tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phiếm luận về việc chối bỏ quá khứ, chối bỏ nguồn gốc  [đối thoại]
 

Một người bạn Nhật một hôm kể cho tôi nghe chuyện chị phát hiện một chàng trai trẻ người Việt nói dối với chị về chỗ làm của mình. Cậu chỉ là một thực tập sinh bình thường nhưng lại nói mình đang làm việc cho một công ty lớn. Chị băn khoăn hỏi tôi: Sao người Việt hay nói dối những chuyện không đâu như vậy? Để làm gì chứ? Chỉ quen nhau một hai lần thì cái việc “tự nâng cấp mình” một cách dối trá như vậy đem lại cho cậu ấy cái gì?

Lại có một người bạn có nhiều năm sống ở nước ngoài kể với tôi, nhiều người Việt khi “bị” hỏi là người nước nào thường quanh co, tìm tên một nước nào đó không phải Việt nam để trả lời, kiểu như: Tôi là người Xinh-ga-po; tôi là người Phi-líp-pin, v.v… hoặc có nhiều người lấy làm hãnh diện khi “được” người khác hiểu nhầm mình là người Hồng Kông hay Đài Loan.

Ở mức độ gia đình thì thỉnh thoảng đọc trên báo thấy đăng tin những ông già bà lão bị con là ông này bà kia hắt hủi, phủ nhận không phải là cha mẹ mình đến nỗi họ phải sống vất vưởng, nhờ của bố thí của thiên hạ ở lề đường hay trong các viện dưỡng lão.

Tôi nghe chuyện, hay lẩn thẩn tự hỏi: Sao người ta lại nói dối như vậy? Sao lại chối bỏ nguồn gốc của mình như vậy? Nếu ở hoàn cảnh tương tự thì mình có/sẽ hành động như vậy không? Và buồn thay, khi soi vào mình, câu trả lời thành thật của tôi là có, là nhiều lần, tôi bắt quả tang mình gian lận với mình, với người trong những hoàn cảnh tương tự hay khác nhau.

Một ví dụ nhỏ, (dĩ nhiên, đã được chọn lọc cho hợp với thói sĩ diện của tôi) là chuyện trong gia đình tôi. Khi gia cảnh khá giả, tôi rất tự hào về vẻ đẹp quý phái của chị tôi nhưng khi thời cuộc thay đổi, chị phải làm đủ thứ nghề từ mua gánh bán bưng cho tới làm thuê làm mướn để nuôi sống gia đình; chị dần thay đổi từ ngoại hình cho đến tính cách. Làn da trắng hồng giờ đen đúa; giọng nói dịu dàng thanh mảnh ngày nào trở nên khó nghe, thô ráp. Dù sống chung một nhà, tôi nhớ, tôi đã tránh nhìn chị trong một thời gian dài, rất dài. Khi có chuyện bắt buộc phải trao đổi với chị, tôi thường hướng cái nhìn của mình khi thì lên trần nhà, khi thì dán xuống đất với một mong ước trẻ con là cái hình ảnh đẹp trước đây của chị sẽ không bị cái xấu xí hiện tại phá huỷ, chỉ vì tôi không chịu được cái thực tế như lằn roi tàn nhẫn quất vào lòng sĩ diện trẻ con của mình. Sự thật là tôi đã không tự đứng trên đôi chân của mình.Tôi đã đồng hoá tôi vào chị. Chị đẹp đẽ, quý phái, tôi hãnh diện; chị xấu xí, khốn cùng, tôi hổ thẹn.

Có thể nói, việc chối bỏ sự thật cho thấy một nhân cách non yếu, dù nó là một phần của việc giải toả căng thẳng về tâm lý khi bạn bị đặt dưới áp lực là một cá thể nhỏ bé, nghèo hèn, sợ bị người khác đánh giá, xem thường; hay phản ứng đầy mặc cảm khi thực tế không khớp với hình mẫu lý tưởng do bạn dựng nên. Nhưng tất nhiên đó không phải là tất cả.

 

Cái động lực mang tính tâm lý đằng sau hành vi này còn là sự khao khát muốn lấy lại sĩ diện cho bản thân. Cái thể diện ảo bị tổn thương được bù đắp bằng sự dối trá hay làm tổn thương ngược lại hình ảnh của người, của hoàn cảnh tạo ra tình huống này. Ngoài ra, sự dối trá trong việc chối bỏ nguồn gốc, chối bỏ hay công kích quá khứ là cách giúp người ta có được sự tự tin ảo khi bước vào những mối quan hệ xã hội khác so với nguồn gốc của mình, muốn tăng cường vị thế của mình trong mối quan hệ đó. Ở Việt Nam hay ở những quốc gia đã trải qua nhiểu biến động lớn về chính trị, có lẽ sự giằng co trong tư tưởng về ý hướng chính trị, hay những ích lợi có được về thể diện mang tính xã hội đã tạo ra nhiều biến tướng về mặt hành vi của nhiều người.

Trong quá trình sống, để được chấp nhận vào một cộng đồng hay một khung nào đó do mình tự đặt ra, người ta biết mình cần phải đóng kịch, và đôi khi chúng ta nhập vai quá lố đến nỗi quên mất đâu là sự thật.

Kết quả mà chúng ta đạt được có khi chỉ là sự thoả mãn tạm thời về mặt tâm lý hay có khi là kết nối được mình với một nhóm người nào đó theo như sở nguyện của mình. Nhưng sự thật thì vẫn còn đó. Khi không sòng phẳng với chính mình thì liệu lương tâm có cho phép ta sống yên ổn (trong trường hợp lương tâm chưa bị tham vọng nuốt chửng)?

Ai cũng biết một điều hiển nhiên là không thể chọn chỗ cho mình sinh ra nhưng có thể chọn con đường đúng mà đi. Nhưng để tránh việc không sòng phẳng với người, với mình, để ngày có thể nở nụ cười chân thật, để đêm có một giấc ngủ không trằn trọc thì dù đau, ta chỉ có cách là can đảm nhìn vào sự thật, nhắc nhở mình phải mọc từ gốc rễ của sự thật mà sống, mà điều chỉnh hành vi cho thích hợp.

Quá khứ của ánh lửa đẹp này là những khúc gỗ tồi tàn kia; tương lai của đoá sen sang cả nọ là từ đám đất hôi thối, tù đọng hiện thời, mà muốn có được sự biến đổi đó thì chắc không gì khác hơn là hành động cho tử tế, ngay thẳng.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021