tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời những thắc mắc của Nghiêm Quang về “le roncan los cojones” và “quân ca Cuba”  [đối thoại]

 

Trong bài “Le roncan los cojones” và “quân ca Cuba”, độc giả Nghiêm Quang có đưa ra một loạt thắc mắc về bài Những lời ca quá đỗi “hào hùng” của tôi, và yêu cầu tôi trả lời. Vậy tôi xin lần lượt trả lời tất cả những thắc mắc ấy ngay dưới đây.

 

==========
Nghiêm Quang thắc mắc: Làm sao ông biết đoạn phim trên You Tube do “Yoani Sánchez thu được từ cửa sổ của phòng chị”?
 

Nguyễn Tôn Hiệt đáp: Những ai thường xuyên đọc blog GENERACIÓN Y của Yoani Sánchez từ tháng 4 năm 2007 đến nay thì đều có thể biết Yoani sống tại một căn hộ trên lầu một khu chúng cư ở Habana cùng chồng là Reinaldo Escobar — một nhà báo độc lập — và Teo Escobar, đứa con trai năm nay 15 tuổi. Căn hộ của chị có cửa sổ nhìn ra một đại lộ. Từ cửa sổ đó, Yoani đã chụp được nhiều hình ảnh và đã quay được nhiều đoạn video về những sự kiện xảy ra trên đại lộ ấy.

 

==========
Nghiêm Quang thắc mắc: Ông viết “người ta có thể nghe rõ mồn một những lời ca của quân đội Cuba”, rằng “Những người lính, bước đều theo nhịp quân hành và giương cở đỏ, hăng hái hát to”, rằng “Quân ca của Cuba thì khí thế bừng bừng”. Ông có chắc họ đang hát quân ca?
 

Nguyễn Tôn Hiệt đáp: Chắc chắn chứ. Tôi có thể ký âm chính xác những gì họ hát. Câu “Los yanquis tienen sayas” thì nghe loáng thoáng, nhưng các câu sau đó thì ai biết tiếng Tây-ban-nha cũng đều có thể nghe rõ mồn một. Mời bạn xem bản ký âm chính xác về giai điệu và tiết tấu của đoạn bài hát trong video clip ấy dưới đây:

 

 

==========
Nghiêm Quang thắc mắc: Qua You Tube, tôi chỉ nghe họ hô khẩu hiệu. Blog Sánchez chỉ cho rằng họ “hăng hái hét to / coreando con energía”. Coreando có thể dịch là to chant, và to chant slogans tức là hô khẩu hiệu. Blog Esteban Casañas Losta do ông dẫn cũng cho rằng “los soldados son obligados a gritar una consigna” và gritar una consigna chắc chắn phải được hiểu là shout slogans/hô khẩu hiệu.
 
Vì lưu manh hay dốt nát, Thanh Niên đã dịch hãi hùng ra hào hùng. Ông Nguyễn Tôn Hiệt có ít nhất 2 bản blog để đối chiếu và 1 đoạn phim để kiểm chứng, lợi thế hơn hẳn Thanh Niên. Thế nhưng, vì lý do gì ông đã dịch hét thành hát để phải mất công lan man liên hệ từ “đặc sản văn chương” Tống Từ?
 

Nguyễn Tôn Hiệt đáp: Lỗ tai của bạn có thể chỉ nghe họ “hô khẩu hiệu”! Nhưng lỗ tai của tôi thì nghe được chính xác cả giai điệu và tiết tấu như đã trình bày trong bản ký âm trên đây. Nên nhớ rằng một “khẩu hiệu” thì hoàn toàn khác với một bài hát. Một “khẩu hiệu” thì ngắn gọn để hô lên, chứ không có câu cú vần vè như một bài hát. Nó cũng không có giai điệu và tiết tấu như một bài hát.

Esteban Casañas Losta là một blogger ở Canada. Anh ta đọc blog của Yoani Sánchez rồi đưa ra nhận xét của anh ta về nội dung những câu tục tĩu, chứ anh ta không nhận xét những câu ấy dưới nhãn quan âm nhạc.

Một câu hát ngắn và đủ nghĩa thì cũng có thể xem như một khẩu hiệu. Nhưng nhiều câu hát nối tiếp nhau, có giai điệu, có tiết tấu, có cấu trúc âm nhạc, thì thành một bài hát, chứ không còn là một “khẩu hiệu”.

Đoạn bài hát của đoàn quân Cuba được Yoani Sánchez thu video gồm có 4 câu, trong đó các câu 1, 2 và 4 có vần với nhau:

Los yanquis tienen sayas,

nosotros pantalones

y tenemos un comandante

que le roncan los cojones

Cả 4 câu đều được nhấn mạnh ở âm tiết áp chót theo lối tiết tấu syncopation: SA-yas, pan-ta-LO-nes, co-man-DAN-te, co-JO-nes.

Đoạn bài hát này có cấu trúc âm nhạc hoàn chỉnh và được hát ở cung FA trưởng theo nhịp quân hành, chứ không phải chỉ đơn giản là một “khẩu hiệu”.

Coreando con energía” không phải là “hăng hái hét to” như bạn nghĩ. Coreando là hình thức danh-động từ của corear. Xét về từ nguyên, động từ corear xuất phát từ danh từ coro (ban đồng ca). Coreando có nghĩa chính thức là hát, và nghĩa phụ là hô xướng đồng thanh (có nhịp điệu), chứ không phải là hét lên một cách tuỳ tiện, lộn xộn. “Coreando una canción” là “hát một bài ca”, chứ không phải là “hét một bài ca”!

Ví dụ như trong bản rap nổi tiếng “Canción de un suicida” [Bài ca của một cuộc tự tử] của Kase-O (Javier Ibarra), có những câu:

Coreando una canción desconocida,
la canción de un humano, la canción de un suicida...
[Hát lên một bài ca vô danh,
bài ca của một con người, bài ca của một cuộc tự tử...]

Hay trong bài thơ “Canción de río” [Bài ca của dòng sông] của nhà thơ Abel Otto Torre, có những câu:

Junto a una oleada de música y poemas
vendré coreando una canción de río,
para llevar la aurora al medio día
y entibiada dejarla sobre arena.
[Cùng với một cơn sóng của nhạc và thơ
một bài ca của dòng sông hát lên,
để mang ánh bình minh đến giữa ngày
và để nó lại trên cát ấm.]

 

==========
Nghiêm Quang thắc mắc: “Le roncan los cojones” được ông dịch thành “hai hòn dái bự cồ”, hoàn toàn có ý nghĩa tục tĩu trong tiếng Việt. Hiểu như vầy có thỏa đáng? Thành ngữ đó trong tiếng Cuba liệu có ý nào khác tích cực không, hay cũng thô bỉ cùng cấp độ với cụm từ của ông Hiệt?
 
Quyển “Así en La Habana como en el cielo“ của Juan José Armas Marcelo 5 lần sử dụng thành ngữ “le roncan los cojones”, tôi có thể hiểu là “hai hòn dái bự cồ” được không?
 

Nguyễn Tôn Hiệt đáp: “Le roncan los cojones” là một câu tiếng lóng tục tĩu của những người đàn ông “macho” ở Cuba. Ở Mexico cũng có những người thích dùng câu tiếng lóng thô bỉ này. Tôi đã hỏi nhiều người bạn văn nghệ sĩ đến từ Cuba và Mexico, thì họ cho biết rằng có thể tạm diễn nghĩa đen câu tiếng lóng này là “hai hòn dái biết ngáy”, và nghĩa bóng là “cặp dái to kềnh”. Những người “macho” tự hào về “tính đực” của mình thường cho rằng đàn ông thứ thiệt thì phải có thân xác lực lưỡng và khi ngủ thì ngáy to như sấm. Khi họ nói “le roncan los cojones”, họ muốn nhấn mạnh đến sự to kềnh, lực lưỡng của hai hòn dái rất “macho”.

Trong cuốn “Así en La Habana como en el cielo“, Armas Marcelo cũng dùng câu tiếng lóng này với ý chế giễu. Theo cái link của độc giả Nghiêm Quang, tôi thấy Armas Marcelo viết câu: “comemierda, muerto de la risa, le roncan los cojones al Premio Nobel de La Habana”, nghĩa là “cái lỗ đít, chết cười, những hòn dái to kềnh lãnh Giải Nobel của La Habana”.

 

==========
Nghiêm Quang thắc mắc: Cuối cùng, xin đọc lại câu kết của Nguyễn Tôn Hiệt: “Quốc ca của Việt Nam thì “hào hùng nhất thế giới”, khiến thiên hạ phải khiếp đảm! Quân ca của Cuba thì khí thế bừng bừng, khoe cả... dái! Hèn chi hai nước này rất xứng đáng với vai trò “thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới!”.”
 
Tiếng gọi công dân có những câu “Dù cho thây phơi trên gươm giáo / Thù nước lấy máu đào đem báo” tương đương với “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước (..) Đường vinh quang xây xác quân thù”. Nghe “L'étendard sanglant est élevé” (La Marseillaise) thì thấy cờ máu cũng không phải là hình ảnh độc quyền của Tiến quân ca.
 
Vậy ông Nguyễn Tôn Hiệt có xếp VNCH và Pháp vào chung hội “thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới”?
 

Nguyễn Tôn Hiệt đáp: VNCH và Pháp chưa từng có ai đủ trình độ ba hoa nhố nhăng để tự xưng vai trò của nước mình là “canh giữ hoà bình cho thế giới”. Chỉ có ông Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam mới đủ trình độ đó. Vậy thì độc giả Nghiêm Quang nên đem câu này đi hỏi ông Chủ Tịch nước CHXHCN Việt Nam, vì chính ông ta là người đã tuyên bố như thế tại Cuba ngày 03/10/2009, nguyên văn như sau:

“Có người ví von, Việt Nam Cuba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía đông, một anh ở phía tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ.”

 

 

 

------------------

Bài liên quan:

22.04.2011
[CHUYỆN HÙNG CA] ... Tiếng gọi công dân có những câu “Dù cho thây phơi trên gươm giáo / Thù nước lấy máu đào đem báo” tương đương với “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước (..) Đường vinh quang xây xác quân thù”. Nghe “L’étendard sanglant est élevé” (La Marseillaise) thì thấy cờ máu cũng không phải là hình ảnh độc quyền của Tiến quân ca. Vậy ông Nguyễn Tôn Hiệt có xếp VNCH và Pháp vào chung hội “thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới”?... (...)
 
21.04.2011
[CHUYỆN HÙNG CA] ... Hai nước đệ nhất “hào hùng” đang “thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới” là hai nước bị điều khiển bởi một loại chính quyền nỗ lực tồn tại bằng những điều dối trá. Chính quyền của hai nước “hào hùng” ấy dối trá với chính nhân dân của họ và dối trá với cả thế giới... (...)
 
[CHUYỆN HÙNG CA] ... “Ô hô! Ô hô thiên!” / Cũng gọi con Rồng với cháu Tiên / Sao diễn mãi trò ô nhục ấy / Luồn lách thân lươn, một chữ tiền?... (...)
 
20.04.2011
[CHUYỆN HÙNG CA] ... Quốc ca của Việt Nam thì “hào hùng nhất thế giới”, khiến thiên hạ phải khiếp đảm! Quân ca của Cuba thì khí thế bừng bừng, khoe cả... dái! Hèn chi hai nước này rất xứng đáng với vai trò “thay nhau canh giữ hoà bình cho thế giới!”... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021