tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Sự không muốn biết của Nguyễn Thị Từ Huy  [đối thoại]

 

Trên báo Tia Sáng (30/01/2011), Nguyễn Thị Từ Huy đã đăng bài “Không muốn và không muốn biết”. Cao Việt Dũng đã có nhận xét: “Đoạn bàn về ‘vô tri’ như vậy là đã được lược bỏ trong bản này”. Tôi còn thấy rằng Nguyễn Thị Từ Huy, bên cạnh việc dùng tên “Sự không biết” để dịch nhan đề quyển L’Ignorance của Milan Kundera (để phủ định bản dịch Vô tri của Cao Việt Dũng), chị còn phủ định các tác phẩm khác đã được dịch ra Việt ngữ của Milan Kundera như cuốn Bản nguyên (bản dịch của Ngân Xuyên, bị chị dịch lại thành “Bản sắc”), Chậm rãi (bản dịch của Ngân Xuyên, bị chị dịch lại thành “Sự chậm rãi”, Đời nhẹ khôn kham (bản dịch của Trịnh Y Thư, bị chị dịch lại thành “Sự nhẹ tênh của đời sống”),... Ngoài ra, nhan đề tác phẩm Hữu thể và thời gian của Heidegger (do TS Trần Công Tiến dịch, GS Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, nxb Quê Hương, 1973) bị Nguyễn Thị Từ Huy dịch lại thành “Bản thể và thời gian”!

Trước khi nhận xét về cách chuyển ngữ của Nguyễn Thị Từ Huy, ta hãy xem việc này nói lên điều gì?

Trước hết đó là sự không công nhận các bản dịch Việt ngữ đã có. Lý do có thể là chị Từ Huy thấy dịch như vậy chưa đúng và chị chuyển lại tên cho phù hợp với cách hiểu của mình. Đó là quyền của chị. Nhưng ít ra, chị cần phải giải thích lý do vì sao chị sử dụng cách chuyển ngữ như thế và những bản dịch Việt ngữ ấy đã sai như thế nào? Hay chị chẳng cần quan tâm gì đến các tác phẩm đã được dịch của Milan Kundera? Tôi không cho rằng chị Từ Huy có thể ngạo mạn đến độ ấy vì, như Cao Việt Dũng nhận xét, “các tiểu luận do Nguyên Ngọc dịch có vẻ được đặt ra ngoài vòng loại bỏ của TS Nguyễn Thị Từ Huy”.

Lý do thứ hai, có thể chị chẳng cần đọc bản dịch mà đọc trực tiếp từ tiếng Pháp, do đó chị không quan tâm đến các bản dịch Việt ngữ. Điều này không hợp lý, vì chí ít chị đã công khai không tán thành nhan đề Vô tri của Cao Việt Dũng trên báo Tia Sáng ngày 21/01/2011, chứng tỏ chị đã đọc bản dịch của Cao Việt Dũng.

Đã không hợp lý, điều này cũng không hợp thức. Trong nghiên cứu khoa học, hay khi giới thuyết về một đề tài, ít nhất ta cần phải điểm qua lịch sử nghiên cứu vấn đề. Trong trường hợp cụ thể là buổi nói chuyện về Milan Kundera, chị cần phải điểm qua các tác phẩm của ông đã được dịch sang Việt ngữ, ghi nhận sự đóng góp của các dịch giả và sau đó chị có thể phát biểu ý kiến của mình về bản dịch, hay nhan đề tác phẩm... Điều này hoàn toàn không thấy trong bài nói chuyện của Nguyễn Thị Từ Huy.

Bây giờ ta hãy xem cách chuyển ngữ của Nguyễn Thị Từ Huy.

Đầu tiên là cái nhan đề tác phẩm L'identité của Milan Kundera mà chị chuyển thành “Bản sắc”. Cái từ “bản sắc” này có thể dùng trong một phạm vi lớn như “bản sắc văn hóa” thì được, nhưng dùng trong tác phẩm này của Milan Kundera thì có vấn đề. Bản tiếng Trung chuyển dịch là “Thân phận” 身分

Bản tiếng Nhật do Nishinaga Yoshinari 西永良成 chuyển ngữ là “Cái tôi thật sự” 本当の私 .

Như vậy nếu chuyển sang tiếng Việt có lẽ dùng từ “Căn cước thân phận” là hợp lý nhất với tâm trạng lưu vong của Milan Kundera.

Thứ hai, nhan đề cuốn L'Insoutenable légèreté de l'être mà chuyển dịch thành “Sự nhẹ tênh của đời sống” thì quả là dịch theo kiểu “word by word”, mà vẫn còn thiếu mất “insoutenable” (không chịu nổi, không kham nổi).

Để chị Từ Huy thấy nhan đề Nesnesitelna lehkost byti dịch thành Đời nhẹ khôn kham là hay như thế nào, tôi xin dẫn bản dịch tiếng Nhật của Eiichi Chino 栄一千野 là 存在の耐えられない軽さ, dịch sát nghĩa “Sự nhẹ đến mức không thể chịu nổi của tồn tại”.

Bản dịch tiếng Việt Đời nhẹ khôn kham c ủa Trịnh Y Thư vừa sát nghĩa, vừa có thẩm mỹ, vừa hay ở cách dùng chữ “kham”. “Kham” là đủ đầy ý nghĩa chịu đựng trong đó rồi. Bùi Giáng có câu:

Thưa rằng bạc mệnh xin kham

Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây.

Vậy tại sao một nhan đề hay như thế mà chị Từ Huy xem như “vô tri”, không biết gì đến, để rồi dịch một cách không thể nào trắng trợn hơn là “Sự nhẹ tênh của đời sống”?

Cuối cùng, phải nói đến nhan đề cuốn Sein und Zeit (Being and Time) của Martin Heidegger. Bản dịch Việt ngữ Hữu thể và thời gian đã có từ trước năm 1975 (TS Trần Công Tiến dịch, GS Lê Tôn Nghiêm giới thiệu, nxb Quê Hương, 1973). Heidegger là một tên tuổi hầu như ai cũng biết, và có người cho ông là triết gia hiện sinh, còn triết học của ông cũng có người gán nhãn là “triết học hiện sinh”. Nhưng chính Heidegger lại kịch liệt lên án tên gọi đó và cho rằng triết học của ông là “triết học về hữu thể” (philosophy of being). Tác phẩm lớn Hữu thể và thời gian, và sau này là cuốn Thư về nhân bản chủ nghĩa (bản dịch của Trần Xuân Kiêm, nxb Tân An, 1974), đã minh chứng cho điều đó.

Hữu thể (Being / Être) thì hiển nhiên khác với Bản thể (the Nature of Being / la Nature de l'Être). Vậy mà Nguyễn Thị Từ Huy cứ hiên ngang “Bản thể và thời gian”!

Chị viết: “Quả vậy, tất cả các đề tài hiện sinh lớn mà Heidegger phân tích trong tác phẩm Bản thể và Thời gian, cho rằng chúng đã bị toàn bộ nền triết học châu Âu trước đó bỏ rơi, thì lại đã được khám phá, phô bày, soi sáng bởi bốn thế kỷ tiểu thuyết châu Âu”, và chị còn chú thích rằng “Milan Kundera, Tiểu luận, Nguyên Ngọc dịch, NXB Văn hóa thông tin & Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2001, tr. 11”. Như vậy là cả Nguyên Ngọc cũng lầm lẫn khiến cho Nguyễn Thị Từ Huy cũng lỡ làng theo chăng?

Ngoài ra còn nhiều lỗi nhỏ khác nữa, như Cao Việt Dũng đã chỉ ra:

“Cả TS Nguyễn Thị Từ Huy lẫn tạp chí Tia Sáng cần phải cẩn thận hơn trong viết lách và biên tập: không có địa danh nào là “Itact” (cách viết này lặp ba lần trong bài, chứng tỏ sai hệ thống chứ không phải một nhầm lẫn về typo) địa danh đó là Ithaque/Ithaca, quê hương Ulysse/Ulysses.
 
Không phải “Kundéra” mà là “Kundera”.
 
Tên vở kịch của Molière là “Le bourgeois gentilhomme” chứ không phải “Le bourgois gentilhome”.

Còn thêm một điểm nữa về thái độ của Nguyễn Thị Từ Huy. Khi Cao Việt Dũng chỉ ra trên blog:

“Tôi thấy ngạc nhiên vì sau nhan đề tiếng Pháp L'Ignorance, trong dấu ngoặc đơn, là Sự không biết. Tiểu thuyết L'Ignorance của Milan Kundera do tôi dịch đã xuất bản có tên chính thức là Vô tri, như nhiều người đã biết. Chỉ nhìn thấy tờ giấy mời này thôi, cảm giác đầu tiên của tôi là chị Nguyễn Thị Từ Huy dường như muốn phủ nhận toàn bộ bản dịch của tôi, en bloc, như người ta vẫn nói. Theo tôi làm như thế là không hợp thức.”

Nguyễn Thị Từ Huy có trả lời:

“Rất có thể là tôi nhầm lẫn trong cách hiểu NGHĨA TIẾNG VIỆT của từ “vô tri”. Rất mong được trao đổi và học hỏi thêm bạn Cao Việt Dũng.
 
Còn về vụ giấy mời và thông tin báo chí thì quả thật là tôi không liên quan và cũng không biết.”

Và sau đó, trong bài nói chuyện của mình, chị bỏ phần nói về Vô tri, nhưng tại sao chị vẫn dùng “Sự không biết” để dịch L’Ignorance?

Sau đó, chị Thái Thanh, người phụ trách tổ chức buổi nói chuyện của Nguyễn Thị Từ Huy, có đưa lên một lời nhắn:

Thân gửi bạn Nhị Linh và các bạn đã đọc entry “Vô bất phi...”,
 
Vì entry nói trên và các cmt dưới entry đó có đề cập một số chi tiết về giấy mời và việc đưa tin nên thay mặt cho bên tổ chức buổi nói chuyện của chị Từ Huy về tiểu thuyết của Kundera,- tức Tia Sáng và Cà phê Sách Trung Nguyên - tôi xin được gửi tới các bạn một số thông tin như sau để các bạn có thể nhìn nhận đầy đủ và khách quan về sự kiện do chúng tôi tổ chức:
 
1/ Về giấy mời: Giấy mời được soạn thảo theo ý của chị Từ Huy
 
2/ Về bản tin trên Tia Sáng: Bản tin này là của tòa soạn. Chúng tôi trích một đoạn trong dự thảo của bài nói chuyện nên thấy không cần thiết phải thông báo cho tác giả, và việc này không xuất phát từ phản ứng cá nhân như Cao Việt Dũng viết trên blog. Trong công tác tổ chức, việc gửi giấy mời trước và đăng tin sau cũng là bình thường, hợp lệ.
 
3/ Cuối cùng, mời các bạn tham khảo bài viết đã hoàn thiện của chị Từ Huy về tiểu thuyết L'ignorance dưới đây, bài viết được hoàn chỉnh sau khi tham khảo những ý kiến bổ ích của những nhà nghiên cứu và dịch giả uy tín như Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Dương Tường, Phạm Toàn... những người đã tham dự buổi nói chuyện:
 
Xin trân trọng cảm ơn các bạn đã dành thời gian để đọc cmt này.
 
Thái Thanh
 

? đây, chị Thái Thanh có nói rõ là giấy mời “được soạn thảo theo ý của chị Từ Huy”. Vậy mà chị Từ Huy phủ nhận “Còn về vụ giấy mời và thông tin báo chí thì quả thật là tôi không liên quan và cũng không biết”, tức là chỉ đúng một nửa sau. Nửa đầu “vụ giấy mời” rõ ràng soạn thảo theo ý chị Từ Huy cơ mà? Tại sao chị lại phủ nhận điều đó?

Cuối cùng điều tôi muốn nói hơn hết là không phải tôi muốn “vạch lá tìm sâu” gì cả. Bùi Giáng có lần nói rất hay là cứ vạch lá thì sẽ thấy sâu thôi! Nhưng sâu đây ở trong con mắt của người vạch lá chứ không phải ở trên lá cây. Và đôi khi cho dù có tìm thấy sâu trên lá cây đi nữa thì ta cũng bỏ quên chữ “thẳm”. Chơi chữ “sâu thẳm” như vậy thần thần diệu và nói đúng tinh thần của việc vạch lá tìm sâu của các học giả. Không phải ngẫu nhiên mà Huỳnh Ngọc Chiến hô hào cần phải dùng chiêu “bàng xao trắc kích” trong tranh luận.

Tôi rất trân trọng Nguyễn Thị Từ Huy, đặc biệt là với luận án tiến sĩ của chị về Alain Robbe-Grillet mà chị đã xuất bản ở Việt Nam với nhan đề “Alain Robbe- Grillet: Sự thật và diễn giải”. Khi quyển sách của chị vừa mới xuất bản, tôi đã nhờ người em gửi ngay qua Nhật bằng đường hàng không và nhai xương nuốt tủy trong mấy ngày liền. Quyển sách thật hay. Nhân đây xin gửi lời cám ơn chị.

Nhân chiêu “bàng xao trắc kích” trong bài viết của Huỳnh Ngọc Chiến, tôi cũng muốn nói rằng khúc “Tiếu ngạo giang hồ” (với một bên là cây dao cầm, một bên là ống tiêu) của sự hiểu biết phải vượt lên cả chính và tà mới thành tựu được. Từ Khúc Dương trưởng lão Minh Giáo với Lưu Chính Phong bên chính giáo đi đến hòa tấu của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh là cả một con đường dài đầy xương máu và huyết hận thâm cừu. Trong học thuật, biết sữa chữa những sai lầm nhỏ, vượt lên trên hẳn sự chấp nhặt thông thường, mỗi ngày chánh tinh tấn một chút, cuối cùng ta có thể ung dung tự tại với thanh kiếm cây đàn riêng một cõi như Đào Hoa Đảo Chủ:

Đào hoa lạc ảnh phi thần kiếm

Bích hải triều sinh lộng ngọc tiêu

 

Nagoya, ngày 30/1/2011
Hoàng Long

 

 

-----------------

Bài liên quan:

31.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Nói thế chứ cái lối ứng xử quanh co này đúng ra không phải là “sự không biết” hay “bất tri” hay “vô tri” hay “bất trí” hay “vô trí” gì cả. Phải nói ngay đó là sự “trí trá” mà không ai muốn thấy ở một kẻ “trí thức”... (...)
 
28.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Cách giải thích của Nguyễn Thị Từ Huy, đúng như Cao Việt Dũng đã phê phán, “sử dụng từ điển dạng phổ thông (hoặc cách hiểu cá nhân) để giảng giải về từ ngữ. Tranh luận về chữ nghĩa thì làm thế đâu có được”. Nếu xét về nghĩa từ nguyên, cách dịch của Cao Việt Dũng là chính xác và sang trọng... (...)
 
27.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Milan Kundera có viết nhiều đoạn về ngữ nghĩa của “ignorance” trong tác phẩm của mình. Độc giả có thể đọc nguyên tác L’Ignorance hoặc các bản dịch để hiểu tác giả muốn hàm ý gì khi dùng chữ “ignorance” để mô tả tình trạng lưu vong... (...)
 
26.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Trong lĩnh vực dịch thuật tác phẩm văn chương, ý nghĩa của mỗi chữ cần được hiểu trong văn cảnh của từng tác phẩm, chứ không thể dựa hẳn vào lối giảng nghĩa mỗi chữ riêng lẻ trong các cuốn từ điển. Nghĩa là: Trước hết, cháu hãy đọc kỹ cuốn sách của Milan Kundera... (...)
 
24.01.2011
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Điều này làm cháu và chắc chắc các bạn cháu cảm thấy hoang mang. Cháu vẫn nghĩ dịch giả Cao Việt Dũng và TS Nguyễn Thị Từ Huy đều có uy tín, nhưng bây giờ cháu không biết ai đúng ai sai. Cháu có đem hỏi giáo sư bộ môn thì ông nói ông không theo dõi chuyện này nên không tiện trả lời... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021