tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trao đổi ngắn với nhà thơ Inrasara về những sai lầm và phiến diện trong phương pháp phê bình “THƠ NỮ TRONG HÀNH TRÌNH CẮT ĐUÔI HẬU TỐ NỮ”  [đối thoại]

 

Tôi vừa nhận được link do bạn thơ Inrasara gởi thông báo về cuốn sách mới với tên gọi trên, sẽ ra mắt độc giả Việt ngày 4 tháng Bảy tới tại Saigon. Cuốn sách vốn được phát triển từ tiểu luận cùng tên viết năm 2005 hiện lưu trữ tại

http://inrasara.com/2007/09/10/th%C6%A1-n%E1%BB%AF-trong-hanh-trinh/

tiếp tục được đưa vào tập Song thoại với cái mới, năm 2014 và năm nay, bổ sung thêm các bài khảo sát một số tác giả thơ (lên tới 20 người).

Tên gọi cuốn sách cho thấy những đặc điểm về biện luận như sau:

1. Có một dòng thơ tên gọi “thơ nữ”. Theo diễn giải của bạn trong nội dung tiểu luận và sách đã công bố, “thơ nữ” có nghĩa là thơ do các bạn nữ ở Việt Nam viết ra.

2. Thơ nữ hiện nay đang ở trong hành trình cắt bỏ chữ “nữ” trong tên gọi của nó (để trở thành “thơ”).

3. Điều đó cũng có nghĩa, thơ nữ chưa phải là thơ theo đúng nghĩa, nó đang dần loại bỏ những thành phần gây trở lực hay tụt hậu trong nội tại để trở thành thơ đích thực.

Với một nhan đề chứa khái niệm thiếu tính khoa học và sẵn mang định kiến với một dòng thơ “tụt hậu”, thua kém, dù có gọi dưới bất kỳ tên gọi nào, cách tiếp cận của Inrasara cho thấy tính kỳ thị nặng nề đối với vấn đề “tính nữ” hay chữ “nữ”. Hãy xem, chữ “Nữ” trong diễn giải của bạn ra sao mà nó lại đáng bị thiến bỏ không thương tiếc như vậy?

Trong phần những cơ sở của tiểu luận, Inrasara có dẫn giải các quan niệm về nữ quyền trong lịch sử và nhấn mạnh ý kiến của bạn văn Nguyễn Hưng Quốc về làn sóng nữ quyền thứ ba trong văn chương: “…“một hệ thống biểu trưng hay hệ thống ý nghĩa nối liền các giống với những nội dung văn hoá tương ứng với những giá trị và đẳng cấp xã hội tương ứng” (Nguyễn Hưng Quốc). Và cả vấn đề ngôn ngữ nữa…” (Inrasara, đã dẫn).

Lấy lại tất cả cơ sở lý thuyết trong sách vở của các thời kỳ 1949, 1968, 1980 làm chỗ dựa cho khảo luận của mình mà không có bất cứ một chủ kiến nào khác, bạn Inrasara rất liều lĩnh khi phủ nhận sạch trơn tất cả thành quả của 3 cuộc cách mạng nữ quyền trên toàn thế giới. Thế giới ở thời điểm bạn nêu ra vấn đề “thơ nữ” năm 2005 được nhìn không có gì khác với quan niệm của một nhóm từ 30 - 50 năm trước đó.

Sau khi nêu lịch sử vấn đề, những “mầm mống” nữ quyền từ thơ, văn miền Nam và hải ngoại, trong dòng chảy chung của toàn cầu chống lại một cơ chế “duy dương vật”, bạn đề nghị:

“Họ (những phụ nữ vươn lên thành tựu) có đó, không như vài hiện tượng hiếm hoi nữa mà là một cái gì đã trở thành phổ quát.

Trong trào lưu mang tính toàn cầu đó, các nhà văn nữ Việt Nam đứng ở đâu? … Nhà thơ nữ Việt giai đoạn qua đứng ở đâu trong hành lịch văn chương và xã hội đầy biến động?”

Long trọng trao gánh nặng nữ quyền trong thơ văn cho bạn thơ nữ, Inrasara một lần nữa bộc lộ định kiến nặng nề về tính nữ: thân phận thiệt thòi của nữ giới, việc tính nữ bị áp chế, đẩy vào cảnh khốn cùng trong một nền văn chương duy dương vật như đã nêu phải do bạn viết nữ chịu trách nhiệm.

Bạn có thể lý luận rằng, nạn nhân đang bị đè đầu bịt miệng không biết kêu thì ai kêu giùm? Bạn quên một điều, để đánh giá chính xác nhất những thành tựu của vấn đề nữ quyền, cần phải khảo sát thơ và ngôn ngữ của “đàn ông - thơ”, tên gọi khác là “thơ trai” (để phân biệt với thơ của các bạn gái). Để xem thông qua hệ thống ký hiệu đương thời của họ, người nam giới trong thơ đã biết thân biết phận mình hay chưa? Còn dám đè đầu cưỡi cổ chị em nữa thôi?

Đồng nhất vấn đề “nữ quyền” trong thơ với cách gọi “nữ thi sĩ”, Inrasara đã sai lầm cơ bản khi yêu cầu thiến chữ “nữ” đi để thơ gái được bình đẳng với thơ trai! Trong khi từ “nữ thi sĩ” từ lâu đã vang lên với âm sắc đầy trân trọng, trong lành, dành để chỉ những nhà thơ đích thực, ngoài đóng góp về suy tưởng và ngôn ngữ cho nghề nghiệp còn đem lại một nét duyên mà nam thi sĩ không có được: tính sâu lắng và khoan dung.

Toàn bộ phần diễn giải và chứng minh của nhà thơ Inrasara trong tiểu luận và sách đã công bố tập trung vào hai luận điểm:

1. Sự vùng vẫy để thoát khỏi áp chế và những bất công từ phía tính nam, đặc biệt là trong lĩnh vực tính dục và khoái lạc gái - trai, với mục tiêu tối thượng là khẳng định tính độc lập và bình đẳng của mình, trong các sáng tác của bạn thơ nữ Việt Nam.

2. Các bạn thơ gái nếu thơ chưa “hậu-hiện đại” thì chưa phải là đạt thành tựu đích thực trong việc thiến chữ nữ trong thơ.

Nếu quả thực các bạn thơ gái Việt Nam muốn điều này, và làm theo cách mà Inrasara đã chỉ, tôi e là các bạn đã làm một việc thừa.

Tại sao lại không đọc “đàn ông - thơ” nhỉ? Hãy thử đọc mà xem, thơ tình của nam giới nhất là những nhà thơ của chung nhân loại từ cổ chí kim. Tôi chưa bao giờ thấy trong thơ hình ảnh gã đàn ông say sưa ỷ mạnh bức yếu, thích thú cưỡng hiếp hay bạo hành phụ nữ, hung hăng đụ tất cả những con cái dại dột (hay ngứa nghề) xách lồn tới đến nỗi quên cả danh dự thể diện, như từng được miêu tả trong sáng tác của một số nhà thơ “nữ quyền”. Dù dưới bất cứ lối thể hiện nào, hình ảnh người nam giới trong thơ đều mang những phẩm chất không xa với bản chất thực của họ: luôn khuất phục, cung kính và trân quý đối tượng mà họ ham muốn, sẵn sàng hi sinh, vượt qua thử thách để làm đẹp lòng người yêu.

(Tôi diễn giải hoàn toàn khác về những biểu tượng mà các bạn cho là “duy dương vật”. Sự khuyếch trương tính mạnh, hay nam tính chỉ là một cách để lấy lại thăng bằng khi nam tính luôn ở thế yếu, nguy cơ bị đồng hóa, bị sáp nhập vào nữ tính dù sau một kỷ nguyên dài của chế độ phụ quyền).

Hiển nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới còn nhiều phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, phải chịu những thiệt thòi về tất cả các mặt của đời sống và sinh hoạt chứ không riêng gì trong lĩnh vực tính dục. Nguyên nhân không phải là vấn đề nữ quyền, mặc dù vấn đề này có được đặt ra khác nhau trong phạm vi từng cộng đồng. Xã hội loài người dù được đặt nền tảng trên những quy ước nhân đạo, nhân văn, nhưng luôn đứng trước nguy cơ bị kéo ngược trở lại với bạo lực và hỗn mang. Phụ nữ, trẻ em, những người dễ bị đẩy vào tình cảnh yếu nhược về thể chất (chứ không phải về tinh thần hay đẳng cấp xã hội) luôn là những nạn nhân đầu tiên. Điều cần làm là tạo một môi trường xã hội và giáo dục tốt lành, cứu giúp các nạn nhân, và nếu thơ có thể chung tay cho việc này, xin đừng khách sáo. Nó có cơ sở hơn là tạo ra những làn sóng nữ quyền giả vờ chỉ nhằm duy nhất tự thỏa mãn sự ích kỷ muốn trở thành trung tâm trong văn chương nghệ thuật của ai đó.

 

1/7/2015
Khánh Phương

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021