tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Một vinh dự đểu cáng  [đối thoại]

 

Đọc bài “Một sự xấu hổ” của Luân Nguyễn, tôi hiểu cảm giác của anh, nhưng bài viết của anh có chỗ đúng, có chỗ không đúng.

 

1/ Luân Nguyễn: “Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nhận huân chương Fields danh giá. Là một công dân Việt Nam, tôi không thể không tự hào về điều đó, vì ít ra, giáo sư Ngô cũng sinh ra và có tuổi thơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi biết tin Đảng Cộng sản Việt Nam sắp trao Huân chương Hồ Chí Minh cho giáo sư Ngô, niềm tự hào đó đã biến thành sự xấu hổ ghê gớm.”

Anh Luân Nguyễn là một công dân Việt Nam, tự hào về thành tích to lớn của GS Ngô Bảo Châu, cũng là một công dân Việt Nam (tuy có thêm quốc tịch Pháp). Niềm tự hào này là đúng. Nhưng tại sao anh phải xấu hổ sau khi biết tin Đảng Cộng sản Việt Nam dự định trao Huân chương Hồ Chí Minh cho GS Ngô? Anh xấu hổ giùm cho Đảng Cộng sản Việt Nam ư? Chính họ không bao giờ biết tự xấu hổ vì bao nhiêu sự sai lầm, xấu xa, khốn khổ họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, thì anh Luân Nguyễn xấu hổ giùm họ làm gì nữa? Riêng tôi, tôi chỉ thấy kinh tởm và khinh bỉ đối với họ.

Hay là anh Luân Nguyễn tự cảm thấy xấu hổ vì mình là công dân Việt Nam mà phải chứng kiến một trò “ăn theo” nhố nhăng do Đảng chỉ đạo đang diễn ra một cách rầm rộ ngay trên đất nước mình? Nếu thế thì tôi xin chia sẻ với anh, nhưng cái trò nhố nhăng này còn quá nhỏ so với những trò nhố nhăng, nhơ nhớp khổng lồ khác mà anh và tôi đều phải chứng kiến hàng ngày trên đất nước ta. Nếu anh cứ không ngừng cảm thấy xấu hổ như thế thì anh sẽ chết mất.

 

2/ Luân Nguyễn: “Thứ nhất, Ngô Bảo Châu tuy sinh ra và học phổ thông ở Việt Nam nhưng thành quả khoa học mà ông có được là do ông có một môi trường nghiên cứu tuyệt vời ở các trường đại học ở Pháp. Ở đó, ông có điều kiện tiếp xúc với các nhà khoa học danh tiếng, với các phương tiện kĩ thuật hiện đại. Thử hỏi, nếu Ngô Bảo Châu ở lại và ‘làm khoa học’ trong nước liệu ông có được thành quả đó hay không?! Vì vậy, việc nhà nước Việt Nam lớn tiếng ‘phơi bày’ niềm kiêu hãnh đối với con người mà mình không đào tạo, không hề tạo điều kiện, đồng thời rục rịch chuẩn bị trao ‘giải thưởng cao quý’ cùng với các nghi lễ đón rước long trọng dành cho giáo sư là một ‘trò chơi’ hết sức nực cười. Tôi nghĩ về một câu nói của dân gian: ‘thấy người sang bắt quàng làm họ’!”

Anh Luân Nguyễn nói có chỗ hợp lý nhưng có chỗ còn bất cập. Chính anh đã cảm thấy tự hào về thành tích của GS Ngô Bảo Châu, thì mọi người Việt Nam cũng như anh, họ cũng cảm thấy tự hào. Ở đây, có lẽ anh cần nói rõ hơn là: mọi công dân Việt Nam có quyền tự hào về thành tích của GS Ngô, nhưng Đảng không có cái quyền tự hào đó, vì Đảng đã tạo ra một thực trạng giáo dục bầy hầy, ghê tởm mà mọi người đều thấy rõ. Là một người công tác giảng dạy, tôi càng thấy rõ hơn, thấy hàng ngày. Đảng không hề xây dựng được một nền giáo dục lành mạnh và tốt đẹp chút nào cả, nếu không nói là Đảng chỉ biết chăm chăm theo đuổi và trì níu quyền lực, và không màng đến giáo dục, ngoài việc sử dụng giáo dục như một công cụ tuyên truyền, Đảng xem giáo dục như rác, không đáng bận tâm. Phải nói là sự xuống cấp về tư cách và đạo đức trong giáo dục Việt Nam đã gần chạm tới đáy.

Ngô Bảo Châu học hết bậc trung học ở Việt Nam. Tài năng toán học của ông trước hết là do bẩm sinh và nỗ lực của chính ông. Kế đến là công nuôi dạy của cha mẹ ông, các thầy cô ông. Đó là những người có quyền tự hào hơn ai hết.

Như ông/bà Vương Thế Lan đã vạch ra, cái màn trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Ngô Bảo Châu, nếu sẽ xảy ra, thì “thực chất đây chỉ là việc giành lấy thành tích của nhà toán học về cho Đảng. Đây không phải là thái độ trọng vọng nhân tài”.

Cô (bà) Lương Thị Nữ Nhi cũng đã nói thẳng: “Bình thường, học sinh Việt Nam sống đói rách, học hành nhếch nhác trong một hệ thống giáo dục tệ hại ra sao, thì ai cũng biết, nhưng Đảng mặc kệ. Đợi đến khi có một ai đạt thành tích gì to lớn, thì Đảng vội vàng vơ lấy, theo kiểu ‘nhờ ơn Đảng mà mày mới được thế này!’“

Tối 29/8, tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, lễ chào mừng “Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields” sẽ được tổ chức “hoàng tráng”. Việc trao Huân chương Hồ Chí Minh có diễn ra hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn đêm đó sẽ có những bộ mặt trơ tráo bước lên micro để lải nhải: “... Nhờ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng... Nhờ ơn Đảng...”!!!

Cái này không chỉ là một “trò chơi” hết sức nực cười, cũng không phải chỉ là “thấy người sang bắt quàng làm họ” như anh Luân Nguyễn nói, mà chính là trò cướp công, trò đánh tráo vinh dự một cách đểu cáng và trắng trợn.

 

3/ Luân Nguyễn: “Thứ hai, năm 2009, Giáo sư Ngô Bảo Châu có gửi chính phủ và nhà nước Việt Nam bức thư góp ý về vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, song, hai cơ quan quyền lực ‘tối cao’ đã làm ngơ (vì sao?!), nay, Ngô Bảo Châu nhận huân chương Fields - một giải thưởng vốn chỉ dành cho cá nhân, thì nhà nước vội vàng ‘ăn theo’ để được thơm lây, đồng thời, Viện Toán học ngỏ ý mời giáo sư hợp tác để thúc đẩy nền toán học nước nhà, thì đó quả là một hành động trơ trẽn hết sức.”

Đoạn này có chỗ đúng, có chỗ chưa đúng. Đúng là Đảng và Nhà nước quá đểu, một mặt vứt bức tâm thư của GS Ngô vào sọt rác, một mặt lại hồ hởi “ăn theo” thành tích cá nhân của ông. Nhưng anh Luân Nguyễn chưa đúng vì anh ghép chung cái trò này vào việc Viện Toán học ngỏ ý mời giáo sư hợp tác để thúc đẩy nền toán học nước nhà.

Viện Toán học không dính dự gì đến những trò ma mãnh, tráo trở của Đảng và Nhà nước. Viện cần phát triển nâng cao toán học. GS Ngô cũng đã từng tự nguyện về giúp cho Viện dù tiền thù lao vô cùng thảm hại (5 triệu đồng cho 5 tuần làm việc). Đó là những việc rất tốt đẹp với ý hướng rất tốt đẹp.

Về việc nhận Huân chương Hồ Chí Minh hay không, tôi nghĩ GS Ngô sống nhiều năm ở nước ngoài chắc đã biết rõ trường hợp những nhà khoa học ở Liên Xô, Rumania... trước kia có người lỡ nhận huân chương của Stalin hay giải thưởng Ceausescu... thì bây giờ họ đều thấy xấu hổ như thế nào.

Mong GS Ngô Bảo Châu đừng bao giờ nhận một tấm huân chương đểu cáng.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

25.08.2010
[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa nhận huân chương Fields danh giá. Là một công dân Việt Nam, tôi không thể không tự hào về điều đó, vì ít ra, giáo sư Ngô cũng sinh ra và có tuổi thơ ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi biết tin Đảng Cộng sản Việt Nam sắp trao Huân chương Hồ Chí Minh cho giáo sư Ngô, niềm tự hào đó đã biến thành sự xấu hổ ghê gớm... (...)
 
[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Nhưng nếu cuối cùng việc trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo sư Ngô Bảo Châu sẽ diễn ra, thì ta phải hiểu rằng thực chất đây chỉ là việc giành lấy thành tích của nhà toán học về cho Đảng. Đây không phải là thái độ trọng vọng nhân tài. Nếu Ngô Bảo Châu nhận cái Huân chương Hồ Chí Minh hư hão đó, thì uy tín khoa học của ông sẽ bị cái bóng ma của Đảng CSVN làm vấy bẩn suốt đời còn lại... (...)
 
[VINH QUANG & CẠM BẪY CHÍNH TRỊ] ... Tại sao một cậu bé thần đồng toán học lại phải báo cáo thành tích cho một ông lãnh đạo Đảng (mà chính ông ấy lại là một kẻ dốt toán)? Cái thái độ quan liêu dửng dưng của ông lãnh đạo Đảng chứng tỏ rằng Đảng không hề quan tâm đến toán học hay khoa học gì cả. Đảng chỉ quan tâm đến những thành tích mà cậu bé thần đồng đạt được. Cái trò này chỉ là cái trò chực giành lấy thành tích của một cá nhân làm thành tích của Đảng... (...)
 
[VINH QUANG & BÁO CHÍ] ... Không biết Châu biết hút thuốc lá từ hồi nào. Có biết hút thuốc lá, ta mới biết được sự sảng khoái của việc “làm một bi” sau những phút căng thẳng nó ra làm sao. Chúng ta hãy tàm tạm yên lặng nhé, để nhà khoa học của chúng ta được một phút thảnh thơi... (...)
 
20.08.2010
[VINH QUANG & BÁO CHÍ] ... Nước Pháp biểu lộ vừa đủ thái độ trân trọng và văn hoá ứng xử. Nước ta chưa kết thúc ở đấy. Tuổi nhỏ của giáo sư đã bị báo chí ta xới lên. Trang Blog của giáo sư đã bị trưng bày. Sắp tới sẽ là phòng ngủ và toilet... Giáo sư khổ rồi. Với kiểu cách của báo chí Việt Nam, đời tư của ông sẽ không còn là đời tư nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021