tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Hoài niệm... Ôi hoài niệm tuyệt vời...  [đối thoại]

 

Vang bóng một thời... Sài Gòn Năm Xưa... Ði tìm thời gian đã mất...

Chiếc bánh madeleine... Chén trà trong sương sớm... Tạp pín lù...

Hoài niệm... Ôi hoài niệm... Tuyệt vời...

 

Cảm ơn các bác Nguyễn Tôn Hiệt, Phạm Long, Huỳnh Văn Nhơn, Lưu Xuân Thịnh đã gởi tư liệu và bài viết để tưởng niệm Givral trong mục Ðối thoại rất thi vị. Thảy đã do cái vẫy tay “tiễn em” rất ngoạn mục của nhà thơ Ðỗ Trung Quân.

 

 

 

Nhân đây, cũng xin phép hai bạn Quân và Biên để tiết lộ với độc giả (cho thêm dzui) rằng trong hai bức ảnh bên trên — do họ Ðỗ cung cấp — có bóng dáng của hiền thê/bà đầm của nhà thơ Hoàng Ngọc Biên. Đó là dịch giả Nguyễn Thu Hồng (người đã dịch nhiều tác phẩm quan trọng của Jean-Marie Gustave Le Clézio, Shmuel Yosef AgnonJean Tardieu), lúc “tóc nàng hãy còn xanh chưa thành búi”. Nguyễn Thu Hồng bên tay phải, trong ảnh 1, với chiếc áo dài tha thướt. Và Nguyễn Thu Hồng bên tay trái, trong ảnh 2, với tấm áo đầm nữ sinh.

Ba cô teen. Ba cô tiên. Ba cô tiến... bước “như cánh vạc về chốn xa xôi” đã bị/được ông phó nhòm và máy ảnh “đông lạnh” (freeze) vĩnh viễn trong không gian và thời gian của một buổi sáng, trưa, hay “chiều Sài Gòn trời xanh mây trắng”.

 

Chụp ảnh photo-stop cạnh quán Givral — hôm sau sẽ giao/lấy ảnh — là một cái thú vị/bực mình tuy bất chợt mà không bất ngờ. Bực mình thì xua tay lắc đầu tránh né qua một bên, từ chối không nhận thẻ. Thú vị thì hôm sau mang thẻ trở lại lấy ảnh để xem mặt mũi mình ra sao khi dạo phố, để giữ làm kỷ vật. Ảnh nào xinh thì cho vào an-bum. Hình nào xỉn thì cho vào... sọt rác.

Chụp ảnh photo-stop là một cái nghề nhẹ nhàng để kiếm sống. Vào thời kỳ đó máy ảnh còn hiếm và rất đắt. Tất nhiên, khi bị/được bấm ảnh bất thình lình như vậy, không ai nghĩ đến cái giá trị “tư liệu lịch sử” của ảnh trong tương lai, mai hậu.

Alain Delon năm 17 tuổi (1953) đăng lính hải quân, khi ghé bến Sài Gòn (quần dài trắng, áo sọc xanh) bát phố Catinat (Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!) cũng có để lại một tấm ảnh photo-stop. (Tôi có cái hình này trong một cuốn sách nhưng tiếc thay không tìm lại được).[*]

Givral.

Givral đã vừa là khán đài vừa là sân khấu. Bởi lẽ kẻ ngồi trong quán thì ưa ngó... ra ngoài. Và bởi vì người đi ngoài phố thì hay liếc vô... bên trong.

Givral.

Givral không chỉ là cái “water hole” của một số văn nghệ sĩ “đài các” của Sài Gòn trước 75 mà còn là nơi gặp gỡ tụ họp của các “chính trị gia kiểu chính trị... chính em”, của quí ông dân biểu, nhà báo, nhiếp ảnh viên, phóng viên trong ngoài, của các điệp viên việt cộng nằm vùng, và chót nhưng không chét... của những khách hàng bình thường như tôi, thỉnh thoảng (lúc túi đầy) ghé vào nhâm nhi tách cà phê, chấm mút ly kem dứa (khóm) và, nếu may mắn, gặp được một kẻ nào “bắt mắt mình” thì đá lông nheo chơi... vài phút.

Ðó là cái thời vang bóng, khi tôi còn là một cậu học sinh, một anh sinh viên nghèo mà ham... chơi và không ham học. Thời “Mỹ-Ngụy”, khi đã đi dạy và đã có đồng lương công chức rồi, thì tôi lại khăn gói dời đô xuống quán kem Hà Nội đèn mờ để mơ... làm thi sĩ. Rồi Nam tiến thêm vài bước nữa, xuống tới quán kem Mai Hương ở góc đường Lê Lợi-Pasteur đối diện rạp Casino Sài Gòn, vì tôi mê một chị bán thuốc lá... Mỹ. Ngồi trong quán kem Mai Hương cũng thoải mái hơn vì quán rộng, thoáng, và ít... khách. Mà cũng để có một tầm nhìn “đại vĩ tuyến” ngắm cảnh nhân tình thế thái, ông đi qua bà đi lại, cô bước tới cậu bước lui, chim bay xe chạy lá nhảy, nắng đổ mưa tuôn gió lùa trên thủ đô... Hòn ngọc của Viễn Ðông.

 

            Adieu Givral...

            Bonjour Givral...

 

            Givral ơi, vĩnh biệt...

            Givral ơi, bắt tay...

 

 

_________________________

[*]Xin góp vui: Để đền bù cho tấm ảnh chàng tài tử/lính thuỷ Alain Delon bát phố Catinat mà anh Nguyễn Đăng Thường không tìm lại được, tôi xin tặng anh tấm ảnh chàng chụp chung với các bạn thuỷ quân trong Compagnie de Protection de Saïgon (Đại đội Phòng vệ Sài Gòn) năm 1953. Trong ảnh, Alain Delon ngồi ở giữa. [Hoàng Ngọc-Tuấn sưu tầm]

 

 

 

 

---------------

Bài liên hệ:

23.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Tôi cứ tưởng cái tư duy “ngạo mạn” ấy chỉ có thể có nơi một số ít người, và trong một giai đoạn dài lắm là một thập niên — những ngày đầu còn say thắng lợi. Sau 35 năm, nhìn quanh, con người sẽ bình tĩnh hơn trong cách nhìn nhận vấn đề. Thú thật khi đọc bài “Givral” của anh/chị tôi mới nhận ra... nó vẫn chẳng khác xưa là mấy. Chết thật!... (...)
 
22.04.2010
[THƠ & HIỆN THỰC] ... Có người vừa bảo tôi “Tiệc tùng, ăn chơi nhảy múa, chỗ nào cũng thấy cái bản mặt, đang sướng thế lại muốn chê rượu mời. Muốn rượu phạt? Sướng quá hóa rồ à?” làm giật thót cả người, sợ hết cả vía, xanh tái cả mặt mũi suốt mấy hôm nay. Bảo không sợ là nói dối ạ... (...)
 
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Cái quán đơn sơ của cô Phụng ở xóm nghèo tỉnh lẻ là một hoài niệm đẹp đẽ trong ký ức của tôi, cũng như cái quán sang trọng Givral ở góc phố Catinat ngày nào là hoài niệm đẹp đẽ trong ký ức của các nhà thơ Sài Gòn. Hoài niệm làm dâng lên cảm xúc trong tâm hồn ta một cách tự nhiên, không hề mang tính giai cấp. Hoài niệm không phải là một trò chơi trưởng giả. Khi tính nhân văn của cuộc sống không còn nữa thì mới có những kẻ mang chiêu bài giai cấp ra để xúc phạm đến những hoài niệm thanh tao và đẹp đẽ của các nhà thơ... (...)
 
21.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Bài “Givral” của Đào Đào / thiệt là man mác một màu... đấu tranh! Đấu tranh giai cấp! Chỉ tiếc là Đào Đào đấu tranh giai cấp trật lất. Ai mà lại đi đấu tranh giai cấp với một quán cà phê và mấy ông nhà thơ tay không tấc sắt! Nếu muốn đấu tranh giai cấp vì “Lúc ông Tây ngồi nhâm nhi ly cà phê trong Givral / Người nông dân xứ tôi bì bõm bì bõm tìm cái sống”, thì sao lại không đấu tranh vì những lý do lớn lao hơn?... (...)
 
20.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Cái Givral của các anh / Chán quá!!! / Lúc ông Tây ngồi nhâm nhi ly cà phê trong Givral / Người nông dân xứ tôi bì bõm bì bõm tìm cái sống / Còn anh / Áo đầm xanh áo đầm vàng / Chờ đợi những con ruồi bay qua không gian / Thưởng thức một thời tuổi vàng... (...)
 
19.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... kỷ niệm [chưa chửa] hoang [tưởng] / lịch sử [cha chả] cà tàng // givral... givral... / nhà [hàng] tan nước [sông] cạn // nay [tao mày] không khóc / khi [chúng nó] hành quyết givral / mai [ai còn] khóc sài gòn??? / mốt [đứa nào] khóc việt nam???... (...)
 
16.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... nhắn nhủ với những ai yêu thích văn nghệ văn hoá thực sự và thực tình rằng từ nay hãy nhớ hãy nhớ hãy nhớ hãy nhớ mãi nhớ mãi nhớ mãi và truyền tụng đời đời kiếp kiếp ba cái tên givral portail pagode nhưng đừng khóc cho chúng ta nhé sài gòn ơi... (...)
 
13.04.2010
[VĂN HOÁ & XÃ HỘI] ... Xin gửi đến anh Đỗ Trung Quân và những ai đã từng ngồi ở Givral những năm trước 75 vài kỷ vật nho nhỏ, như “một chút gì để nhớ”... (...)
 
12.04.2010
Quán cà phê Trieste ở San Francisco cứ ám ảnh tôi mãi... Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những quán cà phê của mình, những nơi lẽ ra cũng phải trở thành địa chỉ văn hoá, phải được gìn giữ và bảo tồn cho một thành phố thu hút du khách mọi nơi không chỉ vì cái danh xưng cố tình bị thu nhỏ – thành phố “kinh tế” – mà còn ẩn hiện, nhưng là ẩn hiện tràn lan, đầy ấn tượng trong cuộc sống tinh thấn của nhiều thế hệ thanh niên, những cánh cửa văn hoá tưởng như không toan tính nào có đủ sức niêm phong, hay xoá mờ... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021