tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Sống chung với... hát nhép  [đối thoại]

 

Trên Calitoday.com tháng trước có bài “Thư độc giả: Paris by night ‘Live’ show 104”, kêu trời như bọng, một cách chủ yếu là nhắm vào nạn hát nhép.

Dù tính chất cũng như xác suất thực hư của câu chuyện đó tôi không có khả năng kiểm chứng, nhưng chuyện hát nhép nói chung đã trở thành phổ biến từ lâu không cần phải dẫn chứng, và nếu có xem nó là một thứ văn hóa đi nữa: văn hóa hát nhép, thì điều này cũng đương nhiên là chấp nhận được mà cũng không cần phải dẫn chứng.

Theo thiển ý của tôi, về gốc tích, văn hóa này có nguồn gốc ít nhiều sâu xa từ thói quen, thứ thói quen tai hại tiêm nhiễm từ trong máu: thói quen chơi luật rừng.

Trong khi chúng ta lên án những kẻ chơi luật rừng trong nước (xử án theo kiểu bít bùng hay “chơi dơ” như thảy hai bao cao su chẳng hạn), và đòi hỏi người khác phải hành xử sao cho có văn hóa, phải tuân thủ luật tắc toàn cầu, phải thế này thế nọ, vân vân..., thì chúng ta lại trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào những trò chơi chẳng có gì minh bạch, sạch sẽ, đẹp đẽ, văn hóa văn minh, mà lại đầy tính chất bộ lạc mang danh giải trí, tiêu khiển, đầy “nghệ thuật” đó, mà lương tâm không thấy nao núng gì hết.

Bài “Mình thì... khác” của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc trên blog VOA là một bài viết rất vẫn còn mới dù đã đăng khá lâu, và rất đáng được mang ra nghiền ngẫm trong vụ việc này.

Tuy tệ nạn hát nhép không phải là đích ngắm một cách trực tiếp của bài viết, nhưng bài viết có nhiều đoạn, nếu không muốn nói là bàng bạc khắp toàn bài, có thể nói là rất nên được rút ra để áp dụng một cách thích hợp vào việc làm rõ nét thêm ít nhiều tệ trạng hát nhép và “cấu trúc” của nó. Qua đó cái tâm thức rừng rú được soi rọi một cách sáng tỏ và nhịp nhàng. Thí dụ, nổi bật như đoạn sau đây (trích):

Những tín đồ của chủ nghĩa mình-thì-khác hiếm khi nào dám thẳng thắn phản đối hay đặt nghi vấn đối với những giá trị đã được nhìn nhận ở những nơi khác. Có khi họ còn đồng ý với những giá trị ấy một cách vô cùng thành thực. Họ biết, chẳng hạn, dân chủ thì bao giờ cũng tốt hơn là độc tài; tiến bộ bao giờ cũng tốt hơn là lạc hậu; tính chất chuyên nghiệp bao giờ cũng tốt hơn thái độ nghiệp dư làng nhàng; ý hướng sáng tạo bao giờ cũng tốt hơn tinh thần bảo thủ và thói nhai lại. Họ xem đó là những chân lý hiển nhiên, không cần phải bàn cãi nữa. Hơn nữa, họ còn hết lòng ngưỡng mộ những nơi đã biến những giá trị ấy thành hiện thực.
 
Thế nhưng khi có ai đó đề nghị áp dụng những giá trị ấy vào Việt Nam thì người ta liền lắc đầu nguầy nguậy: mình-thì-khác! (Hết trích, phần in đậm là do tôi highlight.)
 

Một đoạn nổi bật khác (trích):

Thực chất của cái chủ nghĩa mình-thì-khác ấy là một thứ chủ nghĩa biệt lệ (exceptionalism), thậm chí, có thể nói, một thứ chủ nghĩa bộ lạc (tribalism) về văn hoá, một thái độ tự xem mình như là ngoại lệ của thế giới, nơi chưa từng có và cũng không cần có bất cứ quan hệ gì với người khác, ở đó, họ có những luật lệ riêng và một bảng giá trị riêng. (Hết trích, phần in đậm là do tôi highlight.)
 

Ai ai cũng đồng ý đồng tình rằng, tỷ như, đã đi xem boxing trên võ đài thì có ai muốn xem đánh cuội đâu. Đó không những là phi thể thao mà còn là phi pháp, vì rõ ràng như thế là... lường gạt.

Cũng thế, trên sân khấu, hầu như ai ai cũng thấy ra và biết đặt câu hỏi rằng: nghệ thuật trình diễn tự nó đã hàm ý là khi biểu diễn là phải làm thiệt, chơi thiệt, không được chơi ăn gian cách này cách nọ, nhưng hát cứ y như thiệt mà không phải thiệt, mà lại cứ thế mà nói là thiệt, cứ thế mà xử lý “nghệ thuật trình diễn” kiểu đó một cách tỉnh queo, “đường ta ta cứ đi nhà ta ta cứ xây”, năm này qua tháng nọ, cứ thế mà thu tiền bán vé vào cửa, tiền bán CD, DVD và các thứ ăn theo khác, vân vân; cái kiểu cách như thế có hợp lẽ hay không? Hợp lẽ ở đây là tinh thần tự giác đứng ra chấp nhận và thi hành những luật chơi và những tiêu chuẩn phổ quát có tính cách toàn cầu của nó, kiểu như đá bóng là phải đá thiệt, đá chết bỏ, chứ không được dàn xếp tỷ số, thí dụ vậy.

Rồi hầu như ai ai cũng có thể ý thức và giảng thuyết thao thao, khi cần, đại khái rằng sự hợp lẽ (legitimacy) như trường hợp đang nói đây mang tính cách vừa hợp pháp vừa phải đạo, trở thành ra đích thị là một giá trị (value) thường hằng; nó thường hay đi song song với sự minh bạch (transparency), một giá trị khác. Chúng là hai trong nhiều giá trị không thể thiếu cho một nền văn hóa lành mạnh và trong một môi trường văn minh tiên tiến.

Vân vân và vân vân...

Thế mà, trên một bình diện khác, khi bàn đến việc này, hầu như ai ai người ta cũng không rốt ráo và không quyết liệt; hoặc người ta đã nhận ra rằng nhiều phần người ta đã lâm vào tình trạng có muốn (rốt ráo và quyết liệt) cũng không được vì tình hình và sự thể đã trở nên quá tồi tệ, tồi tệ như một thứ ung thư thày chạy, hết thuốc chữa? Người ta bi quan tiêu cực theo những kiểu bi quan tiêu cực khác nhau và không cùng chung một hướng: kiểu thất vọng và có phần xỉ vả lẫn nguyền rủa “nước đổ đầu vịt” cũng có; kiểu tâm lý chung “hơi đâu lo việc thiên hạ” cũng có; kiểu bao che bè phái “có còn hơn không”, hoặc “chút xíu hát nhép vậy mà, có sao đâu” cũng có; kiểu cao sang và “lý trí quá” “không quởn” cũng có; và không chừng là kiểu mặc cảm phạm tội “tay đã nhúng chàm” cũng có thể có nữa là đằng khác; vân vân và vân vân.

Và trên thực tế vẫn có người đi xem, vẫn có người ủng hộ, vẫn có người vỗ tay hà rầm. CD, DVD vẫn bán được, nhất là những thứ sang lậu, vân vân và vân vân… Thế mới lạ!

Lạ cái nữa là trong khi trên trường quốc tế, từ Tây sang Tàu, ngoài việc tẩy chay và lên án ra, những người vi phạm đều bị “sờ gáy”, không bởi pháp luật thì cũng bởi truyền thông hoặc cả hai, nhẹ thi bêu riếu châm chọc, nặng hơn thì bị lôi ra tòa, chịu hình phạt; trong khi tại hải ngoại, trong các cộng đồng người Việt phe ta chẳng bao giờ nghe nói tới chuyện những người như thế bị “sờ gáy” cả, mặc dầu chứng cớ thì rành rành và lập đi lập lại, làm tới làm lui, năm này qua năm khác.

Pháp luật cũng không, truyền thông cũng không. Riêng trong lãnh vực truyền thông, nếu có loan tin nào đó về sự “sờ gáy” này thì chủ yếu điều đó cũng xuất phát từ một vài cá nhân “dân oan văn nghệ” nào đó trong đám quần chúng thuộc giới “đa số thầm lặng” mà ra; những người này bức xúc hay uất ức quá mà gửi thư cung cấp những thông tin “càm nhàm” và bức bách cho báo chí để đăng lên, như trường hợp lá thư kêu trời như bọng của một “dân oan văn nghệ” nêu ra ở đầu bài như trên là một thí dụ; chứ hoàn toàn không phải xuất phát từ sự ra chiêu của đích thân một cơ quan ngôn luận hay truyền thông nào, lớn hay bé, và nổi tiếng hay không nổi tiếng; tuyệt nhiên không có chuyện tự động họ chủ động đứng ra mạnh hay nhẹ tay làm một cái công cuộc gì đó gọi là khảo sát hay mở, hay “khui” ra những sự việc vi phạm...

Như thế, làm như những người nghệ sĩ hát nhép “anh minh” của chúng ta được xịt lên người một lớp hóa chất miễn nhiễm nào đó từ truyền thông nên chẳng bao giờ bị họ “sờ gáy”? Hay truyền thông “trung thực” của chúng ta có vấn đề?

Hay một cách thiệt là “nhạy cảm”, một cách na ná như nhân vật Nguyễn Sinh Hùng trong nước nói là nếu bắt hết tham nhũng thì lấy người đâu mà làm việc, thì ở hải ngoại này nếu như sờ thì phải sờ hết, chứ người sờ người không thì coi sao đặng; và như thế thì lấy đâu ra người mần “nghệ thuật” nữa hở giời ạ... Có thể nào như thế chăng? Hay tôi đang có quá ngây thơ chăng?

 

 

-----------------

Bài liên quan:

20.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Tôi thực sự thấy bạn chẳng có lỗi phải gì ở đây, vì đây chỉ là việc thảo luận, thảo luận một cách thuần túy, qua đó mọi ý kiến đều được trân trọng, mọi lý lẽ đều cần được lưu tâm, đều cần được mổ xẻ ổn thoả để học hỏi cũng như để phát huy... (...)
 
19.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Chân thành cám ơn anh về bài viết rất mạch lạc và chi tiết của anh. Đúng là lần trước tôi đã phản hồi lệch trọng tâm vấn đề anh đưa ra. Thành thật xin lỗi anh. Nay xin phép anh cho tôi được quay lại vấn đề này một lần nữa... (...)
 
18.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Thơ dễ phổ nhạc (thích hợp) không phải/không cần là “thơ hay”, mà nên thuộc loại thơ kể lại một câu chuyện tình “đau thương” có đầu có đuôi, sến đặc hay sến lỏng, là thượng hảo hạng... (...)
 
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Tôi không thấy những bài thơ được phổ nhạc của Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên có chỗ nào “lý trí quá” như Phạm Duy nói. Đúng ra phải nói đó là những bài thơ đầy xúc cảm, đầy tình cảm dạt dào cho đất nước, con người... (...)
 
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... .. Biết đâu những tra vấn lơ tơ mơ của tôi như thế này sẽ dẫn đường cho một chuyện hay một điều gì đó cần phải tra vấn khác, có khi là quan trọng hơn thì sao? Một cách cụ thể hơn, tôi thấy ông ấy nói “không thật” thì tôi tra vấn, hay nói như chị là “vặn vẹo”, để đi tìm sự thật chứ để làm chi nữa thưa chị?... (...)
 
17.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Nhạc sĩ chọn một bài thơ để phổ nhạc trước hết là do ông ấy thích bài thơ đó. Còn ông ta không chọn bài nọ bài kia vì ông ta... không thích những bài đó, không có cảm hứng... (...)
 
15.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Làm gì có chuyện một con người duy lý mà lại chạy làng trước những bài thơ “lý trí quá”... (...)
 
09.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Cách đây 13 năm, mình được một anh bạn mời tới nhà ăn mừng tân gia. Mục đích là để khoe nhà, sẵn khoe luôn dàn máy Karaoke mới sắm. Chủ nhà hát liên tiếp 5 bài hát mở hàng dàn máy. Lúc đó mình như thấy tuần tự hình ảnh Phạm Duy - Trịnh Công Sơn - Từ Công Phụng - Lê Uyên Phương và Cung Tiến ngã lăn đùng ra chết giấc... (...)
 
08.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Hát karaoke — đây là đang nói về karaoke đàng hoàng, chứ tuyệt nhiên chẳng có dính dáng gì đến karaoke ôm bậy ôm bạ như ở Việt Nam — cũng có thể được xem là một sự bùng nổ dữ dội, ít ra là tại những nơi có người Việt mình tại Mỹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021