thì không hiểu nổi các ông ở Hội nhà văn nghĩ gì nữa? Có lẽ, nên gọi tạp chí này là Tạp chí Đưa tin buồn thì hợp lý hơn!!!

 

***

 

NHÂN ĐÂY CŨNG XIN TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT “MẤY ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ TRÍ THỨC”

 

 

Bài viết “Mấy điều suy nghĩ về trí thức” của Nguyễn Văn Thịnh khá dài và có nhiều luận điểm. Tuy nhiên, vì là bài báo tác giả trao đổi với GS Chu Hảo, cho nên, thứ nhất, tôi nghĩ tác giả nên tìm chính công trình Sĩ phu-trí thức Việt Nam để trao đổi sẽ có lý hơn là dựa vào bài lược thuật của nhà báo Thu Hàvà bài của tác giả Nguyễn Việt Quốc.[4] Thứ hai, về những trích dẫn ý kiến của ông Chu Hảo, tác giả Nguyễn Văn Thịnh không ghi chú bất cứ phần nào, độc giả không biết đâu là ý kiến tác giả vay mượn của nhà báo Thu Hà và đâu là ý kiến trích từ tác giả Nguyễn Việt Quốc. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ tài liệu. Không biết GS Chu Hảo có nói vậy không, hay là do sự thêm thắt có chủ ý của hai tác giả trên. Từ đó tôi đi vào hai luận điểm sau:

Thứ nhất, vì ngay dưới nhan đề bài báo, Nguyễn Văn Thịnh có ghi chú trong ngoặc đơn: “Trao đổi với GS Chu Hảo về những điều mà ông Chu Hảo viết trong Sĩ phu - trí thức Việt Nam”, vậy tác giả phải bám vào văn bản gốc của GS Chu Hảo thì mới đúng là trao đổi. Đằng này, tác giả lại trao đổi gián tiếp qua trung gian bài lược thuật và một bài viết. Tôi nghĩ, vấn đề tác giả đưa ra phê bình chưa thể xem là thuyết phục. Với luận điểm này, bài viết của Nguyễn Văn Thịnh chưa thể đạt tiêu chuẩn của bài phê bình lại phê bình (siêu diễn giải) đối với GS Chu Hảo về trí thức Việt Nam. Từ đó, rất có thể những diễn giải của tác giả đều là kết quả chủ quan suy ý, trong khi đó, tác giả chưa hẳn đã nắm vững bản chất vấn đề.

Thứ hai, trong toàn bộ bài viết không có lấy một ghi chú cụ thể nào. Thật khó để độc giả tra cứu tài liệu nhằm hiểu thêm về bản chất, đầu đuôi câu chuyện. Đành rằng, có thể tác giả đã nghe phong thanh được phần nào câu chuyện về công trình của GS Chu Hảo, thì chí ít, khi ông luận tội học giả Trương Vĩnh Ký, thì ông cũng nên cho độc giả biết phần tài liệu ông minh chứng nằm ở đâu? Ông nói chung chung “Trương Vĩnh Ký gửi báo cáo về các quan thầy thuộc địa Nam Kỳ” [sau đó trích một đoạn],[5] vậy thì biết những điều tác giả viết về ông này là có thực hay phi-thực? Vì vị học giả này từng gây khá nhiều xôn xao trong giới học thuật, việc cung cấp tài liệu xác thực là rất cần thiết, hơn nữa, tác giả nói về lời trích dẫn của Trương Vĩnh Ký chỉ phảng phất qua một lần đi công cán của ông, thì độc giả biết đâu mà mò, ai biết là tác giả có tự đặt ra không? Khi nói về Gs-Bác sĩ Hồ Đắc Di, Phan Thanh Giản, Nguyễn Ái Quốc,[6] tác giả cũng làm tương tự như khi bàn về Trương Vĩnh Ký thì ai biết ông Gs họ Hồ hay ông Phan Thanh Giản kia là có nói hay là bịa ra? Chí ít, tác giả cũng nên cho bạn đọc biết tên cuốn sách hay cuốn nhật ký hoặc tài liệu cụ thể nào để họ còn tra cứu, học hỏi thêm. Tôi không rõ, điều trên là do BBT tạp chí Hồn Việt dàn trang theo cỡ chuẩn mà gạt phần chú thích, hay do tác giả cố tình? Đặt vấn đề phê bình mà chứng cớ “mơ hồ” như vậy, thì chất lượng bài viết có thể sẽ là nghi vấn, khó thuyết phục bạn đọc.

Từ hai vấn đề trên, tôi cho rằng, bài viết “Mấy điều suy nghĩ về trí thức” đăng trên Hồn Việt chưa thể xem là bài viết hoàn chỉnh và có chất lượng

 

 

_________________________

[1]Nguyễn Tài Cẩn, “Việc kiêng húy tước hiệu của Phụng Càn Vương đầu đời Lý”.

[2]Bùi Trọng Liễu, “Oan đà điểu”.

[3]Lê Tự Hỷ, “Các trường đại học ở Việt Nam cần chủ động tạo nguồn vốn”.

[4]Bài lược thuật của nhà báo Thu Hà trên báo Tuổi trẻ ngày 12/6/2010, và bài viết của Nguyễn Việt Quốc trên báo Văn nghệ TPHCM ngày 24/6/2010. Cả hai bài viết này đều không được tác giả Nguyễn Văn Thịnh (hoặc tòa soạn tạp chí Hồn Việt) đưa ra nhan đề. Xem trang 21, báo Hồn Việt số 38 tháng 8/2010.

[5]Báo đã dẫn, tr. 23.

[6]Bài viết của Nguyễn Văn Thịnh đề cập đến Hồ Đắc Di, Phan Thanh Giản và Nguyễn Ái Quốc ở trang 22 và 23, báo đã dẫn.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021