tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Kiến trúc huỷ hoại?  [đối thoại]

 

Nhà hát Thành phố [Sài Gòn] xưa.

(Ảnh: Tuần Việt Nam)

 

Nhà hát Thành phố [Sài Gòn] nay.

(Ảnh: Tuần Việt Nam)

 

Đầu năm 2010 tôi bị sốc khi tình cờ được xem hai tấm ảnh Sài Gòn xưa và nay, bên trên.

Thời Pháp và thời Việt Nam Cộng Hoà — tôi đã trưởng thành tại Sài Gòn trong hai thời đại này — quảng trường trước mặt nhà hát là một khoảng không gian thoáng và rộng, đẹp mắt, hoà hợp với thiên nhiên (xin tạm gọi như vậy) và kiến trúc xung quanh. Tượng đài chiến sĩ xây cất thêm dưới thời Cộng Hoà cũng không làm thay đổi quá mức, không bức xúc không gian và không khí của nơi này.

Khi xây cất trung tâm Sài Gòn, người Pháp hẳn đã muốn có một cái nhìn từ các bậc thềm cao nhất của nhà hát thẳng tắp đến bùng binh lớn (grand rond point) trực diện chợ Sài Gòn, xuyên qua không gian hình chữ nhật của quảng trường với hai hàng cây song song cân đối, rồi đến cái bùng binh nhỏ (petit rond point) có vòi nước ở cuối / đầu quảng trường, tiếp theo là đại lộ Bonard (Lê Lợi) ba làn, chạy thẳng tới ngôi chợ và nhà ga. Ngược lại, nhìn từ bùng binh chợ Sài Gòn người xem có thể thấy nhà hát ở đầu kia. Nói tóm lại, đại lộ Bonard là đại lộ Champs Élysées (Paris) của Sài Gòn, rất văn minh, rất ngoạn mục dễ thương vào thời Pháp. Như tấm ảnh cũ cho thấy, quảng trường chẳng khác gì một tấm thảm trước mặt nhà hát. Quảng trường cũng để lồng khung cho khoảng trời xanh biếc, vào mùa nắng.

Kiến trúc ba rọi hiện nay (ảnh màu phía dưới) lắp ghép thêm một giàn hoa (pergola) không (?) có hoa leo, hoa treo nhưng có cổng hình chữ nhật theo kiến trúc Phù Tang hay Đại Hàn, cộng thêm vài chậu kiểng, đã biến đổi quảng trường thành một chiếc sân nhà bưng bít, chật chội, không cân đối. Cổng vuông của giàn hoa đối chọi mặt tiền vòng cung của nhà hát. Cổng “tam quan”, giàn hoa “pergola”, chậu kiểng “bonsai”, thu hẹp quảng trường và lùn hoá thêm cái nhà hát đã bị lùn hoá vì các toà nhà cao tầng, tạo một quang cảnh không hài hoà, mà đối nghịch, chửi nhau giữa kiến trúc Đông-Tây.

Dù muốn dù không, người Pháp khi đến nước ta đã đặt nền móng văn minh hiện đại với lối kiến trúc đô thị có hệ thống và kế hoạch đúng theo thẩm mỹ tây phương đương thời cùng với mục đích mở mang, khai sáng, phục vụ đại chúng. Mỗi thành phố, lớn hay nhỏ, đều có cá tính nhiều hay ít. Sài Gòn không là Hà Nội. Hà Tiên, Long Xuyên không giống Cần Thơ, Bạc Liêu. Biên Hoà khác Mỹ Tho. Nha Trang, Phan Thiết không là bản sao của Long Hải, Vũng Tàu (Cap St-Jacques). Đó là chưa kể Đà Lạt phố núi tây phương nay đã “hoá long” thành phố chệt rồng lượn. Kiến trúc hiện nay hình như chỉ có tính cách thương mại hay phô trương mà thôi.

Quảng trường trước nhà hát tất nhiên không cần thêm giàn hoa, chậu kiểng. Sự tương phản giữa các nhánh cây cao (thiên nhiên, tự do) và các núm kiểng lùn (nhân tạo, gò bó), cộng thêm các tấm bảng (?) màu đỏ chói trên các thân cây, không đẹp mắt tí nào cả. Tầm nhìn bị thu hút và giới hạn bởi các chậu kiểng lùn có thể bắt mắt, dù chỉ miễn cưỡng, đối với khách qua đường. Quảng trường trước nhà hát nói riêng, và quảng trường nói chung, là một không gian công cộng, thường là tụ điểm của các ngả bảy, ngả sáu, ngả năm, ngả tư, ngả ba — một ốc đảo tạo cảm giác thoải mái và giúp cho xe cộ lưu thông trong vòng trật tự, chứ không phải là cái sân trước hay sân sau để bày biện các chậu kiểng như nơi tư thất của một ngài đại gia hay một lão tướng về hưu.

Hòn ngọc đã trớ thành hòn sạn?

 

(Trên đây chỉ là thiển nghĩ của tôi về thành phố của thời niên thiếu. Nếu sai lầm xin độc giả lượng thứ.)

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021