tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Từ “Đại gia Gatsby” thành “Gatsby Đáng Thương”!  [đối thoại]

 

(Hôm nay tôi xin thử suy gẫm qua loa về “Gatsby con người hào hoa”. Tôi độc thoại trong mục Đối Thoại để tránh tai họa với “những lời lẽ không đẹp” có thể bất ngờ giáng xuống. Một lần nữa xin độc giả vô vàn kính yêu và luôn luôn bao dung — trừ vài trự — lượng thứ. Tôi là người ngoại đạo nhưng tin có Chúa — hay Phật — ngự trong tim mọi độc giả Tiền Vệ.)

 

Xin phép cho tôi được mở đầu bằng một câu tổng luận: Khi tiếp cận một tác phẩm văn học, nếu độc giả sử dụng tình cảm thì nhà phê bình phải sử dụng lý trí. Nhưng lằn ranh không rạch ròi, nên đã có những độc giả “thông minh” (sử dụng lý trí) và những nhà phê bình nông nổi (sử dụng tình cảm).

Loại độc giả/phê bình thiên về tình cảm thường có những... tình cảm đặt không đúng chỗ, tương tợ một khán giả “bình dân” xem cải lương, hát bộ, chửi mắng hay khóc thương cho một nhân vật trên sân khấu. Tới đây, tôi xin trở lại với nhan đề bài viết này bằng câu đáp: Chàng trẻ tuổi James Gatz không cần tình thương hại hay tình thương yêu của ai cả — nhứt là của một “độc giả” Việt Nam chưa chắc đã đọc qua tác phẩm The Great Gatsby dù chỉ một lần! — James Gatz chỉ cần tình yêu của Daisy, người yêu cũ.

Bởi lẽ James Gatz biết rõ hắn (xin gọi tạm như vậy) là ai, hắn mơ ước điều gì. Hắn rất “tự hào” (một cách nói) về cá nhân hắn. Và hắn bất cần/bất kể sự đánh giá về con người của hắn, nhất là khi sự định giá ấy đến từ “chủ nghĩa ba phải hiểu sao cũng đặng”. Khi trở thành “tỷ phú” chứ không phải “đại gia” Jay Gatsby chỉ có thêm tên, tiền, tuổi nhưng James Gatz hay Jay Gatsby trước sau vẫn là một, như bóng với hình không thể tách rời, do vậy lời khẳng định “và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz” của ai đó, là hoàn toàn... trật lất. Mặt khác, câu tuyên bố hàm hồ “cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không 'tuyệt vời' hay 'vĩ đại'” của ai đó, cũng... sai bét. Vì mơ ước của Gatsby cũng là ước mơ của Gatz. (Hãy đọc, rồi mới thấy!)

Đối với Gatz/Gatsby mộng ước đó không “dễ thương” hay “đáng thương”, hai tính từ thối hoăng mùi “đạo đức” (moralisant) và “thi ân” (condescendant) của một kẻ ngoại cuộc muốn làm “thày đời” xen vào chuyện người khác. Giấc mơ tình và giấc mơ tiền của Gatz/Gatsby tuyệt vời vì tình yêu và tiền bạc sẽ hợp chung lại, thành một “lâu đài tình ái” (xin mượn lại tên một bài ca nhạc vàng). Giấc mơ vĩ đại vì nó quá to tát, đòi hỏi nhiều công sức. Để nó chóng thành sự thật, Gatz/Gatsby đã chọn con đường tắt là buôn rượu lậu, món hàng đắt giá nhứt vào thời điểm đó. Giấc mơ của Gatz/Gatsby tương tợ giấc mơ vĩ đại — nhưng phải giữ đúng tỉ lệ — của một lãnh tụ cách mạng bất kể là ai, Stalin, Mao, Hồ, hay Fidel... Nhưng cái điểm khác, là khi đã đạt tới mức độ nào đó — khi đã được Daisy đáp lại tình yêu — Gatz/Gatsby đã dừng lại, không còn làm tiền, không còn tiệc tùng xa hoa nữa; trong khi lãnh tụ cộng sản và đại gia mít vẫn tiếp tục và còn tiếp tục mãi mãi tham vọng/tham lam vô bờ bến của họ.

Giấc mơ tình yêu và giấc mơ tiền bạc đã biến Gatz/Gatsby thành The “Great” Gatsby (Gatsby “vĩ đại”). Daisy Buchanan trẻ đẹp, giàu sang, ích kỷ, hời hợt, “gây tai họa rồi lui vào ẩn nấp trong tiền của”, Daisy Buchanan có xứng đáng với tình yêu và giấc mơ vĩ đại của Gatz/Gatsby hay không, không thành vấn đề. Đối tượng của tình yêu, chí ít là trong văn chương, nếu không luôn luôn, thì cũng thường hay nhỏ bé, tầm thường. Đối tượng càng tầm thường, càng bé nhỏ thì kẻ lụy tình càng vĩ đại, càng khổng lồ. Mỵ Nương (cổ tích), Tuyết (Đời mưa gió), Odette (Một tình yêu của Swann/Đi tìm thời gian đã mất), Vronsky (Anna Karenina), Ashley/Scarlett (Cuốn theo chiều gió), Rodolphe (Madame Bovary), Hippolytus (Phaedra), v.v... thảy đều không xứng đáng với tình yêu của Trương Chi, Chương, Swann, Anna Karenina, Rhett Butler/Scarlett O'Hara, Bà Bovary, Phèdre. Khi bừng tỉnh, Swann đã cay đắng về sự mù quáng của chàng về tình yêu (tạm dịch): “Thế mà mi đã lảng phí nhiều năm của đời mi, đã muốn quyên sinh, đã có mối tình cao quý nhất của đời mi cho một ả đàn bà mi không yêu, không thích hợp với mi.” Nhưng dù sao, trong lúc yêu đương say đắm, Swann cũng đã được hưởng những phút ngất ngây, bay bổng... tuyệt vời.

 

* * *

 

Tranh luận về các tác phẩm lớn của văn học thế giới không phải là chuyện “viết tiểu luận để vừa lòng các thầy cô”, là không đọc tác phẩm được/bị mang ra tranh cãi để có những ý kiến riêng, mà chỉ dựa vào, và copy theo “ghi chú” của một người viết vô danh nào đó trên một trang web dành cho bọn... học trò.

Tranh cãi về chuyển dịch không phải là suy bụng ta ra bụng tác giả rồi diễn dịch nhan đề, nhân vật, nội dung tác phẩm tuỳ tiện. Xin đừng lẫn lộn chuyển dịch với phê bình. Chuyển dịch cần phải giữ sự trung thành với nguyên tác được càng nhiều càng tốt.

Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả.

Suy nghĩ chủ quan vớ vẩn nọ kia không dựa vào văn bản kiểu “Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là 'dễ thương' và 'đáng thương' chứ không 'tuyệt vời' hay 'vĩ đại', và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz” không ăn nhập gì tới việc chuyển ngữ nhan đề. Ở đây, cái tôi và những tình cảm lăng nhăng của nó, ôi đáng ghét làm sao.

Kẻ muốn gán cho Gatsby là “đại gia” thì dịch The Great Gatsby thành “Đại gia Gatsby”. Vậy thì kẻ — sau khi ca tụng vớ vẩn, cãi cọ lăng nhăng, loay hoay xoay xở như con gà mắc đẻ — thình lình thấy Gatsby là “đáng thương” sao không dịch The Great Gatsby thành “Gatsby Đáng Thương”, cho chính xác! Ôi, thiệt đáng thương cho những kẻ gọi là “trí thức”!

James Gatz, Jay Gatsby là... James Gatz và Jay Gatsby có thể dễ thương và đáng quý lúc này, khó thương và đáng tởm lúc khác. “Giấc mơ Mỹ” của James Gatz, mộng ước “chèo thuyền ngược dòng” về bến cũ, bến mơ của Jay Gatsby có thể điên rồ như đội đá vá trời. Nhưng “Trong một thế giới không có trung điểm luân lý, trong đó việc cố gắng thực hiện giấc mơ giống như chèo thuyền ngược dòng, khả năng mơ ước của Gatsby đưa anh lên cao hơn xã hội vô nghĩa và tìm thú vui của New York” (trích dẫn từ Tiền Vệ). Cuộc đời “huyền thoại” của Gatsby đã được Nick Carraway chắp nối kể lại từ những phần mảnh còn thiếu sót, không toàn vẹn, và đó là một trong những cái tuyệt vời của bút pháp Scott Fitzgerald, rất mới lạ, cách tân vào thời kỳ đó.

Trong trí nhớ của tôi là những buổi trưa hè tuyệt vời trong “không khí điều hòa máy lạnh” mát mẻ của thư viện Institut Francais khi nắng chang chang đổ lửa trên các hàng phượng vĩ bên ngoải - đọc Gatsby le magnifique lúc đó thú vị như về sau đọc truyện trinh thám của Raymond Chandler. Với tôi Jay Gatsby, Nick Carraway, Daisy Buchanan... luôn luôn tuyệt vời. Trong đám tang của Gatsby chỉ có ba người, Henry C. Gatz thân phụ của Gatz/Gatsby, Nick Carraway người kể chuyện, và một người lạ mặt đeo kính râm, theo lời Nick kể lại hai năm sau. Thân phụ của Gatsby và Nick Carraway nghĩ rằng “Gatsby vĩ đại”. Vậy là quá đủ, không cần ai thêm nữa. Nếu muốn dịch The Great Gatsby thành “Gatsby Nọ Kia” thì phải xin phép Nick Carraway trước.

Nếu có ai đó muốn biến Gatsby thành một “đại gia” thì hãy viết một cuốn truyện khác.

 

* * *

 

Thiển nghĩ và yêu cầu của tôi là tranh luận/đối thoại đứng đắn cần phải có sự sòng phẳng và lương thiện của đôi bên khi vào sân chơi. Tôi tin rằng mình đã nhập cuộc với “các lá bài để trên bàn”. Đó là cảm nghĩ của tôi. Nếu không đúng, tôi xin thành thật xin lỗi mọi người đã theo dõi cuộc tranh luận cuối cùng cũng... khá thú vị này.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

 
06.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong một bản thảo cũ của cuốn tiểu thuyết, có câu sau đây: ‘Jay Gatsby!’ anh kêu lên bằng một giọng sang sảng, ‘Coi kìa great Jay Gatsby! Thiên hạ sẽ nói vậy, đợi mà coi. Ta chỉ mới ba mươi hai tuổi thôi mà.’ Câu này bị xóa đi khỏi bản cuối nhưng hẳn tác giả đã nghĩ đến nó khi đặt tên cho cuốn truyện. Không hiểu Gatsby có ý gì?... (...)
 
05.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong cuộc đối thoại này, tất cả những lối lý luận loanh quanh để bênh vực cho cái nhan đề “Đại gia Gatsby” đều không chịu hiểu một điều đơn giản nhất, căn bản nhất, và cần lưu ý nhất, là sự nhất quán giữa nội dung và nhan đề tác phẩm... (...)
 
04.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Nhan đề The Great Gatsby được Fitzgerald đặt ra để phản ảnh cái nhìn ngưỡng mộ của Nick Carraway đối với Jay Gatsby. Khi dịch sang tiếng Việt, thì phải dịch sao cho trung thành với ý định của tác giả. Chứ không phải dịch để thoả mãn một ý đồ nào đó của riêng mình, một thứ cảm tính của riêng mình, bất chấp tác giả, phản bội tác giả... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi luôn luôn cho rằng dịch thuật là việc làm hết sức chủ quan, hết sức tương đối, đối với một số độc giả, cách dịch này là hay, với người khác các dịch ấy lại là dở, do cách cảm nhận của từng cá nhân là rất... cá nhân. Tuy vậy nói thế không có nghĩa cào bằng tất cả... (...)
 
03.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Riêng tôi, xin phép gọi cái ước mơ của Gatsby là “dễ thương” và “đáng thương” chứ không “tuyệt vời” hay “vĩ đại”, và người dễ/đáng thương không phải là đại gia Gatsby mà là chàng thanh niên James Gatz... (...)
 
02.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... So sánh Gatsby với “đại-gia-đô-la-đỏ-nhà-giàu-mới” bóc lột làm giàu trên xương máu dân nghèo trong nước hiện nay là một sự thoá mạ tôi không thể chấp nhận, vì thế mà tôi đã lên tiếng. Với tôi, nếu cần “ngưỡng phục thần thánh hóa” ai thì phải là “những người khốn khổ” trong nước bây giờ... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Tôi đoán là ông Phạm Quang Tuấn đã ứng dụng những “chiến” thuật cực kỳ “ngoạn mục” này để tranh cãi chơi vui, chứ không có chủ ý gì nghiêm trọng. Vì cãi để tiêu khiển, thì mới vui như vậy, mới “ngoạn mục” như vậy. Chứ tranh luận nghiêm túc mà ứng dụng những “chiến” thuật như vậy thì chẳng có chút xíu nào... tuyệt vời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Nếu Trịnh Lữ có đủ thông minh để, qua bản dịch Việt ngữ, diễn tả chính xác diện mạo của nhân vật Gatsby trong nguyên tác, độc giả Việt Nam sẽ nhận ra tính chất mỉa mai (nếu có một sự mỉa mai như thế) trong chữ “great/vĩ đại”... (...)
 
01.02.2009
[DỊCH THUẬT] ... Còn nhiều nghĩa khác (kể cả đẹp, hay, tuyệt vời) nhưng hẳn ai cũng thấy nghĩa này (nghĩa nguyên thủy) tả lối sống xa hoa hào phóng của Gatsby và Trimalchio rất sát. Đúng nghĩa “đại gia”!... (...)
 
31.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù muốn hay không, Gatsby là một con người/nhân vật tuyệt vời/vĩ đại, The Great Gatsby là một cuốn tiểu thuyết vĩ đại, Scott Fitzgerald là một nhà văn vĩ đại, của Hoa kỳ và... thế giới... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Có thể nói là trong cuộc đối thoại về The Great Gatsby có hai quan điểm đối nghịch, tạm gọi là A và B... Ý nghĩ của tôi là: dù là quan điểm A đúng hay quan điểm B đúng, thì dịch The Great Gatsby thành Gatsby vĩ đại cũng không ổn! Nếu A đúng, thì dịch vậy sẽ làm sự châm biếm trở thành sự sùng bái. Còn nếu B đúng thì ngược lại, khi đọc Gatsby vĩ đại người Việt Nam sẽ liên tưởng ngay đến “Bác Hồ vĩ đại” và sẽ “hiểu lầm” là tác giả mỉa mai Gatsby!... (...)
 
30.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Chúng tôi xin khẳng định rằng Tiền Vệ luôn luôn sẵn sàng đón nhận bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ dịch giả Trịnh Lữ. Ngoài ra, mọi ý kiến đối thoại trong tinh thần học thuật từ bất kỳ khuynh hướng và quan điểm nào cũng đều được Tiền Vệ đăng tải công khai và kịp thời... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Ngày hôm nay, thỉnh thoảng khi ta nghe người Việt nói “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, thì không chắc gì họ “nói với một thái độ kính cẩn, thậm chí thần thánh hóa”, mà ngược lại, họ có thể nói với ý mỉa mai. Trừ khi được đọc lên trong những bài diễn văn ở các dịp lễ, câu “Bác Hồ vĩ đại” khi được dùng trong những câu chuyện thường đàm của người Việt ở quốc nội cũng như quốc ngoại thì hầu như phần lớn là hàm ý mỉa mai, giễu cợt... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Từ điển dịch great là vĩ đại là chuyện ai cũng biết. Tuy nhiên, như tôi đã nói, muốn hiểu đúng không phải là chỉ cần tra từ điển mà còn phải hiểu rõ tư duy, văn hóa của người viết. Một chữ có thể có những hàm ý khác nhau tùy theo cách dùng, mà người mới bập bẹ học tiếng nước ngoài không nắm bắt được... (...)
 
29.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Dù không rành tiếng Anh, thiển nghĩ của tôi là từ great đứng trước hay sau đều có chung một nghĩa, là vĩ đại, lớn lao, to tát, tuyệt vời... trừ một, hai trường hợp rất hiếm hoi nhưng phải dựa vào ngữ cảnh, cách phát âm, để trong dấu nháy («...») hay nội dung... (...)
 
28.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Những từ thông dụng lại thường là những từ khó dịch và dễ lầm nhất. Chữ great mà ta hay dịch là vĩ đại thì cũng đúng, nhưng cách dùng chữ great/vĩ đại của người Việt và người Mỹ khác hẳn nhau, vì tư duy của hai dân tộc khác nhau... (...)
 
27.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Trong bài “Về [đại] dịch [ma] thuật” của Phong Vệ, có vài chi tiết hơi thiếu sót hay lệch một chút. Vì thế tôi xin góp ý để bổ khuyết... Đúng ra, chữ “chính” 政 trong “chính trị” 政治 thì viết khác với chữ “chính” 正 trong “chính tà” 正邪... (...)
 
26.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Thực tế dịch thuật ở Việt Nam có nhiều tai nạn và thảm họa... Việt Nam vốn là một nước bán thuộc địa, phần lớn mọi người xuất thân nông dân. Vì vậy tinh thần “phân gio” và những tiểu xảo kiểu “tam/tứ/... nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân và nông... cạn) đã được phát huy cao độ trong học thuật và dịch thuật, đặc biệt là trong mấy chục năm qua... (...)
 
25.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Cũng như chữ GREAT, những chữ “Magnifique”, “Große”, “Gran”, “Grande”, và “Μέγας” đều có nghĩa là “tuyệt vời”, “vĩ đại”, “to tát”, “cao quý”... Từ những nghĩa đó biến thành “đại gia” theo nghĩa của Trịnh Lữ thì quả là... ngoài sức tưởng tượng... (...)
 
24.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... “Gatsby vĩ đại” ít nhứt là vì tim anh còn chứa đựng một tình yêu chân thật. Tiền bạc không quan trọng đối với anh. Tiền bạc chỉ là phương tiện vật chất có thể đưa anh vào xã hội thượng lưu của Daisy người tình cũ. “Gatsby vĩ đại” nên Nick Carraway, một láng giềng xa lạ, mới muốn xích gần để tìm hiểu con người và quá khứ của anh... (...)
 
23.01.2009
[DỊCH THUẬT] ... Quái đản thật! Lại thêm cái ý tưởng là “người Mỹ từng hình dung về chính F. Scott Fitzgerald và Gatsby” như những “đại gia”! Đã thế, dịch giả Trịnh Lữ và nhà xuất bản Nhã Nam còn dùng cái trò xuyên tạc ý nghĩa này như một phương tiện để “cảnh tỉnh” nhân dân Việt Nam... (...)
 
[DỊCH THUẬT] ... Điều đã khiến tôi sững sờ là cái nhan đề tiếng Việt “Đại gia Gatsby”... Dịch từ “great” thành “đại gia” là hoàn toàn sai bậy, vì nó không cho độc giả thấy ngay mẫu người khác đám đông, vượt trội của Gatsby, chí ít là qua cái nhìn rất “đáng tin cậy” của Nick Carraway, người kể chuyện, cũng như qua nhan đề tiếng Anh, tiếng Pháp... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021