tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thơ ca và chính trị [3]  [đối thoại]

 

Sau các loại trăm hoa đua nở dành cho Thơ “già”, chính trị tiếp tục đeo vòng kim cô cho Thơ “trẻ”. Bề ngoài, đó là việc cho các nhà thơ trẻ một cơ hội cất lên tiếng nói, nhưng thực ra là một cuộc thanh lọc ngầm. Vì vậy mà nhiều nhà thơ trẻ liệt vào dạng “khó bảo” thường không được chọn lựa, dẫn đến các tranh cãi về việc ai đi / ai không được đi... dự “Hội nghị Nhà văn Trẻ”. Nguyên do là các nhà thơ trẻ vẫn hoang tưởng vào sự lựa chọn tài năng. Thay vì các nhà thơ già (ngày xưa) thì bị tống đi “lao động tăng gia sản xuất” hoặc (ngày nay) thẳng thừng bị gạt ra ngoài lề, các nhà thơ trẻ thường được đối xử nhẹ nhàng hơn. Cũng như người sử dụng internet, nếu ai chỉ dùng nó để tải nhạc và chơi game thì “tha hồ mà tự do”, nhưng dùng nó để chỉ trích chế độ hay nói lên các bất công thì cũng “tha hồ mà tự do” nhưng với một cách hoàn toàn khác.

Các báo gần như không in Thơ cho các tác giả trẻ chưa có danh, các tạp chí văn nghệ địa phương thì in ra nhưng gần như không phát hành, nên để có tí danh, các nhà thơ trẻ chỉ còn cách xuất hiện ở những dịp chính thống như vậy để yên lòng về tên tuổi. Thử nhìn vào các tranh cãi trước thềm “Hội nghị những người viết văn trẻ” (có người gọi là “Hội nghị Nhà văn trẻ” cho sang trọng hơn) thì cũng chỉ quanh quẩn chuyện đi và không được đi. Khi một phố núi vùng quê heo hút Gia Lai có 4 đại biểu (so với Sài Thành hoa lệ cũng chỉ 10 đại biểu) thì có người vẫn hài hước hy vọng vào “sự phát triển của văn học nước nhà” từ sự đông đúc đại biểu của những địa phương như phố núi ấy. Mà làm gì có những tranh cãi gì khác, khi mà cả một hệ thống Báo chí và Đại học ở Việt Nam đang đứng ngoài cuộc chơi thế sự cũng như thơ phú này. Những phong trào chống chiến tranh, đòi tự do ngôn luận của các thế hệ sinh viên đàn anh đã thành cổ tích thì các nhà thơ trẻ hôm nay còn làm được gì? Bây giờ các nhà thơ trẻ chỉ còn tranh nhau để có mặt trong các tuyển tập thơ in chung vội vàng trước Hội nghị, thường được tuyển lựa bởi những người không phải là có uy tín hay công tâm gì.

Những ý kiến, những hoài nghi, những cảnh báo, những cay đắng về xã hội không bao giờ thấy, không bao giờ có trong các tuyển tập thơ ấy. Các nhà thơ trẻ chỉ cần một cái tên, nhưng tiếc thay, ở đời bao giờ người ta cũng chỉ cần cái mà người ta không có. Sự ngoan ngoãn mặc đồng phục ra múa hát bất chấp trời mưa trên những sân khấu tạm bợ vào các sáng chủ nhật vừa rồi là một ví dụ. Nhiệt tâm của họ ngây thơ (hay quá khôn?) tới mức bất kỳ ai có chút hy vọng vào những chữ “trẻ” hiện nay đều sợ mình ảo tưởng.

Một dạng nghệ thuật nới lỏng để kiểm soát được các nhà chính trị tung ra, và trò chơi này mau chóng thành công khi các nhà thơ trẻ cũng mau chóng không kém để học các điểm nhạy cảm và tự biết điểm dừng trong cuộc đời “sáng tạo” tiếp theo của mình. Điều đó dẫn đến một thứ không phải Đađa không ra Siêu thực tràn lan hiện nay trong thơ Trẻ mà rất nhiều nhà phê bình vẫn cố tình dán nhãn “Hậu hiện đại” một cách có chủ ý, để dể bề nhảm nhí hóa mọi thứ khi cần. Nhưng thực ra họ còn có thể làm gì khác? Sự kiện nhà thơ trẻ Bùi Chát nhận giải thưởng về tự do xuất bản vừa rồi là một minh chứng cho việc vẫn có thể có những việc tuột khỏi tầm kiểm soát như thế nào. Nhưng những thắng lợi nhỏ nhoi này lập tức nhận được sự đe dọa trực tiếp cũng như các kiểu dư luận về sự “rác rưởi” của nó. Các nhà phê bình (cả những người trong vai cấp tiến) tha hồ dè bĩu theo nhiều kiểu mà kể ra nghe thêm chán ngán. Con đường trở thành nhà thơ được tạo ra bằng những giai thoại về sự “phấn đấu cả đời” để vào Hội Nhà Văn được đem ra làm gương cho các nhà thơ trẻ. Mọi thứ rơi vào một vòng xoáy, dù bây giờ sự nới lỏng để kiểm soát, như đã nói trên, đã nâng nó lên thành nghệ thuật. Việc chọn lọc này giúp cho quan hệ giữa các nhà thơ trẻ, trong một tương lai sắp tới, với các nhà quản lý văn nghệ được thuận lợi và dễ chịu. Với các nhà chính trị, nó không hơn một trò chơi trẻ con.

Nhưng cũng như nền kinh tế đang tràn đầy hàng nhái hàng giả bất chấp bản quyền... Thơ trẻ cũng sẽ gây khiếp hãi lên xã hội về những mặt hàng kém chất lượng và đạo đức được đóng đủ thứ mác tuyên truyền đầy vẻ hàn lâm vào để lên ngôi. Những tác giả đạo văn công khai trả lời về “sự vô thức sáng tạo” của mình sau khi đã chép của người khác giống đến từng dấu chấm, dấu phảy vẫn được chọn đi dự “Hội nghị Nhà văn Trẻ” thì đủ biết các vị “trẻ” hiện nay lên đến đẳng cấp nào rồi.

Một số nhà thơ trẻ khôn khéo hơn bằng việc học cách chơi “lưỡng tính” của các đàn anh. Họ cũng tuyên bố về các tai nạn của mình. Nhưng thường là những tai nạn do tục tĩu quá mức như những người mặc quần lỗ đít thủng nhưng họ cứ vờ như là họ đang bị một lỗ thủng của tự do sáng tạo. Các nhà thơ trẻ láu cá này yên lòng cưỡi ngựa xem hoa sau một “tai nạn” như thế. Những nguy hiểm thật sự chỉ đến khi nó chạm vào cấu trúc quyền lực chính trị, mà điều này Thơ Việt chưa có. Người ta tổ chức đủ thứ Hội thảo Thơ ngay ở Quảng Nam mà không nói đến Bùi Giáng, ngay ở Lâm Đồng mà không nói đến Nguyễn Đức Sơn, ngay ở Phan Thiết mà không nói đến Nguyễn Bắc Sơn.... Một tấm poster Thanh Tâm Tuyền treo trong ngày Thơ rồi ngày mai hạ xuống chứ chưa phải vào sách vở gì vẫn phải bị cắt xén sửa chữa gần hết về tiểu sử[*] là chuyện bình thường. Yêu cầu nhìn lại cuộc chiến, hòa hợp hòa giải dân tộc qua đó thừa nhận trở lại một nền Văn học của miền Nam trước 1975 cũng là ý kiến của ai đó, chứ nhà thơ Việt hiện nay mấy ai dám, nói gì đến các nhà thơ trẻ.

Nhưng như đã nói, vẫn có sự ngoại lệ. Khi kẻ thù ta buồn ngủ của Lý Đợi và Bài thơ một vần của Bùi Chát làm bất ngờ ngay cả với những đàn anh luôn hô hào dấn thân. Một câu hỏi ở đây: Vậy thì ở Việt Nam hiện nay, người ta làm thơ để làm gì?

Để đăng thì rất khó và các tạp chí in thơ cũng sẽ trả cho nhà thơ một số tiền rất tượng trưng và nhỏ nhoi. Để mua danh thì cái danh nhà thơ ở Việt Nam bây giờ gần như đã thành hài hước. Nhưng là hài hước có ích, nó pha trộn nhiều thứ ảo vọng và là một bước đệm để người ta có thể làm một việc gì khác, thường là gia nhập các dàn đồng ca không cá tính nhưng nhẹ nhàng và dễ sống hơn. Vậy không làm thơ, bạn sẽ làm gì? Người thì làm nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu... Nhưng cái danh “kiêm nhà thơ” làm người ta dễ len lỏi và tiếp cận với những công việc đó hơn. Nhà thơ Việt bây giờ đang như một chiếc xe địa hình, có thể khéo léo vượt qua mọi trở ngại thì làm sao Thơ có thể được viết xuống thật sự. Những câu thơ của các ông quan về hưu hết thời mới dám làm tốt vai trò yêu dân yêu nước của mình, kiểu như “lên cao mới biết trời cao / khổ đau mới biết đồng bào khổ đau” được chọn trong 50 câu thơ hay để thả trong ngày Thơ ở Văn Miếu là câu chuyện hài hước nhưng nhục nhã của Thơ Việt hôm nay.

Và đó cũng là bi kịch của Thơ. Vì trước khi là nhà thơ, anh phải là một con người, với những tự trọng và sự lao động cần thiết. Cái thơ mộng láu cá của nhà thơ làm bạn đọc phải trèo lên trèo xuống cây khế mỗi ngày trầy xước hết cả da bụng rồi sau đó nhà thơ lại kêu đòi bạn đọc phải phản tỉnh muộn màng y như mình. Thật mệt mỏi và vô lý. Thông điệp lỏng lẻo của Thơ giúp nhà thơ sau này “trái gió trở trời” một cách dễ dàng mà không cần nhiều sám hối như các nhà văn xuôi phải chịu khi muốn “đi tìm cái tôi đã mất”. Nhưng dù lỏng lẻo đến đâu, trò chơi ngôn ngữ không thể nào không cần tài năng và lý tưởng. Và cái quyền của bạn đọc chính là cái quyền được tuyệt vọng khi nhìn thấy tên nhà thơ đó trên báo. Việc nhà thơ kiêm nhà chính trị Nguyễn Khoa Điềm gần đây tuyên bố rút khỏi giải thưởng Hồ Chí Minh là một cách nhìn vào sự thật dù muộn màng nhưng là bài học đáng kính trọng cho những nhà thơ trẻ đang bắt đầu cuộc chơi danh vọng. Bởi suy cho cùng, kẻ thù của Thơ chính là những cái ngăn chặn nhà thơ làm Thơ. Người ta tha hồ có thể pha trộn mọi thứ vào Thơ: phong cảnh, thế sự, bi phẫn, yêu đương các loại, nhưng khó lòng pha trộn nhân cách của nhà thơ đối với những bạn đọc đang muốn tin và yêu nhà thơ. Sự lỏng lẻo của Thơ chính là việc không chấp nhận một đề nghị ràng buộc nào, mà điều đó chỉ có ở những nhà thơ không đội vòng Kim cô trên đầu.

Nhưng các nhà thơ sẽ phải sống, vậy họ sống như thế nào, đặc biệt là các nhà thơ trẻ? Dĩ nhiên là có nhiều cách, và đây cũng là yếu huyệt chung làm gục ngã ở mọi loại người lười lao động và ham hưởng thụ chứ không chỉ riêng ở giới làm Thơ. Nhưng khi mà giá trị của Thơ và của nhà thơ đang được tính theo cách “quy ra thóc” rẻ mạt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì dù có muốn kinh doanh thân xác của mình cũng phải biết cách chứ không phải dễ. Điều này đang tạo ra các nhà thơ hay “khiếu nại” và “oan sai” như một đặc sản của Thơ hôm nay.

Dù có là con cá vàng phải bơi trong bể cá cảnh, bạn đọc vẫn mong các nhà thơ cứ “trong tới mức tôi nhìn thấy được / trái tim Người thủng đạn vẫn bơi...” (Nguyễn Trọng Tạo). Khổ nhất là các nhà thơ trẻ cứ tự do văng tục tự do kiêu ngạo nhưng không phải là tự do ký tên vào các Bản kiến nghị gửi lên chính quyền của giới Blogger, không phải là tự do xuống đường cùng các nhà khoa bảng, các chị các mẹ các anh em... vào các sáng chủ nhật vừa qua. Người yêu Thơ vẫn đang hy vọng vào trái tim cứu rỗi của các nhà thơ và cách nhà thơ biết sống bằng tiền tiết kiệm của bản thân mình. Một sự thức tỉnh, một sự hy sinh nào đó cho Thơ của các nhà thơ trẻ, như những tuyên thệ của người trẻ, cho Thơ trẻ và cả một đời Thơ, chứ không chỉ “khi người ta trẻ” mà thôi.

 

 

_________________________

[*]Xem Hoàng Ngọc-Tuấn, “Vài suy nghĩ về “cây thơ” Thanh Tâm Tuyền trên sân Văn Miếu”, Talawas, 12.03.2007. Trong phần kết luận của bài viết, tác giả đã nhận định:

“Cây thơ Thanh Tâm Tuyền” có ý nghĩa gì, khi tiểu sử của nhà thơ bị cắt xén, bóp méo? Khi những phẩm tính đẹp đẽ của nhà thơ bị gọt bỏ? Khi người đứng ra giới thiệu nhà thơ lại không nói từ ý nghĩ của chính mình, mà “nhặt” những câu nói từ những người mà chính mình không muốn hay không dám công khai thừa nhận? Khi nhà thơ bị sử dụng như son phấn để trang điểm tạm bợ cho một đường lối chính trị mà suốt đời nhà thơ đã không hề thoả hiệp?
 
Và, cuối cùng, điều này có ý nghĩa gì: nhà thơ Thanh Tâm Tuyền — “một tác gia làm mới nền văn học miền Nam trước 1975, và các tác phẩm của ông đã tạo nên một lối rẽ cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ XX, bằng cách làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam” — khi từ trần, cách đây gần đúng một năm (22.03.2006), đã không hề được bất cứ ai và bất cứ một tờ báo nào ở Việt Nam nhắc đến, nay lại được/bị đem ra giới thiệu trên một tấm poster ngoài sân Văn Miếu, qua vài hàng chữ vay mượn theo lối chắp vá và cắt xén như thế, chỉ trong một ngày thôi, rồi bị gỡ xuống, vất đi...?

 

 

------------------

Bài liên quan:

22.08.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Chính trị ở Việt Nam đang phá hủy mọi giá trị đạo đức, thì Thơ làm sao có thể thoát. Nhưng bi đát hơn là các nhà thơ vì muốn an toàn mà giả vờ ngơ ngác đã dẫn đến thông đồng với cái ác. Thơ Việt như một con dê già leo núi, được chính trị giả vờ khoác lên tấm áo da hổ, cố gắng tinh anh theo kiểu tinh ranh... (...)
 
18.08.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Hy vọng vẫn còn ở các nhà thơ vỉa hè, và một số nhà thơ chính thống khi mà họ ý thức được tuổi 18 đã là công dân cầm lá phiếu đi bầu cử, đã mặc áo lính vác súng ra trận nếu đất nước bị xâm lăng chứ không phải ngồi chờ xếp hàng mãi đến 35 tuổi vẫn còn được nhận danh hiệu hài hước xoa đầu vỗ vai nhà thơ trẻ, với vài ba chuyến xe đò miễn phí đến một nơi miễn phí và ăn những bữa ăn miễn phí... (...)
 
15.08.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nguyễn Hữu Hồng Minh trả lời phỏng vấn như thế ni... Còn Lê Thiếu Nhơn thì như vậy nè... (...)
 
25.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Trong khi những người yêu văn chương khắp nơi đang “Tưởng niệm Phạm Công Thiện” - hiện tượng văn nghệ một thời - dù yêu dù ghét, dù coi ông là thiên tài hay chỉ là thứ lập dị phá hoại... - thì tất cả đều nhất quán ở một điểm: mọi hoạt động chữ nghĩa của Phạm Công Thiện là luôn ca tụng, xiển dương tinh thần tự do, kích thích và thôi thúc văn nghệ sĩ hướng về phía tự do, , thì văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay làm cái tréo ngoe như vầy... (...)
 
23.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Lài lang thang trên net, đọc được đoạn sau đây trong bài “Muốn công bằng, phải công khai” của TƯỜNG DUY... Thấy tếu ghê, mời quý vị xem cho vui... (...)
 
14.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Mình cứ “tấm tắc”... cười mãi khi đọc được cái câu nói rất chi là dân dã “Hỏi ngu bỏ mẹ!” trong truyện cười... “vãi đái” của bác Phùng Tường Vân đăng trên Tiền Vệ! Đến bây giờ nghĩ lại mình vẫn không thể nhịn được, vẫn bật cười “khanh khách”... (...)
 
08.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] Chuyện xảy ra một buổi tối tại một sân chiếu “phim phường”, Saigòn sau 1975. Trên màn hình bà con đang say mê theo dõi hình ảnh đất nước Liên Xô giàu đẹp, chợt một dòng nước “cần câu” nhẹ nhàng “lan toả” ... (...)
 
07.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... “Cây bút hội nhà văn nào - tác phẩm ấy”, thì cũng... đúng với cái tình cảnh của “cái nước mình nó thế”! Tức là, “những cây bút” mà ngày ngày bị/được “tưới” bởi cái thứ “nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, thì làm sao có thể cho ra “tác phẩm để đời”, hay nói như cụ Nguyễn Du, là “mua vui cũng được một vài trống canh”, được!... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Viết về ông Hồ Chí Minh / với những chuyện tình mùa Xuân, mùa Đông / còn nóng bỏng mặt giấy / và màu máu thắm đỏ, của ông ấy / thì có mà chết sớm / chém ngang lưng / it ra cũng “trảm giam hậu” / vì ông ấy chết rồi / nhưng còn để lại bao nhiêu là công an / Có đâu như Gia Long / như Lê Lợi / làm gì có công an văn hóa bảo vệ cho!... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... nếu tác giả cuốn Dị Hương / hay tác giả cuốn Hội Thề / hay một hội viên nào khác của Hội Nhà văn Việt Nam / dám viết một bộ tiểu thuyết lịch sử / qua đó những góc cực kỳ khuất / trong tâm lý của Hồ Chí Minh / bị đem ra rọi... (...)
 
06.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Ôi Hội Nhà văn lòng bao la biển cả / Dù hơn một lần Mẹ đã hồ nghi và cho người lên tận Đà Lạt theo dõi và điều tra tôi / tôi có điều kiện cảm thông hơn với những người điều hành Hội / nhưng tôi sốt ruột lắm rồi / Tôi phải lên tiếng vì Mẹ và cho Mẹ / Nhiều đồng nghiệp mọi miền... động viên... xoa đầu vỗ vai tôi cho thế là được... (...)
 
05.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Không biết tự bao giờ, Hội Nhà Văn Việt Nam đem vào tranh luận những giáo điều định lượng, số đông, bảo rằng kẻ khen (chúng tôi) đông lắm, phe chê bai khác nào như “châu chấu đá xe”, có lẽ dần dần đang hình thành một thứ văn học kiến nghị, tệ hơn nữa một thứ văn học doạ dẫm mất rồi... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Hình như, đây không phải lần đầu dư luận lên tiếng về các hoạt động như kết nạp hội viên, trao giải thưởng... của Hội Nhà Văn VN, và bao giờ Hội cũng chọn cách im lặng, làm dư luận mệt mỏi mà mình vẫn an toàn... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Hầu hết những bài ca ngợi “Hội thề” & “Dị hương” đều viết theo “phương pháp luận bịt mắt bắt dê” kiểu Lê Thành Nghị. Như thế này, liệu người đọc có dám tin rằng Hội Nhà văn Việt Nam đang sở hữu một đội ngũ lý luận phê bình đích thực?... (...)
 
03.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Câu chuyện kể ra đã hơi có mùi ẩm mốc, nhưng cũng cứ xin được có đôi lời : thưa đó chẳng qua cũng là một thứ hiện tượng “Đông Thi” đó thôi... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nếu Nghêu Sò Ốc Hến là một vở tuồng hài “vĩ đại”, thì “vở đời Nghêu Sò Ốc... Sến” mà chúng ta luôn được chứng kiến trên cái “làng Việt Nam” thân thương, là một vở “kịch cỡm” vĩ đại! Ngao ngán thay!... (...)
 
02.03.2011
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... Nhìn tấm hình ông Chủ Tịch HNVVN Hữu Thỉnh trao tặng giải thưởng tiểu thuyết cho tác giả Hội Thề Nguyễn Quang Thân, tôi thấy có một cái gì thật xiêu lệch, bất ổn trong thái độ của cả hai vị ấy... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... toan tính tuyệt tác / tưởng tượng chẳng ngán / đảo điên hắc bạch / lịch sử lật tung / tự trào dân tộc / báng bổ cha ông / liếm đít ngoại địch / thiên triều thần phục / thế dân bán nước / tuyệt tác tuyệt tác / giả(i) nhì giả(i) nhất / tuyệt tác tuyệt tác / tiền boa tới tấp... (...)
 
[CHUYỆN VĂN NƯỚC TA] ... “Hội thề” không hẹn mà gặp, lại trùng với “tâm huyết” và dụng công của ông chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đang thực thi kế hoạch “kinh phí của nhà nước cấp cho các bác để o bế quan hệ với Trung Quốc”, “ Cái này nó liên hệ mật thiết tới... tiền”, nên tác phẩm này của Nguyễn Quang Thân bỗng như lân gặp pháo, như mèo gặp mỡ... dẫn đến giải thưởng cao nhất của cuộc thi tiểu thuyết, âu cũng là điều dễ hiểu vậy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021