tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tránh voi...  [đối thoại]

 

Tôi hiểu cảm giác “bức xúc” của ông Ngô Huy Liễn về chuyện “tránh né”. Tuy nhiên, tôi thấy hai bài đối thoại của ông chỉ giúp ông trút bỏ sự “bức xúc” cá nhân, chứ không đưa ra một giải pháp nào khả thi để các nhà văn ở Việt Nam có thể truyền bá những tác phẩm văn chương quốc tế của những tác giả “nhạy cảm” (cụ thể trong trường hợp này là Milan Kundera).

Theo ông thì ban tổ chức toạ đàm phải giới thiệu Milan Kundera như thế nào mới là thoả đáng?

Nếu họ ghi rõ những chi tiết “nhạy cảm” vào tiểu sử của Kundera, thì chắc hẳn ông Ngô Huy Liễn sẽ cảm thấy vui lòng, nhưng rồi ngay sau đó có thể ông lại thấy “bức xúc” tột độ nếu buổi toạ đàm bị bắt buộc phải huỷ bỏ vì dám truyền bá tác phẩm của một tác giả “chống cộng”! Đó là chưa kể đến chuyện một số người trong ban tổ chức có thể sẽ được ân cần... hỏi thăm sức khoẻ.

Có những tình huống bất khả kháng khiến người ta đành phải chọn sự “tránh né”. Một con voi to mà “tránh né” một con voi to bằng mình, thì có thể là hèn. Nhưng một con nai nhỏ “tránh né” để khỏi bị một con voi to lớn dữ dằn giẫm chết, thì không hèn chút nào cả.

Nhờ khéo léo “tránh né” một chút, những nhà văn đầy thiện tâm của ta mới có thể truyền bá những điều mới lạ, những điều hay, điều đẹp, và cả những thông điệp “ngầm” trong các tác phẩm của những tác giả lớn, như Milan Kundera chẳng hạn.

Còn về những ví dụ của hành vi “tránh né” mà ông Ngô Huy Liễn nêu lên và lấy làm “bức xúc”, thì tôi xin thưa với ông vài ý như sau:

Khi một tờ báo ở Việt Nam bẻ ngược chiều tiểu sử của Solzhenitsyn, đó không phải là họ “tránh né”, mà đó có thể là họ cố tình xuyên tạc vì mục đích chính trị. Thái độ này là dối trá, đáng bị phê phán. Xin ông Ngô Huy Liễn hãy thẳng thắn phê phán họ.

Khi một nhà báo ở Việt Nam dịch một bài phỏng vấn Murakami Haruki, trong đó nhan đề cuốn Gatsby vĩ đại bị dịch thành Ruồi trâu, thì (theo tôi đoán) chắc hẳn là vì nhà báo ấy ba chớp ba nháng đọc cái nhan đề “The Great Gatsby” thành ra “The Great Gadfly” (Con Mòng Bự!), nên mới dịch thành “Ruồi trâu”! Đó không phải là “tránh né”, mà là làm ăn ẩu tả. Thái độ này đáng bị khiển trách. Xin ông Ngô Huy Liễn thẳng tay khiển trách họ. Nhưng ông Ngô Huy Liễn cũng nên biết rằng bản dịch cuốn Gatsby vĩ đại đã được xuất bản công khai ở Việt Nam vì nó hoàn toàn không đụng chạm gì đến chính trị; và cuốn Ruồi Trâu của nữ tiểu thuyết gia người Anh Ethel Lilian Voynich (được xuất bản lần đầu ở Mỹ và Anh vào năm 1897, trước Cách mạng Tháng Mười Nga đến 20 năm) thì lại chẳng có “tính đảng” gì cho cam. Vậy nếu nhà báo cố tình léo lận “Gatsby vĩ đại” thành “Ruồi trâu” thì anh ta ăn được cái bổng lộc chính trị gì!

Trong đêm thơ Nguyễn Việt Chiến ở trường đại học Viết Văn, nếu người ta chỉ nói đến “những ngày tháng gian lao nhất” của Nguyễn Việt Chiến, nhưng không nói thẳng ra việc ông Chiến bị bắt giam vì đã can đảm viết báo chống tham nhũng, thì đó là bất đắc dĩ phải “tránh né” theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ông Ngô Huy Liễn phải thấy rằng riêng việc tổ chức đêm thơ Nguyễn Việt Chiến là đã hay lắm rồi, có lòng lắm rồi. Nếu những người tổ chức muốn yên thân thì sao họ không làm đêm thơ Tố Hữu cho khoẻ, mà lại phải làm đêm thơ Nguyễn Việt Chiến? Chứ ông Ngô Huy Liễn không nghĩ rằng tuy họ không nói thẳng ra việc ông Chiến bị bắt giam vì đã can đảm viết báo chống tham nhũng, họ đứng ra tổ chức đêm thơ chính là để chia sẻ nỗi đau ấy với nhà thơ? Chia sẻ như thế là đẹp, chứ còn khích cho voi giậm nhừ xương cả đám thì được cái gì?

Tôi cũng muốn thưa thêm với ông Ngô Huy Liễn điều này nữa:

Ông Ngô Huy Liễn “bức xúc” là phải, nhưng ông không nên trút cái nỗi “bức xúc” ấy lên những nhà văn trong tay không một tấc sắt. Họ đều là nạn nhân, cũng như ông. Có những hoàn cảnh khiến họ đành phải “tránh né” để khỏi bị voi giậm. Ông cũng đã phải “tránh né” liên tục, thì ông mới sống sót đến bây giờ chứ! Nếu sống ở Việt Nam mà ông nói và viết một mực thẳng băng thì có lẽ ông đã thành một người anh hùng lừng lẫy, hay đã “xanh cỏ” rồi! Phải không nào? “Tránh voi” thì hoàn toàn khác với kiểu quỳ mọp xuống, liếm gót chân voi. Thái độ nịnh bợ để mưu cầu bổng lộc cho cá nhân thì mới đáng bị khinh bỉ. Xin ông Ngô Huy Liễn hãy thẳng thắn chê trách những kẻ nịnh bợ, chứ đừng “bức xúc” đối với những người bất đắc dĩ phải “tránh voi” (mà trong số đó có cả ông nữa!)

Một lúc nào đó, nếu sự “bức xúc” của ông lên đến cao độ khiến ông không còn sợ bị voi giậm, thì xin ông chính ông đừng “tránh né” nữa, mà hãy công khai trút cả sự “bức xúc” ấy lên những con voi bạo ngược, những thủ phạm đã đè bẹp cả nhân dân suốt bao nhiêu năm qua. Ông nhé.

 

 

-------------------

Các bài liên hệ:

30.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Nơi đào tạo thế hệ nhà văn trẻ mà lại truyền bá trò tránh né vòng vo như thế thì thái độ ấy có “đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” hay không? Xin quí ông nhận xét giùm. Lời tôi nói có thể làm nhiều người mất vui nhưng không phải là tôi nói sai sự thật đâu... (...)
 
29.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Thưa ông Ngô Huy Liễn, “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta”! E rằng ông quơ đũa cả nắm rồi. Nó dễ như tôi nói “Bọn nhà văn hải ngoại là bọn vong bản” vậy. Nói vậy là hàm hồ, thưa ông. Chỉ có một vài dòng giới thiệu một tác giả mà ông kết luận ngon lành tất tần tật “nhà văn nước ta”...
 
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Xin mời ông Ngô Huy Liễn tác giả bài viết “Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta” bình luận về cách viết tiểu sử một số tác giả của chính trang Tiền Vệ mà ông tham gia cộng tác...
 
27.04.2010
[VĂN HỌC NƯỚC TA] ... Tôi có cảm tưởng cái sinh hoạt văn chương ở thủ đô Hà Nội ta càng ngày càng thối tha vì những trò tránh né, xiên xẹo càng ngày càng trở thành những hành vi bình thường, không còn khiến các nhà văn ta cảm thấy xấu hổ chút nào nữa...

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021