tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tác giả đã chết rồi... thiệt hả?  [đối thoại]

 

Cái — hay con — gì đó đã đẻ ra “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ”“Sự hàm hồ của phương pháp” dù đã to tiếng rằng “tác giả đã chết”, rằng ta đã “thiền ngộ”, rằng ta chỉ “tiếp cận theo Thi Pháp Học”, rằng ta “không đánh giá, không lý giải về các thành tựu và giá trị văn chương”, rằng ta “không quan tâm đến con người của tác giả là ai, trong nước hay ngoài nước, Nam hay Bắc”, nọ kia kia nọ tùm lum tà la, vân vân và vân vân, nhưng tiếc thay/tiếu lâm thay văn bản đã chứng minh... ngược lại!

 

Trước nhứt, nếu “tác giả đã chết” thì “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ”“Sự hàm hồ của phương pháp” không cần ghi bút hiệu Hoàng Lan, một cái bút hiệu khá xịn khá xinh (tuy khó phân biệt tính giống) cho hai văn bản chỉ... từ đất nứt chui lên?

Nếu “tác giả đã chết” (bis) nghĩa là không có một cá nhân riêng lẻ đằng sau văn bản thì đâu cần phải thanh minh thanh nga rằng “tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL”?

Nếu đã “thiền ngộ” nghĩa là không còn biết hỉ nộ ái ố thì đâu cần phải bực tức hậm hực rằng “các độc giả Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân... đoán mò về tác giả... Dù các vị có dùng Phân Tâm Học để định vị tác giả cũng vô ích vì Tác giả đã chết rồi (Roland Barthes), xin đừng bận tâm đến tác giả mà cần đối diện với văn bản để chỉ ra những chỗ sai của HL”.

Nếu “chỉ sử dụng thi pháp” nghĩa là dựa vào thi phẩm và cung cách sáng tạo thì tại sao khi Lê Công Thân chất vấn: “Bài thơ “Sinh tồn” của Văn Cầm Hải có “thi pháp Hậu Hiện Đại” ở chỗ nào? Hay là Hoàng Lan chỉ nói bạt mạng lấy được?” thì được/ bị nghe phản biện: “Để chỉ ra thi pháp Hậu Hiện Đại trong bài Sinh Tồn của Văn Cầm Hải, có lẽ HL phải nhờ đến các nhà phê bình chuyên nghiệp, rành rẽ về Hậu Hiện Đại như Hoàng Ngọc Tuấn...” Bản thân không chuyên nghiệp, không rành rẽ, mà sao lại dám phán? Để bây giờ bị chất vấn, trả lời không nổi, thì chạy đi níu áo người khác? Như vậy không phải là chỉ nói bạt mạng, dốt hay nói chữ à?

 

Nếu “không đánh giá, không lý giải về các thành tựu và giá trị văn chương” thì các cụm từ sau đây để mần chi?

- “Thơ Mới đã đem đến cho bầu trời thi ca Việt Nam nhiều ánh sáng lạ ... Thơ Mới đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong thi ca Việt mà các thời đại sau chưa dễ đã vượt qua được ... Những tên tuổi Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Thế Lữ, Huy Thông... sẽ còn được nhắc đến về lâu dài.” (KHỔ LẮM, BIẾT RỒI!)

- “Thơ kháng chiến và thơ xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc (1945-1975)... [k]hông có những phong cách độc đáo song có nhiều khuôn mặt rắn rỏi và mới lạ... đã để lại những bài thơ đỉnh cao của thơ ca kháng chiến... Cũng phải kể đến sự thành công của thể loại trường ca... Dẫu thế nào, thì Hoàng Cầm, Phạm Thiên Thư cũng là những thi sĩ tài hoa bậc nhất của thơ Việt Nam đương Đại.

- “Thi pháp Hậu Hiện Đại được thể nghiệm thành công hơn ở Văn Cầm Hải... Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Hiện tại chúng ta cũng đã có những nhà thơ có ý chí của người không lồ và các thế hệ kế tiếp sẽ vượt lên. Đó là Phạm Thiên Thư... Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới.”

 

Nếu “không quan tâm đến con người của tác giả [nhà thơ và người đối thoại] là ai, trong nước hay ngoài nước, Nam hay Bắc”... thì đâu cần phải nhắc nhở răn đe rằng “văn hoá VN vốn trọng con người, trọng khách... Chẳng lẽ văn hoá ứng xử của xứ người là thế chăng!” (Lâm Quang Thăn và Lê Công Thân không phải là người VN, không thuộc vào văn hóa VN ư?).

 

Nếu... Nếu... Nếu...

 

Vâng còn rất nhiều cái nếu khác nữa nhưng ông jà mít đặc ở xứ người đã mệt rồi. Mà có nói thêm thì cũng chỉ bằng thừa thôi, nhứt là nói chuyện với... cô hồn.

Tóm lại, đọc và hiểu không nhất thiết phải đi đôi.

Đọc nhiều (nếu thực sự có đọc) nhưng hiểu được nhiều thì lại là một chuyện khác. Chưa đọc qua Roland Barthes, Umberto Eco, nhưng chằc đã nghe/ đọc/ học lóm Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn về “Hậu Hiện Đại” và “tác giả đã chết” nên bắt chước cho nó... xang chọng!

Hễ có một, hai ông tây ở bên Tây, ở bên Ý la toáng lên rằng “tác giả đã chết” thì độc giả phải tức tốc tổng luận rằng các tác giả đều nhắm mắt xuôi tay tựa “xác thù như lá mùa thu rụng” hay sao?!

 

Tới đây, xin phép để qua một bên các lý thuyết văn học thời thượng — vì không thể tóm lược trong vài dòng — để phản biện một bài viết chỉ cóp nhặt rồi tung ra các khẩu hiệu (“tác giả đã chết”, “dòng chảy ý thức”) nhưng không có phân tích dẫn chứng — mà chỉ xin thưa rằng: “Tác giả” không những chưa chết mà trái lại đã sinh sôi nẩy nở, chí ít là vì đã có nhiều nhà văn nhà thơ sử dụng các bút danh khác nhau để viết.

Vài thí dụ:

Fernando Pessoa = Alberto Caeiro = Ricardo Reis = Álvaro de Campos = Bernardo Soares = C. Pacheco

Georges Sim = Georges Simenon

Boris Vian = Vernon Sullivan

William Irish = Cornel Woolrich = George Hopley

Jacques Laurent = Cécil Saint-Laurent, v.v...

 

Cuối cùng, xin thưa: Lâm Quang ThănLê Công Thân đã làm đúng. Bởi vì họ đã “đối diện với văn bản” “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” để phát họa một “bức chân dung robot” về một... cái xác không hồn... trúng phóc, y hệt!

 

 

---------------

Bài liên hệ:

31.03.2010
[VĂN HỌC] ... Chán chường nhất là những cụm từ “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đó là những cụm từ mà các nhà lý luận văn học đầy “tính Đảng”, “tính nhân dân”, đã đem ra để chê bai, kết án những tác phẩm lãng mạn thời 1930-1945. Thế rồi suốt hơn nửa thế kỷ qua, bao thế hệ học sinh từ mái trường XHCN chui ra lại tiếp tục lải nhải những cụm từ đó. Trong mắt họ, hầu như bất cứ cái gì thiếu “tính Đảng”, thiếu “tính nhân dân”, không hồ hởi ca tụng Đảng và Nhà nước thì đều có thể dán cho những cái nhãn “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan” ... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm hứng để HL viết bài này xuất phát từ sự trì trệ của thơ VN hiện nay, HL muốn tìm hiểu xem con đường thơ Việt đã trải qua là con đường thế nào, để có một cái nhìn vào tương lai. Tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL. Những nhà nghiên cứu, nhà thơ và bạn đọc khác sẽ có cái nhìn khác. Mỗi người chỉ có thể nhìn thấy một phía của chân lý... (...)
 
30.03.2010
[VĂN HỌC] ... Khóc Hoàng Lan là khóc cho cả nền giáo dục Việt Nam. Khóc tiễn đưa tang đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng của các cây viết lách được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vô cùng thân yêu. Khóc cho sự đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ... (...)
 
29.03.2010
[VĂN HỌC] ... Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước... (...)
 
27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021