tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nổi đình đám vì chim? Khét tiếng nhờ cứt?  [đối thoại]

 

Nhân dịp có các bài viết “Phân quý hơn vàng” của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và “Cứt trong nghệ thuật” của nhà thơ Nguyễn Tôn Hiệt trên mục Đối Thoại, tôi xin gửi đến bạn đọc một trích đoạn trong tiểu thuyết chưa in 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] của tôi để tham gia vào đề tài này.
 
Đặng Thân

 

 

CẶC & CỨT

 

... Bà con Hà Nội mới có câu vè về hai con người quái kiệt thế này:

Đào Anh Khánh nối thêm chim,
Còn Nguyễn Huy Thiệp van tim hẹp dần.

Đào Anh Khánh là một trong vài con chim đầu đàn của nghệ thuật trình diễn Việt Nam đương đại. Anh ta luôn được coi là một họa sỹ quái dị, ma mị, hắc ám, yêu nhiều phụ nữ. Anh ta đã từng đi giải phẫu thẩm mỹ bên Mỹ. Anh ta tiết lộ với báo giới là “vừa sang Mỹ làm phẫu thuật cho môi mọng hơn, mũi cao hơn và lông mi cong hơn... Nói chung là tân trang toàn bộ” trong bài phỏng vấn có tựa đề “Đào Anh Khánh sửa sắc đẹp để chinh phục phụ nữ”. Con chim đầu đàn này lại vừa được giang hồ nhắc đến trong vụ nối dương cụ ra cho dài. Âu cũng là hợp logic thôi. Đã có nhiều người kể với tôi được họa sỹ tụt quần cho xem. Ôi, con người ở đâu thì cũng là những sinh vật tò mò đến lố bịch.

Tôi cũng từng đến “Studio Khánh” xem anh ta diễn trong dịp cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder (1944~) đến chơi. Ông Gerhard Fritz Kurt Schröder (làm Thủ tướng Đức trong những năm 1998-2005) tỏ ra rất thích thú được xem Khánh biểu diễn, sau đó được hoạ sỹ tặng tranh và ông đã chụp ảnh lưu niệm cùng mọi người. Cựu Thủ tướng cũng là người nhiều vợ, ông đã từng kết hôn bốn lần. Nghe nói tại ông thích đi xe Audi có cái logo bốn vòng tròn như bốn chiếc nhẫn cưới. Vì thế ông được tặng cho cái nickname là “Audi man”. Cũng vì chuyện ấy mà ông còn được gọi theo tên một bộ phim nổi tiếng là “The Lord of the Rings”.

Năm 2003, khi đang tại nhiệm, Gerhard Schröder đã thăm chính thức Việt Nam. Vào ngày 15 tháng 5 tôi đã được dự tiệc chiêu đãi của Chính phủ Việt Nam giành cho ông và đoàn doanh nhân Đức tại khách sạn Metropole. Bữa tiệc quá tuyệt vời nên tôi vẫn nhớ như in Menu hôm đó, đúng như người Việt Nam nói: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Tôi cũng nhìn thấy ngài Thủ tướng nhai rau ráu. Menu ấy thế này:

Súp kem rau bọc bạt

*

Bánh cuốn với trứng cá hồi

Nộm thân chuối non và củ đậu với hải sâm

Nem vịt

Hoa bí nhồi

*

Cá lăng hấp xì dầu bọc lá sen

Cơm hạt sen

Rau xào

*

Món tráng miệng Việt Nam

(chè kho, kem caramen,

hoa quả tươi)

Trà, cà phê với mứt quả và hoa nhài

(Hê hê... Rõ là... cứt! Đúng là toàn món “mầm đá”. Chắc Bếp trưởng của Metropole là con cháu Trạng Quỳnh đây. Thân chuối thì là một trong những loại thức ăn chủ đạo... của lợn. Củ đậu là loại rau củ rẻ như bèo và nhạt. Chè kho là món quà rất rẻ tiền cho dân nghèo... Nhân loại này đểu thật, các cụ ta đã nói hết rồi: “Cũ người mới ta”, “Lạ miệng ngon cơm”, “Cơm/ti vi/vợ hàng xóm ngon hơn cơm/ti vi/vợ nhà mình”...)

 

Nguyễn Huy Thiệp thì được tung hô như là “vua truyện ngắn” của Việt Nam. Ông là nhà văn đương đại có nhiều cống hiến quan trọng bằng những góc nhìn mới, táo bạo. Ông là người đầu tiên “văng cứt vào văn học Việt Nam”. Mở từ điển Wikipedia tôi đã đọc được nhận định về Thiệp thế này:

Anh có một hỗn danh đầy vinh dự mà hình như phải là người thấu hiểu Phật tính mới dám nhận – nhiều người gọi anh là Thiệp “cứt”.

Nghe nói thời trẻ nhà văn này lận đận và đau khổ lắm. Thuở hàn vi “vua” đã từng phải khép nép sau lưng nữ thi sỹ Xuân Quỳnh thẽ thọt xin nộp bản thảo mà không được. Nữ sỹ đã chết sau đó trong một tai nạn giao thông với cả chồng và con, vĩnh viễn không hề biết mặt vị “vua” sau này. Vừa qua “vua” mới nhận được Giải thưởng (của một hãng rượu nho nhưng rất có uy tín) Nonino của Ý sau một vụ rất trục trặc về bệnh tim.

 

Hai quái nhân ấy người thỉ nổi đình đám vì chim, người thì khét tiếng nhờ cứt. Chẳng nhẽ ở xứ sở này có phải muốn oanh liệt là cứ phải dùng tới “cặc” với “cứt” không? Tôi nghĩ nền văn hoá ở đây không đơn giản như vậy. Hình như nó đã trì trệ ghê gớm lắm cho nên các nghệ sỹ tiên phong mới nổi đoá lên như vậy. Sự văng tục của họ là những tiếng nói phản kháng mãnh liệt với nghèo nàn, lạc hậu, trì độn và ác độc trong văn hoá. Những tiếng nói như từ vô thức bật ra để thúc giục con người trở về với bản thể gốc kỳ diệu của mình, một bản thể thẫm đẫm văn-hoá-người...

(Thôi ông ơi, văn hoá là thứ bùn ở đáy ao, để yên thì không sao chứ bới lên là không ngửi được đâu!)

Tôi không nghĩ đơn giản như thế. Bùn ở đáy ao tuy bản thân nó là không ngửi được; nhưng, công dụng của nó rất là to lớn nếu ta biết dùng, như để bón ruộng hoặc cải tạo đất vườn, hứa hẹn những mùa lúa mùa rau xanh tươi đem lại hạnh phúc ấm no cho đời.

Sự hủ bại trong văn học cũng vậy. Nếu hủ bại chỉ là hủ bại thì tất yếu nó là... hủ bại. Nếu hủ bại được “hoá” nó sẽ thăng hoa và làm nhân loại thăng hoa nhân tính của mình. Bản chất của loài người cũng chính là hủ bại. Những con người thăng hoa là đã được “giáo hoá” vượt lên sự hủ bại của mình. Theo tôi thì Phật, Lão, Trang hay đấng Christ cũng là những chân/thánh nhân đã “hoá” được hủ bại mà thôi.

 

Hê hê... Vậy thì các người hãy văng “cặc” nữa đi nhưng phải là những con cặc thấm đẫm tư tưởng triết học và đức tin.

Hãy văng “cứt” nữa vào nhưng phải là những cục cứt đầy bản sắc văn hoá đông tây kim cổ.

Có một từ có tính bản thể và nguồn cội nhất của loài người chính là từ “lồn”. Xót xa thay đây lại là một từ bị kiêng kỵ nhất trong văn học Việt Nam.

Ở vài nước phương Đông trong đó có Việt Nam người ta hay có vấn đề về “huý”. Nhiều sỹ tử xuất chúng xưa kia đi thi toàn bị đánh trượt chỉ vì phạm huý do vô tình nhắc đến tên vua chúa đương thời. Vì thế, có bậc cư sỹ đã bảo chắc hẳn nước ta đã có vị vua nào đó tên là Lồn. Mong các nhà sử học nước nhà hãy minh định điều này nhé.

 

(Trích Chương 15 của tiểu thuyết chưa in 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần])

 

 

--------------

Bài liên hệ:

29.08.2009
[VĂN HỌC] ... Cứt không làm một tác phẩm nghệ thuật trở thành “hay” hay “dở”, cũng không thể làm nó sạch sẽ hơn hay dơ dáy hơn. Giá trị của tác phẩm là do tài năng của tác giả trong việc sử dụng bút pháp của mình để diễn đạt những gì ở đằng sau và bên trên những cục cứt... (...)
 
26.08.2009
[MỸ THUẬT] ... Theo Manzoni, bất cứ thứ gì, kể cả những vật dụng thông thường trong đời sống hàng ngày, cũng có thể trở thành nghệ thuật khi bàn tay người nghệ sĩ chạm vào. “Cứt của người nghệ sĩ” là một trong những ví dụ cực đoan nhất: người nghệ sĩ biến chính chất thải trong cơ thể của mình để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021