tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Bó tay  [đối thoại]

 

Bìa sau của cuốn sách có tựa đề “Trịnh Công Sơn, Ngôn Ngữ và Những Ám Ánh Nghệ Thuật” của tác giả Bùi Vĩnh Phúc, nhà xuất bản Văn Mới in vào năm 2005 tại California, Hoa Kỳ, có đoạn:

Trịnh Công Sơn (TCS) là một tiêu biểu thật rõ nét về bi kịch của lịch sử Việt Nam hậu bán thế kỷ thứ hai mươi. Anh cũng tiêu biểu cho một vài nét rất đẹp của tâm hồn Việt Nam, những nét tài hoa và tha thiết mà bất cứ một con người nào trên thế giới còn có sự rung động trước cái đẹp của cuộc sống, còn có sự rung động trước cái xót xa và đau thương của thân phận con người trong cuộc sống trần thế này, đều có thể chia sẻ (...).

Tác giả Bùi Vĩnh Phúc (BVP) đã vạch rõ khoảng thời gian là hậu bán thế kỷ hai mươi để nói về bi kịch Việt Nam. Tự hỏi thuyền nhân và bộ nhân trốn thoát khỏi Việt Nam sau 1975 trong đó những thảm nạn đi kèm theo như bị hải tặc hãm hiếp, cướp bóc, ghe đắm và người chết đuối giữa Biển Đông, người chết bỏ xác giữa rừng sâu ở biên giới Đông Dương sau khi khi bị cướp bóc,..., có được kể là “cái xót xa và đau thương của thân phận con người” không?

Sau 30/4/75 cho đến khi mất, nhạc sĩ TCS chưa có một sáng tác nào được phổ biến liên quan đến những thảm trạng cũa thuyền nhân Việt Nam. Nếu đã có, và chưa tiện công bố ở thời điểm bây giờ, thì tôi xin ngưng ở đây. Tuy nhiên, giả sử là sáng tác của TCS đã in ra hết thì tôi lại hỏi chính tôi, ủa ông BVP có nói ngoa không?

May mắn tiếp theo, cũng ở bìa sau này, ông BVP viết:

Mà tâm hồn ta rung động như thế nào thì cái nhìn, từ đó, sẽ “khúc xạ” thực tại theo sự rung động ấy. Cái nhìn của tôi về “thực tại” Trịnh Công Sơn cũng là một cách nhìn của tôi về cuộc đời.

Đến đây, xin lỗi, tôi đã hiểu lầm ông TCS qua cái nhìn “khúc xạ” của ông BVP. Trong bài phỏng vấn ông Bùi văn Chúc qua một chương trình nghiên cứu được đăng tải dưới tựa đề :”Oral History of Bui Van Chuc (aka Quyen Di)” (Nguồn: http://ucispace.lib.uci.edu/handle/10575/5247), ông BVC đã tiết lộ ông BVP là em ruột của ông và cùng ông đi trên chiếc ghe vượt thoát khỏi Việt Nam vào năm 1977 trong một cuộc hành trình rất là gian nạn.

Lại tự hỏi: nhạc sĩ TCS không là thuyền nhân nên ông không thấy “xót xa” thì coi cũng tạm chấp nhận, chứ ông BVP bằng chính kinh nghiệm cá nhân mà lại “khúc xạ” cái thảm trạng thuyền nhân và bộ nhân Việt Nam ở vào thời điểm ấy như là chuyện bình thường thì cái “thấu kính” của ông BVP chắc phải có vấn đề?

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021