tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thế nào là đẹp?  [đối thoại]

 

Tôi không được xem cuộc triển lãm “MÁY” của Lê Quảng Hà ở Viện Goethe từ ngày 24/10 đến ngày 7/11 vừa qua nên không biết cách đánh giá của Lê Thiết Cương về cuộc triển lãm ấy như thế nào. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào lập luận chung chung của Lê Thiết Cương trong bài “Mèo trông nhà”, tôi có cảm tưởng quan điểm thẩm mỹ của Lê Thiết Cương vừa lạc hậu vừa ngây thơ.

Lạc hậu ở sự phân biệt cứng nhắc giữa “hội hoạ giá vẽ” và “nghệ thuật mới”. Trong một thời đại ranh giới giữa các thể loại bị xoá bỏ như hiện nay mà cứ khăng khăng bám lấy sự phân biệt hình thức như vậy quả thật là điều khó hiểu.

Tuy nhiên, theo tôi, điểm ngây thơ nhất của Lê Thiết Cương là ở quan niệm về cái đẹp. Ông cho sự khác nhau giữa “hội hoạ giá vẽ” và “nghệ thuật mới” là: trong khi “hội hoạ giá vẽ” cần phải đẹp; “nghệ thuật mới” chỉ cần có “thông điệp” chứ không cần đẹp. Nhưng thế nào là đẹp? Lê Thiết Cương không giải thích nhưng nêu lên hai căn cứ chính để biết tác phẩm nào đẹp, tác phẩm nào không đẹp: một, “ai ai cũng đều thích nhìn ngắm”; và hai, chúng phải được vẽ bằng “sự cảm động”. Ví dụ Lê Thiết Cương nêu lên về tranh đẹp là: tranh Henri Matisse vẽ lọ hoa, Paul Cézanne vẽ quả táo, và Vincent van Gogh vẽ đôi giày.

Tôi không ngạc nhiên chút nào khi thấy Lê Thiết Cương chỉ đem tranh của Matisse, Cézanne và van Gogh ra làm ví dụ. Bởi vì chỉ cần nhìn vào tranh của Pablo Picasso, nhất là từ giai đoạn lập thể về sau, là ông đã có thể nhận thấy quan niệm về cái đẹp của ông chông chênh ngay tức khắc. Phần lớn những bức tranh ấy đều ít bộc lộ “sự cảm động” và càng khó thích hợp để bày trong phòng khách, nhất là phòng khách ở Việt Nam.

Xin chép lại đây mấy bức tranh Picasso vẽ phụ nữ. Hầu hết những bức tranh này đều “ghê rợn”, “quái gở”, “lạnh lẽo” và ”khô khan” chắc không kém gì tranh của Lê Quảng Hà:

 

Pablo Picasso
“A Young Faun Playing a Serenade to a Young Girl” (1938)
 
 
Pablo Picasso
“Weeping Woman” (1937)
 
 
Pablo Picasso
“A Woman in Tears” (1937)
 
 
Pablo Picasso
“Lee Miller” (1937)

 

Ngoài ra, cũng xin sao lại đây hai bức tranh đắt nhất thế giới: thứ nhất là bức tranh “Số 5” của Jackson Pollock, được bán vào năm 2006 với giá 140,000 triệu Mỹ kim (theo thời giá bây giờ là khoảng gần 150 triệu); thứ hai là bức “Phụ nữ 3” của Willem de Kooning cũng được bán năm 2006 với giá 137 triệu Mỹ kim (theo thời giá bây giờ là khoảng 147 triệu). [Theo Wikipedia]

 

Jackson Pollock
“Số 5” (1948)
 
 
Willem de Kooning
“Woman 3” (1953)

 

Còn dưới đây là bức “Benefits Supervision Sleeping” của Lucien Freud (sinh năm 1922 tại Berlin, cháu nội của nhà phân tâm học Sigmund Freud), một trong những hoạ sĩ còn sống được xem là tài năng nhất và có tranh bán cao giá nhất thế giới hiện nay. Bức này, do Sue Tilley làm mẫu, được Freud vẽ trong vòng chín tháng (mỗi ngày bà Tilley được trả 20 bảng Anh, tương đương với 39 Mỹ kim hiện nay); và được bán với giá 33.6 triệu Mỹ kim vào tháng 5 năm 2008. [Theo Topnews]

 

Trái: Lucien Freud, “Benefits Supervisior Sleeping” (1995)
Phải: Người mẫu Sue Tilley

 

Cứ nhìn các bức tranh của những hoạ sĩ hàng đầu thế giới như vậy, tôi nghĩ Lê Quảng Hà có thể an tâm... quên các nhận xét của Lê Thiết Cương và tiếp tục sáng tác những bức tranh không phải ai cũng thích nhìn ngắm, cũng như các bức tranh và sắp đặt trong cuộc triển lãm vừa qua

 

Chi Trần
29.11.2008

 

-------------------

Các bài liên hệ:

28.11.2008
... Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó... (...)
 
... Vẽ tranh nhưng tâm hồn anh vẫn đang lơ mơ cùng sắp đặt. Hà giống như một anh chàng trong chuyện cổ ra chợ mua một con mèo thật to khoẻ về để một công đôi việc vừa bắt chuột, vừa... trông nhà... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021