tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Du khách là đại sứ văn hoá  [đối thoại]

 

Bài và ảnh: Bùi Văn Phú

 

Gặp những thiếu niên mới có dịp theo gia đình đi chơi Việt Nam vào mùa hè hay dịp Tết, tôi thường hỏi điều gì các em thích và có ấn tượng đẹp nhất và điều gì các em không thích ở quê hương của bố mẹ, ông bà.

Đa số thích những món ăn Việt. Có em thích phở, bún mọc, bún ốc, bún riêu, có em thích các loại trái cây xoài, ổi, chôm chôm, vú sữa. Có em thích nhất là được người nhà chở đi đó đây bằng xe gắn máy hay chính các em được cho chạy xe là hoạt động các em ít có cơ hội thực hiện trong đời sống Mỹ. Ấn tượng đẹp để lại trong các em là một bãi biển, có khi là con đò nhỏ đưa khách qua sông.

Còn những gì các em không thích: thường là khí hậu nóng và ẩm của Việt Nam, rồi đến điều kiện vệ sinh, cuộc sống chung quanh quá ồn ào từ sớm tới đêm. Có em không thích ruồi, muỗi, không thích nhà tiểu ngồi kiểu nước lụt.

Với nhiều người Việt ở nước ngoài, đi Việt Nam thường là thăm gia đình, thân nhân hơn là một chuyến du lịch đúng nghĩa và mang tính cách tìm hiểu văn hoá.

Có thể nhiều người coi mình là người Việt nên đã biết về văn hoá cội nguồn với phong tục, tập quán; với lễ hội, với đình đám cúng giỗ in sâu trong nếp sống vì đã được sinh ra và lớn lên ở đó. Với nhiều người lớn, ấn tượng để lại sau những chuyến đi Việt Nam là những bữa nhậu, các món đặc sản, là những ly cà phê bên cạnh tiếng hát karaoke, những thiếu nữ cặp kề, là một vài danh lam thắng cảnh. Nhiều người đi về mỗi năm, đi ra cũng chỉ chừng đó chuyện.

Với thanh thiếu niên sinh ra ở nước ngoài, những chuyến đi cũng không để lại nhiều ấn tượng văn hoá đất nước. Một số em chứng kiến cảnh nghèo đói, thiếu thốn nên khi về lại nơi sinh sống đã lập ra các tổ chức làm việc bác ái, thiện nguyện giúp những người kém may mắn hơn.

Những thiếu vắng nét văn hoá trong khi du lịch Việt Nam một phần cũng do cha mẹ, do các em không quan tâm, nhưng cốt lõi là vì chính sách nhà nước không chú trọng đến việc phát huy văn hoá Việt. Ở Việt Nam ngày nay nhiều nơi có những cổng chào dẫn vào thôn xã văn hoá. Đó là hình thức và khẩu hiệu hơn là nội dung văn hoá.

Đến thủ đô hay thành phố lớn của một nước, khách du lịch đi thăm các danh lam thắng cảnh, tìm nơi ăn uống, tìm hiểu sinh hoạt văn hoá nghệ thuật qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các trung tâm văn hoá hay các bảo tàng.

Tôi đã đi tham quan nhiều nước. Đến Hungary xem múa gypsy, qua Pháp ghé Bảo tàng Lourve, sang Amsterdam xem tranh Van Gogh, qua Mexico xem múa nón sombrero, nghe hát mariachi, đến Thái Lan có múa dân tộc của các miền bắc trung nam. Những chương trình ca nhạc này có khi diễn ra tại nhà hát thành phố mỗi đêm, có khi lồng trong các bữa ăn tối.

Tại trung tâm thành phố Sài Gòn có vài nhà hàng với chương trình ăn tối xem biểu diễn ca vũ cổ truyền nhưng không được quảng bá rộng rãi như những quán bia ôm, quán karaoke. Khách du lịch nước ngoài có người đã viết báo chê Việt Nam là nơi không có đời sống văn hoá. Ban đêm và cuối tuần du khách không tìm được sinh hoạt văn hoá nào khác hơn ngoài những quán cà-phê, quán nhậu.

Chừng một thập niên trước, từ vùng Vịnh San Francisco có các giáo sư Chung Hoàng Chương và Vũ-Đức Vượng phối hợp với trường đại học cộng đồng trong vùng và cơ quan du lịch trong nước để tổ chức du ngoạn Việt Nam cho thanh thiếu niên gốc Việt. Ngoài tính cách du lịch, chương trình còn đưa các em đến những nơi mang đậm nét văn hoá với những hướng dẫn, thuyết minh để cho các em hiểu biết về văn hoá cội nguồn. Nhưng các chương trình này không được sự hưởng ứng đông nên chỉ làm được một hai lần rồi thôi.

Vài năm qua Ủy ban Người Việt Nam ở Nước ngoài có tổ chức chương trình trại hè cho thanh niên sinh viên Việt kiều, nhưng thay vì giới thiệu những nét văn hoá đến cho giới trẻ thì lại nặng tính tuyên truyền.

Theo báo Thanh Niên ngày 19-7-2009, trại hè 2009 dành cho thanh niên sinh viên Việt kiều có chủ đề: “Theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới”. Nội dung chương trình gồm tham quan khu di tích Kim Liên, vào Nghệ An có hội thảo: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, đến Quảng Trị với chương trình “Kí ức chiến tranh và khát vọng hoà bình”, ghé Bến cảng nhà Rồng tham gia toạ đàm “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài”.

Năm đó có khoảng 100 tham dự viên, đa số từ các nước châu Âu. Một chương trình mang nặng tính tuyên truyền như thế thì làm sao thu hút được đông đảo giới thanh niên sinh viên hải ngoại với con số hiện nay là cả trăm nghìn.

Chính sách của nhà nước Việt Nam nhắm đến thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt hải ngoại. Thế nhưng những chương trình hè do nhà nước tổ chức đã không thu hút được thành phần này. Nhà nước nên để cho các cơ quan du lịch tổ chức những chuyến đi chú trọng đến vẻ đẹp của ba miền, chú trọng đến những nét văn hoá làng xã, những ngôi đình, những điệu múa nón, múa quạt, những bài hát quan họ, biểu diễn múa rối nước. Làm thế mới thu hút được sự thích thú, tò mò của các em.

Quan chức Việt Nam thường nói: “Vietnam is not only a war. It is a country” (Việt Nam không chỉ là cuộc chiến. Đó là một đất nước.) Bộ ngoại giao thì muốn mỗi người Việt sống ở nước ngoài trở thành một đại sứ văn hoá.

Chiến tranh đã qua đi gần 40 năm, ngày nay du khách đến Việt Nam sẽ thấy được gì? Một đất nước đang phát triển là điều mọi người nhìn ra. Đó là mặt nổi. Thế còn văn hoá Việt Nam có gì đọng lại? Du khách một lần ghé qua thủ đô Hà Nội, ra đi mang theo những gì hay chỉ là Hồ Gươm, Văn Miếu, là Lăng Hồ Chủ tịch với ao cá, nhà sàn và Bảo tàng Hồ Chí Minh bên cạnh. Vào miền Nam có gì ngoài Bảo tàng Tàn tích Chiến tranh, Dinh Thống nhất và Địa đạo Củ Chi là những nơi cơ quan du lịch hay nhắc tới hơn là những bảo tàng, trung tâm văn hoá.

Từ khi Việt Nam mở cửa chào đón du khách và Việt kiều khắp năm châu trở về thì con cháu chúng ta có cơ hội tham quan quê hương cội nguồn. Nhưng để mỗi người Việt và du khách quốc tế khi ra đi trở thành đại sứ văn hoá cho quê hương, chính phủ cần nâng cấp những di sản văn hoá quê hương, phát huy những nét đẹp dân gian cổ truyền, xây dựng những bảo tàng, trung tâm văn hoá đẳng cấp cao với những chương trình biểu diễn mang nét đặc thù để thu hút du khách và lưu lại những ấn tượng sâu đậm.

Đó là chưa kể những công trình như thế sẽ cho người Việt trong và ngoài nước tự hào về văn hoá Việt. Không thôi con cháu chúng ta và du khách sau khi đến Việt Nam chỉ mang theo được những hình ảnh ăn nhậu, những quán cà phê và sự chen lấn mất trật tự trên đường phố.

Nếu chỉ với những hình ảnh đó thì bàn luận chuyện con cháu yêu mến quê hương của ông bà, cha mẹ là điều xa xôi lắm vì đất nước đã không để lại nhiều ấn tượng cho các em. Trong khi đó, sống ở nước ngoài các em dễ có cơ hội đi du lịch và tiếp cận với nhiều nền văn hoá thế giới và sẽ hổ thẹn với sự nghèo nàn của văn hoá cội nguồn, một nền văn hoá thực ra cũng có bề dày nhiều nghìn năm.

 

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới

 

Huế thu hút nhiều du khách

 

Việt Nam còn cảnh buôn gánh bán bưng

 

Nông thôn vẫn rất nghèo

 

Cổ viện Chàm Đà Nẵng

 

Múa rối nước là nghệ thuật cổ truyền đã có từ nhiều thế kỷ

 

 

-------------------
Tác giả là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh cách nhìn của riêng ông.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021