tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Góp ý tiếp / Trả lời anh Hoàng Ngọc-Tuấn về thanh nhạc  [đối thoại]

 

Xin chân thành cám ơn anh về thì giờ cũng như công sức anh đã bỏ ra để trả lời những thắc mắc của tôi về hai chữ thanh nhạc một cách hết sức thân ái, chu đáo và đã là khá ổn thỏa tuy chưa phải là xong xuôi hoàn toàn vì anh có thể là còn viết thêm về đề tài này nữa như anh cho hay. Sự quan tâm cũng như lòng sốt sắng và tận tụy một cách chân tình và bằng hữu của anh làm tôi rất lấy làm cảm kích và cảm thấy mình rất may mắn và rất hân hạnh. Còn sự hiểu biết của anh thì rất sâu rộng và hiểu biết như thế thì quả là đáng nể. Nói chung, đúng anh là một chuyên gia đầy năng nổ và nhiệt tình, mà lại bình dị, friendly, và lại nhất là rất đáng tin cậy.

Tôi đã học hỏi được nhiều điều bổ ích từ sự trả lời này, thí dụ như về nghĩa ngữ và gốc gác của thuật ngữ “thanh nhạc” từ góc nhìn và quan điểm chuyên môn từ phương Đông; đây là lần đầu tiên tôi mới biết được như thế. Hay như việc ví von tiếng hát tuyệt kỹ và ngón đàn virtuoso; đây là điều mà, hiểu thì tôi có thể, chứ hiểu đến mức đủ để diễn đạt được như vậy thì không tài nào. Hay như kỹ thuật “beat box”, vân vân... cũng toàn là những thứ mà tôi mới được nghe nói đến lần đầu. Chưa kể đó là những điều, đối với tôi, vô cùng thú vị... Tóm lại, đây là những điều vừa mới lạ, vừa thú vị, mà lại vừa hay ho y như xem một cuốn phim cũng vừa mới lạ, vừa hay ho, mà lại vừa thú vị như phim Facebook chẳng hạn, một phim vừa mới đây thắng lớn tại giải “Quả Cầu Vàng”, và dù chỉ là xem phim ấy qua DVD mà thôi.

Từ đó về đại thể, tôi đã hiểu rõ thêm khá nhiều thế nào là thanh nhạc. Một cách chủ yếu, thanh nhạc, theo như những gì anh giãi bày và phân tích thì tôi hiểu đó là một cái gì đó có tính cách cổ điển. Cổ điển là vì như anh đưa trường hợp của Pavarotti ra như một thí dụ chính yếu và cũng là một tiêu chuẩn, một tiêu chuẩn tầm cỡ quốc tế mà theo tôi rất là vĩ đại, lý thuyết cũng như thực hành cho thanh nhạc, thì tôi thấy những gì tinh túy và tuyệt kỹ nhất mà Pavarotti thu tóm được từ nghệ thuật thanh nhạc đó đều có tính chất và truyền thống rặt cổ điển Tây phương, nói rõ ra là xuất phát từ đó, một cách cụ thể là từ Bel Canto chẳng hạn [và nhân đây xin nhấn mạnh rằng nó phải là thuần túy cổ điển và thuần túy cổ điển một cách nghiêm nhặt (strictly), cổ điển 100%, chứ bán cổ điển cũng không thể nào có vé]. À, tới đây thì tôi cảm thấy thoải mái vô cùng với “phát hiện” đó, vì tương đối tôi cũng biết chút ít về nhạc cổ điển, có khi một cách chung chung tôi còn bị tiêm nhiễm nặng bởi nó mà không biết nữa là đằng khác, cho nên về mặt personal preference của tôi liên quan đến nội dung sự việc bàn luận hổm rày về đề tài này là, trong cách dùng từ, tôi nghiêng về phía thuật ngữ “cổ điển” như là một lựa chọn có tính cách chủ đạo hơn là “thanh nhạc”. Một cách nôm na, trong câu văn trích từ Người Việt online, tôi sẽ thấy khoái chí hơn và cảm thấy thoải mái hơn, hơn rất nhiều, nếu 2 lối viết sau đây được “biên tập” lại:

1) “Mục đích của lớp thanh nhạc là nhằm...” (Câu văn gốc từ bản tin từ Người Việt online)

2) “Mục đích của lớp dạy hát theo lối thanh nhạc là nhằm...” (Câu văn tôi thử giả định về một cách hiểu câu văn gốc)

bằng:

“Mục đích của lớp dạy hát theo lối/truyền thống cổ điển là nhằm...”

Sửa chữa như thế có thể xem như là một thí dụ để cho anh thấy tôi nắm vững vấn đề đến cỡ nào; tuy nhiên, nếu vẫn còn sai sót thì xin anh lại vui lòng cho hay.

Cũng từ đó, về cục bộ, tôi vẫn còn những chỗ không hiểu. Những chỗ không hiểu này xoay quanh cái ý tưởng có thể là lẩm cẩm của tôi cho là: đã chắc gì có sự hiểu đồng bộ và nhất quán về sự hiểu thanh nhạc như anh hiểu giữa những người cũng am hiểu thanh nhạc trong cộng đồng âm nhạc Việt Nam khắp nơi với nhau. Có nghĩa ai trong giới được xem là “sành điệu” về thanh nhạc cũng đều hiểu như thế thì mới “bảo kê” là sự hiểu của anh như thế mới không cá biệt. Và việc có phải những người sành điệu đó ai cũng hiểu thanh nhạc như anh như thế hay không trông thì có vẻ như nó chẳng ăn nhậu gì tới cái thực chất của cái ý nghĩa rốt ráo của hai chữ “thanh nhạc” cả, vì cơ bản là ai hiểu sao thì hiểu, thực chất của cái ý nghĩa rốt ráo đó nó vẫn vậy, không thay đổi. Nhưng thật ra không phải thế, mà là nó có liên hệ mật thiết với nhau vì cần phải có sự đồng bộ và nhất quán đó để bảo đảm cho việc thực chất của cái ý nghĩa rốt ráo đó chỉ có một và chỉ là một, và một mang tính phổ quát (universal), dù chỉ là phổ quát trong công đồng âm nhạc Việt Nam.

Tuy lẩm cẩm nhưng hợp logic và có lẽ là cũng không phản thực tế bởi vì biết đâu trong giới am hiểu thanh nhạc của cộng đồng âm nhạc Việt Nam khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, có người hiểu thanh nhạc khác anh thì sao? Lúc đó sẽ có vấn đề là ai hiểu đúng ai hiểu sai, và cũng từ đó cái ý nghĩa rốt ráo của thanh nhạc mới có dịp được càng làm cho hiển lộ một cách sáng tỏ hơn. Đó chưa kể là hiểu đồng bộ và nhất quán ai cũng như nhau sẽ dẫn đến việc “hành” cũng đồng bộ và nhất quán ai cũng như nhau, lý thuyết là như thế.

Trên thực tế, không phải là sự mà tôi e là lẩm cẩm như trên của tôi không có cơ sở. Cơ sở là ở điểm này: có bao nhiêu người trong giới am hiểu thanh nhạc của cộng đồng âm nhạc Việt Nam khắp nơi hiểu vấn đề thanh nhạc như anh hiểu? Và theo tôi, về mặt tầm ngắm (scope/vision) hiểu như anh như thế là hiểu lớn, nếu không muốn nói là “vĩ đại”, lớn tới cỡ này, như anh phân tích:”Trong công việc dạy/học thanh nhạc, một sự rèn luyện như thế thì chưa đủ. Nghệ thuật thanh nhạc đòi hỏi người nghệ sĩ phải có ý thức và kỹ năng của một nhạc sĩ mà khí cụ tạo âm chính là tiếng hát của mình. Với ý thức và kỹ năng như thế, người nghệ sĩ thanh nhạc có thể khai thác, phát triển và sử dụng tiếng hát của mình như một nhạc cụ hết sức tinh tế, nhạy bén và uyển chuyển để diễn đạt những giai điệu hết sức phong phú (về cao độ, tốc độ, cường độ, trường độ và âm sắc), phức tạp hơn gấp nhiều lần so với những giai điệu trong các ca khúc thông thường.”

Tôi nghĩ là không có bao nhiêu người hiểu như thế. Trong khi, trên thực tế, số người nghĩ và làm như sau đây thì có thể là nhiều hơn:

Nếu anh có xem toàn bộ bản tin trong cái link tôi đưa ra từ Người Việt online trong bài “Thanh nhạc” của tôi mà dưới đây tôi link lại một lần nữa thì anh sẽ thấy có ảnh minh họa cho bản tin một học viên đang cầm micro hát với ghi chú ở cuối bài:

 

 

Trong hình, học viên Kim Phụng hát bài “Diễm Xưa” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lúc ca sĩ Lê Hồng Quang đệm dương cầm. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Như thế, theo tôi, nó có cái gì không ổn, vì hai lẽ:

1) Một trong những khía cạnh mang tính “chủ đạo” và có thể là “chiến lược” của việc học/dạy thanh nhạc như tôi hiểu qua cách anh trình bày phải là lối học/dạy, technically, không có amplification (micro) bởi vì Pavarotti chính yếu là hát không micro. Nói ngắn gọn, Pavarotti chỉ chơi micro khi phải cross over với bầu bạn pop hay gì khác không phải là opera, hay một khi phải hát ngoài trời chẳng hạn. Chưa kể là về phần kỹ thuật điều phối âm thanh khi hát có micro với bầu bạn cũng khác với kỹ thuật điều phối âm thanh khi ông chơi opera ngoài trời, chơi solo hay chơi với những bầu bạn opera khác. Chứ Pavarotti mà tối ngày hát có micro thì còn gì là Pavarotti và tinh hoa hay tinh túy cũng như tầm vóc (grandeur) của nghệ thuật thanh nhạc như tôi hiểu qua sự trình bày của anh nữa. Người đi xem Pavarotti chủ yếu là để xem/nghe Pavarotti trực tiếp từ thanh quản của ông đến thẳng đôi tai họ không qua một trung gian nào cả. Đó mới là tinh túy của nghệ thuật thanh nhạc nói như anh, mà tôi hiểu là cổ điển.

2) Một câu hỏi cũng mang tính “chủ đạo” và có thể là “chiến lược” là bài hát đưa ra để thực tập/dạy thanh nhạc cũng như là để trình làng như trong bức ảnh minh họa là bài “Diễm Xưa” như thế thì nó có “đúng điệu giang hồ” hay một cách nghiêm túc là đúng “tiêu chuẩn quốc tế” như tôi hiểu qua cách anh trình bày thế nào là thanh nhạc hay không? Cứ chơi “Diễm Xưa” từ trong giai đoạn có thể gọi là “trứng nước” khi đang là học viên như thế thì làm sao “ra biển lớn” của “khung trời thanh nhạc quốc tế” đây. Đừng nói chi ra biển lớn, bài hát đưa ra như thế để thực tập, hát với micro như thế, trong bối cảnh có người đệm dương cầm như thế có phải là lớp thanh nhạc đúng quy cách cổ điển hay thanh nhạc hay không cái đã?

Nếu những người cũng hiểu y như anh thì thiết nghĩ họ sẽ không làm điều như trên.

Từ đó tôi đồ rằng những người này họ hiểu thanh nhạc khác anh. Từ chỗ họ hiểu khác, họ mới làm khác như thế. Và biết đâu như thế đối với họ mới là thanh nhạc?

Một case đơn lẻ như thế đương nhiên không có tầm vóc bao quát và đủ lớn để xác nhận có một sự khác biệt rõ ràng và đáng kể, nhưng cũng phần nào nói lên sự thiếu đồng bộ và nhất quán trong cách hiểu thanh nhạc giữa những người sành điệu với nhau.

Một cách mơ hồ hơn, và đây chỉ là thuần túy suy luận:

Nếu xem trên thực tế trong vấn đề thanh nhạc của Việt Nam ta có một sự trì trệ hay lỗ hổng gì đó do chẳng có sản sinh ra được một giọng ca thanh nhạc “cultivated” nào tương đối có tầm cỡ, và tầm cỡ vừa vừa thôi, chứ chẳng cần phải tầm cỡ quốc tế như Đặng Thái Sơn bên “khí nhạc” thì sự trì trệ hay lỗ hổng đó có xuất phát từ khía cạnh tư duy hay không? Nếu có thì trong cái tư duy đó, cách hiểu thanh nhạc của những người liên quan và có trách nhiệm có dây dưa mối nhợ gì với vấn đề trì trệ đó hay không? Và trong số những người này có bao nhiêu người hiểu được thanh nhạc tầm cỡ như anh? Nếu được như anh thì biết đâu có thể đã không đến đỗi... Từ đó tuy mơ hồ nhưng tôi vẫn có thể suy ra là sự thiếu đồng bộ và nhất quán đã trở nên rõ ràng hơn.

Kết luận: sự đóng góp của anh trong việc soi sáng cho tôi về vấn đề thanh nhạc là một đóng góp rất chí tình, hiệu quả, ngọn ngành, và tương đối đầy đủ. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ là không phải ai cũng hiểu như anh như thế, cho nên tôi vẫn cố gắng từ từ coi xem sao, có ai đóng góp gì thêm cho đề tài này nữa hay không...

Một lần nữa, cám ơn anh.

 

 

------------------

Bài liên quan:

20.01.2011
[ÂM NHẠC] ... Trong âm nhạc Việt Nam, “thanh nhạc” là một thuật ngữ vay mượn từ Hán ngữ. Chữ “thanh” (sheng) 聲 [viết giản thể là 声] nghĩa là “tiếng”, “giọng”. Chữ này hoàn toàn khác với các chữ “thanh” (qing) 青 là “màu xanh”, và “thanh” (qing) 清 là “trong sạch”... (...)
 
19.01.2011
[ÂM NHẠC] ... Có một từ ngữ âm nhạc mà người ta hay nói đến hà rầm, và có lẽ là người ta cũng hiểu nó hà rầm, mà tôi nghe dù cũng là hà rầm mà chỉ dám đoán để cố hiểu thôi, chứ không dám nói là hiểu đích xác. Đó là chữ “thanh nhạc”... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021