tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ai mà thèm mượn đỡ cái tên của một kẻ làm thơ!  [đối thoại]

 

Xưa nay, trong cõi văn Việt, những vụ đạo văn vẫn xảy ra nhan nhản, nhiều đến mức hết còn gây sốc. Nhưng “đạo danh” (mạo danh, tiếm danh) có lẽ là chuyện hiếm. Liệu có ai muốn mượn đỡ cái tên của một người khác? Mượn đỡ cái tên của một ông đại gia, thì cũng thật khó mà thuổng được cái két sắt của ông ta. Mượn đỡ cái tên của một chàng công tử, thì cũng chẳng dễ mà bò vào giường loan của chàng để hưởng cuộc mây mưa với mỹ nhân. Mượn đỡ cái tên của một thi sĩ thì lại chẳng có cái két sắt nào để thuổng, mà cũng chẳng có mây mưa gì để hưởng.

Nói chung là vậy, nhưng ở đời cũng có lắm chuyện buồn cười về sự mạo danh. Tại hạ xin kể một chuyện.

Cách đây mấy năm, tại hạ đọc báo, thấy có bản tin viết về một ông già dân New Zealand ở Wellington bị phát hiện là cựu chiến binh... giả. Ông đã ăn trộm một bộ quân phục cũ của một cựu chiến binh thứ thiệt với đầy đủ bảng tên, cấp bậc, huy chương. Sau đó, ông mặc bộ quân phục ấy, với bảng tên, cấp bậc, huy chương của người cựu chiến binh thứ thiệt, đi dự lễ Anzac. Rồi ông vào một RSA Club để uống vài ly bia và bắt tay, đứng chụp hình chung với một vài cựu chiến binh ở đó. Rủi thay, vài hôm sau, một trong những tấm hình đó được in lên một tờ gazette. Thế là thân nhân của người cựu chiến binh thứ thiệt mới phát hiện ông già trong tấm hình là kẻ ăn trộm và mạo danh. Cảnh sát bèn đến hỏi thăm sức khoẻ. Ông giải thích rằng hồi còn trẻ ông có ước mơ gia nhập quân đội, nhưng bố mẹ ông đã ngăn cản. Suốt đời ông bị ám ảnh bởi ước mơ đó, nên ông đã liều lĩnh làm như vậy một lần chỉ để hưởng chút ít cái cảm giác sung sướng và hãnh diện của một cựu chiến binh!...

Thì ra ở đời cũng có người thích mạo danh chỉ để sướng chút ít, chứ chẳng phải để được cái gì cho to tát.

Thế nhưng, trở lại với chuyện văn chương, thử hỏi: mượn đỡ cái tên của một kẻ làm thơ thì có sướng bằng mạo danh một người cựu chiến binh như trường hợp vừa kể, hay không?

 

*

 

Hôm qua, 06.01.2010, sau khi viết xong bài “Khi một con người không còn biết tự trọng” (trong đó, tại hạ phê phán việc ông Nguyễn Quốc Trụ thoá mạ tại hạ một cách vô căn cứ, vô cớ và thiếu lương thiện về một bài trích dịch Nadine Gordimer), thì tại hạ vào Google để tìm thêm những thông tin có liên hệ đến bản dịch ấy. Khi tại hạ gõ “Nadine Gordimer” “Nguyễn Tôn Hiệt” vào Google, tại hạ thấy cái này hiện ra:

 

 

Tại hạ hơi ngạc nhiên vì cái tên “Nguyễn Tôn Hiệt” xuất hiện trên một trang web ở Việt Nam mà tại hạ chưa từng biết. Vả lại, từ trước đến nay tại hạ chưa từng gửi đăng bài trên bất cứ trang web nào ở Việt Nam. Tại hạ bấm vào cache để xem thử, thì vô cùng ngạc nhiên vì thấy trên trang web đó có một người nào xa lạ tự xưng là Nguyễn Tôn Hiệt và đăng lại bản dịch Gordimer ấy của tại hạ mà có lẽ người ấy đã copy lại từ trang Tiền Vệ. Đáng kinh ngạc hơn nữa, ở trên bản dịch đó, người ấy còn đăng cả một tấm hình chụp hai người đàn ông, và dưới hình có ghi hàng chữ: “Nguyễn Tôn Hiệt (bên trái) và Nguyễn Trọng Tạo”. Lạ lùng thật! Trong hai người đẹp trai đó, không có ai trông giống tại hạ. Và quang cảnh trong hình là một nơi xa lạ mà suốt đời tại hạ chưa từng đặt chân đến.

Tại hạ bèn chụp lại trang ấy để làm... kỷ niệm, và tại hạ xin công bố ở đây tấm hình chụp trang ấy để quý độc giả và văn thi hữu chiêm ngưỡng chân dung của một ông Nguyễn Tôn Hiệt đẹp trai... nào đó.

 

 

Và đây là cái link mà tại hạ copy lại từ Google. Bấm vào link này thì sẽ hiện ra trang web có đăng lại bản dịch của Nguyễn Tôn Hiệt (này) kèm với cái chân dung của một ông Nguyễn Tôn Hiệt (khác).

Phần chân dung ấy thì quá sức ngoạn mục đối với tại hạ, vì cả hai người đàn ông trong hình, tuy trông không rõ, nhưng tại hạ đoán là đẹp trai hơn tại hạ gấp chục lần. Tại hạ rất ngưỡng mộ, không biết phải nói gì thêm.

Phần bản dịch được đăng lại thì cũng có mấy điểm khá ngoạn mục. Thế này nhé:

Trong bản gốc in trên mục Đối Thoại của trang Tiền Vệ, tại hạ có viết một đoạn giới thiệu như sau:

Hôm nay, tôi giở lại một cuốn sách cũ, cuốn An Embarassment of Tyrannies (do W.L. Webb và Rose Bell biên tập, và nhà xuất bản Victor Gollancz ấn hành năm 1997 tại London). Đó là một tuyển tập gồm những bài viết đánh dấu 25 năm hoạt động của tạp chí Index on Censorship, một tạp chí có chủ đích xiển dương sự tự do tư tưởng, và chống lại sự kiểm duyệt. Lật qua cuốn sách, tôi dừng lại với một bài viết của Nadine Gordimer (1923~), nhà văn Nam Phi đầu tiên đoạt giải Nobel (1991). Nhan đề của bài viết đập vào mắt tôi: “A Writer's Freedom”. Đây là một bài viết rất hay, nhưng vì chưa có thì giờ để dịch trọn vẹn cả bài, tôi xin tạm dịch và đăng vào mục Đối Thoại này vài đoạn mà tôi thích.

Trên trang web ngoạn mục ấy, đoạn văn trên biến thành:

Nadine Gordimer sinh năm 1923 - nhà văn Nam Phi đầu tiên đoạt giải Nobel năm 1991. Nhan đề của bài viết đập vào mắt tôi: "A Writer's Freedom". Đây là một bài viết rất hay, nhưng vì chưa có thì giờ để dịch trọn vẹn cả bài, tôi (Nguyễn Tôn Hiệt) xin tạm dịch và đăng vào mục Hội Thoại này vài đoạn mà tôi thích.

Nghĩa là nó bị chặt đầu và bị... thiến bớt. Nhưng trông vui mắt hơn, vì các câu văn được in thành 3 màu: đỏ, đen và xanh. Sau chữ “tôi” thì ai đó lại nhét thêm cái tên trong ngoặc đơn (Nguyễn Tôn Hiệt) để nhấn mạnh! Thật là hùng hồn một cách... vô duyên. Và chữ “Đối Thoại” thì biến thành “Hội Thoại”! Hội Thoại nào? Chỉ có trời biết. Quả là ngoạn mục!

Trang web ấy có cái tên gọi rất nhẹ nhàng là Lá Xanh. Nếu bây giờ là đầu tháng Tư thì tại hạ có thể nghĩ rằng chuyện mượn tên bần bút Nguyễn Tôn Hiệt ấy là chuyện đùa, kiểu April Fool. Nhưng bây giờ là đầu tháng Một, nên chỉ có ban quản trị của trang web Lá Xanh mới có thể giải thích ý nghĩa của hiện tượng rất ngoạn mục này.

Hy vọng rằng đây chỉ là một trục trặc về kỹ thuật hay một nhầm lẫn vì thiếu cẩn trọng trong việc trình bày trang web.

 

*

 

Đã mở chuyện ra, thì cũng cần phải nói thêm vài lời để khép chuyện lại.

Tại hạ làm thơ, dịch văn để chia sẻ với bạn đọc và văn thi hữu bốn phương. Tại hạ chưa bao giờ đăng chân dung Nguyễn Tôn Hiệt ở bất cứ nơi nào, vì tự xét mình là không được đẹp trai, đăng hình lên thì có thể làm các nữ độc giả thất vọng. Tại hạ cũng không có một tiểu sử gì cho ra hồn. Cái tiểu sử duy nhất mà tại hạ đăng trên trang Tiền Vệ thì chỉ có hai câu. Nguyên văn như vầy:

“Mất hộ khẩu thường trú từ năm 1975, từ đó thay đổi chỗ ở thường xuyên, làm rất nhiều nghề khác nhau để sống, do đó tiểu sử không có gì đáng nói, nhưng cũng có thể tự soạn một tiểu sử lộng lẫy, nếu cần. Viết mãi nhưng không xem viết là một cái nghề, dù còn viết thì còn thấy đáng sống.”

Tại hạ viết hoàn toàn miễn phí, để cho thiên hạ đọc hoàn toàn miễn phí, nên trang web nào thích đăng lại bài của tại hạ thì cứ tự tiện mà đăng lúc nào cũng được, miễn là ghi rõ xuất xứ và giữ nguyên văn, đừng tự ý chặt đầu và... thiến bớt chữ nghĩa, mà không có sự đồng ý của tại hạ. (Nếu ai xét thấy bần bút này đáng bị chặt đầu hay bị thiến, thì xin tuỳ hỷ ra tay. Nhưng xin đừng chặt đầu và thiến oan một tác phẩm văn chương, làm đau chữ nghĩa. Tội nghiệp.)

Còn nếu có ai ham vui, muốn mượn đỡ tên tại hạ và tác phẩm của tại hạ để đăng lên chỗ này chỗ nọ, hay để xuất bản giùm, thì làm ơn viết thư báo tin cho tại hạ biết. Tại hạ sẵn sàng bàn giao toàn bộ thơ văn của tại hạ luôn cho rảnh. Nếu muốn đăng kèm chân dung, thì làm ơn kiếm cái hình nào thật là trẻ và đẹp trai, cho tại hạ được sướng lây, mát lòng mát dạ một lần cuối mà từ bỏ cái của nợ văn chương này vĩnh viễn.

Xin cảm ơn trước.

 

Nguyễn Tôn Hiệt
07.01.2010

 

 

--------------

Bài liên hệ:

07.01.2010
[TƯ CÁCH NHÀ VĂN] ... Ông Nguyễn Quốc Trụ, trong tay không có nguyên tác của Nadine Gordimer, chỉ đọc lóm 200 chữ của công ty AcaDemon, rồi đoán mò, mà đã dám ngang nhiên thoá mạ tôi là “ngớ ngẩn”, “đại nhảm”, “không đọc nổi bài viết của Gordimer”, “anh mù sờ voi”, “dịch đại”,“bịp thiên hạ”! ... Một con người còn một chút lòng tự trọng thì không thể thoá mạ một người khác một cách vô căn cứ, vô lý và thiếu lương thiện như vậy được... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021