tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thơ nhạc, nhạc thơ... con bò  [đối thoại]

 

Phạm Duy có phổ nhạc một bài thơ của Đỗ Quí Toàn: “Mùa xuân yêu em” (“trên cánh đồng cỏ / có con bò kia / nó kêu bò bò / và nó ăn 'cò'”). Tuy thế, và với tôi, bài thơ dù quá ngọt ngào của chàng thi sĩ vẫn hay hơn (khi đọc không thành tiếng), vẫn đẹp hơn bài nhạc của bác nhạc sĩ (khi nghe ca sĩ hát to). Thực ra, phần lớn các bài thơ hay, khi trở thành ca khúc, nếu không xoàng xĩnh thì cũng chỉ nghe được mà thôi (“Tiếng thu”, “Cô hái mơ”), thậm chí có khi nghe mà... điếng cả hồn vía, chẳng hạn như bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa”. Bài ca dao mộc mạc, hơi châm biếm (hay trách móc?) cái anh nhà quê cù lần để lỡ cơ hội trăm năm một thuở, đã được/bị bi thảm hóa nên nghe mà “sởn tóc gáy”, chí ít là với tôi.

Bài “Màu tím hoa sim”, Phạm Duy viết nhạc, cũng thuộc loại này. Pha trộn giọng trữ tình ta thán với nhạc kèn hành quân, tới nay tôi vẫn chưa có can đảm nghe trọn bài. Ngoài ra, trên bình diện văn chương, thi phẩm của Hữu Loan hơi bị cải lương, theo thiển nghĩ của tôi. “Mùa thu chết”, “Thu ca điệu ru đơn” cũng nằm trong trường hợp này. Hai bài thơ ngắn, giản dị, đầy tính nhạc của Apollinaire và Verlaine, đã được/bị bi thảm hóa, gượng ép kéo dài cho thành một bài nhạc nên hơi bị chói tai. Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Như bài “Về miền trung”, Phạm Duy phổ nhạc thơ Hà Huyền Chi, và vài trường hợp khác nữa, nhưng tiếc thay tôi không nhớ hết. Tôi chỉ nêu ra thử vài thí dụ nên dĩ nhiên không thể tránh thiếu sót.

Thơ Rimbaud, thơ Genet, nhạc sĩ Pháp viết nhạc cũng thất bại. Trừ vài bài, như bài “Saltimbanques” (nghệ sĩ hát dạo dắt con gấu biết làm trò qua xóm qua làng có lũ trẻ chạy theo) của Apollinaire, do Louis Bessières phổ nhạc, nhứt là qua tiếng ca tuyệt vời của Yves Montand. Bài “Les feuilles mortes” (Mùa lá chết) lời thơ Jacques Prévert, do Joseph Kosma phổ nhạc, là một thành công lớn. Tôi để qua một bên một số các bài thơ tiếng Pháp ngắn hơn, phổ nhạc nghe được (hay khá thú vị) tùy tai người nghe.

Ca khúc “Áo lụa Hà Đông” cũng xoàng xĩnh, thật ra chỉ mượn lại ý của hai bài thơ Nguyên Sa gộp chung làm một. Tôi không thích bài thơ “Áo lụa Hà Đông” và thơ tình lãng mạn, tình khúc lãng mạn của ta nói chung vì chúng quá ướt át, ủy mị: “tình anh như liễu sầu bên thác...” / “em đi chiều thu ấy / từng chiếc lá bay bay...”, “xin ghi ơn đời / trong cơn mê này / gọi mùa thu tới...”

Thơ dễ phổ nhạc (thích hợp) không phải/không cần là “thơ hay”, mà nên thuộc loại thơ kể lại một câu chuyện tình “đau thương” có đầu có đuôi, sến đặc hay sến lỏng, là thượng hảo hạng. Tuy vậy, thơ tình của T.T. Kh. có tí tự trào “nếu biết rằng tôi đã có chồng / trời ơi người ấy có buồn không...”, và thơ tình Nhã Ca có tí bướng bỉnh “tôi ra khỏi từng ấy năm / không nhìn lại...” / “tôi chết không cần ai nhớ ai thương...”, nên khó moi nước mắt như “Em ra đi mùa thu” hay “Tiễn em”, v.v...

Vài hàng đóng góp cho thêm... chật đường dư luận. Tôi khó tính? Nói bậy bạ? Nếu vậy thời thành thật xin lỗi... nha! Và xin... đa tạ!

 

 

-----------------

Bài liên quan:

18.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Tôi không thấy những bài thơ được phổ nhạc của Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên có chỗ nào “lý trí quá” như Phạm Duy nói. Đúng ra phải nói đó là những bài thơ đầy xúc cảm, đầy tình cảm dạt dào cho đất nước, con người... (...)
 
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... .. Biết đâu những tra vấn lơ tơ mơ của tôi như thế này sẽ dẫn đường cho một chuyện hay một điều gì đó cần phải tra vấn khác, có khi là quan trọng hơn thì sao? Một cách cụ thể hơn, tôi thấy ông ấy nói “không thật” thì tôi tra vấn, hay nói như chị là “vặn vẹo”, để đi tìm sự thật chứ để làm chi nữa thưa chị?... (...)
 
17.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Nhạc sĩ chọn một bài thơ để phổ nhạc trước hết là do ông ấy thích bài thơ đó. Còn ông ta không chọn bài nọ bài kia vì ông ta... không thích những bài đó, không có cảm hứng... (...)
 
15.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Làm gì có chuyện một con người duy lý mà lại chạy làng trước những bài thơ “lý trí quá”... (...)
 
09.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Cách đây 13 năm, mình được một anh bạn mời tới nhà ăn mừng tân gia. Mục đích là để khoe nhà, sẵn khoe luôn dàn máy Karaoke mới sắm. Chủ nhà hát liên tiếp 5 bài hát mở hàng dàn máy. Lúc đó mình như thấy tuần tự hình ảnh Phạm Duy - Trịnh Công Sơn - Từ Công Phụng - Lê Uyên Phương và Cung Tiến ngã lăn đùng ra chết giấc... (...)
 
08.10.2011
[VĂN HOÁ CA NHẠC] ... Hát karaoke — đây là đang nói về karaoke đàng hoàng, chứ tuyệt nhiên chẳng có dính dáng gì đến karaoke ôm bậy ôm bạ như ở Việt Nam — cũng có thể được xem là một sự bùng nổ dữ dội, ít ra là tại những nơi có người Việt mình tại Mỹ... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021