tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nguy cơ văn hóa suy đồi ở Việt Nam  [đối thoại]

 

Triệu chứng thiếu lòng tự trọng, xem thường công chúng, sẵn sàng loè bịp công chúng bất cứ giá nào, đang có nguy cơ lan rộng trong đời sống văn hóa của người Việt nam hôm nay. Từ bản thân một ông Chủ tịch nước cho đến một cô ca sĩ nghiệp dư, từ một ông MC văn nghệ cho tới giới “học giả”, triệu chứng này đang liên tục biểu hiện ra đến mức thậm lố bịch.

Thử nêu vài ví dụ gần đây nhất.

- Ngày 5/10/2010, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến dự và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho Tượng đài Thánh Gióng. Tại đó ông Chủ tịch đã diễn thuyết về Thánh Gióng như sau:

“Công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên , một cuộc đời thanh thản...”

 

[Bấm vào hình để xem video clip]

 

- Trước đó, ngày 30/9/2010, trang web của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch Việt Nam quảng bá bài báo “Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa”, hồ hởi khen ngợi cái CD Tình ca 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là một cái CD gồm 10 bài hát về Hà Nội và Sài Gòn được chuyển ngữ sang tiếng Anh sai đến mức ngớ ngẩn tột độ. Chắc chắn không một người nước ngoài nào có thể hiểu nổi đó là ngôn ngữ gì. Nhưng các bài hát này lại được một nhóm ca sĩ Việt Nam trẻ có, già có, thay nhau say sưa “diễn tả” bằng một lối phát âm tiếng Anh ngọng nghịu đầy chỗ sai của những người mới tập nhái tiếng Anh.

- Tối 21/10/2010 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, một màn thậm lố bịch đã diễn ra trong buổi lễ bế mạc Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất. Buổi lễ này có vô số những sự cố xộc xệch, nhưng ê chề nhất là sự kiện Lại Văn Sâm, một MC hàng đầu ở Việt Nam, đã bịa lời dịch tiếng Việt để nhét vào mồm của diễn viên Mĩ gốc Hoa nổi tiếng Ngô Ngạn Tổ.

Trong lịch sử liên hoan điện ảnh quốc tế trên toàn thế giới chưa từng xảy một sự kiện quái dị như vậy và chưa từng có một MC nào hỗn láo đối với khách quốc tế và công chúng trong cả nước đến mức ấy.

 

[Bấm vào hình để xem video clip]

 

Mời độc giả xem bản ghi chép sau đây để tiện theo dõi:

Ngô Ngạn Tổ: “Good evening, ladies and gentlemen. I just want to say what a pleasure and honor it has been for me to take part in the first Vietnam International Film Festival in this beautiful city of Hanoi on its 1000th birthday.” (Xin chào quý bà và quý ông. Tôi chỉ muốn nói thật là một niềm vui sướng và vinh dự cho tôi được tham dự Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam lần thứ nhất tại thành phố Hà Nội xinh đẹp vào dịp sinh nhật thứ 1000 của nó.)

Lại Văn Sâm dịch bịa: “Vâng, Ngô Ngạn Tổ có gửi tới lời chào tới tất cả những người biết anh, hâm mộ anh qua những tiếng reo hò khi anh xuất hiện. Cảm ơn tất cả mọi người đã chào đón anh ở thủ đô Hà Nội, nơi mà anh cũng biết rất nhiều qua báo, đài...”

Ngô Ngạn Tổ: “I think this week has been full of new and interesting challenges for everyone, but what holds true is the passion of film is very much alive here.” (Tôi nghĩ tuần lễ này đã mang đầy những thử thách mới mẻ và thú vị đến với mọi người, nhưng quả thật là niềm đam mê điện ảnh ở đây rất là sống động.)

Lại Văn Sâm dịch bịa: “Và anh ấy cũng rất phấn khởi khi được mời tới dự liên hoan phim quốc tế lần đâu tiên tổ chức tại Việt Nam và anh tin tưởng rằng với đà này thì điện ảnh Việt Nam sẽ có tương lai rất sáng.”

Ngô Ngạn Tổ: “I think the goal of any film festival is not only to bring world cinemas to local audiences but also to bring local cinemas to world audiences, and I think that's certainly been achieved here.” (Tôi nghĩ mục đích của bất kì cuộc liên hoan phim nào đều không chỉ là để mang điện ảnh thế giới đến với khán giản địa phương nhưng cũng là để mang điện ảnh địa phương đến với khán giả thế giới, và tôi nghĩ điều ấy chắc chắn đã đạt được ở đây.)

Trong khi có một giọng nữ bắt đầu dịch được vài chữ, nhưng nói nhỏ tiếng, thì Lại Văn Sâm lại dõng dạc át giọng và dịch bịa: “Và anh ấy nói rằng là ở Hà Nội trong những ngày qua thì anh ấy cũng được chứng kiến những dòng người đổ đến các rạp để xem các phim trình chiếu trong liên hoan phim quốc tế như thế nào.”

Đến đây Lại Văn Sâm vì không hiểu tiếng Anh, nên tưởng Ngô Ngạn Tổ đã phát biểu xong, Lại Văn Sâm bèn nói thêm: “Xin cảm ơn! Xanh kiu vé ri mật! Xanh kiu vé ri mật!” Ngô Ngạn Tổ nghe Lại Văn Sâm nói “Xanh kiu vé ri mếch” nên lịch sự đáp lại “Thank you”, rồi đứng chới với, ngỡ ngàng trước micro.

Thấy vẻ ngỡ ngàng của Ngô Ngạn Tổ và mọi người chung quanh, Lại Văn Sâm mới đoán là Ngô Ngạn Tổ chưa phát biểu xong. Lại Văn Sâm bèn nói tiếng Anh giọng bồi: “À, à đu yu oăn tu xây xăm xinh. Mo? Ô kê, ô kê, iu wen com.” (Tạm hiểu là: “À, à ông muốn nói cái gì. Thêm hả? Ô kê, ô kê, mời ông nói.”)

Ngô Ngạn Tổ: “I just want to say that I wish the best of luck for the future of the Vietnam International Film Festival and I hope that opportunity will come back again. Thank you.” (Tôi chỉ muốn nói rằng tôi cầu chúc sự may mắn tốt đẹp nhất cho tương lai của Liên Hoan Phim Quốc Tế Việt Nam và tôi hi vọng cơ hội ấy sẽ trở lại. Cảm ơn quý vị.)

Lại Văn Sâm hốt hoảng vì không hiểu gì cả. Sau vài giây im lặng, Lại Văn Sâm kêu lên: “Ly ơi! Ly ơi!”

Cô Ly dịch giùm: “Vâng, thưa quý vị! Anh đã chúc cho liên hoan phim một thành công tốt đẹp nhất.”

Lại Văn Sâm hồ hởi nói lớn: “Vâng, cám ơn bạn... Xanh kiu vé ri mật!”

 

*

 

Những sự kiện trên đây không chỉ là những hình ảnh nhếch nhác đáng buồn cười, mà phải được xem như biểu hiện của triệu chứng suy đồi văn hóa, vì nó không chỉ diễn ra một lần, mà nhiều lần liên tục, không chỉ trên bục diễn thuyết, trên sân khấu mà cả trên sách vở, không chỉ bộc lộ từ một thường dân mà cả từ một lãnh tụ. Trong bài viết mới nhất của dịch giả Thiếu Khanh, ông cũng đã chỉ ra một loạt những trò múa may chữ nghĩa nhố nhăng trong giới “học giả”.

Vì sao họ làm thế? Vì vô số lý do. Các “học giả” thì không chịu “học thiệt” mà cứ đua nhau để tiến thân bằng chữ nghĩa. Ông Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thì muốn nhân dân khâm phục mình là một lãnh tụ “uyên bác” nên đã ba hoa diễn thuyết “thánh Gióng lên trời để vui thú điền viên”. Đám ca nhạc sĩ mà đầu tàu là Trần Long Ẩn (Chủ tịch hội Âm nhạc TPHCM) thì muốn ăn theo cơ hội “ngàn năm Thăng Long” nên đã liều lĩnh tung ra cái CD dị hợm ấy. Ông MC Lại Văn Sâm dốt tiếng Anh nhưng muốn công chúng phục tài ngoại ngữ của mình nên đã thẳng cánh bịa ra những lời “dịch” để nhét vào mồm của diễn viên nước ngoài một cách cực kì hỗn láo...

Rốt cuộc thì những trò lố bịch ấy sẽ vĩnh viễn còn lại trên Youtube, trên video, CD, sách báo. Có thể những con người ấy không hề biết xấu hổ, nhưng trước con mắt của thế giới, thì cả đất nước phải chuốc lấy sự xấu hổ.

 

 

----------------

Bài liên hệ:

24.10.2010
... Hiện nay tình trạng dịch và giới thiệu mảng thơ của nền văn học cổ đã cho thấy nhiều bất cập. Nhiều dịch giả dịch mảng thơ này bản thân không phải là nhà thơ, thiếu những kiến thức nhất định về văn học, thậm chí chưa nắm vững ý nghĩa trong văn bản ngôn ngữ nguồn và xuệch xoạc với ngôn ngữ đích... (...)
 
12.09.2010
... Nhưng điều kỳ lạ hơn hết là dịch giả không hiểu chút gì trong nội dung bài thơ Đường luật “tám câu năm vần” rất nổi tiếng này của bà Huyện Thanh Quan. Dịch và giới thiệu ra văn học thế giới một tác phẩm của cổ nhân mà người dịch không có chút hiểu biết mảy may nào cả về hình thức lẫn nội dung của nó là một chuyện thật hiếm có... (...)
 
08.10.2010
[1000 NĂM THĂNG LONG] ... Sự kiện “Đại Lễ Ngàn Năm Thăng Long” khai mạc vào ngày 1/10/2010 (nhằm ngày quốc khách nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung quốc) và kết thúc vào ngày 10/10/2010 (nhằm ngày quốc khánh nước Cộng Hoà Nhân Dân Triều Tiên và nước Trung Hoa Dân Quốc) là một chuỗi vô số những trò nhếch nhác rất ư là hoàng tráng. Đã có quá nhiều người nói về những trò này trong những ngày qua. Hôm nay, gần đến ngày cao trào của “đại lễ”, tôi vào xem internet thì tình cờ phát hiện một sản phẩm văn hóa cực kỳ ngu xuẩn, điên rồ, nhưng rất ư mang “tính quốc tế”. Vậy nên tôi xin tường thuật lại ở đây cho mọi người cùng thưởng lãm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021