tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Góp ý với Chân Phương về Vincent Descombes  [đối thoại]

 

Đọc bài «Về tương lai trí thức Pháp» của Vincent Descombes qua bản dịch của Chân Phương, tôi có cảm giác không thoải mái chút nào. Trước hết, tôi không thấy thoải mái vì những lời giới thiệu và chú thích của Chân Phương.

Ngay ở đoạn giới thiệu, Chân Phương viết: «Để kỷ niệm ba mươi năm có mặt trên diễn đàn, Le Débat — một tạp chí văn hoá-tư tưởng hàng đầu của Paris...»

Le Débat là tạp chí ra hai tháng một lần, do Pierre Nora thành lập vào tháng 5/1980. Nó không phải là một tạp chí «văn hoá-tư tưởng» mà là một tạp chí lịch sử - chính trị - xã hội. Như chính Pierre Nora giải thích:

«Pour qui avait, au début des années 80, le sentiment aigu d'un monde à tous égards nouveau, la tâche était claire: lutter sur deux fronts, contre la réduction médiatique d'un côté, la spécialisation universitaire de l'autre; maintenir un espace de discussion publique; défendre et illustrer un travail intellectuel de réflexion et de critique. Ce travail, nous l'avons distribué autour de trois axes : histoire, politique, société.»

(http://www.gallimard.fr/catalog/Html/revue/deba.htm)

Đã không phải là một tạp chí «văn hoá-tư tưởng», thì không lý do gì mà nó lại là một tạp chí «văn hoá-tư tưởng» hàng đầu!

Chân Phương xem Vincent Descombes «là một tiếng nói phê phán chừng mực nhưng có trọng lượng trong giới triết học Âu-Mỹ hôm nay.» Nhưng Chân Phương không thể chứng minh cho độc giả thấy tiếng nói phê phán của Vincent Descombes có «trọng lượng» ra sao «trong giới triết học Âu-Mỹ hôm nay». Ở phần chú thích về cái «trọng lượng» của Vincent Descombes, Chân Phương viết:

«Là một nhà triết học nghiêm túc, ông đã nêu ý kiến bất mãn trong nhiều trang viết về sự lợi dụng danh nghĩa triết học ở một số đồng nghiệp để lập thuyết nhăng cuội, điển hình là các lý luận “hậu-cấu trúc”. Trong toàn bài nhận định về mô hình trí thức Pháp này Descombes không màng nhắc đến postmodernisme, đó là một cách bày tỏ thái độ mặc nhiên của một người không có cảm tình lắm về việc “xào nấu” tư tưởng Paris ở một số phân khoa nhân văn Hoa Kỳ, chẳng hạn như môn văn học Pháp ở đại học Yale trước đây.»

Vậy hoá ra cái «trọng lượng» của Vincent Descombes chỉ nằm ở chỗ «nêu ý kiến bất mãn» và «không có cảm tình lắm» đối với «một số đồng nghiệp» và «một số phân khoa nhân văn Hoa Kỳ»?

Đặc biệt tôi cảm thấy không thoải mái ở thái độ sùng bái quá dễ dàng của Chân Phương đối với Vincent Descombes. Trong giới trí thức Âu-Mỹ, những sự xung khắc hay bất đồng tư tưởng là chuyện bình thường. Một ông Vincent Descombes «bất mãn» và «không có cảm tình lắm» đối với những ai đó thì không nhất thiết là ông Vincent Descombes phải là đúng và những ai đó phải là sai. Sao lại vội vã cả tin vào ông Vincent Descombes?

Nhưng ông Vincent Descombes là ai? Ngoài những công việc và chức vụ mà Chân Phương đã ghi nhận trong phần chú thích, ông Vincent Descombes còn là một người Marxist và là thành viên của nhóm «Socialisme ou Barbarie». Một người ở thế kỷ này mà còn theo Marxisme, còn mơ màng về chủ nghĩa xã hội như ông Vincent Descombes thì «bất mãn» và «không có cảm tình lắm» đối với tư tưởng post-structuralisme và postmodernisme là chuyện dĩ nhiên.

Trong lãnh vực triết học, ông Vincent Descombes cũng không nghiêm túc lắm đâu. Thử lấy một ví dụ: xin Chân Phương chịu khó đọc bài viết của Tim Crane (Department of Philosophy, University College London) phê bình cuốn La denrée mentale (The Mind’s Provisions: A Critique of Cognitivism) của Vincent Descombes. Trong bài đó, Tim Crane đã vạch ra quá nhiều chỗ sai lầm, thiên lệch, ba lăng nhăng, lè nhè của Vincent Descombes.

(http://web.mac.com/cranetim/Tims_website/Book_reviews_files/Descombes%20review.pdf)

Tương lai trí thức Pháp thế nào thì chưa rõ, nhưng tương lai trí thức Việt Nam sẽ không khá nổi nếu còn nhiều người không tự chữa lành được bệnh sùng bái và cả tin.

 

Léon (Lương) Nguyễn
Paris, 25/12/2010

 

 

----------------

Bài liên quan:

23.12.2010
Về tương lai trí thức Pháp  (tiểu luận / nhận định) - Descombes, Vincent
... Điều mà không ai có thể tiên liệu vào thời đó là tương lai của mô hình trí thức Pháp sẽ không hình thành qua lối kế tục như người ta vẫn nói: trước thì chúng ta có đại văn hào, sau là nhà bác học lớn trong một ngành khoa học đạo đức (sciences morales). Nhưng ngày tàn của nhà bác học có vẻ sắp đến nơi và ai sẽ tiếp nối vị này đây?... [Bản dịch của Chân Phương] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021