tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhà nghiên cứu, đoá lan rừng & nụ cười sơn cước  [đối thoại]

 

GS Trần Quang Hải: “Không ăn nước mắm đâu có thể gọi là người Việt”.

 

Chàng thanh niên lãng mạn Tô Hải mang súng và đàn tới các bản thượng làm “cách mạng”. Lúc chàng rời dải núi Kim Bôi chàng đã mang theo “nụ cười sơn cước”. Tim chàng sẽ không/đã chưa “phai mờ hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trắng, một chiếc vòng sáng long lanh với nụ cười nàng quá xinh”. Nhưng buồn thay, từ ngày anh bộ đội đến rồi vội vã ra đi không hẹn ngày trở lại, “chiếc thắt lưng xanh, chiếc khăn màu trắng trắng, chiếc vòng sáng long lanh và nụ cười nàng quá xinh” ngày càng phai mờ cho đến lúc chúng phai tàn hẳn.

“Chiếc thắt lưng xanh, chiếc khăn màu trắng trắng, chiếc vòng sáng long lanh và nụ cười nàng quá xinh” của “một chiều xuân chia phôi mây mờ giăng xuống núi đồi” nay đã trở thành mấy bộ đồ ba ba đen trắng đã ngả mầu tái tê và chiếc nón lá che nắng che mưa lụp xụp, ngồi xệp bên mép đường khói bụi mù mỗi buổi sáng, mong có người tới thuê làm lao động ngày, như tôi đã hân hạnh “được” thấy trên một tấm ảnh đăng trên VietNamnet hay VnExpress gì đó.

Mặt khác, nhân danh “văn hoá và âm nhạc”, các nhà nghiên cứu “nhạc cổ truyền” — “cây cổ thụ” Trần Văn Khê, “cây cổ thụ” [trẻ] Trần Quang Hải — đã tới chiêm ngưỡng đoá lan rừng “cồng chiêng”. Nghiên tới. Cứu lui. Nghiên mặt tiền. Kíu cửa hậu. Hiếp mãi trên cái chõng tre “đậm đà bản sắc dân tộc” cho tới khi nó trở thành một cái thây ma... “vang danh thế giới”.

Khi “cách mạng thành công”, đoá lan rừng được... “giải phóng” khỏi núi rừng. Bị bứng gốc. Bị rứt khỏi cành. Được mang về treo lơ lửng trong khu vườn thượng uyển “Văn Hoá Cổ Truyền” cho du khách thập phương — nhất là từ phương tây tới chơi gôn ực bia ôm — ngắm nghía mua vui vài phút, trong khi các buôn làng bản thượng đang ngập tràn máu lửa... bôxit.

“Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hoá quý giá đã được UNESCO công nhận”, GS “cây cổ thụ” [trẻ] Trần Quang Hải long trọng tuyên bố. Tuần Việt Nam hãnh diện ghi thêm: “GS Hải chính là người đã tìm ra và đưa đàn môi H'Mông đến diễn đàn âm nhạc thế giới. GS Hải vừa về Việt Nam chủ trì Hội nghị âm nhạc truyền thống quốc tế được tổ chức tại Hà Nội.”

Khi trả lời phỏng vấn của Tuần Việt Nam, GS “cây cổ thụ” [trẻ] Trần Quang Hải đã dõng dạc “lên tiếng”:

Chính vì sau khi kiệt tác được vinh danh, các công ty du lịch thương mại muốn khai thác di sản theo góc độ lợi nhuận mà làm sai lệch đi màu sắc, phong cách cổ truyền của nhạc dân tộc. Cồng chiêng Tây Nguyên cũng thế, sau khi được UNESCO vinh danh Kiệt tác văn hoá phi vật thể năm 2005. Nhưng từ đó đến nay cồng chiêng không có được những chương trình đúng đắn để gìn giữ. Cái sai thứ hai, thế hệ trẻ đang cố “cải biên” những cồng chiêng cổ cha mẹ để lại bằng cách lấy dao cạo, gọt mỏng đi để chỉnh lại âm giai của chúng. Thay vì âm giai cổ truyền mang âm hưởng núi rừng đặc trưng thành âm giai thất cung (Đồ, rê, mi, pha, son, la, si, đô) để có thể chơi được các rock, hip hop... từ phương Tây. Các nhạc công bây giờ đóng các khung, gắn cồng chiêng vào các khung đó, một người đánh cá bộ chiêng, thay vì cả chục người đánh như trước.

Bravo. Thời “thực dân Pháp” các sắc tộc chí ít cũng được sống an vui và tự do trong không gian riêng rẽ, đặc thù của họ. Không bị/không được/không cần ai tới quấy nhiễu làm phiền, nghiên kiếu nghiên kiếc cái chi chi cả.

Ước chi, nếu đã không có những kẻ “chinh phục” “xâm lấn” — các “nhà nghiên cứu” nọ kia, các “ngài giáo sư” dạy nhạc ở đại học kia nọ, các “cây đa cây đề” quý báu của đất nước “một ngàn năm Thăng Cọp” (chữ của Nguyễn Thị Sương) — tới ngắm nhìn rồi cướp giật để làm “của riêng” [do mình “phát hiện”] những nhạc cụ của đời sống thường nhật, thành những “kiệt tác” cổ truyền khiến chúng “vang danh thế giới”, thì đoá lan rừng cồng chiêng kia, và nụ cười sơn cước nọ, vẫn đều đặn nở ngày thay vì bị hủy diệt đến tuyệt chủng như ngày hôm nay.

Văn hoá để làm gì?

Văn hoá để cho ai?

 

 

--------------

Bài liên hệ:

15.08.2010
[CHUYỆN... NƯỚC MẮM] ... Sở dĩ có bài đối thoại ba lăng nhăng dài dòng “tình tự dân tộc mít” này chỉ vì ngài cọp con đã tuyên bố một câu xanh rờn, tuy hơi bị... cũ mèm, rằng: “Không ăn nước mắm đâu gọi là người Việt”... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021