tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về một bài viết kết án muộn màng thực dân Pháp trên Talawas Blog  [đối thoại]

 

(Xin Tiền Vệ vui lòng đăng bài đối thoại này vì tôi không thể đăng ký để phản hồi trực tiếp trên Talawas Blog. Cám ơn.)

 

Thành thật mà nói, tôi rất ngại “tranh cãi” chỉ bởi cái lẽ rất giản dị là đa số những kẻ tham dự không “tranh” nhau để nghe mà chỉ “tranh” nhau để cãi. Tuy nhiên, cuối cùng tôi cũng phải ráng “lên tiếng” vì thiển nghĩ của tôi là bài viết “Sự thật đằng sau chiếc yếm bỏ ngỏ” của tác giả Trịnh Thanh Thủy đăng trên Talawas Blog ngày 10.02.2010 chẳng những không hay ho, không bổ ích mà lại còn có thể gây ra những ngộ nhận tai hại đáng tiếc.

Bài viết kể trên không có một cái nhìn khách quan, thiếu suy nghĩ chín chắn, chỉ dựa vào tình cảm (tình yêu quê hương “dù dĩ vãng dân tộc tôi thế nào” cộng với lòng căm thù “mưu đồ chính trị gian trá” của thực dân Pháp) và những kỷ niệm của gia đình mình để tổng luận, diễn dịch tuỳ nghi.

 

1. Về tấm ảnh thứ nhất

 

 
Trịnh Thanh Thủy:
 
Càng nhìn những tấm ảnh hở hang của phụ nữ Việt Nam xưa, tôi càng nghi ngờ, càng thấy rõ tính dàn dựng phi thực tế (NĐT nhấn mạnh) trong chủ ý của người chụp và dã tâm (NĐT nhấn mạnh) của người phổ biến chúng vào bưu thiếp như một phương tiện quảng bá ngành du lịch hay một mưu đồ chính trị gian trá của Pháp quốc thời ấy (NĐT nhấn mạnh) .
 
Nếu nhìn sâu hơn, chúng ta thấy những bức ảnh này có sự sắp xếp của một nhiếp ảnh gia không chân chính, dù khung cảnh được xây dựng bằng những nét mộc mạc bình dị của người  phụ nữ lao động thường nhật. Nó thiếu tự nhiên dù đã được dàn dựng bằng người thật và những vật liệu làm cho giống như thật. Đó cũng chính là gian ý nửa hư nửa thực, mập mờ đánh lận con đen (NĐT nhấn mạnh) của người chụp những tấm ảnh khoả thân này.
 
Hãy nhìn vào khuôn mặt người mẫu trong tấm hình ba cô gái đang ngồi (hình số 1), có một cô đang cầm dọc tẩu hút thuốc. Chính giữa là một cô bé có lẽ với động tác châm thuốc, còn hai cô kia đều mặc yếm, nhưng cả hai chiếc yếm bị vén qua một bên với chủ ý phanh ngực ra. Khuôn mặt hai cô gái mang đầy vẻ sượng sùng, khổ não, đau đớn và tủi nhục (NĐT nhấn mạnh) hơn tâm trạng mong chờ phút sung sướng của một người đang đợi hút. Vì sao? Ta có thể tưởng tượng ra đằng sau chiếc yếm bỏ ngỏ kia là một cường lực vì người chụp là người Pháp, kẻ thống trị hét ra lửa, kẻ nắm trong tay thân phận người dân bị trị (NĐT nhấn mạnh) .
 
Chỉ có giả thuyết cuối cùng là những người dân lao động quê mùa này bị ức hiếp, bắt buộc phải tuân thủ làm theo mệnh lệnh “bắt cởi phải cởi, bắt chết phải chết” (NĐT nhấn mạnh) của người chủ nô lệ.

 

Xin thưa:

Tất nhiên đây là một tấm ảnh đã được dàn dựng và chụp trong tiệm hình hay studio nhưng không với những mục tiêu do Trịnh Thanh Thủy diễn dịch. Trái lại, người chụp ảnh chỉ muốn sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật bằng chiếc máy ảnh, phóng tác các hoạ phẩm với đề tài và cấu trúc tam giác theo kiểu (dù ngồi thay vì đứng) các tấm tranh “ba cái duyên dáng” (les trois grâces, xin miễn chi tiết, nếu muốn bạn đọc có thể tìm hiểu thêm trên mạng) quen thuộc và nhan nhản của nghệ thuật cổ điển. Nói cách khác, nhiếp ảnh viên chỉ muốn Á đông hoá/ An nam hoá một đề tài hàn lâm được mến chuộng.

Khoả thân nam hay nữ trong hội hoạ Tây phương không để khiêu dâm kích dục mà chỉ để ca ngợi vẻ đẹp cân đối của thân hình, con người do Thượng Đế sáng tạo theo hình ảnh của Thượng Đế. Tranh khoả thân treo lềnh khênh trong các viện bảo tàng, trên trần nhà của ngôi thánh đường Sixtine cũng có khoả thân. Hầu hết các hoạ sĩ Tây Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đều có tranh khoả thân không biết cơ man nào mà kể, nên xin miễn nêu danh. Ảnh đầm khoả thân “kích dâm” hay “nghệ thuật” thì ở Paris cũng chẳng thiếu, không cần phải lặn lội sang Tonkin để... chụp lén. Gauguin vẽ phụ nữ Tahiti khoả thân không ngoài mục đích ca ngợi cái đẹp và phụng sự Nghệ Thuật (chữ hoa).

Xin hỏi: “Một mưu đồ chính trị gian trá” để làm gì khi Pháp đã thắng và đang cai trị? “Một phương tiện quảng bá ngành du lịch” thì là suy bụng nay ra bụng xưa, chỉ vì lúc đó chẳng có “du lịch” theo nghĩa của hôm nay, nói chi “ngành”. Từ “mẫu quốc” sang Đông Dương phải mất ít nhất hai ba tháng trời tàu thủy vượt đại dương vô cùng nguy hiểm.

 

1. Về tấm ảnh thứ hai

 

 
Trịnh Thanh Thủy:
 
Khuôn mặt nô lệ buồn bã, chịu đựng của tấm hình số 2 cũng vậy, nó thuần túy một tấm hình khoả thân trần trụi không một nét nghệ thuật văn hoá nào cả.
 
Chiếc áo yếm nô lệ này không có nét hấp dẫn nửa kín nửa hở nào như các nhà phê bình ngày nay hay ca tụng vẽ vời đầy rẫy trên các trang web. Nó chỉ mang một tính lịch sử đau đớn của tổ tiên ta mà thôi.
 

Xin thưa:

Cô gái trong hình nhẹ mỉm cười, có “đau khổ”, “chịu đựng” cái khỉ khô khỉ mốc gì đâu ạ!

“Lịch sử đau đớn của tổ tiên ta” là cái quái gì nhỉ? Lịch sử là lịch sử là lịch sử là lịch sử... Nó chẳng đau khổ hay hạnh phúc gì ráo. Ô hay. Cảnh lao động quang gánh này đã có trước khi người Pháp tới Đông Dương kia mà. Tiếp tục kết án chế độ thực dân trắng để làm gì trừ phi để đổ thừa và đánh lạc hướng, khi mà thực dân trắng đã lui vào bóng tối lịch sử nhường chỗ cho thực dân màu (vàng, đen, nâu) tự bóc lột nhau? Có khác chăng là thực dân trắng có bóc lột nhưng cũng có mở mang khai sáng cho đa số (trung lưu và hạ lưu) trong khi mục đích của thực dân màu chỉ cốt bóc lột cho một thiểu số (thượng lưu, đại gia) được tận hưởng.

 
Trịnh Thanh Thủy:
 
Tôi là một công dân Việt Nam, dù dĩ vãng dân tộc tôi thế nào, tôi vẫn yêu mến lịch sử dân tộc tôi. Dù những hình ảnh phụ nữ Việt Nam xưa bị lăng nhục như thế nào (NĐT nhấn mạnh) tôi vẫn yêu mến họ. Những người đàn bà yếu đuối kia (NĐT nhấn mạnh) là tổ tiên tôi, họ là mẹ là bà cố, bà sơ của người Việt chúng ta hiện nay, dưới bất cứ hoàn cảnh nào (kể cả khi lịch sử bị bẻ cong) chúng ta cũng cần phải yêu quý họ, phải không các bạn?
 

Xin thưa:

Miễn bình luận / No comments!

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021