tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài ý nghĩ về “thanh nhạc”  [đối thoại]

 

Sáng nay, anh Chu Hà có gửi một bài viết cho mục Đối Thoại của Tiền Vệ, trong đó anh nêu ra một số điểm thắc mắc về thuật ngữ “thanh nhạc” trong âm nhạc Việt Nam. Đọc xong, tôi có gửi anh Chu Hà một cái email và hứa chiều nay tôi sẽ viết ngay một bài về những điều mà anh thắc mắc. Bấy lâu nay, thỉnh thoảng tôi cũng có nghe vài người bạn đưa ra những câu hỏi như vậy trong những cuộc trò chuyện bên ly cà-phê. Nay nhân dịp anh Chu Hà đưa những câu hỏi ấy vào một bài đối thoại, cho nên tôi xin mượn cơ hội này để cung cấp vài thông tin. Đây không phải là một bài nghiên cứu mà chỉ là một bài viết nhanh để trao đổi thân mật, nghĩ đến đâu thì viết đến đó. Khi nào có thì giờ nhiều hơn, tôi sẽ viết một bài khác, đầy đủ mạch lạc hơn.

 

“Thanh nhạc” là gì?

Nói một cách tổng quát, trong âm nhạc có “thanh nhạc” và “khí nhạc”.

“Thanh nhạc” là “nhạc do giọng hát tạo ra”. “Khí nhạc” có nghĩa là “nhạc do các khí cụ tạo ra”. Trong âm nhạc Tây phương, “thanh nhạc” được gọi là “vocal music”, “musique vocale”, v.v., và “khí nhạc” được gọi là “instrumental music”, “musique instrumentale”, v.v.

Trong âm nhạc Việt Nam, “thanh nhạc” là một thuật ngữ vay mượn từ Hán ngữ. Chữ “thanh” (sheng) 聲 [viết giản thể là 声] nghĩa là “tiếng”, “giọng”. Chữ này hoàn toàn khác với các chữ “thanh” (qing) 青 là “màu xanh”, và “thanh” (qing) 清 là “trong sạch”.

Ngày xưa ở Trung Hoa, trong âm nhạc (yin yue) 音樂 người ta đã phân biệt thanh nhạc (sheng yue) 聲樂 và khí nhạc (qi yue) 器樂.

Trong âm nhạc 音楽 (on-gaku) của Nhật Bản, người ta cũng phân biệt thanh nhạc (sei-gaku) 声楽 và khí nhạc (ki-gaku) 器楽.

Trong âm nhạc (eum-ak) 음악 của Đại Hàn, người ta cũng phân biệt thanh nhạc (seong-ak) 성 악 và khí nhạc (gi-ak) 기악.

Ngày xưa, ở Bình Định (Việt Nam), người ta đánh giá một nghệ sĩ hát bội qua 4 tiêu chuẩn: nhất thanh, nhị sắc, tam điệu, tứ bộ. “Thanh” (giọng hát) là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá một nghệ sĩ hát bội; sau đó mới xét đến mặt mày, vóc dáng, cử chỉ.

 

Dạy/học thanh nhạc có gì khác với dạy/học hát?

Nhìn chung thì hai công việc này có nhiều điểm giống nhau, nhưng quan sát sâu hơn thì ta thấy có sự khác nhau về căn bản.

Trong công việc dạy/học hát, người ta chú trọng đến sự rèn luyện về giọng hát, kỹ thuật hát và các phương pháp diễn tả tình cảm và ý tưởng trong những ca khúc. Nói tóm lại, mục đích của công việc dạy/học hát là HÁT HAY.

Trong công việc dạy/học thanh nhạc, một sự rèn luyện như thế thì chưa đủ. Nghệ thuật thanh nhạc đòi hỏi người nghệ sĩ phải có ý thức và kỹ năng của một nhạc sĩ mà khí cụ tạo âm chính là tiếng hát của mình. Với ý thức và kỹ năng như thế, người nghệ sĩ thanh nhạc có thể khai thác, phát triển và sử dụng tiếng hát của mình như một nhạc cụ hết sức tinh tế, nhạy bén và uyển chuyển để diễn đạt những giai điệu hết sức phong phú (về cao độ, tốc độ, cường độ, trường độ và âm sắc), phức tạp hơn gấp nhiều lần so với những giai điệu trong các ca khúc thông thường.

 

Vài điều về nghệ thuật thanh nhạc

Xem các chương trình biểu diễn “Pavarotti and Friends”, ta sẽ nhận ra ngay những sự khác biệt giữa tiếng hát của nghệ sĩ thanh nhạc lừng danh Luciano Pavarotti và tiếng hát của các ca sĩ pop nổi tiếng nhất thế giới đương đại (B.B. King, Lionel Richie, Mariah Carey, Boyzone, Gianni Morandi, Gloria Estefan, Joe Cocker, José Molina, Laura Pausini, Marianne Tatum, Melanie Daniels, Renato Zero, Ricky Martin, Trey Lorenz, Zucchero, v.v). Tất nhiên mỗi người đều hát tuyệt hay theo phong cách của mình, nhưng ta có thể thấy rõ rằng trong khi tất cả các ca sĩ pop đều hát bằng chất giọng tự nhiên (natural) của họ, thì Pavarotti hát bằng chất giọng được rèn luyện (cultivated) tuyệt kỹ của một bậc thầy trong nghệ thuật thanh nhạc. Giọng hát của ông có một âm vực, một độ vang và một kỹ thuật điều khiển cường độ và trường độ ít ai sánh bằng. Tôi thích nhất khi xem Pavarotti hát chung với Tracy Chapman, hai giọng hát hoàn toàn khác nhau, hai phong cách hoàn toàn khác nhau, nhưng cùng nhau diễn đạt bài “Baby Can I Hold You” của Tracy Chapman với cảm xúc tột bậc.

Ta có thể sánh tiếng hát tiếng hát tuyệt kỹ của các nghệ sĩ thanh nhạc với ngón đàn của các diệu thủ (virtuoso) độc tấu nhạc cụ. Trong nhiều tác phẩm opera thời xưa, các giai điệu cho những nhân vật chính thường được các nhà viết nhạc mở rộng âm vực đến tối đa, thậm chí đôi khi chỉ có những giọng “contralto castrato” của các nam danh ca như Senesino và Farinelli, hay giọng “haute-contres” phi thường của nam danh ca Joseph Legros, hay giọng mezzo-soprano phi thường của các nữ danh ca Anna Renzi và Faustina Bordoni mới có thể biểu diễn “đạt đạo”! Các nghệ sĩ thanh nhạc cũng ưa chuộng những ca khúc a capella solo, tức là những tác phẩm để hát một mình một giọng, hoàn toàn không có nhạc đệm, nghĩa là không còn “dựa” hay “núp” vào đâu được nữa! Những ca khúc này thường được viết một cách đặc biệt để nghệ sĩ biểu diễn tài năng thanh nhạc của mình.

Tiếng hát của các nghệ sĩ hát bội ở Việt Nam hay các nghệ sĩ hát Kinh kịch ở Trung Hoa cũng là thành quả của công phu rèn luyện thanh nhạc với những kỹ thuật vô cùng đặc biệt. Không kể đến các nghệ sĩ hát bội, hát tuồng trên các sân khấu đường bệ, ngay cả các nghệ nhân trình diễn “khẩu kỹ” (kou ji) 口技 trên các sân khấu dân gian ở Trung Hoa cũng là những người khai thác các kỹ thuật thanh nhạc một cách độc đáo.

Trong thời đại hôm nay, kỹ thuật thanh nhạc đã được phát triển theo nhiều đường lối mới. Chẳng hạn, trong nhạc jazz, có kỹ thuật “scat-singing”, tức là kỹ thuật sử dụng giọng hát để tạo ra những âm thanh phi ngôn ngữ, với giai điệu, tiết tấu và âm sắc cực kỳ phong phú và phức tạp, có thể sánh với khả năng tạo âm của nhiều nhạc cụ khác. “Scat-singing” là một kỹ thuật vô cùng khó thực hiện, đến nỗi nhà tâm lý học âm nhạc Jeff Pressing đã nhận định: “Phải tìm được 500 nhạc sĩ thổi saxo tài ba, thì mới tìm được một ca sĩ scat-singing hạng nhất.” Ella Fitzgerald thường được xem như một trong những ca sĩ scat-singing hay nhất trong lịch sử nhạc jazz.

“Beat box” cũng là một kỹ thuật thanh nhạc hết sức độc đáo. Người nghệ sĩ “beat box” sử dụng miệng, môi, lưỡi và giọng của mình để tạo ra một bộ gõ hết sức phong phú và phức tạp về cả âm sắc và tiết tấu. Kenny Muhammad, Matisyahu và Rahzel là những nghệ sĩ “beat box” ngoại hạng. Michael Jackson cũng đã ứng dụng kỹ thuật “beat box” một cách điêu luyện trong nhiều ca khúc của anh. Nhiều người cho rằng “beat box” chỉ là một trò “giả tiếng máy đánh trống” (faked drum machine) của những ca sĩ “hip hop” bụi đời, nhưng thực ra khả năng tạo âm thanh và tiết tấu phong phú của “beat box” đã chinh phục nhiều nhà soạn nhạc nghiêm túc. “Beat box” đã được ứng dụng vào nhạc hoà tấu đương đại. Đầu năm 2010, nghệ sĩ thanh nhạc “beat box” Shlomo ở Anh quốc đã kết hợp với nhà soạn nhạc Anna Meredith để viết tác phẩm Concerto for Beatboxer and Orchestra và trình tấu với một dàn nhạc 20 người (chọn ra từ các dàn nhạc The Philharmonia, London Sinfonietta, Orchestra of the Age of Enlightenment và the London Philharmonic). Ở Mỹ, nhà soạn nhạc Randall Woolf đã viết nhạc phẩm “Native Tongues” Concerto for Beatbox Flute and String Orchestra, và nghệ sĩ Greg Pattillo đã trình diễn nhạc phẩm này cùng dàn giao hưởng UNCSA Symphony Orchestra., v.v.

 

Tôi viết lan man một mạch, có lẽ cũng đã dài, nên xin ngừng. Hy vọng những điều tôi trình bày vắn tắt trên đây có thể giải đáp đôi phần những điều thắc mắc của anh Chu Hà và các bạn quan tâm.

 

 

------------------

Bài liên quan:

19.01.2011
[ÂM NHẠC] ... Có một từ ngữ âm nhạc mà người ta hay nói đến hà rầm, và có lẽ là người ta cũng hiểu nó hà rầm, mà tôi nghe dù cũng là hà rầm mà chỉ dám đoán để cố hiểu thôi, chứ không dám nói là hiểu đích xác. Đó là chữ “thanh nhạc”... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021