tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Khi một “nhà thơ” nói nhảm  [đối thoại]

 

Thấy bài đối thoại “Mạn đàm về ngày Tết Nguyên Đán và nghệ thuật hội họa…” của Quỳnh Thi trong mục Đối Thoại khá lâu nhưng chưa có ai góp ý, nên tôi xin mạo muội phát biểu đôi lời.

Ban Biên Tập Tiền Vệ đã nói về bản đầu tiên của Quỳnh Thi: “Bài viết có quá nhiều lỗi chính tả, lỗi trong cách dùng từ, trong cú pháp, và khá nhiều điều sai lầm về kiến thức...” và về bản mới của Quỳnh Thi: “Cũng như lần trước, dù bài viết của Quỳnh Thi còn rất nhiều sơ sót, chúng tôi vẫn đăng nguyên văn, không biên tập...” nhưng Ban Biên Tập đã không chỉ ra những lỗi và những sơ sót đó, nên tôi thử nêu ra một ít để tác giả Quỳnh Thi thấy.

 

VỀ VĂN PHẠM:

Ngay trong đoạn nhập đề của Quỳnh Thi đã có quá nhiều lỗi văn phạm.

Quỳnh Thi viết:

Đầu năm Giáp Ngọ, hôm nay đã là mùng 9 Tết, người Việt ta trong nước cũng như ở hải ngoại vẫn còn ăn Tết . Vì không khí Tết vẫn còn bao trùm lên mọi người, mọi nhà. Theo thông lệ ở Việt Nam, người Việt ăn Tết hết tháng Giêng, câu ca dao từ xưa “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Đoạn này gồm 3 câu. Câu nào cũng sai văn phạm. Hầu hết những đoạn còn lại trong bài đều có những câu sai văn phạm. Có lẽ Quỳnh Thi chưa biết cách đặt câu và chưa biết cách dùng các dấu chấm, phẩy.

 

VỀ KIẾN THỨC:

Quỳnh Thi viết:

“Ngựa mầu hồng, thiếu nữ mầu hồng cái matier nền phông cũng mầu hồng duy ánh trăng và nền cỏ dưới chân ngựa thì là màu xanh đậm.”

- Trước hết, câu này cũng sai văn phạm. Câu văn thiếu 2 dấu phẩy nên rối bù.

- Trong ngành mỹ thuật, “matière” (tiếng Pháp) nghĩa là chất liệu để tạo nên tác phẩm, chẳng hạn trong hội hoạ thì “matière” thường là sơn dầu hay acrylic, trong điêu khắc thì “matière” thường là thạch cao, đồng, cẩm thạch. Trong danh từ mỹ thuật không có từ “matier”!!! Còn “cái matier nền phông cũng mầu hồng” là cái gì?

 

Quỳnh Thi viết:

“Còn đường nét của bức tranh vẽ theo lối Hiện thực hữu thể ( Representational – Painting hay tiếng Pháp gọi là Peinture figurative Art ) như đã nói.”

- Tiếng Pháp làm gì có cái gọi là “Peinture figurative Art”. Trong tiếng Pháp, người ta nói “peinture figurative” hay “art figuratif”.

 

Quỳnh Thi viết:

“Những bức tranh Thánh của Leonardo De Vinci , Michellan, hay Vermeer . . . rất là đẹp .”

- Leonardo da Vinci (hay viết theo lối Pháp là Léonard de Vinci), chứ làm gì có “Leonardo De Vinci”?

- Michelangelo (hay viết theo lối Pháp là Michel-Ange), chứ làm gì có “Michellan”?

- Vermeer, tức là Johannes Vermeer (hoạ sĩ người Hoà Lan, thế kỷ 17), đâu có vẽ tranh về các vị thánh? Có một bức gọi là “Saint Praxedis” (1655) mà có người cho là của Vermeer, nhưng điều này còn trong vòng tranh cãi. Đa số ý kiến cho rằng bức “Saint Praxedis” (1655) chỉ là một bức tranh do một hoạ sĩ vô danh nào đó sao chép lại từ một hoạ phẩm của Felice Ficherelli.

 

Quỳnh Thi viết:

“... họa sĩ bậc thầy của thế giới hội họa đương đại Wilhem De Kooning người Mỹ gốc Hòa Lan”

- Willem de Kooning, chứ không phải là “Wilhem De Kooning”!

 

Quỳnh Thi viết:

“... bức tranh ngựa Guernica của nhà danh họa bậc thầy thế giới Picasso”

- Bức tranh Guernica của Picasso đâu có phải là “tranh ngựa”!

 

Quỳnh Thi viết:

“Có lẽ không một người xem tranh nào không kinh hãi khi bức tranh mô tả cảnh vật sau khi những chiếc máy bay của Đức tấn công vào thành phố Paris lúc đó.”

- Picasso vẽ bức này sau khi máy bay của Đức và Ý dội bom xuống thị trấn Guernica, thuộc xứ Basque, ở miền bắc của Tây Ban Nha, vào ngày 26/4/1937. Sao Quỳnh Thi lại nói nhảm là “những chiếc máy bay của Đức tấn công vào thành phố Paris”?

Vân vân và vân vân.

 

KẾT LUẬN:

Ở đây tôi chỉ vạch ra một vài lỗi quá sơ đẳng về văn phạm và kiến thức của Quỳnh Thi. Phải nói là cả bài viết của Quỳnh Thi, kể cả bản mới mà Quỳnh Thi đã sửa lại, có vô số lỗi sơ đẳng về văn phạm và kiến thức. Thật khó mà tìm ra một câu đúng!

Một người cầm bút chưa vững, chưa sạch về căn bản văn phạm, mà đã tự xưng mình là nhà thơ, thì kể cũng lạ. Một người không rành tiếng Pháp mà lại ưa xổ tiếng Pháp, không có kiến thức về hội hoạ mà lại ưa bình luận và tranh cãi về hội hoạ, thì lại càng... quá lạ.

 

 

-------------------

Bài liên quan:

01.03.2014
[MỸ THUẬT] ... Nội dung của bức tranh là một con ngựa đang sải nước kiệu trong sớm mai tinh sương... (...)
 
20.02.2014
[MỸ THUẬT] ... Nội dung của bức tranh là một con ngựa đang sải nước kiệu trong sớm mai tinh sương. Trên lưng ngựa là một thiếu nữ xinh đẹp, thân hình thon dài khỏa thân đang cỡi. Con ngựa không mang yên cương... (...)
 
03.02.2014
[MỸ THUẬT] ... Bằng nhận xét của mình, nhà thơ Quỳnh Thi đã bộc lộ không chỉ sự yếu kém trong trình độ “đọc” tranh của mình, mà còn cho thấy sự yếu kém về văn hoá phê bình nghệ thuật khi dựa lưng hiện thực chủ nghĩa để nhìn nhận đầy thô tục về hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021