tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ngô nghê ta hát... nghênh ngang  [đối thoại]

 

Ở đời có lắm cái khôn liền.

Rất cám ơn anh/chị Chu Hà đã đọc và phản hồi về bài viết “Còn nhớ hay đã quên?“ của tôi, tôi viết nhân ngày trở về nước trình diễn, trình làng của ca sĩ Khánh Ly sau 40 năm xa quê, trong đêm 9/5 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Bài đối thoại của Chu Hà đáp ứng nguyện vọng mở rộng thêm đường dư luận của tôi, khi tôi gõ phím.

Lối viết đối thoại của Chu Hà rất minh bạch. Nhẹ nhàng. Dí dỏm. Duyên dáng. Cười cợt mà không khiếm nhã. Có pha trộn thêm vài tiếng Anh rất đúng mốt, đúng gu thời thượng trong ngoài, kiểu “quá date”, “3h30”... dù tiếng Việt có “quá hạn”, “3g30”... Thiệt tình. Thiệt tâm. Thiệt đúng. Tuyệt mỹ và tuyệt vời. Trăm trận trăm thắng.

Nói thiệt, trong quá khứ tôi chưa có dịp đọc sáng tác hay đối thoại của Chu Hà. Sáng nay vào Tiền Vệ, nhìn lướt qua thấy cái tựa bài đối thoại của Chu Hà, tôi chợt nghĩ chết mẹ mày rồi, hình như bài đối thoại có liên hệ đến bài đối thoại của mày. Tôi vào đọc quả đúng vậy, và khám phá cái tài của Chu Hà. Và cái tật của tôi. Ngô nghê, ngốc nghếch coi trời hổng bằng vung.

Tuy nhiên, xin phép cho tôi được nói rõ thêm. Cũng trong tinh thần khai thông xa lộ in-tờ-nết trong ngoài. Rằng tôi đã không nghe tin vịt cồ hay nghe tin nhảm nhí, của ai hết hay từ đâu cả, khi sử dụng hai từ hiện tượngbiểu tượng. Xin thưa, hai từ đó đã có mặt trong bài đối thoại, là qua suy nghĩ rất chín chắn, và qua suy luận rất chính xác, của tôi khi tôi gõ phím viết. Chu Hà, nếu có thì giờ, xin vui lòng vào đọc kỹ hơn bài đối thoại của tôi.

Khi phản hồi tôi, Chu Hà đã nhấn mạnh rằng: Khánh Ly nếu có là hiện tượng và biểu tượng thì CHỈ (Chu Hà nhấn mạnh) là “một hiện tượng, một biểu tượng của một thời đó... đối với một số đám đông nào đó”. Tôi rất đồng ý với Chu Hà về điểm này.

Nhưng cũng xin nhắc lại, tôi có viết: “cặp đôi Khánh Ly-Trịnh Công Sơn dù muốn dù không đã dính líu tới chính trị”, nghĩa là hiện tượng và biểu tượng tôi đã nói đến, gồm cả Khánh Ly và Trịnh Công Sơn. Tất nhiên “hiện tượng” và “biểu tượng” nào cũng thuộc về một thời kỳ và một số người. Nhưng “hiện tượng” và “biểu tượng” Khánh Ly-Trịnh Công Sơn ở cái thời kỳ trước 75, vẫn chưa thật quá xa xôi, và “một số đám đông nào đó” (chữ của Chu Hà”), nhiều vị vẫn còn sống, kể luôn tôi và Chu Hà, trong hay ngoài nước.

Đó là chưa kể hệ quả cánh bướm, hoặc nói đi nhắc lại trong đời thường, trong văn chương, văn nghệ, văn hóa về cái thời điểm đó. Và nếu đẩy xa thêm, dù chỉ thêm một tí xíu thôi, thì tên tuổi Khánh Ly-Trịnh Công Sơn, hay Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, đã đang và sẽ trở thành “huyền thoại”, hay chí ít thì cũng là “giai thoại”. Mà cả hai cái “thoại” này đều sẽ khó chết.

Như tôi có nói trong bài đối thoại của tôi , tôi đã “dứt khoát” với tiếng hát Khánh Ly và ca khúc Trịnh Công Sơn lâu rồi. Và có thể nhiều người khác nữa, trong đó tất nhiên phải có Chu Hà, đã “dứt khoát”. Nhưng dù muốn hay không, “huyền thoại” Trịnh Công Sơn-Khánh Ly không chỉ sống dai, mà càng ngày càng thêm nhiều chi tiết ly kỳ. Điều này chứng minh sự sống của huyền thoại.

Thật ra bài đối thoại của Chu Hà, phản ứng lại bài viết của tôi, đại khái chỉ dựa trên lập luận tiếng tăm Trịnh-Ly chỉ “quanh quẩn trong ba cái ao làng”. Tựu trung, đó cũng là lý luận kiểu gọi Khánh Ly là “xướng ca vô loài”, của cây bút nữ mà tôi đã cực lực phản đối, trong bài đối thoại của tôi.

Ngược lại, tiếng vang của tiếng hát và của tiếng nhạc Janis Joplin và The Beatles, thì có thể cũng chỉ quanh quẩn mấy cái bể bơi, không đông người lắm của thế giới. Một “fan” của Ly-Trịnh có thể chưa từng nghe Joplin và Beatles lần nào. Và ngược lại.

Thiển nghĩ của tôi là trong mỗi con người Việt Nam thuộc giới trí thức trung lưu thành phố khắp ba miền đất nước, đều có nửa ta nửa tây. Hay ngược lại, nửa tây nửa ta, tùy thuộc vào sự ngang bằng, hay chênh lệch giữa hai cái nửa đó, sau khi người Pháp đến nước ta, mang theo văn hóa và văn minh Tây phương. Con người Việt Nam tạp chủng và đa văn hóa. Tôi mang hai dòng máu: Việt và Tàu. Ba phần Việt phía bên nội, một phần Tàu phía bên ngoại. Bên nội ở miền Bắc xa xôi. Bên ngoại ở miền Nam yêu quý. Tôi biết hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Tôi có lối sống, tư duy, cách hành văn Việt nhiều tây hơn ta.

Khác với Chu Hà, tôi không mặc cảm, không tự sỉ vả mình “vong bản”, “sính ngoại”, “diêm dúa”, “chảnh”. Tôi cũng không hãnh diện về cái “tây” của tôi. Tôi là tôi. Thế thôi. Như Juliette Gréco hát nhạc Léo Ferré: Je suis comme je suis/I am like I am. Ai muốn nghĩ thế nào về cái tôi của tôi thì là chuyện riêng của họ.

Tôi là một người đồng tính trong tình dục qua đường với những người Pháp trong giới giáo sư, sứ quán, lãnh sự ở Sài Gòn trước 75. Nhưng tình yêu, chỉ vỏn vẹn một hai lần tình dục trong những ngày đầu gặp gỡ, với người tình về sau sẽ trở thành bạn đời của tôi, là một nhà báo người Anh. Chúng tôi đã may mắn được gặp nhau ở Sài Gòn vài năm trước Tết Mậu Thân. Đã chung sống trong căn phố của tôi ở ngay sau sứ quán Đức trên đường Võ Tánh, gần chợ Thái Bình, vào thời kỳ ca khúc da vàng phản chiến của ông nhạc sĩ họ Trịnh, và lúc đó phong trào sinh viên yêu nước hát cho đồng bào tôi nghe, nghĩa là cũng phản chiến, đang dâng cao ở thủ đô miền Nam, do ảnh hưởng trực tiếp của nhạc Trịnh Công Sơn, và ảnh hưởng gián tiếp của sinh viên Mỹ phản chiến biểu tình ngồi trong khuôn viên Đại học Berkeley, hát nhạc Bob Dylan, nhạc Joan Baez.

Tôi có đưa anh bạn phóng viên tới quán Queen Bee nghe, xem Khánh Ly trình diễn. Anh có kể lại đêm nghe nhạc đó trong chương cuối của cuốn truyện The Mother-of-Pearl Men, anh viết về Việt Nam. Chương cuối này tôi có dịch sang tiếng Việt, “Cô ca sĩ phòng trà Queen Bee“, và đã được Tiền Vệ đăng. Tiếng hát Khánh Ly lúc đó đã bị/được thương mại hóa. Nhưng trong cuốn truyện, bạn tôi đã muốn mô tả lại hình ảnh cô “ca sĩ học trò” hát những tình khúc yêu quê hương của Trịnh Công Sơn trong khuôn viên đại học Văn Khoa, dù ngay cả lúc đó cũng đã có một cô cán bộ cộng sản nằm vùng trà trộn toan đoạt sô. Tôi chỉ nghe tin đồn, nhưng chắc chắn không là tin vịt cồ, hay tin nhảm nhí.

Tôi xin để qua một bên ảnh hưởng của các ca khúc phản chiến trên tinh thần binh sĩ miền Nam, cũng như việc tại sao chính quyền Sài Gòn đã không cấm các bài hát đó. Tuy thế, vẫn xin nói thêm rằng chính quyền Sài Gòn không độc tài trăm phần như chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ. Thời Ngô Đình Diệm độc tài hơn, bà cố vấn Ngô Đình Nhu có cấm các ca khúc “ủy mị” hướng về Hà Nội. Sau vụ Cẩm Nhung bị tạt át xít rợn người, bà đã ra lệnh đóng cửa các vũ trường, tàn dư của thời Pháp thuộc “đồi trụy”.

Tôi biết nghe, có nghe, nhạc nhẹ, nhạc rock, nhạc pop, nhạc cổ điển, nhạc ô-pê-ra, và vẫn còn nghe trong những lúc rảnh rỗi hay khi muốn hoài niệm cái thời trẻ tuổi. Thời đó, mỗi tháng tiền lương học bổng tôi để ra vài trăm tới cái tiệm gắn “máy lạnh” bán dĩa nhạc ngoại quốc của Madame Bonneau phấn son loè loẹt, dầu thơm nghẹt mũi, đối diện quán Cái Chùa. Từ bên ngoài trời đang nắng chang chang bước vào tiệm muốn phát run. Thấy dĩa nhạc nào tôi cũng muốn ôm mang về nhà. Gréco. Brassens. Ferré, Maria Callas, Mario Del Monaco. Tchaikovsky. Beethoven. Mozart. Chopin. Puccini. Ngon trớn kể lể tùm lum tà la để khoe khoang chào hàng.

Tôi chưa nghe Janis Joplin vì dị ứng với cái chết do sử dụng quá liều chất ma túy. Bài Imagine của nhóm Beatles tôi có nghe vài câu đầu. Không nghe tiếp vì thấy nó quá dịu ngọt. Rồi cũng dị ứng luôn vì nó đã trở thành “nhãn hiệu” của cặp Ono-Lennon, cởi truồng nằm trên giường ngủ khách sạn để chống “chiến tranh xâm lược” của Mỹ với băng-rôn “Lyndon B. Johnson, how many children have you killed today?”. Và để bênh “chiến tranh giải phóng” của Hà Nội với khẩu hiệu “Ho Ho Ho Chi Minh”. Không thật chính xác theo các diễn biến đã thật sự xảy ra, nhưng đại khái là như vậy.

Bài Imagine, dù chưa nghe hết, nhưng tôi có thể phỏng đoán nội dung “nối vòng tay” tình ái thế giới của John Lennon, có thể cũng tương tự như “nối vòng tay” viễn khơi ba miền Bắc Trung Nam của Trịnh Công Sơn. Tất nhiên John Lennon chỉ tưởng tượng và yêu cầu mọi người cũng tưởng tượng như mình và hiền thê. Ono con nhà giàu, Lennon thuộc giai cấp lao động tay làm hàm không nhai. Khi chung sống với nhau cả hai đều chê tiền bạc, nhưng vẫn sống trong nhung lụa bạc tiền và danh tiếng. Không muốn thiên hạ nhận ra mình, ra đường Ono đeo cái kính râm to tổ bố nhìn cách xa mười mét cũng thấy rõ.

Chu Hà đã nhân danh tiếng hát Joplin, tình khúc Lennon, để hạ bệ tiếng hát Khánh Ly “chẳng là cái đing cái đoong gì cả... Khánh Ly, bà là ai thì hu ke?”. Chu Hà không “đi quanh quẩn ba cái ao làng để mà nghe” nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Tốt cho Chu Hà (dịch tạm câu “Good for Chu Hà”), cho độc giả mít “nô xì pí kinh en gờ lích” hiểu.

Trên một trang báo mạng trong nước, một tác giả viết nhận định về đêm hát duy nhứt của Khánh Ly ở Hà Nội có tiết lộ “ca sĩ Hà Anh Tuấn bảo anh được Khánh Ly tiết lộ riêng rằng năm 2000, Hiệp hội âm nhạc thế giới có cuộc khảo sát theo đó Khánh Ly là một trong 20 giọng ca nhạc Tango hay nhất thế giới”. Cái tin này, anh Hoàng Ngọc-Tuấn có cho biết là tin vịt và tin nhảm, vì chẳng có cái “Hiệp hội âm nhạc thế giới” nào mà “khảo sát” nhạc Tango vào năm 2000 cả! Thôi ta không nên vuốt má hồng của mỹ nhân dù chỉ vuốt nhẹ với một cành hoa.

Ông nhà báo trong nước viết tiếp: “Có khán giả đứng lên vỗ tay, có người hô tên nữ danh ca nhưng phần đông, họ muốn chiêm nghiệm về giá trị trong sự trở về của một người Hà Nội”. Giá trị gì, nếu không phải là giá trị “chính trị” trong sự trở về với “chế độ độc tài” của một người Hà Nội?

Tiếng hát Juliette Gréco là “hiện tượng” và “biểu tượng” của Saint Germain-des-Pré thời chủ nghĩa hiện sinh của Jean-Paul Sartre sau thế chiến thứ hai. Tiếng hát Al Jolson là “hiện tượng” và “biểu tượng” của thập niên 30 khi ca sĩ Mỹ da trắng hát nhạc jazz da đen lần đầu tiên. Tiếng hát Elvis Presly là “hiện tượng” và “biểu tượng” của ca sĩ da trắng hát nhạc rock-and-roll da đen lần đầu tiên thập niên 50 ở Mỹ. Tiếng hát Khánh Ly là “hiện tượng” và “biểu tượng” của ca sĩ hát nhạc phản chiến Việt Nam thập niên 60 ở Sài Gòn trong thời nội chiến.

Chu Hà nói “cũng như người ta đã quen đi xe Mẹc thì thật là khổ sở khi phải leo lên chiếc Ladalat.” Tôi thì chỉ mong được bước lên bất cứ cái xế nào cho đỡ mỏi đôi chưn vịt cồ già. Chu Hà khen, trong lãnh vực “chuyên môn hơn, hòa âm của nhạc Việt nói chung, hòa âm như thế, nhất là (trước “giải phóng”) thì làm sao nghe cho sướng đây, chưa kể là còn quá thấp kém để đem so với hòa âm Âu Mỹ”. Tôi trích gần hết nguyên văn vì tôi mê văn đối thoại của Chu Hà. Xin phép cho tôi được thưa gởi bậy bạ thêm rằng nghe chưa sướng nhưng hình như Chu Hà nghe không bỏ sót bài ca mít nào cả, nam hay nữ ca sĩ mít nào cả. Tôi dám chắc rằng Chu Hà nghe thanh nhạc Việt nhiều hơn tôi lúc còn trẻ và ngay cả trong lúc này.

Chu Hà nói “một khi người ta biết appreciate giọng ca của Janis Joplin thì ai hơi đâu tối ngày chỉ lảng vảng bên Khánh Ly cùng thời [với Janis Joplin]”. Xin thưa vào cái thời đó chưa có bán dĩa nhạc Joplin ở Sài Gòn thì làm sao mà nghe cho được. Tôi cũng đoan chắc rằng Chu Hà nghe Khánh Ly-Trịnh Công Sơn trước khi nghe Joplin và Beatles. Với các lý lẽ hùng mạnh ngon lành như vậy, thì tôi thiệt tình không hiểu nổi tại sao Chu Hà đã bỏ công để vào đọc bài viết của tôi, bài viết chỉ nhắm tới các độc giả ngang tầm với mình, nghĩa là để tâm đến các “vấn đề” Việt Nam trong ngoài. Tôi thiết nghĩ họ cũng không khác tôi mấy vì họ chưa biết “appreciate” giọng ca của Janis Joplin. Họ chỉ biết thưởng thức tiếng hát cây nhà lá vườn của Khánh Ly, nếu có cơ hội. Có thể Chu Hà là “hiện tượng” và “biểu tượng” cùa nhóm người phi thường nào đó, biết rõ và đã nghe nhiều hòa âm Âu Mỹ chăng?

Như đã nói ở trên, cá nhân tôi có nhị trùng bản ngã ta tây. Thời trẻ tôi thích ăn cơm tây khi gặp dịp và muốn làm sang. Nhưng trong xó bếp những hôm đói meo, lục cơm nguội ăn bóc với một miếng thịt kho, miếng cá khô thừa, thì tình quê hương, tình thương mẹ già nó rất mênh mông sông lúa mênh mông lúc trời mà rạng đông rạng đông.

Tôi biết thưởng thức phim Âu Mỹ để tránh nói là mê. Nhưng xem cải lương, nghe vọng cổ sáu câu mùi mẫn ràn rụa nước mắt dân gian miền Nam tình quê hương đơn sơ thì tôi cũng không chê. Hồi nhỏ không có tiền, mê cải lương chờ lúc xả giàn, vào coi cọp được màn chót. Trưng Trắc Trưng Nhị đánh Mã Viện vắt giò chạy vô rừng, mệt quá anh chệt thấy gốc cây ngồi xuống nghỉ chưn khựa, đâu dè đó là cái lưng cọp nên bị chúa sơn lâm xơi tái. Khán giả người lớn và con nít vỗ tay hò hét vang trời tình quê hương muôn năm.

Hai bà Trưng đeo kiếm báu, đội khăn hoàng hậu Nam Phương lên ngai vàng trước khi màn hạ. Khán giả ra về hả hê. Đó là chưa kể Thạch Sanh đu bay như Tác-Dăng nhưng bị đứt dây té cái phịch xuống sàn gỗ sân khấu. Đào kép nghèo không tiền thuê phòng khách sạn, nằm ngồi la liệt trên ban-công ban ngày. Tối đến khi đã vãn hát, thì nằm ngủ trên sân khấu. Thằng bạn của một thằng bạn tôi, gia đình làm gác dan cho rạp hát, nói Bích Thuận và Bà Đầm mái tóc ngắn đàn ông, bà bầu gánh Bích Thuận lúc đó còn lưu diễn, chờ đêm khuya khoắt làm cái chuyện đó mí nhau. Tất nhiên là tin vịt cồ nhưng nó hay hơn tin nhảm nhí.

Chị Ba tôi, sinh ở Hà Nội và sống tuổi “teen” ở đó, cho tới khi ba tôi chống Phạm Quỳnh theo Tây, bị đổi lên Nam Vang. Chị Ba nói các ông bầu gánh hát ngoài Bắc vào làng chọn mua con gái đẹp của các gia đình nghèo, đem về Hà Nội dạy ca hát. Khi trở thành đào hát ra mắt khán giả vài lần thì có người “rước” ngay. Bích Thuận xinh nhứt bọn, hay văn hoa hơn, Bích Thuận chỉ là á hậu hạng ba không kẻ đoái người hoài, nên mới có thể tiếp tục cái kiếp xướng ca vô loài.

Có thể chỉ là tin nhảm nhí vì gánh hát Bắc Kỳ làm sao mà hát cải lương. Nhưng oai nốt? Thành thật xin lỗi độc giả, vì tôi đã kể lể dài dòng. Nhưng muốn nhân dịp ngàn năm một thuở, ghi lại vài giai thoại về cái nghề ca hát cho người mua vui. Nếu không ghi lại, e khi nhắm mắt xuôi tay phải mang theo xuống tuyền đài, quá tải hành lý không tiền nộp phạt, thì không được leo lên chuyến tàu suốt, phải ở lại trần thế đời đời kiếp kiếp mình yêu nhau nhé suốt ngày nghe anh thì sẽ chịu không thấu.

Bà ngoại tôi theo chồng công chức bị thuyên chuyển ra Bắc, cũng có “mua” hai đứa bé, một trai một gái, thằng Phích và con Tiệc không là anh em, cha mẹ mang ra trả nợ cho chủ. Khi má tôi lấy chồng năm 16 tuổi, ngoại cho hai đứa tớ nhỏ đi theo, ở Hà Nội, lên Nam Vang, rồi theo về Cần Thơ nơi ông bà ngoại tôi có xây một biệt bên bờ sông để nghỉ hưu, khi ba tôi mất năm tôi lên một. Anh Phích về sau trốn nhà đăng lính Tây qua Pháp. Chị Tiệc, chị vú của tôi cho tới khi tôi lên 5, 6 tuổi, cũng trốn theo một anh thợ điện. Bị bà ngoại và má tôi bắt về hạch tội dưới bếp, chỉ có tôi là kẻ duy nhứt khóc rống. Tôi có viết mấy khổ thơ vần vè trong trang “Thơ bất tận” của tôi:

anh phích và chị tiệc
bố mẹ bán trừ nợ
bị ai mắng ai nhiếc
trả lại tôi tuổi thơ
 
thơ bỗng thoát ra ngoài
hiên cũ không mưa thu
thánh thót rơi sân ngoại
bàn tay trẻ sờ vú
 
mẹ tôi trong giấc ngủ
ngàn thu trong sương mù
tôi bước theo chân gã
du đãng tới cuối ga
 
a pô li ơi xinh
khúc ca gã lụy tình
ba lan vẫn xác xơ
quê cha anh có nhớ
 
con tàu đen lầm lũi
chở thời gian xuyên núi
thơ ai hay thơ tui
sao mà nghe bùi ngùi

Tôi biết thưởng thức Proust, Joyce, Faulkner. Nhưng tôi không chê Hồ Biểu Chánh, truyện Tấm Cám, truyện thơ lục bát Lý Thông Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa. Chúng là tuổi ấu thơ của tôi. Chúng đã tạo nên một phần lớn con người của tôi.

Chu Hà không cần biết Phạm Duy là ai. Ô kê, không có vấn đề. Tôi thì biết ca khúc Phạm Duy thời tiểu học chân đất, miệng mút mút cái cà-rem cây, buổi trưa nắng nóng trước cổng trường. Ôi nó thơm, nó ngon, nó mát miệng làm sao. Bên tai văng vẳng tiếng hát trên sông Lô thuyền ơi ta hát say sưa/quân Pháp tham ô ngày nào đã chết không mồ. Và tiếng gọi:

nào đoàn người vui vẻ gái cùng trai
đang say sưa tranh đấu cho ngày mai
muôn bước tiến nhịp hùng cường
muôn tiếng hát điệu quật cường
đi theo nhau đến phương trời tươi sáng
 
là đoàn người vui vẻ quyết xung phong
đây thanh niên ôm ấp sâu trong lòng
một lý tưởng: phụng thờ nước
một ý chí: bảo toàn nhà
một phong trào: tuổi trẻ đứng vùng lên
 
đoàn ta là sắc hồng tươi thắm
của bầu trời đỏ rực lửa đấu tranh
đoàn ta là sắc hồng tươi mới
của sao mai chiếu rạng ánh bình minh

Ca khúc này là của Phạm Duy, nếu tôi không nhớ bậy. Bốn mươi năm ánh sáng bình minh đã chiếu rọi trên quê hương. Lên đường mang ánh sáng văn minh tới thôn xa xóm vắng, hẻo lánh ba cái ao làng tôi đã uống ngụm nước trong, khi theo gia đình tản cư năm 1945, trốn lính Nhựt rồi trốn lính Tây, khi Nhựt cút Pháp trở lại Đông Dương.

Khi viết đối thoại, xin nói lại, tôi nhắm tới các độc giả quan tâm đến chuyện Khánh Ly về hát tại Hà Nội. Dù bị Chu Hà coi rẻ, nhưng chuyện Khánh Ly về nước là một “hiện tượng” và một “ biểu tượng” thật sự. Nếu không là biểu tượng, dẫu chỉ là biểu tượng vang bóng một thời đã về chiều, thì không ai “mời” khánh Ly về nước hát mà làm chi, với một số tiền thù lao kếch sù. Nó cũng là “hiện tượng” vì sự nôn nóng trong lúc đợi chờ, xôn xao khi đón tiếp Khánh Ly, khá rềnh rang. Khánh Ly về nước với một đoàn tùy tùng chăm sóc từ miếng ăn, thức uống, đến giấc ngủ. Nếu không như Nữ Hoàng Khả Ái của nước Anh, thì cũng là Nữ Hoàng Chân Đất Khánh Ly của nước Việt.

Chu Hà coi thường Phạm Duy. Nhưng trong một bài đối thoại thẳng với Duy Quang, con trai lớn của ông nhạc sĩ ngàn lời ca chịu chơi, Chu Hà đã phỏng đoán rằng danh tiếng của Phạm Duy-Duy Quang có thể đã lan lây qua tên tuổi Julie, nếu chính nó đã không tạo nên tên tuổi Julie Quang. Chu Hà tung hô Julie Quang: Với “Mùa Thu Chết”, theo như tôi thấy, chị đã thực sự “vùng lên” y như Jeanne d'Arc không bằng...

Một so sánh, có thể qua liên tưởng “vùng lên”, tôi thấy hơi bị lấn cấn, hơi bị kỳ cục. Jeanne d'Arc đứng lên để cứu nước. Chẳng lẽ Julie Quang “vùng lên” để cứu... nhạc Việt hay nhạc Phạm Duy? Tôi vào Tiền Vệ lướt thật nhanh các đối thoại của Chu Hà để “biết người biết ta”, hầu chuyển bại thành xuội, nói theo một câu nói vô duyên rất thịnh hành ở Sài Gòn trước khi nó trở thành Hồ Chí Minh xi-ty.

Đối với Chu Hà và một nhóm người khác, bộ ba Khánh Ly-Trịnh Công Sơn-Phạm Duy chả là cái thá gì cả. Chu Hà và nhóm người đồng điệu đó có thể xóa tên của họ dễ dàng như chùi vài chữ phấn trắng viết trên bảng đen.

Đối với một số đông gấp ngàn, vạn người, xin chỉ lấy con số khiêm tốn nhứt, thì tên tuổi của ba nghệ sĩ kia đã ghi vào tâm khảm của họ, và có thể cha truyền con nối. Thiếu nhi, giới trẻ, ca sĩ trong nước sẽ tiếp tục hát Em bé quê, Tình ca, Mùa thu chết, Diễm xưa, Tình nhớ, Hạ trắng..., nhứt là khi quê hương Việt Nam không còn chế độ độc tài. Nhưng đồng thời, tôi thiển nghĩ, họ cũng cần phải biết rõ, phải nhớ rõ lời nói, hành động của ba nghệ sĩ ấy lúc sinh thời. Như khi đọc thơ Tố Hữu, hay đọc Nhân Văn Giai Phẩm.

Nghênh ngang, nghênh ngang ta viết nghênh ngang...

Ao làng, giấy rộng ta cứ nghênh ngang sông hồ...

Chấm hết.

 

 

----------------

Bài liên quan:

14.05.2014
[ÂM NHẠC & CHÍNH TRỊ] ... Ở đời có lắm cái ngô nghê. Một trong những thứ ngô nghê nhất, theo tôi, do kinh nghiệm bản thân, là đi tin ba cái tin thiệt là nhảm nhí. Thứ nhảm nhí không thể nào nhảm nhí hơn. Vâng, cái tôi đang nói đây là tin nhảm nhí, chứ không phải là tin vịt cồ... (...)
 
11.05.2014
[ÂM NHẠC & CHÍNH TRỊ] ... Khánh Ly về nước có dám hát, có được cho phép hát “Huế Hà Nội ôi quê hương ta sao vẫn lầm than” hay không? Không thể viện cớ đứng bên lề chính trị, vì cặp đôi Khánh Ly-Trịnh Công Sơn dù muốn dù không đã dính líu tới chính trị... (...)
 
10.04.2014
[ÂM NHẠC & CHÍNH TRỊ] ... Trong cái đêm độc nhất ra mắt khán giả trong nước, tại Hà Nội, tôi thiển nghĩ, giá mà Khánh Ly khoác một chiếc áo dài đen, và đeo thập giá, thì sẽ tuyệt vời, ôi sẽ tuyệt vời biết bao... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021