tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Góp thêm vài ý nghĩ khi đọc bài của tác giả xyz  [đối thoại]

 

1.

Đọc “Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm“ của nhà văn Đặng Thân, thấy nhắc nhiều đến hai tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, là Châu thổCây ánh sáng, qua đó nhà văn Đặng Thân cho rằng “2 thi sĩ VN sáng giá nhất tính từ 100 năm trở lại đây là Hàn Mặc Tử và Nguyễn Quang Thiều”.

Chữ “Châu thổ” thì cũ mèm rồi, riêng chữ “Cây ánh sáng” thì quả thật với tôi quá “cách tân”, nên tôi tò mò lên mạng, thử bấm vào link này: vannghechunhat.net...

thì biết được “Cây ánh sáng” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được “sinh ra từ vẻ đẹp và sự sợ hãi”

Nhưng khi tôi bấm tiếp vào link này: http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=8004

thì lại thấy “cây ánh sáng” được sinh ra từ câu thơ “một thân cây cháy bùng lửa trắng” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Thật không biết vẻ đẹp và sự sợ hãi của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là từ đâu? Hay là từ sự sợ hãi câu thơ / bài thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo? Là tôi võ đoán như vậy

Và khi nhà văn Đặng Thân so sánh Cây ánh sáng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Đá mặt trời của đại thụ Nobel văn chương 1990 Octavio Paz, dù Đặng Thân đã viết “Chả hiểu sao khi đọc “Cây Ánh Sáng” tôi cứ linh cảm thấy một sợi dây nối với trường ca đặc sắc “Đá Mặt Trời” đưa danh Paz lên tầm quốc tế…” nhưng nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại tưởng nhà văn Đặng Thân đang tấu hài. Tôi xin học theo nhà văn Đặng Thân, so sánh thử hai đoạn của “Cây ánh sáng” và “Nơi ngày đông gió thổi”, giải nhất cuộc thi thơ Làng Chùa. Tôi bấm ngẫu nhiên, nên cũng lo không biết có bị nhà thơ Trần Mạnh Hảo mắng là mình “tấu hài” nữa hay không? Tôi xin phép chép đủ để bạn đọc khỏi mất công google.

 
Đoạn chín của “Nơi ngày đông gió thổi”
 
Giấc mơ của nàng?
 
Đâu đó những con đường đầy bóng tối. Những lối đi lạo xạo sỏi đá cỏ gai cắt cứa dưới chân. Một cảm giác sợ hãi rợn ngợp bủa vây thảng thốt. Nàng cất tiếng gọi nhưng giọng của nàng đã tắt. Từ cổ họng nàng, chỉ u ơ những tiếng rền rĩ nghe buồn thảm như tiếng sói tru, hay như tiếng gió rít qua khung cửa trong đêm trời động. Đôi chân nàng yếu ớt run rẩy nhũn mềm, rồi bỗng chốc lún sâu tan hoà lẫn vào đất đai nóng ẩm. Nàng như thể vừa được trồng xuống. Nàng dợm bước nhưng không thể rời đi.
 
Đâu đó như trong một đám tang hay một lễ hội. Mọi giác quan nàng chợt mù loà nhoà nhạt khiến nàng không sao hình dung rõ rệt. Loáng thoáng những chập chờn đèn nến, những xô đẩy lại qua, người người đông đúc. Thoắt bên nàng một người đàn bà xanh xao, mái tóc rối bù bám đầy vẩy cá. Đôi mắt bà mở to bất động, và đôi tay cứ vươn dài ra vươn dài mãi, rồi đôi bàn tay như biến mất vào khoảng không lờ mờ trước mặt.
 
Rồi đâu đó những đường phố lộn xộn bất an. Những dải băng đỏ chăng đầy khắp chốn. Rồi bắt đầu những dịch chuyển hối hả, những âm thanh ầm ầm rúng động. Rồi đâu đó những sinh vật dị dạng to lớn, kéo kéo đẩy đẩy những bộ khung sắt kỳ dị như những chiếc lồng khổng lồ.
 
Ngõ cát đâu? Ngôi nhà ngày xưa đâu? Nơi âm u tiếng còi tàu hằng đêm? Nơi chập choạng những nấm mộ nở ra những con bướm?
 
Người đàn bà tóc bám đầy vẩy cá chới với bước quanh nàng, đốm lửa cháy sáng giữa đôi bàn tay bụm chặt trước ngực. Người đàn bà xanh xao đôi mắt mở to thì thào bên tai nàng những lời khàn đặc nghe như tiếng biển. Và tiếng gọi câm của nàng. Và cảm giác bại liệt của đôi chân nàng. Nàng không thể bước đi.
 
Sương mù đang dâng lên. Nàng cố gỡ ý nghĩ của mình ra khỏi sương mù nhưng không được. Những dấp dính. Sương mù dâng dày đặc ẩm ướt trùm phủ tất cả. Nàng nghe người đàn bà tóc bám đầy vẩy cá bảo: Cần phải chọn con đường khác. Con đường thức nhận những phi lý.
 
Và nàng nhìn thấy những phi lý cay đắng dày đặc vây bủa khắp nơi.
Và nàng nhìn thấy nước mắt mình ứa ra từ vô vàn những hốc mắt khác.
 
Giấc mơ đã rời đi.
Nàng nằm nghe nàng buồn bã.
Là ai thế?
Ai?
Đã mượn thân xác nàng.
Để lại tìm về?
 
 
Đoạn năm của “Cây ánh sáng”
 
Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân những đàn bà xanh như nước biển bước đi như không bao giờ hết qua ngôi nhà chàng
 
Và lúc này những cái cây trên thế gian, những ngọn nến xanh khổng lồ thắp lên trên tất cả con đường
 
Bên họ những côn trùng, những sói buồn, những lạc đà thanh thản trong nhẫn nại, những đại bàng bắt đầu vỗ cánh và trên đầu họ những ngôi sao
 
Những người đàn bà kia chính là linh hồn những bông hoa trên vườn Địa đàng quá đắm say hương sắc chính mình
 
Đôi mắt họ mở to, ôi hai ngọn đèn bão trong mưa biển sáng mãi trong phần bóng tối chàng
 
Họ đang đi, đang đi và rì rầm, rì rầm và rì rầm bất tận
 
Trên những cánh đồng ngũ cốc đã bắt đầu lóng lánh và toả hương nồng nàn
Và ao hồ, sông suối và biển cả trước họ như tất cả làm bằng vàng rực rỡ
Những chiếc bánh trong lò được lấy ra, rượu vang đỏ được rót vào những chiếc ly hạnh phúc
 
Trên cánh đồng bất tận của thế gian một lễ hội ánh sáng bắt đầu
Và chàng bước ra khỏi chiếc ghế hành hình bóng tối, chàng và người anh em song sinh đã nhập thành một, chàng đi đến đồng cỏ rộng lớn không bến bờ
 
Những người đàn bà xanh như nước biển biến mất chàng chỉ thấy hoa nở trên cánh đồng bất tận
 
Chàng chỉ còn nghe tiếng ngân trong ngần của vô vàn chiếc chuông nhỏ như những đài hoa
 
Chàng chỉ thấy tất cả là ánh sáng cả đất đai đau khổ và tăm tối của chàng, cả con đỉa khủng khiếp bám suốt đời trên bộ xương chàng
 
Chàng quỳ xuống và ngước lên cây ánh sáng vĩ đại nhất đang toả mãi tán lá ban mai khổng lồ
 
Miệng chàng mở như một bông hoa và giọng nói chàng cất lên
Hoà cùng giọng nói của côn trùng, của sói, của đại bàng, của lạc đà trong cùng ngôn ngữ
 
Và lúc này dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỉ dữ
 
Thì tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả được hoà làm một
 
Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy
Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ vĩnh viễn
trên một cành nhỏ của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn
 

Tôi nghĩ, nếu nói như nhà văn Đặng Thân thì thơ Việt còn nhiều tác giả có thể so với tầm Nobel, e rằng nhà văn Đặng Thân đã bỏ sót.

 

2.

Nhân đây tôi cũng xin nêu thêm một ý nghĩ, từ ý của nhà thơ Inrasara:

“Chính tại đây xảy ra nỗi nhầm lẫn lớn: nhầm lẫn của lịch sử. Thủ phạm vẫn là “hoàn cảnh xã hội”! Bởi, đi trước Nguyễn Quang Thiều một bước, vài nhà thơ “thời chống Mỹ” đã làm cuộc phá rào ngoạn mục. Nguyễn Duy phản biện xã hội qua hai tập thơ sáng giá: Nhìn từ xa... Tổ quốc (NXB Trẻ, 1989) và Kim mộc thủy hỏa thổ (tạp chí Cửa Việt, 1992). Hay Thanh Thảo với Khối vuông Rubic (1985), Từ một đến một trăm (1988) thể hiện tư duy nghệ thuật mới. Hoặc người cùng thế hệ như Dương Kiều Minh ở tập Củi lửa (1989) với nhiều “cách tân” khá thành công ba năm trước đó.”

Thời “Chống Mỹ” thì tôi cũng thử lục lại và thấy “Cây ánh sáng” của Nguyễn Trọng Tạo rồi. Còn “cùng thế hệ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi cũng thử lục lại xem sao. Dương Kiều Minh thì thôi cũng được, dù ông này tôi thấy cũng không có gì mới, nhưng khi google vào tên của nhà thơ “Nguyễn Lương Ngọc” http://www.talachu.org/tho.php?bai=40 thì tôi nghĩ nhà thơ Inrasara đã bỏ sót. Đây mới thực sự là một nhà thơ “cách tân” cùng thế hệ và có nhiều thành công mà Viện Văn học nên tổ chức hội thảo sau khi đã tổ chức rất thành công hội thảo về nhà thơ “Lịch sử một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ” http://dohoang.vnweblogs.com/print/3360/365172

Mong nhà thơ Inrasara bỏ ít thời gian viết thêm về nhà thơ tài hoa mệnh bạc này.

 

 

-------------------

Bài liên quan:

17.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Vừa qua tôi nhận được phản hồi cá nhân từ một số bạn bè, rằng bài viết của tác giả Đặng Thân “không có giá trị gì ngoài việc tung hứng đầy cảm tính hồ đồ về thơ Nguyễn Quang Thiều”, chẳng hạn như Đặng Thân cho rằng “2 thi sĩ VN sáng giá nhất tính từ 100 năm trở lại đây là Hàn Mặc Tử và Nguyễn Quang Thiều”, vậy mà tôi đã “góp ý” là bài viết của Đặng Thân “rất hay”, bởi vậy hôm nay tôi thấy nên nói thêm đôi điều như sau... (...)
 
12.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Hoan nghênh tác giả Đặng Thân đã chỉnh lại chi tiết, cũng như đã thêm vào một câu rất hay... (...)
 
11.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Tôi xin có lời đính chính cho đoạn cuối cùng của bài “Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm” [...] Mong độc giả thứ lỗi. Thực ra, trong khi trí nhớ ngày càng bậy bạ, thì cũng dễ mà lẫn lộn, như là giữa ông Phê Rồ rồi là ông Phao Lồ... (...)
 
08.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Đọc “Người buông lưới dệt ánh sáng từ hố thẳm” của Đặng Thân, thấy rất là hay, nhưng mà Thân ơi là Thân, mấy cái câu cuối... (...)
 
06.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Đó là gì nếu không gọi là phê bình phán rơm, một kiểu nấp bóng để đánh một đòn mà được lợi cả bên này lẫn bên kia?! Tôi cũng xin nhắc thêm, lối viết phê bình cũng như phản biện của ông Trần Mạnh Hảo thường là không đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, đi lòng vòng, cà kê dê ngỗng... (...)
 
05.07.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Nguyễn Quang Thiều cứ mắc kẹt ở bên kia bờ hiện đại. Mắc kẹt và rớt lại phía sau... Cho nên không thể đòi hỏi Nguyễn Quang Thiều hậu hiện đại, như vài người viết phê bình đã cố tình đẩy anh về phía xa xôi ấy. Hướng tâm, Nguyễn Quang Thiều không thể không né tránh các vấn đề thời sự cộm, cái cộm khả năng va chạm cơ chế mà anh là một bộ phận khôn rời. Một nhà thơ còn escape from freedom thì vời xa cả vực thẳm với hậu hiện đại... (...)
 
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Trong mắt tôi, thơ Nguyễn Quang Thiều như một tấm lưới vô biên, không phải được dệt bằng sợi gai, sợi cước PA hay nylon sợi xe như người ta thường gặp; nó được dệt bằng ánh sáng, thứ ánh sáng của “hố thẳm”... (...)
 
23.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Ai đẻ ra cái thời đại nhảm nhí này? Đấy chính là cái nền giáo dục XHCN ở trong nước. Nghĩ mà thương cái xứ mình. Người lao động thì cực nhọc mà lại quá nhiều oan ức, còn đám nhà văn thì như vậy. Biết trông cậy vào ai?... (...)
 
22.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Trong bài viết “Sự dễ dãi không làm nên giá trị thi ca” của tác giả Trần Mạnh Hảo, đăng tại trannhuong.com, có một số ý sau đây làm tôi hết sức bất ngờ cho sự hiểu và viết của ông Hảo. Ở sự hiểu của ông, chỉ với riêng bài viết của tôi cũng có lắm vấn đề để bàn, và sự viết của ông thì miễn bàn, vì nó xuất phát từ sự hiểu... (...)
 
21.06.2012
[VĂN HOÁ ĐỐI THOẠI] ... Chúng tôi công khai phản đối lối phát biểu mang tính xúc phạm vô cớ của ông Trần Mạnh Hảo khi ông cho rằng chúng tôi đã “dùng Liêu Thái để lên án” ông... (...)
 
19.06.2012
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Nếu ông không phân tích, chứng minh một cách cụ thể, có khoa học những gì ông nêu ra thì e rằng lâu nay ông đã bịp độc giả, lừa mị họ bằng thứ ngôn ngữ rỗng tuếch, đao to búa lớn… Ông đã rơi vào loại phê bình võ đoán, phán rơm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021