tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Của các loại nhảm  [đối thoại]

 

Đinh Bá Anh đề nghị “các đương sự liên quan”, tức là tôiDa Màu, nên tham khảo điều lệ sau đây của talawas:

“Bài đã đăng trên talawas blog chỉ được phép sửa đổi, không được phép xoá hẳn.”

Trong trường hợp cụ thể của tôi, đề nghị của Đinh Bá Anh là... nhảm, vì hai lý do sau đây:

 

Nhảm vì không đúng:

“Không được phép xóa hẳn” không đồng nghĩa với việc tác phẩm trở thành tài sản công cộng (public domain). Một tác phẩm nằm trong public domain là tác phẩm không có hoặc không còn bản quyền, bất cứ ai cũng có thể dùng vào bất cứ mục đích gì, kể cả mục đích thương mại. Ví dụ, Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm nằm trong public domain, ai cũng có thể in lại đem bán.

Những tác phẩm trên talawas blog hiện nay, theo điều lệ của ban biên tập là “không được phép xóa hẳn”, nhưng điều đó không có nghĩa ai muốn lấy xài cũng được. Đây vẫn là những tác phẩm có bản quyền.

Việc tôi yêu cầu lấy tác phẩm của mình xuống khỏi Da Màu là do Đinh Từ Bích Thúy – thành viên ban biên tập Da Màu – cho rằng tác phẩm của tôi vì đăng vào mục Trên Kệ Sách nên đã nằm trong public domain, tức là đã mất bản quyền. Điều này khác với quy định “không được phép xóa” bài – nhưng vẫn không mất bản quyền – của talawas.

Đinh Bá Anh có vẻ đã không chịu tìm hiểu nghĩa căn bản của cụm từ public domain. Có thể tạm tham khảo ở wikipedia cho tiện vậy (nếu cần tôi sẽ giới thiệu thêm vài nguồn tham khảo khác):

http://en.wikipedia.org/wiki/Public_domain

 

Nhảm vì lời lẽ đỏng đảnh:

Yêu cầu lấy bài xuống khỏi Da Màu của tôi, như đã nói, xuất phát từ lo ngại về việc mất hoàn toàn quyền kiểm soát tác phẩm của mình. Nó không phải một hành động “hờn dỗi” như ông Phùng Nguyễn trịch thượng nói. Nó cũng không phải chuyện “trao khăn” rồi đòi lại kiểu cải lương như Đinh Bá Anh ví von. Và dĩ nhiên nó khác rất xa hành động thu hồi sách nhằm đàn áp chính trị của Ban Tuyên Giáo. Các so sánh của Đinh Bá Anh vừa không chính xác, vừa rất khiếm nhã. Tôi hy vọng đây chỉ là sự đỏng đảnh của ngôn ngữ chứ không phải điều gì khác tệ hơn. Dù sao, lối so sánh như vậy cũng rất nhảm.

 

Nói thêm về vấn đề bản quyền trên các trang mạng:

Chuyện bản quyền trên các website văn chương Việt, khi có điều kiện, nên được thảo luận cẩn thận, vì nó là chuyện trước sau gì cũng sẽ xảy ra tranh chấp, không phải cứ ghi một hai câu điều lệ đơn giản là giải quyết xong. Tôi thử đưa ra hai trường hợp có thể sẽ xảy ra tranh chấp để bạn đọc cùng suy nghĩ:

Trường hợp 1: Tác phẩm đăng trên một trang mạng miễn phí và trang mạng có quy định không được lấy tác phẩm xuống. Bây giờ tác giả muốn in tác phẩm của mình thành sách, nhưng nhà xuất bản yêu cầu tác giả phải lấy tác phẩm xuống khỏi Internet thì mới chịu in, vì nhà xuất bản sợ sẽ lỗ vốn nếu bỏ tiền in một cuốn sách mà thiên hạ có thể đọc miễn phí trên mạng. Lúc đó, liệu người chủ trang mạng có nên khăng khăng từ chối lấy bài của tác giả xuống hay không? Tác phẩm khi đăng đã không có nhuận bút mà bây giờ muốn lấy xuống để in in thành sách cũng không được thì có đau cho tác giả không? Lúc đó phải làm gì? Lôi nhau ra toà như Đinh Bá Anh đề nghị? Kiện tụng đâu phải chuyện dễ dàng, miễn phí, có thắng chưa chắc đã đòi được tiền để trả công luật sư nếu người thua cuộc chẳng giàu có gì.

Trường hợp 2: Tác giả cộng tác với diễn đàn, và diễn đàn có quy định tác phẩm đã đăng trên diễn đàn là tự động chia sẻ bản quyền với diễn đàn. Vấn đề chia sẻ bản quyền này nên được hiểu thế nào, cần giải thích cụ thể. Liệu khi tác giả muốn in tác phẩm của mình thành sách, họ có phải được sự đồng ý của diễn đàn hay không? Nếu tác phẩm của họ được trả một món tiền tác quyền lớn (ví dụ khi chuyển thể thành phim), họ có phải chia một phần tiền tác quyền đó với diễn đàn hay không?

Đến đây, dĩ nhiên nhiều người sẽ lý lẽ như Đinh Bá Anh, rằng nếu một tác phẩm đăng vào tạp chí in không thể “lấy xuống” thì trên trang mạng cũng không thể lấy xuống. Lý lẽ này mới nghe có vẻ logic, nhưng thật ra nói như vậy là không có ý niệm gì về sự khác biệt rất lớn giữa ấn phẩm và Internet. Một truyện ngắn in trên tạp chí giấy đúng là không thu hồi lại được, nhưng sức phổ biến của nó rất hạn chế; vài trăm số in của một tạp chí văn chương sau vài tháng là gần như biến mất trên thị trường, muốn tìm đọc phải lặn lội đến thư viện hoặc hỏi mượn bạn bè rất nhiêu khê. Nhưng một truyện ngắn nằm trên mạng thì khác, lúc nào nó cũng ở đó, hàng trăm ngàn người có thể đọc năm này qua năm khác một cách dễ dàng. Sự khác biệt lớn nhất giữa ấn phẩm và Internet là mức độ tiếp cận (access) đến nguồn thông tin. Cho nên, một tập truyện in lại những truyện đã đăng rải rác trên tạp chí giấy vẫn dễ dàng bán được, nhưng một tập truyện in lại những truyện đã đăng trên mạng và khi sách in ra các truyện này cũng vẫn còn nguyên trên mạng thì nhiều phần sẽ không ai mua. Các nhà văn tương đối chuyên nghiệp Âu Mỹ, vì vậy, chỉ in sách chứ “không dám” chơi văn chương mạng như nhà văn Việt Nam.

Nên chăng, các diễn đàn mạng có điều lệ rõ ràng nhưng mềm dẻo đối với việc lưu giữ tác phẩm của các tác giả. Ví dụ, các diễn đàn có thể quy định sẽ giữ bài trên mạng một thời gian ba tháng, sau thời hạn đó, nếu tác giả có yêu cầu, tác phẩm sẽ được lấy xuống, còn không yêu cầu thì vẫn giữ lại. Việc giữ tác phẩm một thời gian trên diễn đàn là cần thiết, nhằm tránh trường hợp tác phẩm đang được thảo luận sôi nổi nhưng tác giả lại lấy bài xuống khiến bà con “hổng cẳng” (và tôi nghĩ đây là mục đích chính của điều lệ “không được phép xóa hẳn” mà talawas blog đưa ra). Còn việc diễn đàn lưu giữ vĩnh viễn tác phẩm trên trang của mình hoặc chia sẻ bản quyền với tác giả, tôi nghĩ không nên. Ngay cả các báo in có trả nhuận bút cũng không có điều kiện này, huống hố là báo mạng miễn phí; các nhà xuất bản nếu muốn mua đứt bản quyền cũng phải trả tiền khác với việc mua bản quyền in một lần. Nếu các diễn đàn tin rằng họ vẫn có thể thu hút cộng tác viên với những điều kiện bản quyền có tính chia sẻ, cần có quy định chi tiết và công khai về điều này, và yêu cầu tác giả cộng tác phải đọc và chấp nhận các điều kiện đó khi gởi bài đến lần đầu.

Tôi biết bàn cho rốt ráo chuyện tác quyền văn chương trong hoàn cảnh hiện nay có thể bị nhiều người mỉa mai. Văn chương Việt đang trong tình trạng “tình cho không biếu không”, có người đọc là mừng rồi. Các diễn đàn từ trước đến nay phần lớn được làm bởi những người trong giới văn nghệ, và tôi biết họ hoàn toàn không có mục đích vụ lợi. Các quy định bản quyền nếu có, chủ yếu chỉ nhằm bảo vệ việc bài trên diễn đàn của họ không bị các diễn đàn khác xử dụng tùy tiện, hoặc khiến cho các cuộc thảo luận trở nên ngớ ngẩn (vì bài bị lấy xuống trong khi đang được bàn cãi). Ngược lại, người cộng tác với các diễn đàn từ trước đến nay cũng tin rằng khi cho đăng bài trên mạng, họ vẫn giữ tác quyền tuyệt đối trên tác phẩm của họ. Chính vì tin vào thiện chí của nhau như vậy, phần lớn chủ bút và người viết vẫn cộng tác với nhau êm thấm. Tuy nhiên, thiện chí tự bản thân nó không đủ để tránh được những tranh chấp, nhất là về lâu dài, khi tình hình chính trị và in ấn trong nước thay đổi, vấn đề bản quyền sẽ trở nên quan trọng hơn đối với các nhà văn. Có những chuyện giờ đây cãi nhau có vẻ buồn cười, nhưng nếu không giải quyết, nó có thể là những bẫy mìn của tương lai.*

Mong mọi người nếu rảnh nên bàn thảo nghiêm túc về đề tài này, còn không rảnh thì thôi, chứ đừng viết lách kiểu đỏng đảnh như bài của Đinh Bá Anh.

 

----------
* Nhân đây cũng xin nói, bài vở của các anh chị đăng trên tạp chí mạng litviet.com do tôi chủ trương, có thể được yêu cầu lấy xuống một tháng sau khi đăng. Tôi sẽ vẫn giữ lại tựa đề của bài viết, và đưa vào chú thích: “Bài được lấy xuống theo yêu cầu của tác giả”.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

01.10.2009
[VĂN HỌC] ... Đọc bài “Của các loại đỏng đảnh” của Đinh Bá Anh, tôi tự nhiên nghĩ ra cách tôi nên hiểu lại bài ca dao Việt Nam mà tôi vốn vẫn băn khoăn: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím / Em có chồng rồi trả yếm cho anh / Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh / Yếm em, em mặc, yếm gì anh, anh đòi!... (...)
 
30.09.2009
[VĂN HỌC] ... Khi phải lòng, nàng tặng anh khăn mùi xoa làm vật giao duyên. Tình nồng thắm, chẳng vấn đề gì. Giờ nàng đột nhiên không yêu anh nữa, giận, đòi lại khăn mùi xoa. Giá như anh điềm tĩnh mà nói rằng, khăn em tặng anh rồi, nó đã là của em, của anh, của đôi ta. Giờ tình mình đôi ngả, nhưng xin em hãy cho anh giữ khăn làm kỉ niệm. Có khi nàng cũng mủi lòng mà thôi. Nhưng có thể vừa “chia tay mùa hè”, khó ở trong người, anh đâm cục, nói: khăn cô tặng tôi rồi thì là của tôi, về lý thì cô không có quyền gì nữa. Nhưng cô đã thích thì đây, trả lại cô, tôi càng nhẹ người! Á à, anh nói lý à. Tôi sẽ ra tòa ly dị, tôi sẽ phân minh tài sản... (...)
 
28.09.2009
[VĂN HỌC] Tôi không hề biết ông Phan Nhiên Hạo, ông Phùng Nguyễn và ông Trần Tân Định ngoài đời thực, mà hoàn toàn chỉ tiếp xúc với con người – tư tưởng của các ông trên mạng. Nhưng qua cuộc trao đổi giữa các ông, tôi cũng có một vài suy nghĩ muốn trao đổi lại: đầu tiên là về vấn đề quyền tác giả trên các website tiếng Việt về văn chương, nghệ thuật, chính trị, xã hội... miễn phí và sau đó là cách hành xử giữa những người góp phần tạo nên đời sống văn hóa trên mạng... (...)
 
[VĂN HỌC] Đúng ra, góp ý này phải được gởi đến Tiền Vệ từ tuần trước, nhưng rồi tôi đổi ý chỉ vì không muốn làm sự việc rắc rối thêm. Nhưng nay, nhân đọc bài của ông Phùng Nguyễn trả lời Phan Nhiên Hạo và một độc giả, tôi quyết định gửi đến Tiền Vệ ý kiến của tôi... (...)
 
[VĂN HỌC] chia tay mùa hè / chia tay phan nhiên hạo / chia tay ễnh ương / “có cuộc chia tay nào mà không đầy / nước mắt?” / (nguyên sa) / nhưng may thay... (...)
 
27.09.2009
[VĂN HỌC] Trong cách nhìn của tôi, bài viết “Trả lời ông Phùng Nguyễn” của Phan Nhiên Hạo (Phan Nhiên Hạo) gần đây là một cử chỉ gỡ gạc tuyệt vọng của kẻ hụt chân và chỉ giúp bạn đọc nhìn rõ hơn tính khí không được rộng rãi của người viết... (...)
 
23.09.2009
[VĂN HỌC]... Trước nay thỉnh thoảng ta lại thấy có những kẻ sau khi cơm không lành canh không ngọt, nghỉ chơi với nhau, thì lôi thư từ của nhau ra mà đem lên báo, lên mạng để bôi bác. Trong quan hệ cá nhân, những trò đó đã không ngửi được thì trong quan hệ chữ nghĩa lại càng không ngửi nổi. Chia tay kiểu đó là chia tay luôn với văn minh chứ còn gì nữa?.. (...)
 
22.09.2009
[VĂN HỌC]... Trong bài “Chia tay mùa hè” đăng trên Da Màu mới đây, ông Phùng Nguyễn đã viết một đoạn dài có tựa đề “Chia tay Phan Nhiên Hạo”, trong đó đề cập đến chuyện lấy bài của tôi xuống khỏi Da Màu. Cách viết của ông Phùng Nguyễn có thể gây ngộ nhận và không được đàng hoàng. Tôi thấy cần phải lên tiếng. Tôi hy vọng chuyện này cũng đem lại một kinh nghiệm bổ ích cho những người làm văn chương mạng Việt Nam hôm nay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021