tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trong vườn xanh của đớn đau và thống khoái  [đối thoại]

 

“The body is the potentiality of the soul; the soul is the actuality of the body. Both are inseparable.” [Thân xác là khả thể của linh hồn; linh hồn là thực tính của thân xác. Cả hai là bất khả phân ly.] (Aristotle, trong “Luận về Linh Hồn”)

 

Bạn có khi nào suy tưởng về một lý do sâu xa nào đó khi mà tình yêu cho cây cỏ, hoa quả với cái thú làm vườn, trồng cây, cắt cỏ mang một tinh thần giải thoát và lạc thú thanh thản? Tôi có một giải thích cho riêng mình khi hồi chiều hôm nay đang đứng thở giốc lấy hơi sau khi đẩy chiếc máy cắt cỏ dưới nắng đầu xuân trước sân nhà. Để tôi chia sẻ với bạn trong tinh thần lý thuyết hơi trừu tượng một tý.

Chắc là bạn có nghe đến hiện tượng khoái lạc tình dục bằng đớn đau cơ thể của một số người. Dĩ nhiên, nhiều kẻ vẫn cho đây là một bệnh lý. Thường thì “bệnh lý” này phát xuất từ một năng lực tinh thần của những cá nhân mang ý chí tôn giáo cao độ. Từ một thể trạng như là huyền bí về thân xác và linh hồn, người tu hành nhiều lúc có khả năng chuyển hóa sự đớn đau từ bạo hành trên cơ thể thành ra khoái lạc tinh thần. Cái đau biến thành cái khoái lạc; cái nhục dục bị phủ định biến thành cái cao thượng muốn vươn về. Sự mâu thuẫn giữa đớn đau và thân xác đối với an lạc tinh thần chỉ là hai khuôn mặt của một linh hồn cá nhân.

Trong khoa học về tâm lý dục tính, có hai câu chuyện tương đối phổ thông. Thứ nhất là trường hợp của Elisabeth of Genton, khi nàng bị đánh bằng roi đã đưa mình vào một “trạng thái khoái lạc điên loạn đến thất hồn” (a bacchante in delirium). Thứ hai là khi nữ tu sĩ Maria dei Pazzi đã có lần nói đến ngọn lửa bùng cháy bên trong thân thể của bà đã chuyển hóa cơn đau từ những đòn roi vọt vào cơ thể như là những vuốt ve của bàn tay người tình để nàng ta đạt đến những cơn khoái lạc tình dục ngất ngây. Nữ tu đứng tuổi này đã van lơn khi đang bị đánh đập bởi một kẻ bạo hành, “Xin hãy dừng tay, tôi không còn chịu nổi ngọn lửa dục lạc này đang đốt cháy tâm linh tôi. Đây không phải là cái chết mà tôi muốn, bởi vì nó đang đem đến cho tôi quá nhiều thống khoái dâng trào.”

Trường hợp như trên không phải là một hiện tượng Sadism mà kẻ chủ động đi tìm khoái lạc trên sự đau khổ của nạn nhân. Mà trái lại, chủ thể khoái lạc trong hai trường hợp của Elisabeth và nữ tu Maria đã rút nguồn dục lạc từ ngay sự đau đớn cơ thể chính mình trong lúc đang bị hành hạ. Có phải đây là lúc mà năng lực tinh thần vươn thoát thân xác? Hay là ngược lại, thân xác đang cám dỗ tinh thần? Khi khổ hạnh cơ thể đã trở nên đức hạnh, khi năng lực tâm linh đang bị dằn vặt bởi gánh nặng dục thức, có phải thân thể đang đánh lừa tinh thần bằng một cảm giác thống khoái ngọt ngào nhưng đầy truỵ lạc để trả thù, hay quân bình hóa, ý chí tinh thần?

Vậy thì nó có liên quan gì đến thú cây cỏ, điền viên, vườn tược? Vâng, cho tôi diễn giải tiếp.

Hầu hết nam nữ từ lúc tới tuổi trưởng thành ở khắp nơi, mọi thời, đều bị năng lực tính dục hành hạ, trăn trở. Plato, trong cuốn “Nền Cộng Hòa,” gọi dục vọng là một “ông chủ tham lam, hung hăng, điên loạn” (the mad, furious and frenzy master) đã đày đọa ông cho đến tuổi 72, lúc đó thì ông mới được thoát. Vì muốn vươn thoát con quỷ dữ này mà rất nhiều tu sĩ đã đi vào con đường bệnh lý. Đối với kẻ tu hành, đó là sự giằng xé, trăn trở liên tục và sâu đậm - với nhiều khổ đau. Vì đâu?

Khi mà số phận con người đang được khích động và dồn ép bởi điều kiện khách quan, khi mà định mệnh không thể lèo lái được ý chí chủ quan, những cá nhân có năng lực tình cảm và tinh thần cao độ thường bị rơi vào những bệnh lý cảm giác như là một phản ứng bù trừ của thân thể đối nghịch với năng lực ý chí hướng thượng chủ quan. Sinh hữu cá nhân từ cơ bản phải là sinh hữu thân thể - như là một hiện tượng tinh thần. Vâng, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là lý tưởng xa vời và tối hậu cho tinh thần phải ở thế ưu tiên và tối thượng để rồi cá nhân phải dồn xó nhu cầu sinh dục vào góc tối của vô thức. Họ là nạn nhân của một năng thức - bản năng sinh sản - rất cơ bản trong hiện tượng làm người.

Theo Aristotle, triết gia cha đẻ của tinh thần khoa học tây phương, thì mỗi cá nhân chúng ta đều mang tự bên trong năng lực của ba thể loại linh hồn. Thứ nhất là linh hồn thực vật cho dinh dưỡng và tái sinh sản (reproduction), thứ hai là linh hồn thú vật cho cảm giác và di động, và thứ ba là linh hồn con người, là lý tính. Trong góc tối đầy cạm bẫy của tầng hồn thấp nhất, vốn là một năng lực vô thức, khi bị dồn ép và phủ định, thì cái “linh hồn thực vật” sẽ hết sức tìm mọi cách nhằm trả thù bằng những trò chơi hào nhoáng để đánh lừa ý chí tinh thần vào con đường khoái lạc của “bản năng tái sinh sản” (reproductive urge). Cảm giác thống khoái của các nữ tu nói trên lúc bị hành hạ đều nằm trong bệnh lý này. Khi các nữ tu van lên vì khoái lạc dục tình trong khi đang bị hành hạ cơ thể thì đó là lúc mà các cánh hoa nữ tính trong linh hồn của các nàng đang vật lộn nở tung ra với thiên nhiên. Ở thời khắc này, nụ cười và nước mắt của họ đều mang cùng một nghĩa như nhau.

Từ đó, nếu cá nhân nào chưa hiểu được cái năng lực linh hồn cây cỏ trong chính mình, tức là bản năng tính dục, theo Aristotle, thì kẻ đó chưa đạt đến trình độ con người - khi hắn chưa biết sử dụng tri thức soi sáng được bản năng “thực vật tính” (chứ không phải là “thú tính” như người ta vẫn lầm tưởng). Vậy nên bạn phải biết rằng, mỗi khi mà bạn đang đi vào cơn hứng tình cao độ, đó là lúc mà linh hồn thực vật đang muốn làm chủ con thuyền số phận của bạn - nhằm tìm lại cái cõi nguyên sơ từ ý chí tái sinh sản chính nó vào thiên nhiên. Vì vậy, ở trạng thái tâm sinh lý đó, một đối tượng khác phái phải là nguồn khoái lạc thân xác; nhưng cỏ cây là tiếng nhạc yên lành dỗ dành bình an cho một linh hồn đang muốn vỗ cánh tung bay.

Khi bạn tương giao với cây cỏ thì năng thức dục tình của linh hồn thực vật từ trong mình đang được tìm ra thế giới của nó. Đây là điều mà tâm lý học Tây Âu chưa thể giải thích được. Lạc thú trong công việc làm vườn là một thể trạng của linh hồn cá nhân khi mà cái tầng cơ bản nhất từ tận đáy vô thức đang khao khát được tương giao với vũ trụ cùng tầm mức với chính nó – khi mà giao hợp với người khác phái dù đã được thoả mãn hay là không. Vì thế, kẻ nào không có một đời sống tình dục thoải mái, lại ít có cơ hội giao thoa với cỏ cây, vườn tược thì sự dồn nén, bức xúc về dục tính càng cao. Trái lại, kẻ nào vật lộn lao động và giao hưởng với cây cỏ, vườn tược càng nhiều thì, dù là hoàn cảnh ái ân như thế nào, năng lực dục tính sẽ ít bị nhũng nhiểu và tâm hồn hắn sẽ được thảnh thơi nhiều.

Bây giờ tôi hỏi các bạn nam, nữ gốc Việt ở hải ngoại, những người rời tổ quốc khi đã trưởng thành, và suốt ngày đang bị “nhốt” trong các chung cư ở đô thị, sa đà với màn ảnh vi tính, đi tìm thế gian qua màn ảnh thế giới ảo, rằng có phải nhiều khi bạn rất muốn về Việt Nam để sống? Có phải vì bạn nhớ nhà, nhớ quê hương? Có thể - nhưng tôi chắc là không phải như thế. Bạn muốn về Việt Nam một cách quay quắt bởi vì từ trong chính bạn, cái linh hồn thực vật - tức là năng lực tính dục - mà bạn đã mang theo từ quê nhà, đang muốn tìm về lại gốc rễ của cõi thế giới cỏ cây, hoa quả mà nó đang bị chia cắt. Vậy, vào những lúc như thế, bạn hãy rời bỏ bàn viết của mình, đi ra sau vườn nhà, hay đến một công viên gần nhất, để mà tiếp cận với cỏ cây. Bạn sẽ tìm ra quê hương cho linh hồn của mình – cho dù là bạn đang lưu lạc tận phương trời nào.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021