tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Lan man chuyện: “Mèo lại hoàn mèo”  [đối thoại]

 

Trong kho tàng văn học dân gian của ta, có câu chuyện ngụ ngôn: “Mèo lại hoàn mèo!”

Xưa có một ông nuôi một con mèo, nghĩ con mèo của mình khôn ngoan, tài giỏi không ai có nữa, mới đặt tên cho là “Trời”

Một hôm có người đến chơi, thấy sự lạ, hỏi ông ấy rằng:

- Sao ông lại gọi nó là con “Trời”?

Ông ta đáp:

- Con mèo của tôi quý hoá có một, gọi nó là con mèo không được. Phải gọi nó là con “Trời” mới xứng đáng, vì không ai hơn được Trời.

Người kia nói:

- Thế mây chẳng che được Trời là gì!

Ông ta bảo:

- Thì tôi gọi nó là con “Mây”!

Người kia lại nói:

- Thế nhưng gió lại đuổi được mây!

Ông ta lại bảo:

- Thì tôi gọi nó là con “Gió”!

- Thế nhưng thành lại cản được gió!

- Thì tôi gọi nó là con “Thành”!

- Thế nhưng chuột lại khoét được thành!

- Thì tôi gọi nó là con “Chuột”!

- Thế nhưng mèo lại bắt được chuột!

- Thì tôi gọi nó là con... “Mèo”!

Vậy là... mèo... lại hoàn... mèo!

 

*

 

Theo thuyết âm dương, ngũ hành của người Trung Hoa cổ, vật chất gồm năm “thể” chủ yếu là: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ; năm thể (gọi là ngũ hành) có tương sinh:

Kim sinh thuỷ, thuỷ sinh mộc, mộc sinh hoả, hoả sinh thổ, thổ sinh kim.

Có tương khắc:

Kim khắc mộc, mộc khắc thổ, thổ khắc thuỷ, thuỷ khắc hoả, hoả khắc kim.

Trong sinh có khắc, trong khắc có sinh:

Kim khắc mộc, nhưng kim lại sinh thuỷ là cái sinh ra mộc.

Hoả sinh thổ, nhưng hoả lại khắc kim là cái mà thổ sinh ra...

Quan hệ sinh, khắc giữa các hành là mối quan hệ qua lại có tính biện chứng: Khắc nhờ có sinh mà không bất cập; ngược lại, sinh nhờ có khắc để khỏi đi đến chỗ thái quá. Cả hai vừa thúc đẩy, vừa chiết giảm, vừa nương tựa vừa kiềm giữ, tác động và điều chỉnh lẫn nhau để cùng tồn tại.

Trở lại câu chuyện ngụ ngôn “Mèo lại hoàn mèo”, chúng ta nhận được từ bức thông điệp của tác giả một bài học có ý nghĩa sâu sắc về triết lý nhân sinh:

1. Phải gọi tên sự vật đúng với bản chất của nó.

2. Vật nào chỗ ấy, đều có vị trí của mình. Đứng đúng vị trí của mình là thuận, ngược lại là nghịch.

3. Quan hệ sinh, khắc, chế, hoá trong giới tự nhiên là một tất yếu để tồn tại. Với ý nghĩa ấy, mọi vật đều bình đẳng, không cái gì có thể đứng ngoài, đứng trên (mà không chịu) sự “điều chỉnh” của nó; kể cả đó là... Trời!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021