tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tránh né, tránh né nữa, tránh né mãi!  [đối thoại]

 

Thưa ông Cao Việt Dũng:

Xin nói ngay tôi chỉ là độc giả lần đầu thử gửi một góp ý vì bức xúc chứ tôi nào có đủ tài cán mà “tham gia cộng tác” với Tiền Vệ như ông Dũng nói. Tôi đoán khi ông bảo tôi “bình luận” tiểu sử của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn trên Tiền Vệ có lẽ ông muốn nói 3 nhà văn Việt này cũng lưu vong như Kundera nhưng nếu tiểu sử của họ không cần nói đến lý do lưu vong thì tại sao tôi lại đòi hỏi người viết tiểu sử Kundera phải nói rõ lý do lưu vong của Kundera?

Tôi thấy sự so sánh này là khập khiễng. Ba nhà văn Việt lưu vong này độc giả Việt trong và ngoài nước ai có đọc họ đều biết vì sao họ sống ở nước ngoài. Ngược lại liệu có mấy người ở nước ta biết Kundera vì sao mà sang “định cư” ở Pháp? Ba nhà văn Việt lưu vong này có thể không muốn “khoe” chuyện lưu vong hay vượt biên tị nạn của họ trong mấy dòng tiểu sử. Nhưng tiểu sử Kundera ở đâu người ta cũng có nói đến những lý do chính trị nặng nề liên quan đến các tác phẩm của ông khiến ông phải tìm cách thoát khỏi nước Tiệp mà ra đi, vậy tại sao ta lại tránh né điều ấy khi nói đến Kundera? Hay vì đó là chuyện “nhạy cảm”? Nói đến tư tưởng Kundera mà sợ những chỗ “nhạy cảm” thì còn nói được gì?

Thưa ông Đỗ Trung Quân:

Ông khuyên tôi “Bình tĩnh chứ!”. Thú nhận với ông là tôi có phần nóng nảy nhưng tôi phát ngôn không quá đáng. Tôi nói “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta”. Xin ông lưu ý từ “đang”. Tôi nói “đang trở thành” tức là có nguy cơ trở thành chứ tôi không khẳng định đó đã là tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta. Tôi có phát ngôn nóng nảy nhưng tôi vẫn dè dặt, vì lẽ dĩ nhiên nhà văn nước ta vẫn còn một số người rất mực thẳng thắn can trường. Cái ví dụ của ông thì quá trớn. Nếu nói “Bọn nhà văn hải ngoại là bọn vong bản” thì là khẳng định hẳn, không còn chừa chỗ nào, hết còn dè dặt gì nữa. Là nói hồ đồ. Vả lại tôi là dân ở Hà Nội, ông Quân đem ví dụ ấy ra làm gì. Nhà văn hải ngoại ra sao, họ chẳng can dự gì đến cái văn hóa thủ đô lắm chuyện ê chề này.

Tôi cũng xin nói thêm tại sao tôi nóng nảy. Không phải chỉ vì “một vài dòng giới thiệu” tác giả Kundera mà vì rất nhiều biểu hiện trên sách báo cũng như trong đời sống, có lẽ ông cũng biết rõ. Tôi có nhắc đến vụ tiểu sử Solzhenitsyn bị báo chí ta bẻ ngược, cũng như vụ Murakami dịch cuốn “Gatsby vĩ đại” của Mĩ thì bị báo chí ta vặn tréo lại thành cuốn “Ruồi trâu” cho có màu XHCN! Mới đầu tháng 4 này tại Đại học Viết văn ở Đê La Thành - Đống Đa, có đêm thơ Nguyễn Việt Chiến, chắc ông đã biết. Nếu ông có mặt ở đó có lẽ ông cũng đâm ra nóng nảy như tôi. Ai cũng cố tránh né sự thật. Họ nói đến “những ngày tháng gian lao nhất” của Nguyễn Việt Chiến, nhưng chẳng ai nói những ngày ấy là những ngày gì. Họ không dám nhắc đến việc ông Chiến bị bắt giam vì đã can đảm viết báo chống tham nhũng. Vì sợ “nhạy cảm” nên họ cứ nói chung chung “những ngày tháng gian lao nhất” của ông Chiến. Nghe như những ngày tháng ấy ông Chiến phải đi đắp đê hay đi làm ôsin cực nhọc ở đâu đấy! Ông Quân thử vào đọc bài báo “Ấm áp đêm thơ Nguyễn Việt Chiến” của trường Viết văn thuật lại đêm ấy xem có thấy đáng nóng nảy hay không nhé! Nơi đào tạo thế hệ nhà văn trẻ mà lại truyền bá trò tránh né vòng vo như thế thì thái độ ấy có “đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” hay không? Xin quí ông nhận xét giùm.

Lời tôi nói có thể làm nhiều người mất vui nhưng không phải là tôi nói sai sự thật đâu. Chắn chắn quí ông cũng thấy là đến chừng nào nhà văn nước ta hết sợ những chuyện “nhạy cảm”, chừng ấy mới hết nạn tránh né, nói quanh, nói láo.

 

 

-------------------

Các bài liên hệ:

29.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Thưa ông Ngô Huy Liễn, “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta”! E rằng ông quơ đũa cả nắm rồi. Nó dễ như tôi nói “Bọn nhà văn hải ngoại là bọn vong bản” vậy. Nói vậy là hàm hồ, thưa ông. Chỉ có một vài dòng giới thiệu một tác giả mà ông kết luận ngon lành tất tần tật “nhà văn nước ta”...
 
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Xin mời ông Ngô Huy Liễn tác giả bài viết “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” bình luận về cách viết tiểu sử một số tác giả của chính trang Tiền Vệ mà ông tham gia cộng tác...
 
27.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Tôi có cảm tưởng cái sinh hoạt văn chương ở thủ đô Hà Nội ta càng ngày càng thối tha vì những trò tránh né, xiên xẹo càng ngày càng trở thành những hành vi bình thường, không còn khiến các nhà văn ta cảm thấy xấu hổ chút nào nữa...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021