tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Đừng yêu lính bằng lời”  [đối thoại]

 

Dù có thế nào đi chăng nữa, có nghĩa là dù xê-ri-ớt hay không xê-ri-ớt, dù có láp xáp hay không láp xáp, rồi dù chỉ là thuần túy văn chương hay nặng về mặt văn chương hơn là mặt âm nhạc hay không, và ngay cả là dù có thực sự chuyên chở một ý nghĩa nào đó hay hoàn toàn chẳng chuyên chở một ý nghĩa nào cả, vân vân và vân vân, bài viết “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn Đan Thọ?” của nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê tự nó phơi bày ra một sự thể không thể ngoảnh mặt quay lưng mà không chỉ ra, ghi nhận và lưu ý một cách đặc biệt. Đúng ra trong thâm tâm tôi, việc chỉ ra như thế mới chính là điều tôi thực sự ước ao, thực sự muốn làm nhất ngay từ khi bắt đầu với bài “Nói vậy chứ hổng phải vậy” của mình. Có khích lệ, dù chỉ gián tiếp, hay can gián tôi về bài viết đó thì tôi cũng xin tri ân và trân trọng... Để rồi xin cho hay là mong mỏi tối hậu và cũng là quyết định sau cùng của tôi không gì khác hơn là tiếp tục hoàn tất việc chỉ ra đó sao cho thật sự hoàn chỉnh, gẫy gọn và tốt đẹp. Chưa kể là việc “đi hết con đường tình” cho trọn một cách xong xuôi và hoàn chỉnh như thế biết đâu lại chẳng làm nảy sinh ra một cơ hội, cơ hội đó có thể là một va chạm, hay một cọ xát nào đó sắp tới mà nhờ đó những gì tôi muốn nói tới, muốn chỉ ra, muốn ghi nhận được làm cho trở nên càng sáng tỏ và từ đó mọi sự càng trở nên minh bạch ra thêm hơn, hy vọng là thế. Do đó viết tiếp, theo tôi, vẫn là thượng sách. Vì vậy cho nên mới có bài viết này để gửi tới bạn đọc.

Sự thể mà tôi muốn chỉ ra là:

Từ lâu, người ta đã quen nghe nhạc bằng lời dù lời như thế tự bản thân nó chưa hẳn đã là cái gì hay ho. Tựu trung trong cái kiểu cách nghe nhạc từ xưa đến giờ như thế, thông thường thì hễ cứ làm sao cho thiên hạ “kết” được ca từ, bất kể là những ca từ đó có thực sự “hay” hay không, là nhạc coi như xong, “hay” ra phết, “đi vào lòng người” một cách ngon lành, ăn dầm ở dề đó, có muốn tống khứ ra cũng không được, điều mà có nằm mơ cũng không thấy.

Thậm chí như vừa mới đây, không rõ có phải là do kế thừa hay tiêm nhiễm, một sự tiêm nhiễm có thể nói là sâu xa và nặng ký cái “di sản” nghe nhạc bằng lời như thế hay không mà qua bài “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn Đan Thọ?” của nhà thơ Du Tử Lê, đã thấy xuất hiện cái cách thế đến với âm nhạc (dù đây có là cách thế đến với âm nhạc nặng phần văn chương đi chăng nữa, và nhân đây cũng xin thưa luôn là cũng có phần nào đó, chính vì cái cách thế xuất phát từ tinh thần “trọng văn, hoặc xem văn “thân thương”, “dễ gần dễ gũi hơn là nhạc” này, mà một cách sâu xa ít nhiều, vấn đề từ đó phát sinh và lan tỏa), hay cụ thể và rõ ràng hơn là cái kiểu cách truyền đạt, cái thao tác truyền bá thông tin về âm nhạc khá là mới mẻ: cho bà con nghe, cho bà con thưởng thức TIẾNG ĐÀN cũng bằng lời (ca từ) nốt. Thế mới lạ! Thế mới “đặc biệt”! Thế mới hi hữu! Thế mới “đúng điệu giang hồ”! Và cuối cùng, thế mới có chuyện nói.

Đúng vậy, tương tự như một nhạc trưởng đang đứng trên bục điều khiển một dàn nhạc, nhưng thay vì như “âm binh” của người nhạc trưởng chủ yếu là nhạc công, âm binh của nhà thơ thấy toàn là ca từ và chỉ có ca từ không mà thôi, ý chừng như ca từ là TẤT CẢ, ca từ là SỐ MỘT; và chỉ toàn ca từ không thôi như thế đối với nhà thơ có lẽ là đã quá đủ, dư nữa là đằng khác, để sẵn sàng làm cái công việc “mai phục”, sẵn sàng “trường kỳ kháng chiến”, sẵn sàng “tiến công”... mình ênh, đơn thương độc mã, tự cung tự cấp, tuyệt đối không cần gì thêm. Đem ca từ ra, sử dụng chúng như là những âm binh mà không cần phải xét xem như thế là có thích hợp hay không dù cứ cho là những âm bình ca từ mà ông có trong tay có là tài thánh tới đâu đi nữa, vâng, nhà thơ hoàn toàn không “ke” điều đó, và cứ thế mà ông “biểu diễn” một cách thoải mái, cứ thế mà ông “vô tư” “luận” tiếng đàn, rồi cứ thế mà ông đứng ra bảo chứng cho nó một cách đàng hoàng và chắc nịch. Như thế, nói không ngoa, ông đã điều khiển, dẫn dắt, lèo lái, tiến cử chúng, “múa may quay cuồng” với chúng, vân vân, y như một tay nhạc trưởng cao tay ấn đang hùng hổ và say mê huơ tay, múa chân, úm ba la phù phép để đạt cho kỳ được mục tiêu đề ra là phải làm sao bằng mọi giá “đóng dấu” cho bằng được lên tiếng đàn Đan Thọ cái danh hiệu gồm hai chữ, nếu không là “bốc mùi” thì cũng là “bốc hương”, và bốc hương một cách “nồng nàn” và ngon lành như đã đọc thấy nữa là đằng khác. Thế là một bên thì cần nhạc công, còn một bên thì chỉ cần ca từ; thế mới “tài”, thế mới “độc”! Rồi thì thao tác như thế, ngoài tính chất quá đủ ra, không chừng theo ý nhà thơ, như thế là cũng đã là quá đẹp và quá sáng tạo nữa là đằng khác?

Tôi có đang bịa chuyện hay không vậy? Đương nhiên là không.

Rồi thêm nữa, rẻ lắm là tôi có đang bi thảm hóa hay cường điệu hóa sự việc hay không đây? Cũng đương nhiên là không nốt.

Hoặc muốn biết tôi có bịa hay có bi thảm hóa hoặc cường điệu, nói tướng, nói thách lên hay không, thì đây nhé, trước tiên xin vui lòng đọc lại đoạn văn mà trong bài “Nói vậy chứ hổng phải vậy” tôi đã từng trích ra từ bài “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn Đan Thọ?”, nay xin trích lại nơi đây:

“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm...” trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ, nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Ðan Thọ giữ được và gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn...

Rõ ràng như thế có phải là trên “đường lên đỉnh Olympia”, ngay từ khi bắt đầu thi công cái công đoạn trọng yếu có tính cách nòng cốt nhất (và tuy là ngắn ngủi) của bài viết của mình, có phải là nhà thơ đã liền mang ca từ ra, cụ thể và đích xác là dùng nguyên một câu ca từ trong nhạc phẩm “Chiều tím” của Đan Thọ (“Từ đấy đàn nhớ thanh âm chùng dây vĩ cầm...”), sử dụng chúng như những âm binh như đã nói, rồi lại còn phụ chú thêm rằng: trước khi dòng nhạc đi tiếp với những lời thật đẹp, như thơ... để mà càng sớm càng tốt “chơi” ngay hay nói rõ hơn là “đánh phủ đầu”, một cú phủ đầu “nặng ngàn cân”, chớp nhoáng, “sấm sét” và “ngoạn mục”, nhưng có điều lại rõ ràng là vô bằng (nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm của Ðan Thọ giữ được và gửi vào tâm hồn người thưởng ngoạn) xuống người đọc?

Như thế liệu đã có phải là nhà thơ Du Tử Lê đã “luận” tiếng đàn của Đan Thọ bằng toàn là... lời hay chưa? Liệu có phải hay không là ông ta đã lấy toàn là ca từ ra mà “bảo kê” cho tính chất cá biệt và đặc thù của nó?  Xin nhắc lại là vấn đề ở đây không phải là lập luận hay bảo kê hay diễn giảng... như thế của nhà thơ có là láp xáp hay gì gì đó hay không, vân vân và vân vân, mà vấn đề, một vấn đề mang hơi hướm “não trạng”, chính là: cái tinh thần chí cốt chỉ biết trông cậy vào ca từ, hoặc chỉ biết luôn luôn vin vào nó, nhất nhất cái gì cũng nó, tuồng như ca từ là một phương thuốc trị bá bệnh, và ở đây trong trường hợp này là lấy lời làm tiếng đàn, mà xuất phát điểm của khuynh hướng đó không rõ có phải là từ cái văn hóa nghe nhạc bằng lời hay không, như đã nói ở trên.

Từ đó thấy ra: trước giờ lấy lời làm nhạc không thôi dường như chưa đủ, nên nay lại thấy thêm lấy lời làm tiếng đàn. Như thế phải chăng đây có phải là chỉ dấu ban đầu cho việc nâng cái văn hóa nghe nhạc bằng lời lên một tầm cao mới?

Rồi, kế tiếp, như thế nào đã xong. Những ca từ khác nữa từ nhạc phẩm “Chiều tím” cũng được nhà thơ Du Tử Lê chiếu cố tận tình, đem ra mà trưng dẫn tiếp tục:

Người xa vắng rồi, chiều sang em ơi!
Thương ai hoa rơi lá rơi...
Người ấy lòng hướng trăng sao, hồn say chiến bào
Tìm trong tiếng đàn...
mùi hương chưa phai
Ý giao hòa người nhớ chăng?
Mây gió...
bốn phương giăng hàng
Mùa thu thêu áo nét hoa mơ màng
Và em với chàng kề vai áo...
vấn vương
Chiều hỡi!
Ðàn nhớ mong nhau, tình thương bắc cầu
Người đi hướng nào?
Tìm trong chiêm bao
Tóc bay dài, gió viễn khơi...

Chính trong phần này, trong đó có hai câu:

Tìm trong tiếng đàn...
mùi hương chưa phai

Không rõ có phải hay không hai câu này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ về một mùi hương vật thể nào đó trong tiếng đàn Đan Thọ (dù chỉ là bóng gió hay ẩn dụ như thấy trong tựa đề)? Rồi cũng không rõ có phải hay không là từ nguồn cảm hứng này, ông đã tỏ ra hưng phấn quá mức mà quá độ bắt qua đóng dấu “bảo chứng” cái cụp cho sự việc “nồng nàn hương tình yêu mà tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ giữ được và gửi được vào tâm hồn người thưởng ngoạn”, làm như thể là nếu không “đóng dấu” được y chang như thế ông không chịu được? Như thế đã quá rõ: dù cho trình tự diễn tiến sự việc từng chi tiết một có xảy ra không đúng hay không giống y như trên đi nữa thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc nêu lên vấn nạn: nếu không gọi đích xác đây là “lấy ca từ làm tiếng đàn” hay “lấy ca từ để bảo chứng cho tiếng đàn” thì phải gọi là gì?

Bị những sự việc như thế đập vào mắt, tôi không khỏi không ngừng tự hỏi một câu hỏi hầu như là thường trực từ khi đọc bài “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn Đan Thọ?”: Như thế, âm nhạc nói chung và cái âm thanh thực sự của tiếng đàn như trong trường hợp của Đan Thọ nãy giờ nói riêng đã bị mang đi cho nằm ở mô? Ở nghĩa địa? Hoặc nơi chốn suối vàng? Hoặc ở đâu tôi không thấy.

Để kết luận, xin mượn những câu hát xưa kia, từ nhạc phẩm mang tên “Kẻ ở miền xa” (hình như của Trúc Phương thì phải):

Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời

Lời, ngay như đến lính là dân hiền khô, dễ tính thấy mồ và đơn giản là thế mà còn chê, chưa kể là còn mắng cho nữa là đằng khác (“đời không dám tới, đành viết cho tôi nhạc tình sao lắm lời”). Huống hồ âm nhạc, vốn là cái gì đó, giống như giới chân dài, nói chung là khó tính, khó nhai, khó nhá... và cầu kỳ, chưa kể là kiêu sa. Đến với nhạc theo cung cách của nhà thơ Du Tử Lê như thế, theo tôi, thì chỉ là đến với tính cách... ngoài da, y như các bà lớn, hay còn gọi là các bậc mệnh phụ phu nhân xưa kia hay tìm đến các thương bệnh binh tại các quân y viện tại các thành phố lớn ở miền Nam, chỉ để cho đè những thành phần khốn khó này ra, thoa dầu cù là lên người họ, và thế là xong vì chẳng biết hay biết mà “ngại” làm thêm gì khác, coi như thế nếu không là để “cho vui” thì cũng chỉ để làm kiểng, hoặc cả hai.

Lấy ca từ thay cho tiếng đàn, hay nói chung là cái cách thế nghe nhạc bằng lời như thế thì cũng, trên một phương diện nào đó, đồng nghĩa hay tương tự như xức dầu cù là lên âm nhạc, không hơn. Như thế, nếu không chỉ là để làm kiểng, thì cũng chỉ là để làm dáng? Hay như thế nào thì làm sao tôi biết được.

Có điều tôi biết chắc: như thế thì chẳng ra làm sao cả.

 

 

------------------

Bài liên quan:

07.08.2013
[CHUYỆN NHẠC] ... Theo tôi thì ông Chu Hà chớ có phí sức mà càm nhàm phê bình làm chi cho mệt vì lẽ bài viết của ông Du Tử Lê viết về mục âm nhạc nghệ thuật thông tin mang tính cách quần chúng, đại chúng tràn trề, không chuyên sâu, không mang tính chất hàn lâm, không có giá trị âm nhạc kinh điển gì rốt ráo... (...)
 
30.07.2013
[CHUYỆN NHẠC] ... Đọc bài của ông Thomas Chu: Tại sao ông Chu Hà lại “mổ bụng con bò ‘Mộng’”? tôi thấy có nhiều điều lấn cấn. Ông Thomas Chu viết một bài rất ngắn, đâu chừng 100 chữ, nhưng lại mắc phải khá nhiều lỗi. Ông bênh vực cho ông Du Tử Lê mà hoá ra lại làm cho nhảm hơn... (...)
 
29.07.2013
[CHUYỆN NHẠC] ... Tại sao ông Chu Hà lại “mổ bụng con bò ‘Mộng’” về ba cái tin tức “pop/lá cải” của Người Việt Online làm chi cho rách việc? Chuyện “Tiếng Đàn Violon của nhạc sĩ Đan Thọ” do nhà thơ Du Tử Lê viết thì chỉ là viết tiếng Việt cho vui và có chi đâu xê-ri-ớt đâu mà bác Hà của tôi lại bứt rứt khó chịu... (...)
 
27.07.2013
[CHUYỆN NHẠC] ... Đọc thấy nhan đề “Có chăng mùi hương trong tiếng đàn vĩ cầm Đan Thọ?” trên Người Việt Online do nhà thơ tên tuổi Du Tử Lê biên soạn, tôi nghĩ bụng: Mùi hương của tiếng đàn là một đề tài nghe hơi bị khác thường. Tuy có thể chưa hẳn đã phải là hoàn toàn huyễn hoặc, nhưng quả là có phần nào đó kỳ dị và không chừng là luôn cả kỳ bí... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021