tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phản hồi về bài viết của Đào Hoa Chanh  [đối thoại]

 

Gửi:

- BBT tạp chí tiền vệ

- Nhà phê bình Đào Hoa Chanh

- Nhà nghiên cứu văn học Đào Trung Đạo

 

Tôi là Trần Lê Hoa Tranh, tác giả của bài viết “Văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ”, tôi có vài lời muốn thưa lại với nhà phê bình Đào Hoa Chanh (ĐHC) nhân đọc bài “Về bài Văn học di dân… của TS. Trần Lê Hoa Tranh: trong bao chữ nghĩa thấy ngay gu gồ” đăng trên Quý báo.

 

Gửi BBT tiền vệ

Vì bài viết có một số thông tin, quan điểm cần trao đổi, nên tôi viết thư này, đề nghị Quý báo một vài việc sau đây:

- Đăng thư phản hồi của tôi về bài báo của nhà phê bình Đào Hoa Chanh (phía dưới thư này)

- Đăng đường link bài viết của tôi trên web Khoa Văn học và Ngôn ngữ (có đính kèm trong bài phản hồi).

- Đăng bài viết tôi đã sửa những gì tôi cho là cần thiết (bài này tôi cũng sẽ để trên web Khoa văn học và ngôn ngữ)

- Đăng tên công trình và phần tôi soạn trích từ “Từ điển văn học phương Đông” [bấm vào link này để đọc], ở trang 21, là phần tôi viết về Cáp Kim [bấm vào link này để đọc] từ năm 2006, công trình này nghiệm thu năm 2007.

 

Trước hết, tôi muốn cảm ơn nhà nghiên cứu Đào Trung Đạo (ĐTĐ), những bài viết về văn học di dân và các nhà văn di dân là một nguồn tài liệu rất thú vị, sâu sắc mà trong thời gian nghiên cứu tại Mỹ, tôi đã có cơ hội tiếp cận. Tôi cũng muốn cảm ơn nhà phê bình ĐHC đã đọc bài viết của tôi rất kỹ, soi rất cặn kẽ để chứng minh là tôi lấy ý tưởng của nhà nghiên cứu ĐTĐ.Vậy nên tôi có vài lời mạo muội như sau.

1.

Việc ghi nhầm tên nhà nghiên cứu Đào Trung Đạo thành Đào Thiện Đạo ở phần đầu bài viết là một sơ suất không đáng có của tôi. Tôi xin nhận lỗi. Và đó chỉ là sơ suất về mặt kỹ thuật. Vì những dẫn chứng sau đó tôi đều viết đúng tên, thành ra, điều này không có nghĩa là “Thủ thuật làm tréo ngoe tên gọi và mờ đi đường dẫn nguồn chính xác” như lời ĐHC nói. Tôi chỉ trích dẫn bài mà không có đường dẫn, đơn giản là vì khi về Việt Nam, những đường link bài viết này không thể truy cập được, và tôi chỉ có bản copy bài viết với tên bài viết và nội dung của nó, do đó mà không có đường dẫn chính xác. Nếu tôi muốn khuất tất, tôi đã không dẫn tên bài, không dẫn ý kiến, không đưa vào thư mục tài liệu tham khảo…Tôi ý thức rất rõ, việc ghi sai tên là một lỗi lầm rất khó chịu, ví như tên của tôi ai đó viết thành Trần Lê Hoa Chanh thì tôi cũng sẽ phản ứng như vậy thôi, nên tôi thành thực xin lỗi nhà nghiên cứu Đào Trung Đạo. Trong bài viết tham gia hội thảo “Văn học Việt Nam, Nhật Bản trong bối cảnh văn học Đông Á”, tôi đã ghi sai tên, và đường link mà nhà phê bình ĐHC nhắc đến là bài này. Nhưng nếu độc giả chịu khó đọc bài này khi nó được in trong tạp chí Nghiên cứu văn học thì sẽ thấy lỗi này tôi đã nhờ admin của website sửa lại (xin xem trên: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=2729%3Avit-nam-trong-bi-cnh-vn-hc-di-dan-cac-nc-ong-a-ti-hoa-k&catid=63%3Avn-hc-vit-nam&Itemid=106&lang=vi)

2.

Sở dĩ một số đoạn, tôi chỉ ghi là “theo ý kiến của nhà nghiên cứu ĐTĐ…” là vì thực sự, có một số ý kiến tiểu tiết tôi, hoặc biên tập, đã không đồng ý, đã bỏ đi, thành ra là không trích nguyên văn. Như vậy, không thể nói là tôi không tôn trọng ý kiến của nhà nghiên cứu ĐTĐ. Những quan điểm của Nguyễn Mộng Giác hay Nguyễn Hưng Quốc tôi cũng nhắc đến trong bài với hình thức như trên và tôi vẫn bảo lưu quan điểm là tôi làm vậy không sai.

3.

Tôi thừa nhận những trích dẫn 3.1.1, 3.1.2, 3.1.3, 3.1.4, 3.2.1 và một phần kết luận là những thông tin nhà nghiên cứu ĐTĐ đã nêu lên trong hai bài viết của ông mà tôi có cơ hội tham khảo (Đó là các bài: Nhà/Quê Nhà trong văn chương vô xứ Việt Nam và bài Nước non nặng một lời thề- Đọc The gangster We Are All Looking for, là hai bài viết duy nhất tôi có của ĐTĐ). Tôi thừa nhận sai lầm là lẽ ra phải trích trong ngoặc kép và ghi chú từ nguồn nào. Thành thật xin lỗi nhà nghiên cứu ĐTĐ. Tôi sẽ chỉnh sửa bài viết, những chỗ trích dẫn này tôi sẽ để trong ngoặc kép và ghi chú nguồn, hy vọng thời gian ngắn nữa, khi truy cập vào web Khoa Văn học và Ngôn ngữ, nhà nghiên cứu ĐTĐ sẽ hài lòng.

4.

Còn tất cả những dẫn chứng còn lại của nhà phê bình ĐHC, tôi, có lẽ xin được không đồng ý. Ví dụ: những thông tin về Cáp Kim, nhà văn di dân Trung Quốc, thực chất đã được tôi viết vào năm 2006, khi hoàn thành công trình “Từ điển văn học phương Đông” (Đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp Đại học Quốc gia do PGS.TS. Phan Thu Hiền làm chủ biên), trước bài báo của nhà nghiên cứu ĐTĐ (Xin xem tài liệu kèm theo). Tôi cho rằng hiện nay, thông tin và các nguồn tư liệu có rất nhiều, không thể quy buộc ai đó sử dụng tư liệu của mình chỉ vì thấy chúng na ná nhau. Những chi tiết về tiểu sử, văn nghiệp, giới thiệu… về nhà văn không thể tránh việc trùng lặp. Tôi cũng đâu thể vì lý do là công trình của tôi có trước mà quy chụp là người khác sao chép của tôi; hay thông tin về Bích Minh Nguyễn, về cuốn Book of Salt của Monique Truong… là những tư liệu từ nhiều nguồn, không từ các bài báo của ĐTĐ vì soi chiếu sẽ thấy văn phong và ý tưởng khác nhau.

5.

Tôi xin được tỏ bày sự không đồng ý cả ở những câu quy chụp của nhà phê bình ĐHC. Một bài phê bình muốn khách quan và thuyết phục cần vượt qua những thiên kiến chính trị, vùng miền, giới tính, nghề nghiệp mà đi vào bản chất sự việc. Những câu sau đây, người đọc có thể nghi vấn tính khách quan và sự thật của nó:

- “liệu TLHT đã thực sự đọc tác phẩm của họ chưa hay chỉ dựa vào các bài điểm sách của Đào Trung Đạo và của báo chí nước ngoài rồi chép, trích, và dịch?”: Không một ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này, ngoài tôi. Khi đặt câu hỏi kiểu như vậy, nhà phê bình đã bôi nhọ nhân cách và chuyên môn của tôi. Và đồng thời, bôi nhọ cả uy tín chương trình Fulbright, tổ chức đã chọn lọc, xem xét và gửi tôi sang Mỹ thực hiện đề tài về văn học di dân trong 6 tháng. Trong 6 tháng ở Mỹ, tôi đã đọc, đã thu thập tư liệu, cố mang về VN cả những tư liệu sách in rất khó mang về, đã tiếp xúc với hơn 30 nhà văn hải ngoại bằng gặp gỡ, email, điện thoại, phỏng vấn để thực hiện mục đích của mình. Nhà phê bình ĐHC và nhà nghiên cứu ĐTĐ có thể kiểm chứng bằng cách liên lạc với một số nhà văn sau đây: Nguyễn Mộng Giác (đã mất), Nguyễn Xuân Hoàng, Du Tử Lê, Trùng Dương, Nhã Ca, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Nguyễn Thị Thảo An, Monique Truong, Angie Chau, Dao Strom, Đặng Thơ Thơ, Đặng Hiền, Phùng Nguyễn, Lê Thị Huệ, Túy Hồng, Viên Linh, Nguyễn Tà Cúc, Trương Anh Thụy, Nguyễn Thị Ngọc Dung, Nguyễn Thị Hoàng Bắc…Việc gặp gỡ, đọc tác phẩm của họ, đặt câu hỏi phỏng vấn… là nằm trong kế hoạch làm việc của tôi. Tôi không có ý định phân bua hay kể lể, chỉ muốn nêu ra đây để kiểm chứng câu nói vô cùng hàm hồ của nhà phê bình ĐHC mà thôi.

- Hoặc là câu: “Không rõ, đến lúc cái “tham vọng là một công trình dài hơi” của TS. Trần Lê Hoa Tranh hoàn thành, thì Đào Trung Đạo sẽ bị thuổng thêm những gì?” Tôi cho rằng nhà phê bình ĐHC đã quá “ưu ái” ĐTĐ khi buông một câu vô thưởng vô phạt, không thể kiểm chứng, thiếu tính khách quan như vậy. Thực sự mà nói, sau khi thực hiện chương trình Fulbright Scholar, tôi luôn nung nấu ý muốn có một công trình, dù ngắn dù dài, về văn học nữ di dân Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đây là một ý thức khoa học đi kèm với ý thức chính trị, ý thức dân tộc. Văn học di dân Việt Nam chưa được nghiên cứu, chưa được giới thiệu nghiêm túc, hệ thống, đây là một bộ phận của văn học dân tộc mà không ai có thể bỏ qua nếu có lòng với đất nước. Do đó, tôi đã viết 3 bài báo, hướng dẫn 2 học viên cao học làm về văn học di dân… Tôi không nghĩ tất cả những nỗ lực đó là “thuổng” từ ĐTĐ. Nhà nghiên cứu nào cũng có tính tự tôn, nhưng cần có căn cứ. Một bài viết hơn 10 trang, với nguồn tài liệu từ sách có uy tín, với những thông tin còn rất mới mẻ ở Việt Nam, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các nhà văn di dân ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… chỉ vì có vài hạt sạn, được nhà phê bình buông một câu là ngoài những gì lấy từ ĐTĐ, là “có đầu tư hơn chút đỉnh”, thì người đọc có băn khoăn về tính khách quan của nó hay không? Độc giả có thể vào đường link bài viết ở trên để kiểm chứng.

6.

Thiết nghĩ, việc tận dụng, tiếp thu thành quả nghiên cứu của người đi trước, trong một công trình mà tôi nghĩ mang tính miêu tả, thông tin là phương án tối ưu. Việc đọc, dịch, giới thiệu chắc chắn sẽ là thao tác quan trọng nhất chứ không phải phô bày quan điểm cá nhân hay nhận xét riêng tư. Do đó chắc chắn trong công trình của tôi sau này sẽ có rất nhiều thông tin tôi dịch ra. Và tôi nghĩ rằng, qua sự việc này, tôi sẽ cố hết sức mang lại tính minh bạch và chính xác cho công trình đó. Tuy vậy, tôi cũng đoan chắc với nhà nghiên cứu ĐTĐ là, ngoài sự cố hôm nay mà tôi đã xin lỗi, từ nay về sau, tôi sẽ không trích dẫn, nêu ý kiến gì của nhà nghiên cứu nữa (vì chắc là nhà nghiên cứu sẽ còn dõi theo các công trình tiếp theo của tôi), như vậy để tránh những va chạm đáng tiếc.

Thân mến,

Trần Lê Hoa Tranh

 

 

Phụ lục:

(bài viết đã sửa)

VĂN HỌC DI DÂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH

VĂN HỌC DI DÂN CÁC NƯỚC ĐÔNG Á TẠI HOA KỲ

 

-Trần Lê Hoa Tranh, TS, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH và NV Tp.HCM-

 

VĂN HỌC DI DÂN TẠI HOA KỲ

I.1. Di dân

Di cư hay di dân được coi là đặc trưng của loài người. Từ nguồn gốc lúc đầu là ở Châu Phi, các nhóm người đã toả đi các vùng đất khác của hành tinh này. Sự di cư thường kéo theo sự phổ biến các tư tưởng văn hoá, tập quán kỹ thuật từ vùng này sang vùng khác. Nguyên nhân di cư của các nhóm lớn dân số thường là do thừa dân số, sức ép dân số quá lớn, thiếu tài nguyên cơ bản. Ví dụ: sự di cư từ châu Âu sang châu Mỹ, Úc, New Zeland.

Lịch sử Hoa Kỳ nói cách khác là lịch sử di dân. Từ thế kỷ XVI, khi người Tây Ban Nha, Pháp, Anh đặt chân đến lục địa Hoa Kỳ, và tiếp theo sau đó là các dân tộc khác từ châu Âu, châu Phi, châu Á… Hoa Kỳ là “nơi mọi thứ hòa trộn” (“melting pot”) và “tất cả chúng ta đều là di dân”. Từ khoảng 1960, châu Âu không còn là nguồn cung cấp chủ yếu sang Mỹ nữa mà thay vào đó là châu Á và châu Mỹ Latin.

Cộng đồng di dân đông nhất tại Hoa Kỳ là Mexico. Trong số các cộng đồng châu Á, đông nhất là Trung Quốc. Thông tin về các cộng đồng châu Á sinh sống tại Mỹ: Trung Quốc: 3,347,229, Ấn Ðộ: 2,843,391, Philippines: 2,555,923, Việt Nam: 1,548,449, Hàn Quốc: 1,423,784, Nhật Bản: 763,325. Các sắc dân Á Châu khác: 2,192,151 [1]

I.2. Văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ

Danh từ Văn chương/Văn học Di Dân (Literature of Immigrant/ Emigrant Literature) thường được dùng để chỉ một mảng văn chương xuất hiện ở Âu-Mỹ từ trên 100 năm nay, có thể nói đã khởi đầu với Josept Conrad, tiếp theo là những tên tuổi lớn như James Joyce, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez…

Văn học di dân là khái niệm được dùng phổ biến phổ biến hơn cả để chỉ sáng tác của các nhà văn sống ở nước ngoài. Chúng ta còn gọi là văn học hải ngoại (Oversea Literature). Tuy vậy khái niệm văn học hải ngoại mang tính chất địa lý, còn văn học di dân mang khái niệm địa-chính trị. Họ có thể viết bằng tiếng mẹ đẻ (được gọi là Văn học thiểu số (Ethnic Literature) hoặc viết bằng tiếng nước sở tại, được gọi là Văn học dòng chính (Mainstream Literature), trường hợp của Linda Lê ở Pháp; Nam Le ở Úc; Monique Trương, Cáp Kim, Amy Tan ở Mỹ… Có một số quan điểm tranh cãi, ví dụ như Nguyễn Mộng Giác cho rằng nói đến văn học di dân thì chỉ giới hạn các nhà văn viết bằng tiếng mẹ đẻ. Văn học di dân không thể bao gồm cả các nhà văn viết bằng tiếng sở tại, ông xếp họ thuộc văn học dòng chính[2]. Bản thân chúng tôi quan niệm văn học di dân mang tính chất phi trung tâm, nghĩa là nó dung nạp cả văn học thiểu số viết bằng tiếng mẹ đẻ, và cả văn học dòng chính. Một số tác phẩm của các nhà văn dòng chính có thể xếp vào cả văn học nước sở tại lẫn văn học dân tộc không phải ở vấn đề ngôn ngữ mà là những vấn đề họ phản ánh trong tác phẩm của mình có nói lên được những vấn đề về nguồn cội (identity), về quê hương, về va đập văn hóa hai dân tộc hay không…

Theo quan điểm của Đào Trung Đạo [3] , Văn học lưu vong hay văn học lưu đày (Literature of Exile) là chỉ sáng tác của những nhà văn không chấp nhận chế độ trong nước, ra nước ngoài sinh sống hoặc tự lưu đày trên chính quê hương mình. Văn học vô xứ là sáng tác của các nhà văn di dân đứng giữa hoặc vượt qua lằn ranh của hai ý thức hệ - ý thức hệ đang tồn tại trên quê hương họ - và ý thức hệ đang chủ trì trên chính nơi chốn họ đang sinh sống. Phần lớn những nhà văn vô xứ không chấp nhận việc được coi như/sắp xếp vào khối nhà văn dòng chính/bản địa của xứ sở họ hiện cư ngụ hoặc vào một luồng nhánh của văn chương thuộc xứ sở họ xuất thân. Họ là những người luôn vượt qua mọi biên giới (chính trị, tôn giáo, văn hóa xã hội, chủng tộc…) nói như Salman Rushdie, hoặc nói như Linda Lê, nhà văn vô xứ là kẻ “có tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói đó tự đặt mình ngay trong trái tim của sự khổ đau mà không tìm cách xoa dịu sự khổ đau bằng ngôn từ hoa mỹ.” [4] . Có thể nói tiêu biểu cho thái độ minh bạch này là những phát biểu của Tony Morrison (xem Playing in the Dark), Salman Rushdie (xem: Imaginary Homeland) và Linda Lê (xem: Tu écriras sur le bonheur).

“Về số lượng, trong hơn 20 năm cuối thế kỷ 20 và những năm đầu 21, con số những nhà văn di dân càng ngày càng đông đảo và tác phẩm của họ hiện đang được độc giả khắp thế giới tán thưởng nồng nhiệt trong khi những nhà văn bản xứ nếu không có tài năng rất dễ bị lu mờ, ít được chú ý, bị bỏ quên. Điều này cũng có nghĩa là nhà văn di dân có độc giả trên khắp thế giới và vì vậy việc sách của họ có được đọc ở chính quê hương họ hay không không còn là một yếu tố quyết định trong việc sáng tác và đánh giá nữa.” [5]

Từ năm 1965, khi luật di dân được chính phủ Mỹ công nhận, thì văn học di dân mang một sắc thái khác. Cùng với sự khơi gợi của chủ nghĩa nữ quyền của thập niên 60, những nhà văn di dân gốc Á như Maxine Hong Kingston, Amy Tan đã viết về họ, những người di dân góp phần làm nên lịch sử Mỹ như một thành viên chứ không phải là một sự lệ thuộc. Lịch sử nước Mỹ, thành công của nước Mỹ có công sức của họ: từ những người Hoa làm xe lửa ở San Francisco, đến những người Việt làm nên bộ mặt thành phố San Jose…từ đóng góp của những y tá gốc Phi, những công ty phần mềm gốc Ấn, đến những tiệm nail gốc Việt…

Dòng văn chương da-màu-mới, trong bối cảnh di dân đương đại ít than vãn hơn, ít dùng những hồi ức không tưởng về truyền thống lịch sử họ để đòi chỗ đứng xứng đáng gần trung tâm hơn trong cộng đồng dân tộc Mỹ. Những mô tả về những người ở quê hương không nằm trong quá khứ mà thường là những tiến trình đang xảy ra, vì những quan hệ xuyên quốc gia vẫn tiếp diễn, nếu không muốn nói chúng đã biến thành kinh nghiệm phổ quát của đa số con người trên mặt đất ở thế kỷ chúng ta. Bởi lẽ, những quan hệ xuyên quốc gia ngày nay đã trở nên phổ biến, chuyện du lịch, làm việc, định cư tại một nước khác không còn là chuyện xa lạ hay thiểu số để trở thành một đề tài đắm đuối. Sáng tác xuyên quốc gia của những nhà văn Việt Nam như Lí Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Việt Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Việt, Dương Thuỵ, Ngô Thị Giáng Uyên… (Việt Nam), Lư Tân Hoa, Trương Duyệt Nhiên, Quách Tiểu Lộ, Hồng Ảnh… (Trung Quốc), H.Murakami… (Nhật)… là những ví dụ cho thấy khái niệm “văn học di dân” ngày nay mang tính chất toàn cầu (chữ dùng của Nguyễn Hưng Quốc là giải lãnh thổ hóa) và được hiểu với một biên độ rất rộng.

Văn học di dân theo quan điểm của người viết đã trình bày ở trên thường được viết bằng hai loại ngôn ngữ chính: ngôn ngữ thiểu số (tức ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc) và ngôn ngữ nước sở tại (cụ thể ở đây là tiếng Anh). Nếu bạn chọn viết bằng ngôn ngữ thiểu số thì sẽ dễ dàng hơn vì đó là ngôn ngữ máu thịt, vì có một lượng độc giả cố định của cộng đồng mình, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn là lượng độc giả biết tiếng mẹ đẻ ngày càng ít đi.

Gia nhập vào hàng ngũ những nhà văn di dân viết dòng chính là một chọn lựa không dễ dàng. Khi chọn lựa viết bằng tiếng nước di dân (ở đây, cụ thể là tiếng Anh) thì những nhà văn này lại đối mặt với một khó khăn khác là phải cạnh tranh với những nhà văn Hoa Kỳ viết thuần thục bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và còn phải cạnh tranh với cả những nhà văn thuộc cộng đồng thiểu số khác như Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… sống ở Mỹ.

Văn học di dân tập trung vào một số mảng đề tài chính sau đây:

1. Viết về quê nhà. Nhà/quê nhà chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với những người mất/không có/xa nhà/quê nhà. Vậy khái niệm này nói lên cái khoảng cách (distance) xa rời: nhà là một điểm cố định và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, du hành. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn hiện đang sống trên xứ sở của mình đã không đặt vấn đề, không bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. “Nhà/quê nhà” không là một điều họ cần phải nói tới. Trong trường hợp nếu họ chủ ý nói tới thì “nhà” lại được thường được hiểu giới hạn là quê hương, nhất là tổ quốc.

Quê nhà còn là cớ để họ viết về những biến cố lịch sử của dân tộc họ. Ví dụ như viết về cuộc chiến Nam-Bắc Triều Tiên, về Cách mạng văn hóa Trung Quốc, về biến cố 1975 của Việt Nam… Một số tác phẩm tiêu biểu như Đợi chờ của Cáp Kim, Đỗ Quyên Đỏ của Anchee Min, một số truyện ngắn của Monique Truong, Andrew Lam, The Gangster We Are All Looking for (Tên du đãng mà chúng ta đang tìm kiếm) của le thi diem thuy…

2. Viết về những va đập Đông-Tây. Cuốn Fruit’n Food (tạm dịch: Thực phẩm và Trái cây) của Chang Leonard miêu tả những xung đột ẩm thực của cộng đồng Mỹ gốc Hàn và gốc Phi châu sống tại Mỹ.

Ở chủ đề này Amy Tan (Tần Ái Mỹ) và Yiyun Li (Lý Dực Vân) có những tác phẩm xuất sắc. Phúc lạc hội, Trăm miền ẩn thức, Con gái thầy lang (Amy Tan), Ngàn năm thiện nguyện (Yiyun Li)…đều miêu tả những khó khăn khi muốn hòa nhập mà không hòa tan trên đất Mỹ.

3. Viết về những trải nghiệm cá nhân sinh sống trên đất Mỹ. Cuốn Over the Shoulder (2000) (tạm dịch Qua bờ vai), Underkill (2003) (tạm dịch: Giết ngầm) của Chang Leonard kể về cuộc sống của những nhân viên bảo vệ ở thung lũng Silicon miền Bắc California, nơi tập trung rất nhiều người dân Mỹ gốc Á sinh sống. Trong quá trình tìm kiếm hung thủ giết chết người bạn của mình, Allen Choice phát hiện nhiều bí mật về gia đình và nguồn gốc bản thân.

4. Giới thiệu văn hóa quê hương. Đặc biệt là những nền văn hóa lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Có nhiều lý do những cuốn sách này bán chạy: thứ nhất, nó là huyết mạch của nhà văn nên (nhất là những nhà văn thế hệ một) thường được viết rất tốt, thứ hai, người Mỹ thích tìm hiểu về văn hóa nước khác. Có những lúc, sách của Lâm Ngữ Đường từng được xếp vào best-selling vì nói đến văn hóa, con người Trung Hoa (Cuốn My country and my people, ở Việt Nam dịch: Trung Hoa đất nước con người). Vì vậy, những cuốn sách viết về văn hóa hoặc lồng những yếu tố văn hóa bản địa luôn được quan tâm và hoan nghênh. Ví dụ hình ảnh cây cầu khỉ ở miền quê Nam bộ, chi tiết phóng sinh cầu phúc… trong Monkey Bridge (Cầu khỉ) của Lan Cao, cúng Phật trong Trộm đồ cúng Phật của Bich Minh Nguyen, ẩm thực Việt Nam trong truyện Monique Truong…

 

II. NHỮNG NHÀ VĂN DI DÂN ĐÔNG Á TẠI HOA KỲ

Theo cuốn Encyclopedia of Asian-American literature của Seiwoong Oh, Infobase Publishing 2007, có khoảng hơn 200 nhà văn Mỹ gốc Á viết văn tại Mỹ bao gồm nhiều thế hệ. Thế hệ thứ nhất là những người đã trưởng thành đến Mỹ sinh sống, thế hệ 2 và 3 là những người đến Mỹ khi còn nhỏ hoặc được sinh ra ở Mỹ. Cuốn sách này cũng tính đến cả những nhà văn đến Mỹ du lịch hoặc ở ngắn hạn, không phải là công dân Mỹ nhưng viết những vấn đề về văn hóa sở tại so sánh với văn hóa bản xứ (quan điểm của Seiwoong Oh như vậy trùng với quan điểm của NV).

Do khuôn khổ một bài báo, chúng tôi giới thiệu dưới đây một số nhà văn di dân tiêu biểu của Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc.

II.1. Trung Quốc

Lịch sử di dân của người Trung Quốc đến Mỹ sớm nhất từ năm 1849, vùng đất San Francisco theo tiếng Hoa là Cựu Kim Sơn (núi vàng cũ), vì cộng đồng Hoa kiều ồ ạt đến đây đào vàng hoặc làm đường xe lửa. China Town (biểu tượng của người Hoa trên khắp thế giới) tại San Francisco được xem là khu phố Trung Quốc có quy mô lớn nhất và cổ nhất trên thế giới. Tại Bảo tàng lịch sử Hoa kiều ở San Francisco, sẽ khó hình dung gần 160 năm trước, tổ tiên gầy dựng các chinatown là những di dân nghèo khổ tìm đến Mỹ như tìm đến một vùng đất mới để hy vọng đổi đời. Họ là nguồn nhân công giá rẻ cung ứng cho cả công trường Mỹ đang phát triển, từ phu đãi vàng, phu đường sắt, phu hầm mỏ... Năm 1885 – 1943: theo Đạo Luật Bài Hoa (Chinese Exclusion Act), người Hoa bị cấm di dân vào Hoa Kỳ. Đến năm 1943: chính phủ Hoa Kỳ bỏ đạo luật này. 1943 – 1965: Tiếp tục di dân, số lượng nhỏ, do bị kiểm soát chặt. Thập niên 1970: Nhập cư ồ ạt từ Đài Loan, Hong Kong (một số ít từ lục địa). Thập niên 1980: Làn sóng nhập cư từ Trung Hoa Lục Địa.

Những đợt di dân khác của người Hoa (bao gồm cả người Hoa ở đại lục, Hồng Kông và Đài Loan) đến Mỹ liên quan đến biến cố chính trị: năm 1949, khi Trung Quốc thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhiều người Trung Quốc tìm cách sang Đài Loan và các nước khác, năm 1966-1976 khi Văn cách nổ ra, năm 1989 khi sự biến Thiên An Môn khiến hàng loạt trí thức Trung Quốc bỏ nước tị nạn chính trị, năm 1997 khi Hồng Kông trao trả về Trung Quốc…. Ở Mỹ, Hoa kiều chiếm đông nhất trong cộng đồng châu Á di dân với số lượng khoảng gần 3,5 triệu người (con số để so sánh: Hoa kiều ở châu Á có khoảng 31 triệu, châu Mỹ 6 triệu, châu Âu 1,7 triệu[6]) do đó số lượng nhà văn Trung Quốc ở Mỹ cũng đông nhất, và thành công nhất trong các cộng đồng Mỹ gốc Á: Maxine Hong Kingston, Cáp Kim, Amy Tan, Anchee Min, Yiyun Li, Lư Tân Hoa, Lisa Lee, Chang Diana, Chao Patricia, Kha Lăng Yến, Anni Sun…

Nhắc đến văn học Trung Quốc tại Hoa Kỳ, hầu hết các tuyển tập đều nhắc đến Maxine Hong Kingston với cuốn Nữ chiến binh (The Woman Warrior) như một tác phẩm tiên phong của văn học thiểu số châu Á. Tác phẩm này được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông, trong hầu hết các môn học về văn học châu Á tại Mỹ. Về sau, nhiều nhà văn châu Á đã chịu ảnh hưởng từ cuốn sách này của bà.

Cáp Kim (Ha Jin) là trường hợp thành công thứ hai. Ông tên thật là Kim Tuyết Phi,sinh tại Liêu Ninh, cha là sĩ quan quân đội. Bản thân ông cũng tham gia quân đội từ năm 1969 trong Cách mạng Văn hóa. Năm 1981 ông tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh ở trường Đại học Hắc Long Giang, ba năm sau tốt nghiệp thạc sĩ văn học Anh-Mỹ ở đại học Sơn Đông và nhận được học bổng sang Mỹ ở trường đại học Brandeis. Sau biến cố Thiên An môn 1989, sự hà khắc và đàn áp của chính quyền Trung Quốc khiến ông quyết định định cư luôn tại Mỹ sau khi học xong tiến sĩ năm 1992. Tác phẩm đầu tiên ông viết là tập thơ Between Silences (Giữa im lặng) xuất bản năm 1990. Cáp Kim là một hiện tượng văn học nước ngoài ở Mỹ, viết văn bằng tiếng Anh và đạt rất nhiều giải thưởng văn học ở Mỹ. Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: Waiting (Đợi chờ 1999) đạt giải thưởng Quốc gia Sách hàng năm (National Book Award) và giải Faulkner (PEN/Faulkner Award), ngoài ra truyện ngắn của ông xuất hiện trong nhiều tuyển tập truyện ngắn Mỹ hay nhất (The Best American Short Stories Anthologies), tập truyện ngắn Under The Red Flag (Dưới ngọn cờ đào, 1997) đạt giải O’Connor về truyện ngắn (Flannery O'Connor Award for Short Fiction), còn Ocean of Words (Biển từ 1996) đạt giải Hemingway (PEN/Hemingway Award). Tiểu thuyết War trash (Cuộc chiến tranh rác rưởi, 2004) viết về cuộc chiến tranh Triều Tiên được giải Faulkner (PEN/Faulkner Award) và được vào chung kết giải Pulitzer. Hiện nay ông đang dạy học ở trường Đại học Boston, bang Massachussets ở Mỹ.

Tần Ái Mỹ (Tán Enmei) Amy Tan sinh năm 1952 ở Oakland, bang California. Cha của bà, ông John Tan, là một kỹ sư điện và cũng là một mục sư, đã di cư sang Hoa Kỳ để trốn thoát đời sống bất an của Trung Quốc thời nội chiến Quốc-Cộng. Đời sống gian truân của cha mẹ về sau đã là đề tài cho Amy Tan viết cuốn Phu nhân Táo quân (The Kitchen God’s Wife).

Truyện ngắn đầu tiên của bà có tựa đề Endgame được sự chú ý của nhiều người và các nhà xuất bản khuyến khích bà hãy viết thêm để có thể in thành một tuyển tập. Khi sự nghiệp viết văn của Amy Tan bắt đầu phát triển thì mẹ bà lâm trọng bệnh. Amy Tan hứa với mình là nếu mẹ bình phục, bà sẽ đưa mẹ về Trung Quốc để tìm lại người con gái thất lạc gần 40 năm trước đó. Bà Daisy Tan phục hồi sức khoẻ và hai mẹ con cùng lên đường về Trung Quốc năm 1987. Chuyến đi này đã giúp cho Amy Tan nhìn ra được những gì đã gây nên sự trở ngại trong mối quan hệ giữa bà và mẹ. Và cũng giúp bà có thêm động lực để hoàn tất tuyển tập mà bà đã hứa với nhà xuất bản. Amy Tan bỏ việc “viết thuê” và hoàn tất tác phẩm The Joy Luck Club (Phúc Lạc hội) chỉ trong hơn bốn tháng.

Sau khi được phát hành năm 1989, cuốn The Joy Luck Club đã được sự đón nhận nồng nhiệt của các nhà phê bình và của độc giả, đặc biệt là những độc giả Á Châu. Họ cho Amy Tan hay là đã tìm thấy hình ảnh của chính họ, những vấn đề mà họ hàng ngày phải đối đầu, qua các nhân vật trong tác phẩm của bà. Cuốn sách nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times suốt tám tháng liền. Bản quyền sách bìa mỏng (paperback) của cuốn này được bán với giá 1,23 triệu USD và được dịch sang 17 thứ tiếng, kể cả tiếng Trung. Sau đó được đạo diễn Lí An (một đạo diễn gốc Hoa nổi tiếng) dựng thành phim. Nội dung chủ yếu trong tác phẩm của bà là cuộc sống của những gia đình người Hoa trên đất Mỹ, sự xung đột, va đập và hành trình tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa Đông – Tây, cũ – mới, giữa truyền thống – hiện đại, giữa cha mẹ - con cái, qua đó chúng ta thấy được ý nghĩa của văn hóa truyền thống đóng vai trò như thế nào đối với những nhà văn xa xứ. Tác phẩm của bà được dịch ra 20 thứ tiếng với hàng chục triệu bản in và được yêu thích trên toàn thế giới.

II.2. Nhật Bản

Làn sóng di dân từ Nhật bắt đầu năm 1868, do sự thay đổi của môi trường văn hóa, chính trị, xã hội khởi nguồn từ Cách Mạng Meiji 1868. Đến năm 1882, làn sóng di dân lên cao điểm do Luật Bài Hoa (Chinese Exclusion Act), di dân Nhật được công nghiệp Mỹ thuê để thay thế người Hoa. Năm 1885, làn sóng nhập cư đến Hawaii (làm việc tại các nông trại mía và thơm) và California (làm hoa quả, nông phẩm). Trong vòng 40 năm trước Luật Di Dân 1965, Hoa Kỳ cấm di dân từ Nhật và các quốc gia khác. Do đó, đến năm 1965 thì di dân ồ ạt.

Nhắc đến văn học di dân Nhật tại Hoa Kỳ, các tuyển tập thường đề cập đến cuốn tiểu thuyết Miss Nume of Japan của Winnifred Eaton (một bút danh nữa của bà là Onoto Wantana) như một tác phẩm tiêu biểu của lớp nhà văn Nhật Bản đầu tiên sống ở Mỹ. Nhân vật chính là Nume Wanatabe, một cô gái Nhật, yêu một chàng trai Mỹ và những bi kịch dẫn đến việc cô tự sát… Những nhà văn khác như Okubo Mine (1912-2001), Toyo Suyemoto (1916-2003), Yoshiko Uchida (1922-1992), Kerri Sakamoto… Dưới đây, chúng tôi giới thiệu sơ lược một số nhà văn nổi tiếng:

- Karen Tei Yamashita với cuốn Brazil- Maru viết về cộng đồng người Nhật sống ở Brazil. Cuốn tiểu thuyết mô phỏng khá nhiều motif từ Genji đến Rashomon.

- Philip Kan Gotanda sinh năm 1951 tại Mỹ, thuộc thế hệ thứ 3 (sansei), được biết đến như một trong những nhà văn, nhà viết kịch Nhật Bản thành công nhất ở Mỹ. Lớn lên theo học ngành hóa vì ảnh hưởng từ người cha, sau đó, ông quay về Nhật, nghiên cứu nghệ thuật truyền thống Nhật Bản và học làm gốm với nghệ nhân Hiroshi Seto. Sau khi quay lại Mỹ, ông lập một ban nhạc với người bạn thân, cũng là một nhà văn, nhà viết kịch Mỹ gốc Trung Quốc là David Henry Hwang, tình bạn này xuyên suốt sự nghiệp văn chương của họ. Vở kịch đầu tay của ông, The Avocado Kid (1978) (tạm dịch: Đứa bé quả bơ), dựa trên motif về một truyện đồng thoại Nhật Bản: Momotaro the Peach Boy: Momotaro, đứa bé quả đào), được trình diễn trên sân khấu Los Angeles. Thập niên 1980, ông viết nhiều vở kịch về di dân châu Á sống ở Mỹ, ví dụ như vở The Wash (1985), về một cô gái thế hệ thứ hai (nisei) tìm nguồn cội, Yankee Dawg You Die (1988) về chân dung di dân châu Á trên các phương tiện truyền thông đại chúng…Thập niên 1990, ông tập trung về di dân Nhật sống ở Mỹ, ví dụ như các vở Ballad of Yachiyo (1996) viết về những di dân Nhật làm việc ở các nông trại mía Hawaii đầu thế kỷ 20, vở Sisters Matsumoto (1999, Chị em nhà Matsumoto)… Ngoài ra ông còn có các vở kịch khác như: Fish Head Soup (1987, Súp đầu cá) về xung đột thế hệ trong các gia đình Mỹ gốc Nhật, Song of a Nisei Fisherman (1982, Bài ca về ngư dân thế hệ thứ hai tại Mỹ), The Wind Cries Mary (2001, Gió khóc Mary) về nguồn gốc thân phận các di dân châu Á ở Mỹ những năm 1960…

Ông còn là một nhà làm phim độc lập với các phim như The Kiss (Nụ hôn), Drinking Tea (Uống trà), Life Tastes Good (Cuộc sống có vị của hàng hóa) được vinh danh tại liên hoan phim Sudance.Trong cuộc đời viết văn, viết kịch, ông nhận được nhiều giải thưởng như: PEN/West Award, Rockefeller Artist Award…

II.3. Hàn Quốc

Mỹ là nơi có số lượng Hàn kiều sinh sống nhiều nhất, với khoảng gần 1,5 triệu người. Hai nước này có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi Mỹ tham gia vào chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Sự hiện diện của nhiều binh lính Mỹ tại Hàn Quốc, nhiều người đã lấy vợ Hàn hoặc nhận con nuôi Hàn Quốc trong khi đóng quân tại đó đã kích thích phong trào nhập cư vào Mỹ. Các nhóm sinh viên, chuyên viên, và đặc biệt phụ nữ Hàn lấy chồng là lính Mỹ, vào định cư tại Hoa Kỳ. Ngày nay, 25% người Mỹ gốc Hàn có nguồn gốc từ “phụ nữ Hàn lấy lính Mỹ” hồi thập niên 1950. Nhập cư ồ ạt sau khi Luật Di Dân được ban hành năm 1965 với 80% số lượng người Hàn Quốc đến Mỹ năm này là phụ nữ.

Những gương mặt đáng chú ý của văn học di dân Hàn Quốc tại Hoa Kỳ là Peter Hyun (1906-1991), nhà văn thế hệ thứ nhất của Hàn Quốc tại Mỹ, Younghill Kang (1931), Lee Chang-rae (1965)… Sau đây là một vài gương mặt tiêu biểu.

- Chang, Leonard sinh năm 1968 tại New York, học ở Harvard và UC Irvine ra, là một nhà văn gốc Mỹ khá nổi tiếng ở Mỹ, viết văn phơi bày những khủng hoảng trong quá trình đi tìm kiếm bản ngã cá nhân. Các tác phẩm của anh gồm: The Fruit’n Food (1996) (tạm dịch: Thức ăn và Trái cây), Dispatched from the Cold (1998) (tạm dịch: Giã biệt lạnh giá), Over the Shoulder (2000) (TD: Qua bờ vai), Underkill (2003) (TD: Giết ngầm), hầu hết nhân vật chính đều là những người Mỹ gốc Hàn sinh sống và làm việc tại Mỹ.

- Nora Okja Keller với cuốn sách Comfort Women (1997) (tạm dịch: Gái Tiện nghi), là một bất ngờ sửng sốt cho giới phê bình Mỹ. Được giải Sách nước Mỹ (American Book Award) năm 1998, cuốn sách lấy cảm hứng từ những phơi bày có thật của phụ nữ Triều Tiên bị làm nô lệ tình dục cho lính Nhật trong những “comfort station” (trại tiện nghi) được thiết lập khắp châu Á trong chiến tranh thế giới II mà Keller đã thu thập khi phỏng vấn những người phụ nữ Triều Tiên. Cuốn sách này đã tiếp thêm cảm hứng cho Keller tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử Triều Tiên và về những nạn nhân phụ nữ này, ví dụ như việc họ phải tiếp 30 đến 40 người trong một ngày, việc tất cả bọn họ đều bị gọi là Akiko (một tên gọi phổ biến của phụ nữ Nhật), bị đánh đập, trốn thoát và được đưa sang Mỹ theo một tổ chức từ thiện Thiên chúa giáo…Ý nghĩa của cuốn sách, không chỉ là miêu tả những “trại tiện nghi” mà còn là quá trình nhìn lại quá khứ, nghĩ về nó, khó khăn khi hội nhập với cuộc sống Mỹ về ngôn ngữ, nghề nghiệp…Và quả thật, cuối cuốn sách này, Keller vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho những bất ổn tâm hồn cũng như vật chất của những người đàn bà nạn nhân này.

- Sook Nyul Choi: hai cuốn tiểu thuyết mang tính tự truyện: Years of Impossible Goodbyes (Những năm tháng không thể giã từ) và Echoes of the White Giraffe (Tiếng vọng của chú Hươu cao cổ trắng) kể về cuộc vượt thoát của Sookan Bak và anh trai đến trại tập trung của Mỹ tại Hàn Quốc thập niên 1950. Tiếng vọng… khai thác chiến tranh qua cái nhìn ngây thơ của nạn nhân, một đứa trẻ 15 tuổi Sookan Bak.

 

III. NHỮNG NHÀ VĂN DI DÂN VIỆT NAM TẠI HOA KỲ

Cộng đồng Việt Nam di dân tại Mỹ có khoảng hơn 1,5 triệu người [7], chiếm hơn một nửa số lượng người Việt Nam di dân trên toàn thế giới. Là cộng đồng di dân lớn thứ 7 ở Mỹ và thứ 4 trong cộng đồng di dân châu Á ở Mỹ, có vận tốc hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ khá nhanh và rất thành công. Người Mỹ gốc Việt là một trong những nhóm người nhập cư mới nhất tại Hoa Kỳ, cho nên là nhóm có tỷ lệ người lai chủng tộc khác thấp nhất trong các nhóm người Mỹ gốc Á châu chính. Theo điều tra năm 2000, có đến 1.009.627 người 5 tuổi trở lên tự khai rằng họ nói tiếng Việt ở nhà, tiếng Việt đứng thứ 7 trong những ngôn ngữ phổ thông tại Hoa Kỳ. Người Việt tại Mỹ sinh sống nhiều nhất ở các tiểu bang California (Orange County, San Jose), Virginia, Texas (Houston)...

“Người sáng tác bằng tiếng Việt ở Hoa Kỳ hầu như chỉ có độc giả người Việt tại Hoa Kỳ đọc được. Người viết bằng tiếng Anh tuy có cái lợi hơn là được độc giả Âu-Mỹ đọc nhưng số độc giả người Việt đọc họ phải nói là rất hiếm hoi. Nhưng họ có một mẫu số chung, và đây là một điều đáng tiếc: sách của họ hầu như không được độc giả Việt trong nước biết tới”[8]. Trừ một vài trường hợp hiếm hoi: Nguyễn Mộng Giác in sách trong nước (Sông Côn mùa lũ), Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư, Trần Mộng Tú có một ít truyện ngắn trong các tuyển tập trong nước…Khác với các nhà văn di dân ở châu Âu, mức độ phổ biến tác phẩm của họ nhiều hơn (Kiệt Tấn, Nguyễn Văn Thọ, Thuận, Linda Lê, Đoàn Minh Phượng, Miêng… đều có sách in và độc giả trong nước).

Thế hệ nhà văn một và một rưỡi (1st generation và 1.5 generation) thường viết bằng tiếng Việt như Nhã Ca, Trùng Dương, Trần Mộng Tú, Bùi Bích Hà, Lê Thị Huệ, Đặng Thơ Thơ… Thế hệ nhà văn thứ hai (2nd generation) thường dùng tiếng Anh như Monique Truong, Bich Minh Nguyen, lê thi diem thuy, Barbara Tran, Christian Langworthy, Mong-Lan, Le Bi, Thuong Quan, Khe Iem, Linh Dinh, Do Kh., Nguyen Qui Duc, Aime Phan, Angie Chau, Mai Elliot… Cá biệt có người dùng cả hai ngôn ngữ để viết văn như Phan Nhiên Hạo, Đỗ Lê Anh Đào.

Không thể so sánh với Linda Le ở Pháp hay Nam Le ở Úc về mức độ nổi tiếng trên văn đàn “dòng chính”, nhưng những nhà văn VN viết bằng tiếng Anh ở Mỹ cũng trở thành một lực lượng hùng hậu của văn học di dân Việt Nam, và trên một mức độ nào đó, cũng là một đóng góp vào văn học “dòng chính” của Mỹ.

Thế hệ những nhà văn khá lớn tuổi viết văn dòng chính ở Mỹ có lẽ bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Có thể kể trước hết là Le Ly Haslips với tác phẩm When Heaven and Earth Changed Places (Khi Trời và Đất đổi chỗ) xuất bản năm 1989. Cuốn sách này được báo chí khen ngợi như báo Los Angeles Times đăng trích từng kỳ, báo New York Times Book Review cũng trích đăng, cuốn sách thứ hai: Child of War, Woman of Peace (Trẻ em của chiến tranh, phụ nữ của hòa bình) xuất bản năm 1993 được báo Publisher's Weekly nhận xét: “Gây sốc và gây cảm hứng ngay lập tức… mang kịch tính và sự ghê rợn, với những quan sát hết sức sắc bén về những nạn nhân Việt Nam và Mỹ trong cuộc chiến tranh”. Dựa trên hai cuốn sách này, Oliver Stone đã dựng thành bộ phim Trời và Đất.

Nhà văn thứ hai, trẻ hơn, là Dương Văn Mai Elliott với cuốn sách The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family (Cây liễu linh thiêng: Bốn thế hệ trong cuộc đời một gia đình Việt Nam) thực chất không hẳn là một cuốn tiểu thuyết mà là một cuốn sách điều tra, nhưng được nhìn dưới mắt một tiểu thuyết gia, nói về kinh nghiệm của một người sống trong một gia đình Việt Nam có bốn thế hệ và qua đó phơi bày dòng chảy lịch sử Việt Nam. Dựa trên những gia phả, ghi chép gia đình, những cuộc phỏng vấn và nghiên cứu khác nhau, cuốn sách này không chỉ là một kỷ niệm gia đình, mà còn là một ghi chép bằng cách nào mà người Việt Nam trải qua những năm tháng của chính mình.Cuốn sách của Mai Elliott đã được đề cử giải Putlizer năm 2000. Cô còn là người dịch hồi ký của bà Nguyễn Thị Định ra tiếng Anh.

Lan Cao là một luật sư hiện đang giảng dạy môn luật quốc tế ở trường đại học luật William và Mary. Cuốn sách nổi tiếng của cô là Monkey Bridge (Cầu khỉ) xuất bản năm 1997. Nhiều nhà phê bình cho rằng phong cách của cô chịu ảnh hưởng từ cuốn Nữ chiến binh (The Woman Warrior) của Maxine Hong Kingston. Cô cũng là đồng tác giả cuốn Everything You Need to Know about Asian American History (Tất cả những gì bạn cần biết về lịch sử người Mỹ gốc Á) với Himilce Novas. Cầu khỉ viết về thân phận của hai người phụ nữ, hai mẹ con Thanh và Mai di dân đến Mỹ năm 1975 với những chủ đề chính: nỗi cô đơn, nhớ nhà, xa cách chồng và cha, sự hòa nhập khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa của người Việt trên đất Mỹ, khoảng cách thế hệ…Tờ Chicago Tribune nhận xét: “độc giả phương Tây may mắn có Lan Cao với tác phẩm đi qua cuộc chiến chạm đến nỗi đau trái tim của Việt Nam”.

Thế hệ trẻ hơn, được gọi là thế hệ 1.5 hay 2 cũng có một số nhà văn chọn viết bằng tiếng Anh, như Monique Truong, Andrew Lam, Lê Thị Diễm Thúy, Dao Strom, Aime Phan, Angie Chau… cùng với một số nhà văn kiêm nhà phê bình viết bằng tiếng Anh như Issabela Thuy Paulaud, Nathalie Huynh Chau Nguyen, Ton Nu Nha Trang, Rebekah Linh…

Nhà văn Việt Nam có lẽ nổi tiếng nhất ở Mỹ là Monique Trương (như Linda Le ở Pháp), sinh năm 1968 ở Saigon, cùng với gia đình di tản sang Mỹ sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Là tác giả của hai tiểu thuyết The Book of Salt (Sách muối) và Bitter in the Mouth (Đắng nghét trong miệng). Khi trở thành nhà văn, cô đã bỏ nghề luật. Ngoài đời, Monique Truong là một người phụ nữ rất thích ẩm thực. Cô cảm nhận mùi vị thức ăn trước hết là trong tâm trí mình, sau đó mới là ngoài đời. Cô tiếp cận một công thức nấu ăn như là một câu chuyện. Cả hai cuốn tiểu thuyết của cô đều liên quan đến ẩm thực như một chi tiết văn hóa, hoặc một ẩn dụ văn học.

Trong cuốn Sách muối (nxb Houghton-Mifflin, 2003), nhân vật chính là Bình, một đầu bếp, làm việc ở Pari, sau đó sang Mỹ, quay trở về Việt Nam. Tên sách, ban đầu khi mới viết năm 1997, có tên là Seeds - Hạt (cũng liên quan đến ẩm thực), sau đó, cô quyết định đổi tên là Book of Salt. Muối, có hầu hết trong thực phẩm, trong nước mắt, và biển, được tìm thấy khắp nơi trong cuốn sách. Trong tiếng Anh, “lương” (salary) là lấy từ chữ “salt”, vậy thì muối ở đây, là một cách hiểu khác của sức lao động, của giá trị, của sự đáng giá. Cuốn này được trao tặng nhiều giải văn chương giá trị ở Mỹ như của Hiệp hội thư viện Hoa Kỳ năm 2004, nhận được tài trợ để sáng tác của PEN American Robert Bingham Fellowship, Hodder Fellowship của đại học Princeton và Guggenheim Fellowship.

Còn trong Bitter in the Mouth (nxb Random House, 2010), nhân vật chính là Linda, người có vấn đề về diễn đạt ngôn ngữ. Cuốn thứ hai được giới phê bình đánh giá rất cao. Nghệ thuật vượt hẳn cuốn trước.

Ở Việt Nam, những từ biểu hiện hạnh phúc và chịu đựng thường được dùng những từ mang tính chất nếm trải (vị giác). Hạnh phúc thì thường ngọt bùi, chịu đựng thì dùng đắng cay, chua cay, khổ quá…Với Đắng nghét trong miệng, M. Truong đã khám phá kinh nghiệm của một người thông qua văn học. Nhân vật chính: Linda Hammerick, chịu đựng một căn bệnh rối loạn giác quan rất hiếm: cô trở thành người nổi tiếng nhìn một từ và đoán vị của nó, cách biệt và độc lập với nghĩa của chúng: khi cảm giác bị kích thích bởi một sự vật lập tức có cảm giác hay nhận thức về một sự vật khác (chứng “synesthesia”), ví dụ khi nhìn một con chữ Linda lập tức cảm nhận được mùi vị của một món ăn. Chẳng hạn chữ “you” cho Linda những mùi vị của đậu hột đóng hộp, chữ “home/nhà” gợi mùi vị nước ngọt Pepsi, nghe từ mẹ, cô nghĩ đến sô cô la (từ chocolate là từ Aztec xocolatl có nghĩa là nước đắng). Thử thách của Linda, cũng là bí ẩn trung tâm của câu chuyện, là làm cách nào tháo gỡ rối loạn vị giác của cô, vứt bỏ cái đắng cay từ cái ngọt bùi.

Bitter in the Mouth đưa ra một cái nhìn khác biệt về vấn đề khủng hoảng bản ngã, nhất là bản ngã của người nữ di dân, vô xứ so với quan niệm thông thường của trí thức, nhà văn Mỹ đã có trước đây. Monique Trương cho thấy cuộc tìm kiếm bản ngã của một người sinh ra ở một nơi và trưởng thành ở một nơi không phải là quê hương là một lộ trình không có điểm dừng, điểm tận cùng, không có một kết thúc chỉn chu, thỏa mãn mà chỉ là một sự cần thiết, một sự chẳng đặng đừng.

Tạp chí Booklist đưa ra nhận xét về Bitter in the Mouth: “Hấp dẫn…Trương là một người kể chuyện tài tình, và trong quyển tiểu thuyết yên vắng nhưng đầy sức mạnh này cô đã sáng tạo một nhân vật đáng chú ý và độc đáo.” Nhà văn nữ Jayne Anne Phillip thì cho rằng “Quyển Bitter in the Mouth, mỗi chữ đều mặn mà, là một tỏ bày của sự thông minh dí dỏm, của trái tim, và của tài năng tuyệt vời.” Nhà văn nữ gốc Trung Quốc Yiyun Li, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Ngàn Năm Thiện Nguyện thì khuyên người đọc hãy “chuẩn bị hưởng một hàng đầy ắp những mùi vị của cuộc sống trong Bitter in the Mouth: đó là những mùi vị của tình bạn, lòng chung thủy, tình yêu, gia đình, và trên hết thảy là của những bí mật nằm ở mỗi góc của lịch sử một con người, những bí mật đã làm thành con người chúng ta. Monique Trương là một người quan sát giỏi và một nhà văn tuyệt mỹ.”[9]

Lê Thị Diễm Thúy với cuốn The Gangster We Are All Looking for (Tên du đãng chúng ta đang tìm kiếm) cũng là một nhà văn trẻ và cuốn sách của cô khi phát hành cũng gây xôn xao như tác phẩm của Monique Truong (nói thêm ngoài đề là Le thi diem thuy đã về Việt Nam và có giới thiệu cuốn sách này). Ngay từ trang đầu, thuy đã viết: “ Trong tiếng Việt, chữ để chỉ nước (water) và chữ để chỉ 
một quốc gia (a nation), một xứ sở, và một quê hương đều cùng 
một chữ nước.” Quyển sách tương đối mỏng, chỉ 158 trang, chia 
làm 5 chương: Suh-top! (lối phát âm chữ Stop của người mới bập 
bẹ tiếng Mỹ), Palm (hiểu theo hai nghĩa vừa là cây cọ vừa là 
lòng bàn tay), Tên Du Đãng Tất Cả Chúng Ta Đang Lùng Kiếm, 
Xương Chim, và chương cuối cùng : Nước (tác giả để nguyên chữ 
viết Việt trong sách). Toàn bộ cuốn sách với nhân vật chính chính là tác giả, kể về những ngày tháng đặt chân lên đất Mỹ, cuộc sống vất vả của những di dân, ước mơ và khát vọng thay đổi. Cuối cuốn sách là chuyến quay trở về Việt Nam sau 20 năm xa cách của chính tác giả.

Nhà phê bình Đào Trung Đạo nhận xét: “Điểm trân trọng ở thuy là một người trẻ Việt Nam di dân đã nói lên tiếng nói tự bản thân, gia đình, trái tim mình về chiến tranh, và về “nước” Việt Nam. Về kỹ thuật viết, vì lê thị diễm thúy là một nghệ sĩ trình diễn nên cô chưa thể có tay nghề của một nhà tiểu thuyết được học hỏi chính qui. Nhưng cô đã viết ra những trang sách đẹp, đọc dễ dàng, gây xúc động mạnh. Điểm cuối cùng và cũng là điểm son của lê thị diễm thúy: sách tuy viết bằng tiếng Anh nhưng ở nhiều chỗ cô vẫn để nguyên một số từ tiếng Việt. Chẳng hạn chữ “nước” lê thị diễm thúy đã nhắc tới. Và còn những từ con cái xưng hô với cha mẹ: “Má”, “Ba”, phở để nguyên từ tiếng Việt... Khi đọc The Book of Salt chúng ta cũng thấy Monique Trương đã để nguyên những từ như Má, áo dài, phở, Anh ...trong cuốn sách của mình. Việc sử dụng nhiều ngôn ngữ trong tiểu thuyết mở ra những khả tính mới cho ngôn từ: càng du nhập và đồng hóa nhiều ngôn ngữ đa văn hóa bao nhiêu thì sẽ càng trở nên phong phú bấy nhiêu. Phần đông những nhà văn di dân nổi tiếng ngày nay tuy họ sử dụng tiếng Anh để sáng tác nhưng đa số không bao giờ nhận mình là một nhà văn Mỹ hay một nhà văn Anh. Toni Morison, giải thưởng Nobel Văn chương luôn gọi mình là một nhà văn Mỹ gốc Phi châu (African-American writer), Salman Rushdie không bao giờ chấp nhận người ta gọi mình là một nhà văn Anh hay một nhà văn châu Âu. Văn chương Mỹ hiện đại đã phải chấp nhận một thứ Spanglish mới cũng như đã phải chấp nhận một thứ tiếng Anh của người da đen từ hơn nửa thế kỷ nay. Mười năm trở lại đây những nhà văn thuộc thế hệ mới như Sandra Cisneros, Julia Alvarez, Denise Chavez...đã mạnh dạn tiếp tục bước theo lớp những nhà văn di dân tiên phong thế hệ trước, đem vào tiểu thuyết mới những sắc thái văn hóa đa chủng trong đối thoại, trong văn phong, trong xây dựng nhân vật...và sách của họ đã được đông đảo quần chúng độc giả cũng như những nhà phê bình văn học mến mộ và cũng đã được đưa vào những cuốn văn tuyển dùng trong các trường trung và đại học”[10].

Do khuôn khổ một bài báo cáo, chúng tôi không thể viết dài hơn về các nhà văn di dân Việt Nam viết bằng tiếng Anh thêm nữa. Chỉ xin liệt kê thêm một vài gương mặt nổi bật khác.

Dao Strom vừa là một nhà văn, vừa là một ca sĩ, nhạc sĩ. Cô là con gái của nhà văn, nhà báo Trùng Dương nổi tiếng một thời ở Sài Gòn trước 1975. Là tác giả của hai tập truyện ngắn Grass Roof, Tin Roof, (Nhà tranh, Nhà sắt, Houghton Mifflin/Mariner books, 2003) và The Gentle Order of Girls & Boys, (Mệnh lệnh hòa nhã của con trai và con gái, Counterpoint press, 2006)

Bich Minh Nguyen với hồi ký Stealing Buddha’s Dinner (Trộm đồ cúng Phật) do nhà Penguin xuất bản đầu năm 2007 được trao giải thưởng PEN/Jerard của Trung tâm PEN American. Cô kể lại chuyến đi rời bỏ quê hương, kinh nghiệm một di dân Á châu trên đất Mỹ, cuộc sống pha trộn nhiều sắc thái văn hóa khác nhau trong gia đình, tình cảm thương mến đậm đà dành cho Nội với những món ăn thuần túy Việt Nam như phở, chả giò, giá, tôm rang, canh chua… Nội đã cho cô bé ăn và nhất là bàn thờ Phật của Nội có bày hoa quả và những món chay cúng Phật cô bé đã có lần ăn trộm.

Angie Chau với tập truyện ngắn Quiet As They Come (Âm thầm họ đến), nxb IG Publishing, 2010.

Aime Phan với tác phẩm đầu tay We Should Never Meet (Chúng ta đừng nên gặp nhau), được giải Sách Quý của Kiryama Prize về tiểu thuyết và vào chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005 (Asian American Literary Awards). Tác phẩm của cô xuất hiện trên The New York Times, USA TodayThe Oregonian. Hiện là giáo sư phụ tá tại California College of the Arts.

 

KẾT LUẬN

Với tham vọng là một công trình dài hơi hơn, chúng tôi hy vọng sẽ có điều kiện tìm hiểu và giới thiệu rộng rãi hơn nữa chân dung, diện mạo của văn học di dân các nước Đông Á tại Hoa Kỳ. Nên gọi mảng văn học này thuộc văn học Hoa Kỳ, hay thuộc văn học dân tộc? Có lẽ nội dung trong các tác phẩm mà chúng tôi giới thiệu trên đây đã nói lên điều đó. Nói riêng trong văn học Hoa Kỳ, đóng góp của họ là không thể phủ nhận. Trong thời đại toàn cầu hóa và trong trào lưu dân chủ của 
thiên niên kỷ mới này hướng phát triển ảnh hưởng văn hóa 
kinh tế chính trị ngày nay không phải từ nước Mỹ tỏa rộng ra thế 
giới như trong 50 năm trước nữa mà nay ảnh hưởng này có xu 
hướng đi ngược lại: chính từ những di dân đến đây đã mang vào 
ngay trong lòng nước Mỹ những nét văn hóa bản xứ. Họ đã đóng 
góp tài năng trí tuệ vào nền văn hóa kỹ thuật tạp chủng của Mỹ, biến nền văn hóa mở này có tính cách toàn cầu hơn. Đó là một điều không thể tránh được, không thể ngăn cản. Văn học đã trở thành toàn cầu, không biên 
giới. Đi hàng đầu là nền Văn học Di Dân đã phát triển vững 
mạnh và trở thành trào lưu văn học chính yếu trên thế giới 
từ hơn hai thập niên gần đây.

Xét riêng trong văn học nước nhà, như đã giới thiệu ở phần đầu, những nhà văn Việt Nam sinh sống tại châu Âu được công chúng trong nước biết đến nhiều hơn những nhà văn Việt Nam sinh sống tại Hoa Kỳ. Do đó trong tương lai, chúng tôi hy vọng những giới thiệu của mình sẽ giúp cho công chúng Việt Nam tiếp cận gần hơn với các nhà văn này.

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Images of Asian American Women by Asian American Women Writers - Esther Mikyung Ghymn, Peter Lang Pub 1995

2. Filthy Ficton, Asian American Literature by Women- Monica Chiu, Altamira Press 2004

3. Asian American Literature, Reviews and Criticism of Works by American Writers of Asian Descent, Laurence J.Trudeau, Editor, Gale Research 1999. 

4. Asian-American Writers (Bloom's Modern Critical Views) by Harold Bloom (Editor), Infobase Publishing 2009

5. Reading Asian American Literature, Sau-ling Cynthia Wong, Princeton University Press 1993

6. Encyclopedia of Asian American Literature, Seiwoong Oh, Infobase Publishing 2007

7. Asian-American Women Writers (Women Writers of English and Their Works),

Harold Bloom, Chelsea House Pubisher 1997.

8. Asian American Literature, Bella Adams, Endinburg University Press, Ltd, 2008

9. http://www.austinchronicle.com/gyrobase/Issue/story?oid=oid%3A36348

10. http://www.bichminhnguyen.com/

11. http://nghilocquetoi.net/news/Giai-Tri/Chan-dung-nguoi-My-goc-Viet-qua-Census-2010-1014/

12. Project Diaspora, Nguyễn Mộng Giác, chương trình của William Joiner Center tài trợ năm 2001-2002: Sơ thảo về các giai đoạn thành hình và phát triển của giòng văn xuôi ở hải ngoại từ 1975 đến nay.

13. Đào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com

14. http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_kiều

15. “Đọc The Book of Salt của Monique Truong”, Đào Trung Đạo, gio-o.com

16. http://www.viethome.co.uk/Nguoi-Viet-Hai-Ngoai/nhung-con-so-nong-ve-nguoi-viet-o-my.html

 

TÓM TẮT

VĂN HỌC DI DÂN VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH

VĂN HỌC DI DÂN CÁC NƯỚC ĐÔNG Á TẠI HOA KỲ

 

Bài viết là một phần trong công trình nghiên cứu về văn học di dân của chúng tôi trong khuôn khổ 6 tháng chương trình Học giả Fulbright 2010-2011. Khi nghiên cứu về văn học di dân Việt Nam đặt trong bối cảnh văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ, chúng tôi đi theo bố cục sau: giới thiệu về di dân, tình hình di dân ở Mỹ, tính chất của xã hội Mỹ mang rất nhiều nét đa văn hóa của các cộng đồng nhập cư, cộng đồng di dân Đông Á ở Hoa Kỳ bao gồm các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam có những nét đặc trưng nào, các thời điểm di dân quan trọng…; giới thiệu về văn học di dân Đông Á tại Mỹ. Chúng tôi nhấn mạnh đến việc giới thiệu các nhà văn di dân lớn của các cộng đồng nhập cư nói trên, đặc biệt quan tâm đến các nhà văn di dân Việt Nam viết văn bằng tiếng Anh (dòng chính) nhằm đi đến một kết luận: Văn học di dân hiện là một trào lưu văn học có tiếng nói mạnh mẽ tại những quốc gia có nhiều sắc dân nhập cư. Văn học di dân nên là một phần của văn học dân tộc và cũng là một phần của văn học nước sở tại trong bối cảnh văn học không biên giới như hiện nay.

 

ABSTRACT

Vietnamese Emigrant Literary in East Asia Emigrant Literary View in the US

 

This article is part of our project about Emigrant Literature during six months in the US follow the Fulbright Scholar Program 2010-2011. When researching about Vietnamese Emigrant Literary in East Asia Emigrant Literary View in the US, we follow the composition: introduce about immigrant, immigrant in the US, the characteristic of American’s society is multi- cultures of immigrant communities; East Asia diasporas includes China, Korea, Japan and Vietnam. Theirs characteristics and important emigrant times; introduce East Asia Emigrant Literary, emphasize on famous writers of each community. We specially concentrate to Vietnamese American writers in mainstream literature (written in English) to conclude that: Emigrant Literature now a literary trend has strong voice at countries having many emigrant communities. Emigrant Literature should be not only part of national literature but also American literature in the non-border situation of contemporary literature.

 

_________________________

[1]http://nghilocquetoi.net/news/Giai-Tri/Chan-dung-nguoi-My-goc-Viet-qua-Census-2010-1014/

[2]Project Diaspora, Nguyễn Mộng Giác, chương trình của William Joiner Center tài trợ năm 2001-2002: Sơ thảo về các giai đoạn thành hình và phát triển của giòng văn xuôi ở hải ngoại từ 1975 đến nay.

[3]Đào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com

[4]Linda Lê, Tu écriras sur le Bonheur (Bạn viết về hạnh phúc), p.336, chuyển dẫn từ Đào Trung Đạo.

[5]Đào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com

[6]http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoa_kiều

[7]http://www.viethome.co.uk/Nguoi-Viet-Hai-Ngoai/nhung-con-so-nong-ve-nguoi-viet-o-my.html

[8]Đào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com

[9]Chuyển dẫn từ: “Đọc The Book of Salt của Monique Truong”, Đào Trung Đạo, gio-o.com

[10]Đào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021