tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”... Ôi, chuyện còn dài...  [đối thoại]

 

Trong bài "Trả lời Nguyễn Tôn Hiệt", ông nghè Ngô Tự Lập đã chọn trả lời vài chuyện nhỏ, mà lại tránh né một chuyện lớn. Bài viết “Thì ra, ‘văn học tự sướng’ là... ‘văn học viễn tưởng Việt Nam’!” của tại hạ bị ông nghè Lập “gom bi” lại một cách gọn ơ: “Các ý kiến của ông Nguyễn Tôn Hiệt, mặc dù dài dòng, chỉ có hai ý chính... Thứ nhất, ông cho rằng tôi lặp lại phát hiện... Thứ hai, ông phê phán tôi đã không nhắc đến Trạng Trình...” vân vân.

Thưa ông nghè Lập, cái ý chính của tại hạ là thế này: Ông nghè Lập đã vào ban hợp xướng của văn công để ca tụng cái loại văn “tự sướng” của Hồ Chí Minh là “văn học viễn tưởng Việt Nam”! Tại hạ đã nhấn mạnh ý này ở ngay nhan đề bài viết, nhưng ông nghè Lập khéo quá, né một cái vèo.

Thôi thì chuyện đó sẽ tính sau. Bây giờ tại hạ muốn xem thử ông nghè Lập trả lời ra sao về mấy chuyện nho nhỏ.

Ông nghè Lập viết: “Sự thật là tất cả các bài ông [Nguyễn Tôn Hiệt] dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005, trong bài ‘Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ’ , đăng trên Tiền Phong. Bài báo cũng được rất nhiều báo mạng đăng lại. Điều này tôi đã viết ở đầu bài ‘Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam’ .”

Trả lời như vậy thì thiệt là... thú vị! Thú vị ở nhiều chỗ:

 

1/ Tất cả những bài của Quỳnh Nga, Nguyễn Cao Sinh, Hà Đăng, Trường An, và bài trong mục “Tư liệu về Đảng” của Báo điện tử ĐCSVN đều không hề nhắc đến tên ông nghè Ngô Tự Lập. Vậy, nếu quả thực họ đều lặp lại ý kiến của ông nghè Lập, thì họ là cả một đám đạo văn không biết ngượng.

 

2/ Ông nghè Lập nói “tất cả các bài ông [Nguyễn Tôn Hiệt] dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005...” Thiệt sao? Chứ còn những ý kiến của nhà văn Xuân Vũ đã viết trong cuốn Thiên đàng treo đứt dây xuất bản năm 1990, và trong cuốn Tôm Hùm Huýt Sáo (tập 1) xuất bản năm 2002, thì ông nghè Lập nghĩ thế nào? Tại hạ xin chép lại những ý kiến của Xuân Vũ để ông nghè và độc giả xem cho rõ nhé:

{Do đó tác giả đặt tên quyển truyện là “Giấc Ngủ Mười Năm”. Tác giả hàm ý rằng cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta sẽ kết thúc trong vòng mười năm và từ đó toàn dân sẽ sống cảnh thiên đàng. Nhà văn Trần Lực đã tiên tri trúng phóc. 1945-1955 không mười năm là gì? Phải chăng ông ta là Khổng Minh tái thế?}
 
{Bác Hồ ơi, thức dậy đi, giấc ngủ bác tiên đoán xưa kia là “Mười Năm” (“Giấc ngủ mười năm” xuất bản trong kháng chiến của Trần Lực, chính là của Bác Hồ). Bác đã tiên tri đúng boong!}

Lẽ nào ông nghè họ Ngô lại cho rằng mình đã phát hiện tính “tiên tri” trong truyện “Giấc ngủ mười năm” của Hồ Chí Minh trước nhà văn Xuân Vũ? Năm 2005 đi trước năm 1990 và năm 2002?

 

3/ Ở đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, ông nghè Lập viết: “Trong bài ‘Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ’, tôi viết rằng Hồ Chí Minh không chỉ là một trong những nhà văn Pháp ngữ Việt Nam sớm nhất và thành công nhất, mà còn là cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam...”

- Theo link của ông nghè, tại hạ đọc được bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, thì thấy trong đó ông nghè không hề nói Hồ Chí Minh là “cha đẻ của thể loại văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam”. Sự thực là trong bài đó không hề có chữ “cha đẻ”, cũng không hề có cụm từ “thể loại văn học viễn tưởng”, thậm chí cũng không hề có cụm từ “văn học viễn tưởng”! Trong đó, ông nghè chỉ dùng các cụm từ “tính viễn tưởng”“thể loại viễn tưởng” [sic!] (đố ai biết “thể loại viễn tưởng” là thể loại gì?)

- Trong đoạn văn đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” ông nghè Lập cũng không hề cho biết rằng bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ” của ông được viết năm nào, đăng ở đâu. Thế nên sau khi đọc bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, tại hạ mới truy lục thử thì thấy một loạt bài của những người khác viết năm 1990, 2002, 2008 và 2009, nói về cùng những điểm như ông nghè Lập nói trong bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam” (17.05.2010).

 

*

 

Ông nghè Lập viết: “Thứ hai, ông [Nguyễn Tôn Hiệt] phê phán tôi đã không nhắc đến Trạng Trình. Nhưng trong bài viết, tôi khẳng định Hồ Chí Minh là cha đẻ của văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam (Ngô Tự Lập nhấn mạnh). Đề nghị ông Nguyễn Tôn Hiệt nghiên cứu đầy đủ hơn và đọc văn bản cẩn thận hơn trước khi có ý kiến.”

Xin cảm ơn đề nghị của ông nghè Lập. Nhưng, khổ thay! Ngay trong cái nhan đề to tướng của bài viết “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, ông nghè Lập không hề viết chữ “hiện đại”, khiến cho cái nhan đề thành ra to tướng hơn nữa! Vừa mở trang báo Công An Nhân Dân ra, ai mà chả choáng váng với một đống chữ như thế này:

Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990 - 19/5/2010)

Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam

Quá sức “hoành tráng”!

 

*

 

Tại hạ còn có một điều rất đáng nói ra về cái gọi là “văn học viễn tưởng” của Hồ Chí Minh, nhưng vì bây giờ tại hạ đang bận quá, nên đành khất lại, ngày mai sẽ nói.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

01.06.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Có thể ông Hồ là người đầu tiên viết truyện có các chi tiết “mơ ngày toàn thắng”, viết theo kiểu phán đại, hay nổ sảng và... ăn may. Chứ ông ấy có “đẻ” ra cái “văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam” nào đâu. Nói như vậy là hàm hồ... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Chính vì có bác Hồ đã “tiên tri” ra nhiều điều hay ho (có phần quái gở) cỡ đó, nên đám hậu bối cũng được hưởng chút thần công lực. Sau khi đã oanh oanh liệt liệt “giải phóng” SÀI GÒN, đám hậu bối cũng lòi ra tài “tiên tri”, thể hiện qua vài cái tên đường cũng quái gở không kém cạnh... (...)
 
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Sự thật là tất cả các bài ông dẫn ra đều lặp lại ý kiến của tôi đăng ngày 14-05-2005, trong bài “Nguyễn Ái Quốc và văn học Pháp ngữ”, đăng trên Tiền Phong. Bài báo cũng được rất nhiều báo mạng đăng lại. Điều này tôi đã viết ở đầu bài “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”... Ông phê phán tôi đã không nhắc đến Trạng Trình. Nhưng trong bài viết, tôi khẳng định Hồ Chí Minh là cha đẻ của văn học viễn tưởng hiện đại Việt Nam (Ngô Tự Lập nhấn mạnh)... (...)
 
31.05.2010
[VĂN HỌC XHCNVN] ... Tháng 6-1949, Hồ Chí Minh đã dùng bút danh Trần Lực viết truyện “Giấc ngủ mười năm” để “tiên tri” cái khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!” Sau này, ông lại dùng bút danh Trần Dân Tiên để thần thánh hoá cá nhân “Bác”. Tại hạ tưởng nên gọi cái loại “văn học” này là loại “văn học tự sướng”. Nhưng ông nghè Ngô Tự Lập lại cùng với ban hợp xướng văn công ca ngợi đó là “văn học viễn tưởng Việt Nam” và tôn vinh ông Hồ là “Cha đẻ của văn học viễn tưởng Việt Nam”, thì tại hạ đành bái phục vậy!... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021