tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trắng tay dân tộc tôi phải làm gì?  [đối thoại]

 

Trắng tay và hạnh phúc của kẻ trắng tay

Tôi là một người lao động bình thường, sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh. Nhiều khi nghĩ về đất nước, tôi cũng cảm thấy rất đau buồn. Chế độ này, nền giáo dục này, quá khứ này, và cả lương tâm này, rồi sẽ đi về đâu? Nhưng tôi nghĩ, tôi không thể trách cha ông mình, vì họ cũng như tôi lúc này, phải gánh trên vai một lịch sử khổ ải (hàng ngàn năm), mò mẫm đi trong bóng tối, ngu muội và dũng cảm (hoặc lì lợm) tiến về phía trước.

Khi đọc những bài như bài “Những kẻ trắng tay” của Diên Vỹ, tôi thường thấy mình đau lòng. Tôi biết họ nói có phần đúng, nhưng tôi chỉ tự hỏi họ nói vậy có mục đích gì, được gì? Nếu bạn yêu đất nước này như người con yêu cha mẹ, cha mẹ bạn vô tình bước chân vào con đường nghiện ngập, bạn sẽ nói với anh chị em của bạn rằng: Họ chỉ còn một đường chết mà thôi. Họ không xứng đáng được hạnh phúc. Đáng đời. Và tự đắc như thể mình là kẻ khai quật ra cái kiến thức rằng một kẻ hút chích thì rồi sẽ bị si đa và cầm chắc cái chết? Mọi người vỗ tay khen bạn tài, nói hay nói đúng. Thế là xong, bạn ung dung nhìn cha mẹ chờ chết, thầm nhủ: Chờ mà xem, ông nói cóc có sai!

Tôi luôn nghĩ, kẻ trắng tay có cái hạnh phúc của kẻ trắng tay. Nguyễn Trãi viết, “Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu. Diệc các tự cầu kỳ sở dục.” Nếu kẻ trắng tay mà không biết cách sống hạnh phúc, thì nạn tử tự ở Việt Nam chắc phải vượt quá đất nước giàu sụ Hàn Quốc mất. Người Việt Nam hiểu sự thiệt thòi của họ do lịch sử gây ra, và bằng sức mạnh tiềm tàng đâu đó, họ biết vươn lên để tìm những hạnh phúc nhỏ nhoi mà họ có thể tìm. Nếu không họ có thể làm gì? Tự tử tập thể ư? Hay làm thuyền đưa nhau đổ bộ sang Mỹ, một lần nữa và rầm rộ hơn? Hay một cuộc lật đổ? Nhưng tôi xin thưa, với những người dân nhiều nỗi niềm nhưng chưa đủ sức làm gì như tôi, chúng tôi muốn nếu có ai làm cuộc cách mạng thì phải là người đủ lực, đủ tài, đủ nhân phẩm, và phải đủ yêu đất nước yêu dân tộc tôi bằng tình yêu tha thiết cảm thương chứ không phải thứ tình yêu nhỉa nhói. Còn nếu thay áo vá bằng áo rách thì cho chúng tôi xin. Tôi nguyện là kẻ “ngu” bởi lẽ “Nhân sinh bách tuế nội. Tất cánh đồng thảo mộc.”

Tôi chưa bao giờ có tiền đi xem một ca sĩ hải ngoại nào về nước biểu diễn. Tôi chỉ có thể đọc tin về họ và load nhạc miễn phí. Nhưng tôi mừng vì họ về nước. Tôi biết họ về nước không phải đơn thuần “vì quá yêu nước và muốn phục vụ đồng bào”, nhưng không sao cả, ít nhất cũng phải vui phải thích họ mới về biểu diễn, thậm chí định cư. Nguyễn Trung Ngạn viết, “Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo. Giang Nam tuy lạc bất như quy.” Đó có lẽ cũng là tâm sự của những người nghệ sĩ ấy. Vả chăng, sự trở về của họ cho tôi thấy 1/ Việt Nam đang trở nên dân chủ hơn, 2/ Người Việt Nam đang sướng lên, vì nhiều nhu cầu được thỏa mãn hơn, nhu cầu được hát, được nghe, được đi lại, được giao lưu… 3/ Nước mình đang giàu lên 4/ Hệ quả tất yếu là cái nhìn thân ái hơn, hận thù cũ sẽ mỗi lúc một phai mờ. (Dù không phải ở tất cả mọi người.)

Tôi dám nói những điều này vì cứ nhìn lại mười mấy năm trước mà xem, sẽ thấy chiều hướng ngược lại rất nực cười. Nghệ sĩ hải ngoại không dám đặt chân về nước, còn nghệ sĩ trong nước thì cố sống cố chết làm đủ thứ kiểu như khoác cờ ba sọc khóc lăn lóc để được sang Mỹ diễn cho oai, mặc dù họ sinh trưởng thời bình, thậm chí là người Miền Bắc, không hề phải chịu nỗi đau của người Cộng hòa. Ví như, Bằng Kiều của thời hoàng kim, Ngọc Huyền NSƯT cải lương ai cũng yêu mến, Thu Phương – Huy MC, Đơn Dương… Bây giờ nghệ sĩ trong nước đi diễn nước ngoài như cơm bữa, chẳng ai cấm cản, chẳng phải cố đấm ăn xôi. Hòa khí của người Việt rõ ràng vượng hơn. Thế nên chẳng lẽ chúng tôi phải thấy mừng vì tinh hoa của đất nước bỏ xứ và thấy buồn khi họ trở về? Chúng tôi không làm được thế. Vậy nên cái ý tưởng vì phản đối chế độ mà không thèm về nước dù nhân dân rải thảm đỏ và chế độ cũng đồng tình, thật là một ý tưởng “siêu việt”, chắc phải nảy sinh từ một đại trí thức đúng nghĩa? Tôi tự hỏi nếu Diên Vỹ là Quang Lê thì có thèm về nước hát cho dân tôi nghe không nhỉ? Chắc là không bao giờ. Giá như tôi có thêm ít ví dụ về những đồng nghiệp của họ trên khắp thế giới tuyên bố không về nước biểu diễn chừng nào còn chế độ độc tài vô nhân tính có phải tốt hơn không, tôi thiển cận muốn biết.

 

“Trái đất ba phần tư nước mắt”

Một nhà thơ đã viết thế. Và đúng thế. Việt Nam của tôi đau khổ thật, nhưng cũng chỉ là “một trong số” mà thôi. Gánh nặng lịch sử quá tàn khốc, chúng ta không thể làm gì hơn là chấp nhận nó để hạnh phúc theo cách riêng, đồng thời bắt đầu từ những thay đổi nhỏ. Trong bài “Những kẻ trắng tay”, tôi thấy một tư tưởng so sánh rất rõ ràng, kiểu như Việt Nam là nước cùng cực nhất thế gian, con người Việt Nam là những kẻ băng hoại nhất trần đời, và nói chung dân tộc ấy chẳng còn nhân cách gì mà nói. Có lẽ chỉ còn tác giả là người có lương tâm, người đáng sống. Nhưng tôi nghĩ không phải thế. Nhìn rộng, thế giới đã phát triển quá nóng trong những thế kỷ qua, ở đâu cũng có vô khối vấn đề nhức nhối. Nếu bây giờ giở bản đồ thế giới, cầu mong mình được làm thường dân của một đất nước nào đó, ta sẽ thấy số đất nước ta lắc đầu từ chối, “thà ở Việt Nam”, là rất nhiều. Vả chăng, bản chất của thế giới này cũng giống bản chất kiếp người, từ cổ chí kim, chỉ rặt đau thương. Chắc chắn một ngày nào đó, thế giới này sẽ diệt vong, cũng như kiếp người sinh ra rồi chịu đày ải chỉ để biết rằng cái chết đang chờ. Nhưng trong khoảng ngắn ngủi ấy, ai cũng phải cố kiếm cho mình một đường sống, và cố tìm những hạnh phúc nhỏ trên đó. Tôi không định tuyên truyền tư tưởng ngày tận thế, tôi chỉ muốn nhìn sâu vào bản chất của nhân loại, để có thể sống bình thản, để không phải đứng núi này trông núi nọ, để dễ chấp nhận số phận của dân tộc và của từng cá thể hơn.

Khi đọc những bài đả động tới vấn đề chiến tranh Việt Nam, tôi luôn nghĩ, sao chúng ta không tổ chức một cuộc thảo luận công khai nghiêm túc, với cái nhìn đa diện, cho con cháu được hiểu cụ thể, cho những ai thích bày tỏ căm hờn được bày tỏ đã đời, cho kẻ phản biện được phản biện kịch liệt, nhưng một cách khoa học có lý chứ đừng chủ quan rên rỉ. Sẽ ra sao nếu Pháp hoặc Mỹ đã đô hộ được Việt Nam? Có phải nếu phục tòng Pháp, Mỹ ngày đó, chúng ta sẽ không có cảnh đầu rơi máu chảy, mà lại giàu sang huy hoàng? Có phải đáng lẽ cầu Hiền Lương nên sập cho rồi, để miền Nam hóa rồng như Hàn Quốc, để bảo vệ được tinh hoa văn hóa rực rỡ của miền Nam Cộng hòa (bao gồm cả tinh hoa dịch thuật), còn Miền Bắc thích biến thành Liên Xô, Cuba, hay Bắc Triều cực khổ thì mặc lòng? Nếu bạn có tài kiến thiết lịch sử, xin bạn hãy kiến thiết cho tôi một con đường khác đi của dân tộc từ năm 1858 (hoặc xa thật xa hơn nữa) cho tới năm 2012 này, sao cho tôi được sống ở một nước, ví như, Singapore hay Australia; chứ không phải Sudan hay Campuchia? Đây là những câu hỏi thực sự của tôi, tôi chưa có lời đáp. Tôi chỉ nghĩ có lẽ từ đầu, tạo hóa nên đặt Việt Nam ở châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ, họa chăng thoát được lầm than.

Tôi là kẻ hậu sinh, nhưng tôi cảm thấy mình không có cái nhìn phiến diện “quân ta” “quân địch” như các vị. Chẳng lẽ chỉ có lính Cộng hòa bỏ mạng nơi rừng sâu? Và cũng không phải chỉ có lính Cộng sản mất mạng. Kẻ vượt biên bàng hoàng nơi biển thẳm cũng khác gì kẻ ở lại sống cầm chừng với “bữa cơm” toàn vỏ củ mì. Hàng triệu người vẫn còn mang thương tật, di chứng, hàng ngàn em bé da cam. Đó là nỗi đau tận cùng của cả một dân tộc chứ nào của riêng ai. Với nỗi đau này mà tới giờ còn có thể phân tách thì tôi nghĩ tấm lòng các vị quá chật chội. Theo tôi, lịch sử có con đường đi riêng của nó. Và lịch sử nước tôi là như thế. Tôi chỉ có thể thay đổi từ hiện tại chứ nào làm được gì quá khứ. Ngồi ôm ngực trách cha ông sao không đi theo con đường tư bản cho con cháu đỡ khổ, khác gì trách cha mẹ tôi không sinh tôi ra được ngậm thìa bạc, giờ làm ông chủ có hơn không; hay trách mình không được sinh ra là công dân Mỹ cho xong. Tôi rất xót xa khi nghĩ về chế độ và cái nghèo hèn, nhưng tôi không thể không mừng khi nghĩ dù sao đất nước tôi vẫn thống nhất và dân tôi có hòa bình được hơn ba mươi năm. Không dễ đâu bạn ạ.

 

Xin đừng “nâng quan điểm”

Tôi hiểu mức độ nghiêm trọng của những sai sót dịch thuật từ các bản dịch được các nhà phê bình phân tích gần đây. Nhưng vẫn phải nói là “xin đừng nâng quan điểm”. Chẳng hiểu sao tôi thấy sự bắt móc này vẫn vô cùng kệch cỡm. Họ sai, họ kém, hãy cho họ cơ hội sửa chữa. Đừng đánh phủ đầu họ, đừng nhét cho họ một mớ tư tưởng chính trị hoàn toàn xa lạ với họ vào thời điểm họ làm sách.

Trở lại với luận điểm trên của tôi, thế giới này không xinh đẹp như bạn tưởng và Việt Nam không phải hố sâu duy nhất của thế giới. (Hoặc có thể bạn ở một nơi quá tốt đẹp nên thành ra ếch ngồi đáy giếng, tôi không biết.) Ngay cả với những nền xuất bản lớn hiện nay như Mỹ - Pháp - Anh, tình hình sách vở cũng rất tệ, bestseller toàn là thứ rác rưởi khiêu dâm nhảm nhí. Hollywood thì có cả mớ phim rẻ tiền, mắc đầy lỗi ngớ ngẩn, nội dung vô bổ. Tôi nghĩ những người làm sách ở Việt Nam đang cố hết sức của họ, dựa trên nguồn lực hạn chế mà họ có. Thế nên đừng xúc phạm họ.

Và đừng xúc phạm người Việt Nam. Bởi vì người Việt Nam như tôi chẳng có con đường nào để chọn ngoài sống trên mảnh đất quê hương tôi, dù đớn đau hay khắc khoải. Nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn sinh ra trong một gia đình giàu có ở một đất nước hòa bình yên vui giàu sang không có quá khứ đau thương. Hoặc có thể, chọn không bao giờ bị sinh ra. Nhưng có ai được chọn thế bao giờ, thế nên người Việt Nam chọn cách “tìm ra cái tốt trong cái không tốt” để sống hạnh phúc cuộc đời tay trắng của họ.

 

Sài Gòn 7/2012
Hà Trung

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021