tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Vô tri” và “bất tri”  [đối thoại]

 

Trên blog của mình, Nhị Linh (tức Cao Việt Dũng) đã trình bày nguồn cơn của vụ việc chung quanh cách dịch nhan đề cuốn L’Ignorance của Milan Kundera.

Anh Hoàng Ngọc-Tuấn, trong bài viết Vài thông tin về “L’Ignorance” / “Vô tri” / “Sự không biết”, cũng có đưa ra đầy đủ thông tin về từ ngữ và các bản dịch. Trong đó, bản dịch tiếng Nhật cũng dùng chữ “Vô tri”. Tôi thử tra từ điểm xem “Vô tri” trong tiếng Nhật được hiểu như thế nào. Quảng Từ Uyển 広辞苑 giải thích:

Vô tri 無知 và vô trí 無智 đều đọc là “muchi” và được dùng thông nhau, có hai nghĩa:

1. 知識がないこと。不知。「.....につけこむ」「.....蒙昧」
Không có tri thức. Bất tri. Ví dụ “lợi dụng sự không biết”, “vô tri mông muội”
 
2. 知恵のないこと。おろかなこと。「な人」
Không có trí huệ. Ngu độn. Ví dụ “kẻ ngu”

Bất tri 不知 đọc là “fuchi” và cũng có hai nghĩa:

1. 知らないこと。 Sự chẳng biết gì.
2. 知恵のないこと。かしこくないこと。 Không có trí huệ, không khôn ngoan.

Như vậy, qua ý nghĩa của từ Hán-Việt mà Cao Việt Dũng sử dụng, anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã tra các từ điển tiếng Việt và Hán-Việt, và tôi thử tra trong từ điển tiếng Nhật nữa thì “vô tri” đều mang ý nghĩa là sự không biết, dùng thông với “bất tri”.

Thế nhưng, trên báo Tia sáng, trong bài “TS Nguyễn Thị Từ Huy nói chuyện về tiểu thuyết ‘L’Ignorance’ của Milan Kundera”, Nguyễn Thị Từ Huy đã đưa ra ý kiến như sau:

“Vì nghĩa của từ ‘vô tri’ trong tiếng Việt đã được xác định rất rõ: không có năng lực tri giác. Vô tri được dùng để chỉ tất cả những vật chất ở trong tình trạng không có khả năng tri giác, như sỏi đá… hay là những đồ vật không có linh hồn, không có khả năng nhận biết, tri giác: bàn, ghế… Vì thế ‘vô tri’ còn có từ đồng nghĩa là “vô tri vô giác”. Và vô tri được dùng như là tính từ, thường phải nói là ‘vật vô tri’, thông thường bản thân từ ‘vô tri’ không đứng một mình. Trong tiếng Pháp cũng vậy, chỉ có tính từ ‘inanimé’, không có danh từ tương ứng, người Pháp cũng nói ‘objet inanimé’ [vật vô tri]. Cuốn tiểu thuyết của Kundera không đề cập tới tình trạng vô tri này, mà đề cập đến tình trạng không biết của con người. Các nhân vật có đầy đủ tri giác, tâm hồn, trí tuệ, cảm xúc, nhưng họ, hoặc là không biết đến quá khứ, hoặc là không biết đến hiện tại, hoặc là không biết tương lai, do vậy cũng có thể không biết cả ba thứ này. Nếu dịch từ l’ignorance của Kundera tôi sẽ chọn từ ‘sự không biết’,” TS Nguyễn Thị Từ Huy giải thích. Ngoài ra, theo chị, nếu muốn dùng cấu trúc hán ngữ để dịch từ l’ignorance thì phải dùng chữ ‘bất tri’.”

Cách giải thích của Nguyễn Thị Từ Huy, đúng như Cao Việt Dũng đã phê phán, “sử dụng từ điển dạng phổ thông (hoặc cách hiểu cá nhân) để giảng giải về từ ngữ. Tranh luận về chữ nghĩa thì làm thế đâu có được”.

Nếu xét về nghĩa từ nguyên, cách dịch của Cao Việt Dũng là chính xác và sang trọng. Khi chuyển dịch thuật ngữ hay nhan đề, có trường hợp dùng từ Hán-Việt sẽ có hiệu quả ngắn gọn mà chính xác, nhất là đối với các thuật ngữ về tư tưởng và triết học. Chẳng hạn truyện ngắn trong lòng bàn tay của Kawabata có tên “Kami imasu” (“神います”), nghĩa là “có thần”. Nhưng nếu dịch sang nhan đề tiếng Việt như vậy thì không ổn, nhất là với văn phong của Kawabata, vì thế tôi đã dịch là “Hiện hữu thần linh”.

Nhưng điều quan trọng nhất, đúng như anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã nhấn mạnh, “trong lĩnh vực dịch thuật tác phẩm văn chương, ý nghĩa của mỗi chữ cần được hiểu trong văn cảnh của từng tác phẩm, chứ không thể dựa hẳn vào lối giảng nghĩa mỗi chữ riêng lẻ trong các cuốn từ điển.”

Xưa nay, trong dịch thuật, bên cạnh việc đề cao tín đạt nhã của một bản dịch, người ta cũng thường hay nói “dịch là diệt”, “dịch là phản”. Bởi vì trong mỗi bản dịch đều có phần nào có mang tính sáng tạo của người dịch. Mà muốn sáng tạo thì phải linh động, phải phần nào hủy diệt ngôn ngữ nguồn để làm bật lên cái tinh thần của tác phẩm. Đâu cứ phải chăm chăm dịch đúng từng chữ là hay. Giáo sư Cao Xuân Hạo có lần đã nói “dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn.” [*]

Khi đã thấu hiểu tinh thần tác phẩm, dịch giả đặt lại nhan đề một bản dịch cho sát hơn, thì vẫn là chuyện thường thấy. Chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết có cái tên rất thơ mộng là “Tế tuyết” 細雪 (Sasameyuki: Tuyết mịn) của Tanizaki Junichiro, khi chuyển sang tiếng Anh thì trở thành The Makioka Sisters (“Chị em nhà Makioka”).

 

Nagoya, ngày 28/1/2011

 

_________________________

[*]Xem Cao Xuân Hạo, “Suy nghĩ về dịch thuật”, http://www.inter-protranslation.com/modules.php?name=News&op=viewst&sid=394

 

 

-----------------

Bài liên quan:

27.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Milan Kundera có viết nhiều đoạn về ngữ nghĩa của “ignorance” trong tác phẩm của mình. Độc giả có thể đọc nguyên tác L’Ignorance hoặc các bản dịch để hiểu tác giả muốn hàm ý gì khi dùng chữ “ignorance” để mô tả tình trạng lưu vong... (...)
 
26.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Trong lĩnh vực dịch thuật tác phẩm văn chương, ý nghĩa của mỗi chữ cần được hiểu trong văn cảnh của từng tác phẩm, chứ không thể dựa hẳn vào lối giảng nghĩa mỗi chữ riêng lẻ trong các cuốn từ điển. Nghĩa là: Trước hết, cháu hãy đọc kỹ cuốn sách của Milan Kundera... (...)
 
24.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Điều này làm cháu và chắc chắc các bạn cháu cảm thấy hoang mang. Cháu vẫn nghĩ dịch giả Cao Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Từ Huy đều có uy tín, nhưng bây giờ cháu không biết ai đúng ai sai. Cháu có đem hỏi giáo sư bộ môn thì ông nói ông không theo dõi chuyện này nên không tiện trả lời... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021