tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thi sĩ chỉ mần thơ  [đối thoại]

 

Vâng,

chẳng nhằm nhò gì

thi sĩ chỉ mần thơ

có hề hấn chi

một bài thơ nhỏ

khi đời đau / thi sĩ đau đời

người thơ đâu tàn độc đến độ

(vờ) lấy lý kẻ mạnh trả thù đời

đem cả trần gian ra nhốt

bỏ tù cả lũ

thì ta ở với ai?

cùng lắm

nhà thơ chỉ có thể nhốt được dăm ba mạng

trong một trái tim tạm cho là khá nhiều ngăn

thật tình mà nói

thi sĩ không có hận Đ(ời)

mà chỉ hận sự gian ác

tột cùng của sự gian ác

làm tan tác

đời

 

rồi thì

ta cũng mửa mật xanh

ta mửa ra thêm

một hình nhân

hình nhân

                     quái dị

                                         đóng phim X

mần thịt không chừa

bợm máu Dê

T.B (tái bút) ơi bạn, lần này mình đổi qua phim-Dê, vì cuộc chơi “vưỡn” còn dài... lê thê

 

Là thi sĩ,

chúng tôi chỉ biết hồn nổi gió nổi mưa

khi cuộc đời

chẳng biết bao giờ mới nguôi giông bão

chúng tôi chỉ có thể ào ào

tra tấn những con chữ

và chưa hề

tra tấn ai

có thể

chúng tôi là những con người khá vô tích sự

tơ-lơ-mơ phất phơ

truy tầm những lớ ngớ

đâu đâu

thật rầu

khi một người sinh ra chỉ một ước muốn

đeo đuổi cái Đẹp duy nhất

cái Đẹp của tâm linh

trong những con người đang sống

thôi thúc một hiệu ứng rộng cánh tinh thần

cho một xã hội

lắm khi bị liệt kháng

tuyệt nhiên

thi sĩ không có máu lãnh tụ

và chẳng bao giờ muốn làm

lãnh tụ

trong tay chúng tôi

chỉ có những đường chỉ tay mơ mộng / lãng mạn

và không cầm khí giới

cũng như

thứ khí giới tự vệ

của chúng tôi

chỉ là những câu thơ

ai tìm thì mới bắt gặp

 

ngày mai

chúng ta hãy đến đó

nhớ tắm gội khử trùng những rào cản

bạn sẽ không cần một lý lịch nào cả

bao nhiêu bài thơ rồi cũng chỉ ở trong một bài thơ

một xúc tác

bao nhiêu nỗi buồn rồi cũng gặp lại một nỗi buồn

một truy bức

bao nhiêu điều đáng nói đáng làm

sao chúng tôi chỉ làm thơ

chỉ biết mần thơ

vậy thì

hãy nhìn cho kỹ

những mặt chữ

của hôm nay

soi rõ từng mặt người

phận người

cho đến tận ngàn sau

hãy nhớ là phải đến đó

đọc thơ cho nhau nghe

như nước

hội tụ về một dòng sông

chúng tôi:

những nhà thơ Việt Nam

không lẽ

đã đến lúc

bị trời đày xuống

để thi nhau

viết nốt

bản chúc thư

tuyệt mệnh

cho loài dã thú.

 

Nguyễn Thị Thanh Bình

 

 

---------------

Bài liên hệ:

22.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Có người vừa bảo tôi “Tiệc tùng, ăn chơi nhảy múa, chỗ nào cũng thấy cái bản mặt, đang sướng thế lại muốn chê rượu mời. Muốn rượu phạt? Sướng quá hóa rồ à?” làm giật thót cả người, sợ hết cả vía, xanh tái cả mặt mũi suốt mấy hôm nay. Bảo không sợ là nói dối ạ... (...)
 
21.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Thế là tôi đã hiểu lầm bài thơ của Đỗ Trung Quân (ĐTQ). Trước hết tôi nên xin lỗi tác giả, dù biết chắc anh ta không cảm thấy phiền lòng chút nào, trái lại, anh ta ắt còn khoái chí là khác, vì ít ra cũng đã có một “tên” bị lừa. (Không vui sao được?) Nhưng tôi muốn giải thích tại sao đã hiểu lầm như thế. Thứ nhất là vì trong ấn tượng của tôi, ĐTQ là một nhà thơ lãng mạn, trữ tình, và “hiền lành” và khá “duy mỹ”... (...)
 
20.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... xin thưa: / xứ sở nào có phim 1–Đê / ở đó khán giả sẽ thi nhau / mửa mật xanh mật vàng / xứ sở miền nhiệt đới / mà quanh năm vắng bóng / mặt trời / xứ sở người mù / không sao bừng mắt cùng nhân loại / xứ sở mặt trời đen / đen như mõm chó... (...)
 
19.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Độc giả Xzy có vẻ như muốn góp ý cho Đỗ thi sĩ về kiến thức điện ảnh đương thời, nhưng, tại hạ đoán rằng hình như độc giả Xyz có mục đích thâm thuý hơn, khi đặt câu hỏi: “Phim 1-D là phim gì?” Thì đúng vậy, trên đời này làm gì có phim 1-D. Mà sao Đỗ thi sĩ lại nói tới nói lui những “1-Đê” với “một Đê”?... (...)
 
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Lài nghĩ rằng bởi vì xứ ta mà có 2-Đê hay 3-Đê hay nhiều Đê (dịch ra tiếng “lạ” là ‘Đa Đê’) - nghĩa là miễn sao nhiều hơn 1-Đê - thì chắc Đỗ Trung Quân đâu có quởn mang mấy cái con robot dặt dà dặt dẹo vô thơ làm gì cho khổ. 2-Đê trở lên thì còn có chiện gì để nói nữa cà!... (...)
 
18.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Xem bài “Chẳng nhằm nhò gì Hollywood” của Đỗ Trung Quân có các câu “phim xứ ta chỉ 1-Đê/một Đê vẫn chiếu hoài chiếu mãi”, người đọc tôi xin nhận xét như sau: Tác giả nên sửa từ “1-Đê” thành “2-Đê”, bởi vì xưa nay thế giới chỉ có phim 2-D (để chiếu màn ảnh 2 chiều, nghĩa là một mặt phẳng), rồi gần đây có phim 3-D... (...)
 
17.04.2010
những con robot / đi / đứng / và nói / hollywood đừng lên mặt / avatar chẳng là cái đinh gì / phim 3-Đê của quí vị chẳng là cái quái gì / phim xứ ta chỉ 1-Đê / một Đê vẫn chiếu hoài chiếu mãi / chiếu đến máy mòn mà phim cứ không mòn...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021