tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Duy Quang, còn một chút gì để nhớ   [đối thoại]

 

Lúc sinh thời, đúng là Duy Quang chỉ hát là chính, còn sáng tác chỉ là phụ. Anh chỉ chơi nhạc là nhiều, còn viết nhạc thì không bao nhiêu, so với chơi nhạc. Hay hầu như chủ yếu là thế.

Nhưng thử hỏi anh có tác phẩm nào có thể nói là “để đời” nhất, ấn tượng nhất, đáng ghi nhớ nhất (đối với tôi) do chính anh làm ra hoặc góp phần làm ra hay không, và nếu không, hoặc khoan, chưa cần biết đến những gì xoay quanh sự làm ra tác phẩm ấy ra sao, những trắc trở hoặc uẩn khúc bên trong, tính cách “thâm cung bí sử” của nó như thế nào (mà thực sự ra, trước tiên và trên hết, có nên bận tâm tới ba cái thứ “đồ quỷ đồ yêu” này hay không, nếu có?), rồi chuyện chia tay, đường ai nấy đi của hai người, nói chung là về những mặt tiêu cực..., thì tôi nghĩ là anh ta có đấy. Tác phẩm đó của anh không GÌ khác hơn là Julie Quang, là bằng xương bằng thịt, là làn hơi từ trong buồng phổi trườn qua thanh quản..., “bung” ra bên ngoài, “nở” ra thành âm thanh “treo và đong đưa toòng teng” bởi ca từ lúc đó như đang đảm nhận vai trò của những cánh “dù hoa lạc lối” lượn lờ, trôi giữa không gian..., và cứ mỗi lần như thế là mỗi lần kèm theo đó biết bao nỗi niềm và tâm cảm nghệ thuật chắt chiu, ấp ủ, hòa quyện với đam mê và rung động (phải sao cho) thật chất ngất, sung mãn, cuồng nhiệt, tuyệt vời..., để rồi là “tiếng hát lên trời”, là ngân nga bá chấy, là “ý thức tự hủy” trong sáng tạo, ca đi “để thấy mình không là mình”...

Julie Quang, người ca sĩ lúc đầu (tôi) ngỡ là khó mà có triển vọng thành danh, hoặc nếu có thì cũng chỉ ở mức trung bình là hết cỡ, là đụng trần; hoặc nếu có tiến xa hơn nữa thì cũng chỉ quanh quẩn trong phạm vi nhạc trẻ, hoặc/và nhạc ngoại. Ai dè, như mọi người đều biết, chị có lúc có thể nói là đã thành công vang dội với nhạc Việt và hình như là chỉ với nhạc Việt mà thôi chị mới thành công vang dội như thế. Nói chung là chị đã làm cho bà con ngưỡng mộ chị quá sức tưởng tượng. Đó là thời điểm chị đến với nhạc phẩm “Mùa thu chết” của Phạm Duy, một nhạc phẩm được xem là nhức nhối đến “hết thuốc chữa”, và có lúc nó ăn tiền số một của “thời trang nhạc tuyển” Sài Gòn lúc bấy giờ. Coi như chị đã “mua đứt” nhạc phẩm đó. Nó dính chết với chị.

Thoạt kỳ thủy, lúc nhạc trẻ còn đang trong thời kỳ chập chững, tôi đoán chừng là cũng như tôi, có mấy ai ngờ được là Julie Quang rồi ra sẽ đạt được cái vinh dự có tính cách “đền đùng” và khai phá vượt bực này. Có mấy ai ngờ được là bên trong như đang có cái gì sục sôi. Rồi giống như thể là “cái gì tới phải tới”, thời điểm khúc quanh đó đã đến với Julie Quang, và đến với một tính cách tưởng chừng như là bùng nổ. Thực vậy, không còn hồ nghi gì cả, tới giai đoạn đó, hễ nói tới Julie Quang là người ta liên tưởng tới “Mùa thu chết”, hoặc hoán đổi lại, nói tới “Mùa thu chết” là người ta nghĩ ngay tới Julie Quang.

Với “Mùa thu chết”, theo như tôi thấy, chị đã thực sự “vùng lên”, y như Jeanne d’Arc không bằng, bởi vì kể ra theo như tôi... đoán chừng thì coi như là từ khi bắt đầu đi hát cho tới khi thành đạt mà kỳ tích đỉnh điểm là “Mùa thu chết”, chị đã phải “tả xung hữu đột” tứ tung và um sùm bát ngã mới được nên như thế, chứ nào phải chơi, chứ nào phải là do ăn may hay cầu âu bất tử mà thành.

Trong chừng mực mà tôi có thể phỏng đoán mà không sợ bị hố hàng thì tôi độ là bắt từ nhạc trẻ cơ hữu, chuyên trị nhạc ngoại lúc đầu, lấy đó làm bàn đạp, chị nhảy qua “quậy nát trận địa” bên nhạc Việt chính lưu; rồi bằng “Mùa thu chết”, chị đã chiếm lĩnh, “dzớt” gọn trong tay một cách tài tình và tỉnh queo hồi nào không hay (làm cho thiên hạ đã lỗ tai, lác con mắt; liền trước đó là ngỡ ngàng, sững sờ, “ú a ú ớ”, ngạc nhiên cao độ…) cả một nền tân nhạc Việt Nam nói chung lúc đó, hay chính xác hơn là một mảng, một nhánh hay cũng còn gọi là một “biến tấu” chủ đạo, nòng cốt và tinh hoa của dòng nhạc mà sau này được “âu yếm” gọi là “nhạc vàng”. Đồng thời, có khi trong cái thời buổi có thể nói là rất hỗn mang và nhiễu nhương về mặt chính trị, xã hội... nhưng lại tương đối rất là “em hiền như ma soeur”, không bát nháo về mặt văn nghệ văn gừng nói chung, và âm nhạc nói riêng đó, mảng/nhánh/biến tấu này đã bắt đầu manh nha tiêm nhiễm hoặc bị chi phối tí chút theo kiểu lai rai ba sợi một cách rất đặc thù, cá biệt và lạ lùng bởi sự lan tỏa có tính cách chấm phá sương sương của “luồng khói” “say ke” (psychedelic) đến từ nhạc nhẹ Tây phương của thời buổi đó, hoặc nó là như thế một cách rõ nét hơn cả chí ít là tại những nơi, những góc thật khuất nào đó của cái không gian nghệ thuật thuộc phạm vi của mảng/nhánh/biến tấu này, nơi mà ít ai nhìn thấy hoặc để ý tới. Tưởng cũng cần phải ghi chú ra đây cho rõ thêm: đương nhiên là mảng/nhánh/”biến tấu” này chủ yếu là phục vụ và thực tế cho thấy là đã từng phục vụ đắc lực và hữu hiệu nhất cho một giới thưởng ngoạn phố thị cá biệt, có thể nói là khó tính nhưng lại rất có thể là rất ư sành điệu nào đó mà thôi. Nói về lượng thì cái đám này chắc không phải là không đông đảo. Nói về phẩm, cho đây là cái đám tinh hoa, ưu tú nhưng khó chịu và rầy rà về mặt “cái đầu” thì cũng đúng, mà cho đây là cái đám trốn lính, hay lính cậu, lính mợ, lính kiểng ăn chơi phè phỡn đú đởn, hoặc rẻ lắm thì cũng là cà phê cà pháo, hầm này hầm nọ tối ngày thì cũng không sai. Rồi cũng may là chưa thấy cái đám này tham gia xuống đường để làm cái chi chi cả, tỷ như để cùng chống “độc tài quân phiệt” hay cùng “đi ăn mày” này nọ..., và rồi có lẽ đúng nhất là họ chẳng cần biết gì ráo trọi mà cũng chẳng thèm làm gì nổi đình nổi đám cả mặc dù là cũng có làm dáng phản chiến ít nhiều, kệ cha thiên hạ, ai làm gì thì làm, tiếng bây giờ kêu là “vô cảm” ... Chinh phục được cái thành phần “mắc dịch mắc toi”, rắc rối cuộc đời, trời ơi đất hỡi này không thôi là cũng đủ mệt, tôi đoán chừng. Mà chị đã làm được.

Nói không ngoa, giờ đây tưởng nhớ lại, qua “Mùa thu chết”, sự thể hiện trẻ trung mà “trên cả tuyệt vời” của chị như đã thổi một luồng sinh khí mới vào cái không gian văn nghệ văn gừng hát hò thời chinh chiến ngày càng đa dạng mà lại hiền khô, không bát nháo đó, góp phần làm nên chứng tích cho một khúc quanh có thể nói khá là đột phá trong lịch sử của nghệ thuật và cung cách trình diễn “nhạc vàng” của ca nhạc sĩ Sài Gòn lúc đó nói chung, và của ca nhạc sĩ nhạc trẻ (Sài Gòn lúc đó) nói riêng.

Mà tưởng nhớ thì cứ việc tưởng nhớ, chứ mà biểu đi lục lọi tìm nghe/xem lại coi thời buổi đó chị thể hiện nhạc phẩm đó ra sao, đích xác là lên giọng xuống giọng như thế nào, có chút âm hưởng “say ke” nào trong đó hay không, hay đại khái thế mà bà con lại “mết” chị quá cỡ như thế thì có khi lại không chừng là thất vọng hoặc tối thiểu là hoang mang canh cánh bên lòng, “biết ra sao ngày... xưa” vì chứng tích ngày xưa của một thời bùng nổ như thế của chị (tôi) không tìm thấy. Rồi nhỡ mà có tưởng nhớ suông suông vô bằng như thế thì âu cũng là sự chẳng đặng đừng, ngoài ý muốn. Sorry. Nhưng bảo đảm là chuyện thành đạt của chị như thế là không thêm thắt.

Nói tới Duy Quang là nói tới gia đình Phạm Duy, và đồng thời kiểu như nói “Và Chúa đã tạo ra đàn bà...”, nếu Duy Quang và gia đình Phạm Duy đã không tạo ra toàn bộ tài năng và nghệ thuật của người ca sĩ này mà giai đoạn đỉnh điểm theo như tôi biết là “giai đoạn ‘Mùa thu chết’“, thì ít ra cũng là cái tên. Mà nội cái tên không thôi thì tưởng cũng nên nói luôn ra đây cho tiện việc sổ sách là cần phải xem lại xem cái tên Julie Quang này là do gợi ý, hay đề xuất, hay sáng tác của ai? Của anh, của bố anh, hay không chừng là của chính Julie, hay ai khác...? Tuy nhiên, nói gì thì nói, thiết nghĩ rằng một cách mặc nhiên, rõ ràng và chắc chắn là phải có tên của anh trong đó thì cái tên Julie Quang kia mới thành hình và từ đó mới cho “ra lò” được. Như thế, nếu anh không là tác giả thì cũng là đồng tác giả, hiểu theo một nghĩa nào đó, thì như thế có lẽ là cũng không có gì là xa sự thật cho lắm.

Rồi sự thành công tột đỉnh đó có bao nhiêu đóng góp từ Duy Quang và gia đình Phạm Duy? Hay chị “lớn mình ênh”? Thôi thì để cho ngắn gọn thì xin thưa là dẫu gì thì vẫn là gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ít ra là trong một môi trường như thế thì chị thế nào mà chẳng phát triển thêm ra được ít nhiều kiểu như không bổ bề ngang thì cũng tràn bề dọc.

Của thân phụ anh là những ngàn lời ca, vân vân và vân vân. Thêm của anh chỉ cần ngấn ấy, và nếu chỉ ngấn ấy thôi thì theo tôi kể là cũng đủ, hoặc đúng ra là đã... quá tải để được xem là đủ bộ, thứ gì cũng có, để có thể gọi là xâm mình “chơi tới” với đời, tung hoành ngang dọc, “chết ai cho biết”, rồi cũng để đến một lúc nào đó cũng có thể gọi là “lãng quên” nó một cách phê phê đầy thi vị, lúc mà bất chợt hay bâng quơ và lãng đãng mà nghe ra một “lời gọi” nào đó, hay lúc mà nhận chân ra rằng mọi sự đã chẳng còn gì để luyến với lưu, để vương với vấn chi thêm cho mệt, như anh đã vừa mới “xuống tay”, vác va-li ra đi, làm một cuộc hành trình trở về lại với nguyên thủy...

Giờ này hy vọng là mọi sự nơi “nguyên sơ” đó đã OK với anh... Mọi sự coi như đã êm ru bà rù. Tựu trung và rốt ráo, chỉ xin nhắc chừng anh là có thêm tác phẩm nào thì nhớ hú bà con giùm nhe. Nếu mà được đại loại như một Julie nào khác nữa thì hay biết mấy.

Cám ơn.

Bye.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021